16

Th6

NGƯỜI BỊ TÌNH NGHI CÓ QUYỀN MỜI LUẬT SƯ KHI BỊ TRIỆU TẬP

Trong thực tế, rất nhiều người gặp trường hợp bị Công an triệu tập, mời lên làm việc và thường mang tâm lý chung là rất lo lắng và hoảng sợ. Tuy nhiên, không phải hầu hết mọi trường hợp bị mời lên làm việc thì đều là người thực hiện hành vi phạm tội. Mặc dù vậy, nhưng trong trường hợp này nhiều người vẫn không biết phải làm như thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Theo dõi bài viết sau đây của Luật 3S để hiểu rõ hơn cũng như có sự chuẩn bị trước khi gặp phải tình huống trên nhé!

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật tố tụng hình sự 2015;

– Thông tư 46/2019/TT-BCA Quy định trách nhiệm của lực lượng công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

 

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Triệu tập là gì?

Triệu tập theo BLTTHS 2015 thì đây là một hoạt động trong tố tụng hình sự. Theo đó, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ triệu tập người tham gia tố tụng của vụ án hình sự tới trụ sở để cung cấp thông tin liên quan nhằm thu thập thông tin, tài liệu, xác minh vụ việc phục vụ cho quá trình tố tụng hình sự được diễn ra thuận lợi.

Việc triệu tập người dân phải có lý do chính đáng, được thực hiện theo đúng thủ tục quy định. Theo đó phải có “Giấy triệu tập” từ cơ quan có thẩm quyền. Giấy triệu tập phải có đầy đủ nội dung, hình thức theo quy định pháp luật.

2. Giấy triệu tập được gửi cho ai?

Theo quy định tại BLTTHS 2015 thì khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ bắt buộc đối với các đối tượng sau:

– Bị can: Là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Bị can phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (điểm khoản 3 Điều 61 BLTTHS 2015).

– Bị cáo: Là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử, Bị cáo phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án (điểm a khoản 3 Điều 61).

– Bị hại: Là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (điểm a khoản 4 Điều 62).

– Nguyên đơn dân sự: Là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (khoản 3 Điều 63).

– Bị đơn dân sự: Là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bị đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (điểm a khoản 3 Điều 64).

– Người làm chứng: Là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng và phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (khoản 4 Điều 66).

– Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố:  phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố; Có mặt theo giấy triệu tập của Điều tra viên (Điểm d khoản 1 Điều 37; khoản 2 Điều 57 BLTTHS 2015)

– Ngoài ra, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, Người giám định, Người định giá tài sản, Người phiên dịch, người dịch thuật cũng đều có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 68,69,70 BLTTHS 2015).

3. Ai có thẩm quyền triệu tập?

Căn cứ theo quy định của BLTTHS 2015 thì, những người sau đây có quyền triệu tập, cụ thể:

Điều tra viên: có quyền triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự (điểm d khoản 1 Điều 37 BLTTHS 2015);

Kiểm sát viên: Có quyền Kiểm sát viên Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, người làm chứng, bị hại, đương sự; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (Điểm g khoản 2 Điều 42 BLTTHS 2015)

Cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra: có quyền Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai bị hại, đương sự; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố; triệu tập và lấy lời khai người làm chứng; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Triệu tập và lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đương sự (Điểm đ khoản 2, điểm d khoản 3 BLTTHS 2015);

Cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra: Có quyền triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người làm chứng, bị hại, đương sự (Điểm d khoản 2 Điều 40 BLTTHS 2015);

Thẩm phán: Có quyền quyết định triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa (Điểm g khoản 2 Điều 45 BLTTHS 2015)

4. Phân biệt Giấy mời và Giấy triệu tập

Trong thực tế có nhiều trường hợp, các cơ quan có thẩm quyền tố tụng sẽ gửi giấy mời thay vì giấy triệu tập. Vậy hai loại văn bản này khác nhau như thế nào?

Giấy mời được hiểu là loại giấy thông thường được sử dụng trong những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hay Tòa án) nói chung mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc.

Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự. Do đó, chỉ Điều tra viên (cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác trong công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra), Kiểm sát viên và Thẩm phán là có thẩm quyền ký và sử dụng giấy này, kho có quyết định khởi tố vụ án

Về bản chất, hai loại văn bản này đều nhằm mục đích kêu gọi các bên liên quan, người bị tình nghi trong vụ án đến cơ quan có thẩm quyền thực hiện làm rõ nội dung vụ việc, phục vụ cho quá trình điều tra.

Về tính bắt buộc, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được “giấy mời” của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan công an nói riêng thì bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu. Theo đó, giấy mời làm việc không tạo ra nghĩa vụ buộc người dân phải có mặt làm việc nếu họ không phải là người tham gia tố tụng, thực tế người dân khi nhận được giấy mời có thể đến hoặc không đến. Tuy nhiên, trên tinh thần hợp tác, thì người dân cần có mặt để làm việc làm rõ vụ việc. Nếu trong trường hợp không thể đến theo đúng thời gian ghi trong giấy mời thì người dân có thể làm đơn từ chối có nêu lý do vắng mặt rồi gửi đến cơ quan công an. Sau đó, người dân có thể đến cơ quan công an trong thời gian sớm nhất để hợp tác làm rõ vụ việc. Còn đối với Giấy triệu tập thì Người nhận được giấy triệu tập bắt buộc phải có mặt.

 

III. NGƯỜI BỊ TÌNH NGHI KHI BỊ TRIỆU TẬP PHẢI LÀM SAO?

Căn cứ theo điểm d, khoản 1, Điều 37 BLTTHS 2015, điều tra viên có quyền “Triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân; lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, bị hại, đương sự”.

Như vậy, trong giai đoạn tiền tố tụng, người bị tình nghi khi bị triệu tập thường là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố theo quy định của BLTTHS 2015. Theo đó, khi nhận được giấy triệu tập, người bị tình nghi cần lưu ý những việc như sau:

Thứ nhất, Người bị triệu tập cần chấp hành theo Giấy triệu tập.

Theo quy định thì khi nhận được giấy triệu tập của công an, hay cơ quan điều tra thì người dân phải có trách nhiệm chấp hành và đến trình diện tại cơ quan điều tra để phối hợp làm rõ vụ án.

Người bị triệu tập nên đọc kỹ nội dung xem giấy triệu tập đã cung cấp đầy đủ các thông tin như: Thời gian, địa điểm, lý do triệu tập, triệu tập về việc gì hay liên quan đến vụ án gì, nếu không đầy đủ thì có quyền yêu cầu cơ quan triệu tập bổ sung thông tin hoặc giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Trường hợp không thể đến phải thông báo rõ lý do cho cơ quan Công an biết.

Cần lưu ý một điều rằng, thực tế có không ít trường hợp vì nhiều lý do mà khi nhận được giấy triệu tập của công an, rất nhiều người lại không đến. Theo đó, tùy vào một số trường hợp cụ thể như vai trò của người bị triệu tập trong vụ án mà người bị triệu tập có thể bị áp giải hoặc dẫn giải hoặc truy nã. Theo đó, đối với Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố thì trong trường hợp mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể áp dụng dẫn giải (Điểm c khoản 2 Điều 127 BLTTHS 2015);

Thứ hai, người bị triệu tập có quyền mời Luật sư để đảm bảo quyền và lợi ích của mình

BLTTHS quy định Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền “Tự bảo vệ hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình” (Khoản 1 Điều 57 BLTTHS 2015). Trong đó, căn cứ Điều 83 BLTTHS 2015 thì Luật sư chính là một trong những người có vai trò bảo vệ quyền và lợi ích của người dân khi họ đang là người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố.

Ngoài ra, Người bị tố giác, Người bị kiến nghị có thể mời Luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích của mình ngay trong lần đầu tiên được triệu tập, cụ thể:

Theo Điều 7 Thông tư số 46/2019/TT-BCA, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền tham gia tố tụng khi có quyết định phân công giải quyết tố giác, kiến nghị khởi tố của cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, Điều 8 Thông tư này cũng quy định, “Trong lần đầu tiên lấy lời khai bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải giải thích quyền, nghĩa vụ của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và hỏi họ xem có nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hay không, phải ghi ý kiến của họ vào biên bản.”

Lưu ý: Sau khi được mời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, thì Luật sư cần phải thực hiện thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố để tham gia tố tụng. Cụ thể, Luật sư phải xuất trình Thẻ Luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy nhờ Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố căn cứ theo Điều 9 Thông tư trên.

Thứ ba, Người bị triệu tập có quyền từ chối làm việc khi bị triệu tập

Hiện nay, BLTTHS chỉ quy định người dân bắt buộc phải làm việc với cơ quan công an khi là người tham gia tố tụng (bị can, bị cáo, người bị tố giác, nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…) trong một vụ án đã được khởi tố. Không có điều luật nào quy định người dân phải chấp hành giấy mời hay giấy triệu tập của cơ quan công an vì các lý do không liên quan đến một vụ án đã được khởi tố.

Theo đó, người dân có quyền từ chối làm việc với cơ quan điều tra trong những trường hợp sau:

– Cơ quan điều tra yêu cầu sự hợp tác của người dân mà không có giấy triệu tập đúng quy định của pháp luật.

– Nội dung làm việc không được ghi trong giấy triệu tập.

– Trường hợp bắt giữ, cưỡng chế trái với quy định phạm luật, xâm phạm quyền con người được quy định trong hiến pháp.

Trong những trường hợp trên, người dân có quyền từ chối làm việc với cơ quan công an. Hành vi từ chối này không vi phạm quy định của pháp luật mà đó là cách bảo vệ quyền con người quyền con người, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân. Tuy nhiên, khi nhận được Giấy triệu tập đúng quy định, thì người dân cần phải tuân thủ, tránh trường hợp cố tình gây khó dễ, chống đối cơ quan điều tra, khi đó, người dân có thể bị áp dụng biện pháp cưỡng chế như là: dẫn giải

 

IV. VAI TRÒ CỦA LUẬT SƯ TRONG GIAI ĐOẠN BỊ TRIỆU TẬP

Luật sư là những người có am hiểu pháp luật và đóng vai trò rất quan trọng trong bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tình nghi. Cụ thể:

Thứ nhất, Luật sư sẽ giúp người bị tình nghi ổn định tâm lý vì đa phần nhiều người tình nghi khi bị triệu tập đều rơi vào trạng thái lo lắng, không biết nên trả lời cơ quan điều tra như thế nào. Trong quá trình này, Luật sư sẽ động viên tinh thần, giải thích quyền và nghĩa vụ để người bị tình nghi cảm thấy yên tâm khi hiểu được quyền lợi của mình đến đâu. Các quyền đó bao gồm quyền Hiến định (quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, dùng nhục hình…) và các quyền tố tụng, đặc biệt là quyền im lặng – tức không buộc phải khai báo những thông tin bất lợi đối với bản thân.

Thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp người bị triệu tập là bị can, bị cáo đã không sử dụng quyền này, dẫn tới việc bị bức cung, dùng nhục hình để khai ra những lời khai bất lợi cho chính bản thân mình. Do đó, việc mời luật sư tham gia ngay từ những giai đoạn đầu tiên của quá trình tố tụng hình sự, tức là ngay sau khi nhận được giấy triệu tập là vô cùng quan trọng để giảm thiểu tối đa tỉ lệ xảy ra án oan sai. Mặt khác, việc có một người thứ hai đi cùng cũng khiến cho tâm lý của người bị triệu tập cảm thấy tự tin hơn trong quá trình làm việc với cơ quan công an. Bởi vốn dĩ, tâm lý của những người bị triệu tập thường rất hoang mang, lo lắng vì tự cho là đang ở thế yếu hơn so với cơ quan chức năng.

Thứ hai, Luật sư có vai trò làm rõ nhận thức của người bị tình nghi đối với hành vi của mình. Nếu họ có tội, Luật sư phải đưa ra lời khuyên, giúp họ nhận biết được tội của mình và đối diện với nó bằng việc chủ động hợp tác với cơ quan điều tra. Luật sư cần nêu rõ hậu quả pháp lý có thể xảy ra và giải thích việc chủ động hợp tác với cơ quan điều tra sẽ giúp người có tội được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS – tình tiết thành khẩn khai báo.

Thứ ba, Luật sư với kinh nghiệm của mình sẽ giải thích các câu hỏi của cơ quan điều tra để người bị tình nghi trả lời trọng tâm vấn đề, trên cơ sở đúng sự thật khách quan, không gây bất lợi cho mình nhưng cũng không gây cản trở cho hoạt động của cơ quan điều tra.

Thứ tư, tình trạng oan sai xảy ra không ít, vì vậy, việc Luật sư có mặt tại các buổi làm việc với cơ quan điều tra sẽ đảm bảo tính khách quan trong giải quyết vụ án, đảm bảo các cơ quan thực hiện đúng nhiệm vụ, chức năng của mình, tránh tình trạng mớm cung, bức cung, ép người bị tình nghi khai không đúng sự thật… Nếu phát hiện sai phạm, Luật sư có quyền kiến nghị, yêu cầu dừng những hành vi trái pháp luật, tố cáo hành vi vi phạm đến người có thẩm quyền giải quyết để bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho thân chủ.

Thứ năm, thực tế cho thấy, không ít trường hợp cơ quan điều tra, điều tra viên lợi dụng chức vụ quyền hạn mà có những sai phạm như triệu tập người bị tình nghi không hợp lệ (không có giấy triệu tập, giấy triệu tập không có chữ ký của Thủ trưởng cơ quan điều tra… mà chỉ gọi điện cho người bị tình nghi, yêu cầu đến làm việc tại cơ quan công an), đe dọa người bị tình nghi, ép buộc họ phải đưa tiền để giải quyết nhanh vụ việc…  Trong trường hợp đó để quyền lợi của người bị tình nghi không bị xâm phạm, luật sư là người nắm rõ quy định pháp luật sẽ là bên yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền cung cấp giấy triệu tập hợp lệ. Nếu không có giấy tờ triệu tập hợp lệ thì người bị tình nghi có quyền từ chối đến cơ quan công an làm việc.

Như vậy, với những vai trò trên, có thể thấy  Luật sư nên tham gia tố tụng ở giai đoạn càng sớm thì càng có lợi đối với người bị tình nghi. Và sự có mặt của Luật sư sẽ có thể trợ giúp về mặt pháp lý đồng thời đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người bị tình nghi, cũng như có thể giúp họ nhận thức đúng đắn về hành vi của mình.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan