NGHĨA VỤ CHỊU ÁN PHÍ KHI TÒA ÁN CÔNG NHẬN SỰ THỎA THUẬN CỦA CÁC ĐƯƠNG SỰ
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Thẩm phán phải tiến hành hòa giải trong giai đoạn chuẩn bị xét xử để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án (trừ những vụ án dân sự không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được). Vậy trong trường hợp các đương sự đã thỏa thuận được với nhau đối với vụ việc đang tranh chấp thì có phải chịu án phí không? và nghĩa vụ chịu án phí trong trường hợp này được quy định như thế nào?
I. ÁN PHÍ LÀ GÌ?
Án phí dân sự là khoản tiền mà đương sự trong vụ án có nghĩa vụ phải nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của Tòa án. Các đương sự phải chịu mức án phí theo quy định của pháp luật đối với từng loại vụ việc, trên cơ sở quan hệ pháp luật Tòa án giải quyết.
II. PHÂN LOẠI ÁN PHÍ?
Căn cứ vào từng loại vụ án
Theo quy định của điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 326, án phí dân sự gồm có các loại án phí giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Ngoài ra, án phí dân sự còn được tính trong trường hợp Tòa án giải quyết cả phần dân sự trong vụ án hình sự (khoản 1 Điều 21 Nghị quyết số 326). Mức án phí Tòa án được quy định tại Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326.
Căn cứ vào giá ngạch
Án phí dân sự chia thành án phí dân sự có giá ngạch và án phí dân sự không giá ngạch. Khoản 2 và 3 Điều 24 Nghị quyết số 326 quy định như sau:
– Vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể.
Ví dụ như: Tranh chấp về ly hôn, tranh chấp về cấp dưỡng nuôi con, tranh chấp về đòi tài sản cho mượn, cho ở nhờ; tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án không xem xét giá trị, chỉ xem xét quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất; trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và đều không có yêu cầu gì khác…
– Vụ án dân sự có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự là một số tiền hoặc là tài sản có thể xác định được bằng một số tiền cụ thể.
Ví dụ, tranh chấp về các loại hợp đồng, tranh chấp về chia tài sản chung, tranh chấp về chia thừa kế, tranh chấp về bồi thường thiệt hại tài sản, tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và tranh chấp về quyền sử dụng đất mà Tòa án phải xác định giá trị của tài sản hoặc xác định quyền sở hữu quyền sử dụng đất theo phần, tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, một bên yêu cầu trả lại tiền, đặt cọc và phạt cọc, một bên chấp nhận trả số tiền cọc đã nhận và không chấp nhận phạt cọc…
Như vậy, điểm khác biệt giữa vụ án dân sự có giá ngạch và vụ án dân sự không có giá ngạch là trong vụ án dân sự có giá ngạch thì yêu cầu của đương sự là tiền, còn trong vụ án dân sự không có giá ngạch thì đương sự không có yêu cầu là tiền.
Theo trình tự giải quyết vụ án
Án phí dân sự gồm án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 24 Nghị quyết số 326.
III. NGHĨA VỤ CHỊU ÁN PHÍ KHI TÒA ÁN CÔNG NHẬN SỰ THỎA THUẬN CỦA CÁC ĐƯƠNG SỰ
1. Về Thủ tục Hòa giải
Bộ luật Tố tụng dân sư quy định, Thẩm phán phải tiến hành hòa giải trong giai đoạn chuẩn bị xét xử để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án (trừ những vụ án dân sự không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được), theo đó:
a) Những vụ án không được hoà giải (khoản 1 Điều 181 BLTTDS) gồm:
– Vụ án dân sự yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước do có hành vi trái pháp luật của người gây thiệt hại như: hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, huỷ hoại, cố ý làm hư hỏng tài sản Nhà nước…
– Những trường hợp có liên quan đến tài sản của Nhà nước nhưng vẫn tiến hành hoà giải được. Ví dụ Ngân hàng cho nông dân vay vốn để sản xuất, do điều kiện khách quan nên đã bị thua lỗ, người nông dân không trả được tiền vay và lãi cho ngân hàng. Trong trường hợp có tranh chấp về hợp đồng vay tài sản, Toà án vẫn có thể tiến hành hoà giải để Ngân hàng giảm lãi suất cho người vay tài sản.
– Vụ án dân sự phát sinh từ giao dịch trái pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội
b) Những vụ án không tiến hành hoà giải được, gồm:
– Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
– Đương sự không thể tham gia hoà giải được vì có lý do chính đáng.
– Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
2. Về nghĩa vụ chịu án phí
Theo quy định tại khoản 3 Điều 147 của BLTTDS năm 2015 thì “trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 26 của Nghị quyết số 326 thì: “7. Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.
Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 3 Điều 320 của Bộ luật tố tụng dân sự thì các đương sự phải chịu 50% án phí giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn”
Như vậy, nếu trước khi mở phiên Toàn mà các đương sự đã thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì các bên đương sự trong vụ án chỉ chịu 50% mức án phí sơ thẩm để giải quyết vụ án. Tại phiên tòa mà các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì vẫn phải chịu toàn bộ án phí cho việc xét xử vụ án đó. Nếu tại phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn thì các đương sự chỉ chịu 50% án phí giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.
Hiện nay, chưa có quy định hoặc bất cứ nguyên tắc nào quy định rõ tỷ lệ chịu các phí của các bên trong trường hợp này. Tuy nhiên, có thể hiểu, pháp luật sẽ tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự trước. Do đó, các bên có thể tự thỏa thuận bên nào chịu nhiều hơn hoặc một bên chịu tất cả phần án phí này. Nếu không thỏa thuận được thì mỗi bên sẽ chịu ½ án phải nộp theo quy định.
Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý: Trong vụ án có người không phải chịu án phí hoặc được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định (Khoản 9 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH). Tức, nếu các đương sự thỏa thuận một bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp mà bên chịu toàn bộ án phí hoặc một phần số tiền án phí phải nộp thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí thì Tòa án chỉ xem xét miễn án phí đối với phần mà người thuộc trường hợp được miễn phải chịu theo quy định, của Nghị quyết này. Phần án phí, lệ phí Tòa án mà người đó nhận nộp thay người khác thì không được miễn nộp.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …