HƯỚNG DẪN SOẠN ĐƠN KHỞI KIỆN TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ ĐÚNG QUY ĐỊNH
Trong tố tụng dân sự, đơn khởi kiện là văn bản pháp lý đầu tiên thể hiện ý chí yêu cầu giải quyết tranh chấp của cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan, tổ chức tại Tòa án. Việc soạn thảo đơn khởi kiện đúng quy định không chỉ giúp người khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho Tòa án xem xét và giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, đúng pháp luật. Tuy nhiên, không ít trường hợp người dân thiếu kiến thức pháp luật, dẫn đến việc đơn khởi kiện bị trả lại hoặc gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về nội dung và cách soạn đơn khởi kiện theo Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
I. MẪU ĐƠN KHỞI KIỆN
Hiện nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành mẫu đơn khởi kiện tại Mẫu số 23-DS, kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP. Người khởi kiện có thể tự tải mẫu đơn này từ các cổng thông tin điện tử của Tòa án hoặc trên các trang thông tin chính thống khác. Người khởi kiện cũng có thể liên hệ trực tiếp với tòa án để được hướng dẫn và cung cấp.
II. NỘI DUNG ĐƠN KHỞI KIỆN
Về nội dung trong đơn, theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, đơn khởi kiện cần đảm bảo các nội dung chính sau:
(1) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện
Thời điểm lập đơn đơn khởi kiện là mốc quan trọng để xác định tính kịp thời của việc khởi kiện, đặc biệt khi liên quan đến thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Ví dụ: Theo Điều 429 Bộ luật dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Hết thời hạn này thì người có quyền khởi kiện có thể sẽ mất quyền khởi kiện theo quy định.
Do đó, Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện là thông tin đầu tin bắt buộc phải có.
(2) Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện
Tùy từng loại việc tranh chấp, đối tượng tranh chấp mà pháp luật quy định thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Cụ thể, người khởi kiện cần hiểu đúng quy định về thẩm quyền giải quyết của Tòa án để xác định đúng tòa án có thẩm quyền giải quyết cho mình.
Việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thực hiện theo các quy định tại từ Điều 26 đến Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Ví dụ: Vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất không có yếu tố nước ngoài sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là một trong những cơ sở để Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
(3) Thông tin của người khởi kiện
Thông tin của người khởi kiện cần phải ghi đủ trong đơn bao gồm:
– Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức;
– Số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó.
Lưu ý: Thông tin phải chính xác để Tòa án liên lạc và triệu tập đúng người.
(4) Thông tin của người bị kiện
Thông tin của người bị kiện cần thể hiện rõ trong đơn khởi kiện bao gồm:
– Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức;
– Số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện.
Theo Khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP: Địa chỉ “nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng” của người bị kiện quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 là địa chỉ người bị kiện đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh.
(5) Thông tin của người có quyền và lợi ích được bảo vệ (nếu có)
Nếu tranh chấp có phát sinh người có quyền và lợi ích được bảo vệ thì trong đơn khởi kiện phải có các thông tin của người này bao gồm:
– Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức;
– Số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
(6) Thông tin của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có)
Theo khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Do đó, nếu tranh chấp có phát sinh người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì trong đơn khởi kiện phải có các thông tin của người này bao gồm:
– Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức;
– Số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
– Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
(7) Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có)
Theo Điều 77 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.
Nếu trong tranh chấp có người làm chứng thì người khởi kiện phải thêm họ vào trong đơn bao gồm các thông tin: Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng.
(8) Tóm tắt nội dung tranh chấp
Người khởi kiện cần trình bày rõ ràng các sự kiện, hành vi dẫn đến tranh chấp, thời gian, địa điểm xảy ra tranh chấp, và các hậu quả phát sinh. Ví dụ: Trong tranh chấp hợp đồng xây dựng, cần nêu rõ các giai đoạn thực hiện hợp đồng, vi phạm về chất lượng hoặc tiến độ công trình.
Lưu ý, nội dung đơn này trong khởi kiện phải phản ánh đúng bản chất vụ việc và nhất quán với các chứng cứ đi kèm. Ví dụ: Nếu người khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, thì các chứng cứ kèm theo đơn như hợp đồng, thông báo vi phạm, hoặc hóa đơn, chứng từ chứng minh thiệt hại phải hỗ trợ trực tiếp cho yêu cầu này.
(9) Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Kèm theo Đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Theo Khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm, sau đó bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.
Theo quy định trên, mặc dù Người khởi kiện có thể bổ sung tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ án, nhưng trên thực tế người khởi kiện cần cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm một cách cụ thể và rõ ràng ngay từ đầu khi nộp đơn khởi kiện để Tòa án có đầy đủ căn cứ thụ lý vụ án.
Ví dụ như đối với tranh chấp liên quan đến hợp đồng, người khởi kiện cần lưu ý phải đính kèm hợp đồng và các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc thực hiện hợp đồng giữa các bên như hóa đơn giá trị gia tăng, biên bản giao nhận hàng hóa, biên bản nghiệm thu, đối chiếu công nợ, công văn đề nghị thanh toán, … (nếu có).
Kết luận: Việc soạn đơn khởi kiện đúng theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 là bước đầu tiên và rất quan trọng trong quá trình tố tụng dân sự. Một đơn khởi kiện được chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các bên mà còn thúc đẩy quá trình giải quyết vụ án nhanh chóng, hiệu quả và đúng pháp luật.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …