24

Th7

NGHĨA VỤ CẤP DƯỠNG NUÔI CON THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT

Trong hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình tại Việt Nam, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con là một trong những nguyên tắc cốt lõi nhằm đảm bảo quyền lợi của con cái sau khi cha mẹ ly hôn hoặc không còn chung sống. Quy định này không chỉ thể hiện trách nhiệm pháp lý mà còn phản ánh giá trị đạo đức, văn hóa của xã hội Việt Nam trong việc bảo vệ trẻ em. Nghĩa vụ cấp dưỡng được xây dựng dựa trên các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, các văn bản hướng dẫn nhằm đảm bảo con cái được nuôi dưỡng đầy đủ về vật chất và tinh thần. Bài viết này sẽ đề cập chi tiết quy định pháp luật hiện hành về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo quy định pháp luật.

1. Cấp dưỡng là gì?

Theo khản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.”

Như vậy có thể hiểu “cấp dưỡng” là trách nhiệm vật chất của một người trong việc hỗ trợ nuôi sống người thân thuộc khi người đó không thể tự bảo đảm cuộc sống cho chính mình. Trách nhiệm này thường phát sinh trong các mối quan hệ gia đình như: giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng sau ly hôn, hoặc giữa các thành viên có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

2. Quy định của pháp luật về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con

Theo khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”

Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng không chỉ phát sinh sau khi cha mẹ ly hôn, mà còn có thể phát sinh trong trường hợp vẫn sống chung với con nhưng người có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Đối tượng được cấp dưỡng bao gồm:

(i) Con chưa thành niên: Theo khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp cha mẹ ly hôn khi con chưa đủ tuổi này, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ chi trả tiền cấp dưỡng cho đến khi con trưởng thành.

(ii) Con đã thành niên nhưng thuộc diện đặc biệt: Cụ thể, đó là những người con đã đủ 18 tuổi nhưng không có khả năng lao động (có thể do bệnh tật, khuyết tật, mất năng lực hành vi dân sự…) và đồng thời không có tài sản để tự lo liệu cuộc sống.

Thực tế, có rất nhiều trường hợp con không có khả năng lao động nhưng vẫn có tài sản để tự nuôi mình. Vậy khi nào thì một người được coi là “không có khả năng lao động” và “không có tài sản để tự nuôi mình”. Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Thực tế hiện nay, việc nhận định “không có khả năng lao động” tùy thuộc vào sự đánh giá của Thẩm phán, Hội đồng xét xử trong từng vụ án cụ thể.

3. Mức cấp dưỡng

Theo Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Ngoài ra, tại Điều 7 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn về nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

Điều 7. Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Hôn nhân và gia đình.

1. Trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng thì Tòa án giải thích cho họ việc yêu cầu cấp dưỡng cho con là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy người trực tiếp nuôi con có khả năng, điều kiện nuôi dưỡng và việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện thì Tòa án không buộc bên kia phải cấp dưỡng cho con.

2. Tiền cấp dưỡng cho con là toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con và do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do Tòa án quyết định nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con.

3. Trường hợp các bên không thỏa thuận được phương thức cấp dưỡng thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng hàng tháng hoặc phương thức khác phù hợp với nhu cầu, lợi ích của con và điều kiện kinh tế của người cấp dưỡng”.

Như vậy mức cấp dưỡng có thể được thỏa thuận giữa người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó. Tức là người không trực tiếp nuôi con có thể thỏa thuận mức cấp dưỡng với con hoặc với người đang trực tiếp nuôi con. Mức cấp dưỡng được xác định căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, nếu các bên không tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Bên cạnh đó, mức cấp dưỡng này cũng có thể thay đổi do thỏa thuận của các bên, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tại khoản 2 Điều 7 của Nghị quyết đã quy định về tiền cấp dưỡng và mức cấp dưỡng nuôi con; tiền cấp dưỡng nuôi con là toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con; mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận, trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định; mức cấp dưỡng do Toà án nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con.

Nghị định số 74/2024/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu như sau:

Vùng Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ)
Vùng I 4.960.000 23.800
Vùng II 4.410.000 21.200
Vùng III 3.860.000 18.600
Vùng IV 3.450.000 16.600

Địa bàn theo vùng cụ thể được quy định tại phụ lục đính kèm theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP

4. Về phương thức cấp dưỡng

Theo điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

5. Thời điểm cấp dưỡng

Theo khoản 4 Điều 7 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP: “4. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình phát sinh kể từ thời điểm cha, mẹ không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”

Như vậy, theo quy định trên, nghĩa vụ cấp dưỡng có thể được tính từ thời điểm cha, mẹ không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con hoặc tính từ thời điểm theo thỏa thuận của các bên.

6. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng

Căn cứ Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau:

(i) Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động và có tài sản để tự nuôi mình

Ví dụ: Con trai của anh H tròn 19 tuổi, đã có việc làm ổn định với thu nhập hàng tháng, đồng thời có một tài khoản tiết kiệm đứng tên. Trong trường hợp này, anh H có quyền đề nghị chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng vì con đã tự lo được cuộc sống.

(ii) Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi.

Khi người con được người khác nhận làm con nuôi và thực hiện thủ tục theo đúng quy định pháp luật, nghĩa vụ cấp dưỡng của cha/mẹ ruột chấm dứt vì quan hệ nuôi dưỡng đã được chuyển giao hợp pháp cho người nhận nuôi.

(iii) Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng

(iv) Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết

Khi một trong hai bên qua đời, quan hệ cấp dưỡng đương nhiên chấm dứt vì không thể tiếp tục thực hiện được nghĩa vụ tài chính hoặc quyền được nhận cấp dưỡng.

(v) Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn

Trường hợp này không áp dụng cho nghĩa vụ cấp dưỡng đối với con, mà chỉ áp dụng với cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau ly hôn. Khi người được cấp dưỡng tái hôn, nghĩa vụ giữa vợ/chồng cũ sẽ chấm dứt.

(vi) Trường hợp khác theo quy định của luật.

7. Chế tài đối với hành vi không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của cha, mẹ sau ly hôn

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng con sau khi ly hôn thì sẽ xử phạt vi phạm hành chính như sau:

– Bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

– Bị buộc tiếp tục thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, căn cứ khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, cha, mẹ  có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng cho con mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ, làm cho con lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:

– Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm;

– Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan