29

Th2

LÃI SUẤT CHẬM NỘP BẢO HIỂM XÃ HỘI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Hiện nay, tình trạng doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội diễn ra rất nhiều, và hầu như rất ít doanh nghiệp hiểu được rõ mức chế tài khi chậm đóng bảo hiểm xã hội ra sao. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các vấn đề về trường hợp doanh nghiệp bị xử phạt chậm đóng bảo hiểm xã hội, mức phạt và các chế tài khác theo quy định pháp luật.

1. Doanh nghiệp được chậm đóng bảo hiểm xã hội trong bao lâu

Căn cứ theo khoản 2 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên việc chậm đóng này chỉ bị xử lý khi quá thời hạn chậm đóng mà pháp luật cho phép. Cụ thể, căn cứ theo khoản 3 Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

“Điều 122. Xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội

….

3. Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.”

Như vậy, doanh nghiệp được phép chậm đóng bảo hiểm xã hội dưới 30 ngày. Nếu chậm nộp bảo hiểm xã hội từ 30 ngày trở lên sẽ bị xử lý theo quy định kèm thêm số tiền lãi cho Qũy bảo hiểm xã hội do hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội.

2. Mức phạt khi doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội?

Tùy vào mức độ vi phạm mà hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội sẽ bị xử phạt hành chính, cụ thể:

Căn cứ khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với Người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, theo Khoản 10 Điều 39 Nghị định 12/20222/NĐ-CP quy định áp dụng thêm biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội gồm:

– Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội;

– Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng. Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội

Như vậy, cá nhân khi có hành vi chậm đóng BHXH sẽ bị phạt từ 12% đến 15% tổng số tiền đóng BHXH bắt buộc nhưng không quá 75.000.000 đồng. Ngoài ra, còn phải nộp lại số tiền chậm nộp và tiền lãi chậm nộp. Đối với tổ chức, mức phạt sẽ gấp 02 lần cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

3. Lãi suất chậm nộp BHXH mà doanh nghiệp phải chịu

Theo quy định tại Điều 37 Quyết định 595/QĐ-BHXH, đơn vị chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN từ 30 ngày trở lên thì phải đóng số tiền lãi tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN chưa đóng. Công thức tính lãi chậm đóng BHXH bắt buộc được xác định như sau:

Lcđi = Pcđi x k (đồng)            (1)

Trong đó:

– Lcđi: tiền lãi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN tính tại tháng i (đồng).

– Pcđi: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN chậm đóng quá thời hạn phải tính lãi tại tháng i (đồng), được xác định như sau:

Pcđi = Plki – Spsi (đồng)              (2)

Trong đó:

– Plki: tổng số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng lũy kế đến hết tháng trước liền kề tháng tính lãi i (không bao gồm số tiền lãi chậm đóng, lãi truy thu các kỳ trước còn chậm đóng nếu có).

– Spsi: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh chưa quá hạn phải nộp, xác định như sau:

+ Trường hợp đơn vị đóng theo phương thức hằng tháng: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh bằng số tiền phát sinh của tháng trước liền kề tháng tính lãi;

+ Trường hợp đơn vị đóng theo phương thức 03 tháng, 06 tháng một lần: số tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải đóng phát sinh bằng tổng số tiền phải đóng phát sinh của các tháng trước liền kề tháng tính lãi chưa đến hạn phải đóng.

– k: lãi suất tính lãi chậm đóng tại thời điểm tính lãi (%), xác định như sau:

+ Đối với BHXH bắt buộc, BHTN, BHTNLĐ, BNN, k tính bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân năm trước liền kề theo tháng do BHXH Việt Nam công bố.

+ Đối với BHYT, k tính bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng tính theo tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng nhà nước Việt Nam của năm trước liền kề. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng.

Ví dụ: Tính lãi chậm đóng đối với đơn vị đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo phương thức đóng hàng tháng:

Doanh nghiệp B đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo phương thức đóng hàng tháng. Tính đến hết tháng 02/2016 Doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN là 200.000.000 đồng, nợ tiền đóng BHYT là 35.000.000 đồng; trong đó: số tiền phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN phát sinh của tháng 2/2016 là 100.000.000 đồng, số tiền phải đóng BHYT phát sinh của tháng 2/2016 là 20.000.000 đồng. Giả sử mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN bình quân năm 2016 là 6,39%/năm; mức lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là 6,5%/năm, thì lãi suất tính lãi chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT, BHTNLĐ, BNN như sau:

– Lãi suất chậm đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN: kbhxh = 2 x 6,39%/12= 1,0650%

– Lãi suất tính lãi chậm đóng BHYT: kbhyt = 2 x 6,5%/12 = 1,0833%

– Áp dụng công thức trên để tính lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN đối với Doanh nghiệp B tại thời điểm ngày 01/3/2016 như sau:

+ Tiền lãi chậm đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN là 1.065.000 đồng [(200.000.000 đồng – 100.000.000 đồng) x 1,0650%].

_ Tiền lãi chậm đóng BHYT là 162.495 đồng [(35.000.000 đồng – 20.000.000 đồng) x 1,0833].

=> Tổng số tiền lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN phải thu đối với doanh nghiệp M tại thời điểm tháng 3/2016 là 1.227.495 đồng (1.065.000 đồng + 162.495 đồng).

4. Mức lãi suất chậm đóng Bảo hiểm xã hội năm 2024

Căn cứ Thông báo số 80/TB-BHXH ngày 12.01.2024 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông báo về lãi suất đầu tư bình quân và lãi suất liên ngân hàng. Theo đó,  mức lãi suất đầu tư bình quân năm 2023 là 4,36%/năm và mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 09 tháng do Ngân hàng Nhà nước công bố vào ngày 29.12.2023 là 5,90%/năm.

Như vậy, mức lãi suất áp dụng kể từ ngày 01.01.2024 như sau:

Lãi suất tính lãi chậm đóng, truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động là 0,726%/tháng.

Lãi suất chiết khấu đóng cho nhiều năm về sau và lãi gộp đóng nhiều năm còn thiếu bảo hiểm xã hội tự nguyện là 0,363%/tháng.

Lãi suất tính lãi chậm đóng Bảo hiểm y tế là 0,984%/tháng.

 

Xem chi tiết thông báo: Lãi suất tính lãi chậm đóng, truy đóng BHYT, BHXH, BHTN từ năm 2024

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan