Những vấn đề liên quan đến thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi
Người dưới 18 tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương, nên cần có sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của gia đình và xã hội. Vì vậy, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội luôn được pháp luật chú trọng, chủ yếu nhằm giáo dục, cải tạo người phạm tội nhận ra những sai lầm khuyết điểm và làm sao để có điều kiện tốt nhất để hòa nhập với cộng đồng. Vậy, pháp luật về thi hành án phạt tù đối với người dưới 18 tuổi đã quy định những gì? Sau đây là những vấn đề liên quan đến việc thi hành án phạt tù đối với người dưới 18 tuổi.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ luật hình sự 2015;
– Bộ luật tố tụng hình sự 2015;
– Luật thi hành án hình sự 2019;
II. NGUYÊN TẮC XỬ LÝ NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI PHẠM TỘI
Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
1. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội căn cứ vào độ tuổi và khả năng nhận thức về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân, điều kiện gây ra tội phạm.
2. Người dưới 18 tuổi phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ và tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự;
+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251, 252 của Bộ luật Hình sự;
+ Người dưới 18 tuổi là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.
3. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào nhân thân người phạm tội, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
4. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt với người dưới 18 tuổi nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp giám sát hoặc giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
5. Không phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi.
6. Tòa án chỉ áp dụng phạt tù có thời hạn với người dưới 18 tuổi khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa.
7. Khi phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng với người từ đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất.
8. Không áp dụng hình phạt bổ sung với người dưới 18 tuổi phạm tội.
9. Án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, có thể thấy, pháp luật về hình sự luôn đặt cho đối tượng phạm tội là người dưới 18 tuổi nhiều sự khoan hồng hơn những đối tượng khác. Điều này nhằm muốn cho các em cơ hội cải tạo và giáo dục lại các em để các em có thể sớm tái hòa nhập với cộng đồng, làm lại cuộc đời.
III. CÁC HÌNH PHẠT ĐƯỢC ÁP DỤNG VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI
Theo pháp luật hình sự, chỉ được áp dụng 01 trong 04 hình phạt sau đây đối với người dưới 18 tuổi phạm tội:
(1) Cảnh cáo
(2) Phạt tiền
Theo Điều 99 Bộ luật Hình sự, phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng.
Mức tiền phạt đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi không quá 1/2 mức tiền phạt mà điều luật quy định.
(3) Cải tạo không giam giữ
Căn cứ Điều 100 Bộ luật Hình sự (được sửa đổi bởi khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), cải tạo không giam giữ là hình phạt được áp dụng đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý hoặc phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng hoặc người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng.
Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì không khấu trừ thu nhập của người đó.
Thời hạn cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội không quá 1/2 thời hạn mà điều luật quy định.
(4) Tù có thời hạn
Điều 101 Bộ luật Hình sự quy định mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định như sau:
– Đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi:
+ Nếu áp dụng điều luật quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù;
+ Nếu là tù có thời hạn thì hình mức phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.
– Đối với người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi:
+ Nếu áp dụng điều luật quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù;
+ Nếu là tù có thời hạn thì mức phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định.
Có thể thấy, theo các quy định nêu trên thì các hình phạt được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bao gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn. Người dưới 18 tuổi phạm tội sẽ không phải chịu các mức hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình
IV. QUY ĐỊNH VỀ THI HÀNH ÁN PHẠT TÙ ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI
1. Về Chế độ quản lý, giáo dục, học văn hóa, học nghề, lao động
Điều 74 Luật thi hành án hình sự 2019 quy định về chế độ quản lý, giáo dục, học văn hóa, học nghề, lao động như sau:
1. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được giam giữ theo chế độ riêng phù hợp với sức khỏe, giới tính và đặc điểm nhân thân.
2. Trại giam có trách nhiệm giáo dục phạm nhân là người dưới 18 tuổi về văn hóa, pháp luật và dạy nghề phù hợp với độ tuổi, học vấn, giới tính và sức khỏe, chuẩn bị điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù. Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở. Giáo dục tiểu học là bắt buộc đối với phạm nhân chưa học xong chương trình tiểu học.
Chương trình, nội dung học tập, học nghề của phạm nhân dưới 18 tuổi do Chính phủ quy định.
3. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được lao động ở khu vực riêng và phù hợp với độ tuổi; không phải làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.
2. Chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và vui chơi giải trí
Đối với chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và vui chơi giải trí, Luật thi hành án hình sự 2019 tại Điều 75 quy định như sau:
1. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng ăn và được chăm sóc y tế như phạm nhân là người từ đủ 18 tuổi trở lên và được tăng thêm thịt, cá nhưng không quá 20% so với định lượng.
2. Ngoài tiêu chuẩn mặc và tư trang như phạm nhân là người đủ 18 tuổi trở lên, mỗi năm phạm nhân là người dưới 18 tuổi được cấp thêm quần áo theo mẫu thống nhất và đồ dùng cá nhân khác theo quy định.
3. Thời gian và hình thức tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, nghe đài, đọc sách, báo, xem truyền hình và các hình thức vui chơi giải trí khác phù hợp với đặc điểm của người dưới 18 tuổi.
3. Đối với chế độ gặp, liên lạc điện thoại với thân nhân
Điều 76 Luật thi hành án hình sự 2019 quy định về chế độ gặp, liên lạc điện thoại với thân nhân dành cho phạm nhân dưới 18 tuổi như sau:
1. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân không quá 03 lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 03 giờ. Căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án, yêu cầu giáo dục cải tạo, thành tích lao động, học tập của phạm nhân, Giám thị trại giam quyết định kéo dài thời gian gặp nhưng không quá 24 giờ.
Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được khen thưởng thì được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng.
2. Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được liên lạc bằng điện thoại trong nước với thân nhân không quá 04 lần trong 01 tháng, mỗi lần không quá 10 phút, có sự giám sát của cán bộ trại giam và tự chịu chi phí.
3. Nhà nước khuyến khích thân nhân của phạm nhân là người dưới 18 tuổi quan tâm gửi sách vở, đồ dùng học tập, dụng cụ thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí cho phạm nhân.
V. THA TÙ TRƯỚC THỜI HẠN CÓ ĐIỀU KIỆN VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI
Căn cứ Điều 66 Bộ luật Hình sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), Điều 4 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP, người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện sau đây:
(1) Phạm tội lần đầu;
Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Trước đó chưa phạm tội lần nào;
b) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự;
c) Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;
d) Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích.
(2) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt;
Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt thể hiện ở việc chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động cải tạo và phải có đủ kỳ xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự, cụ thể:
– Người đang chấp hành án phạt tù trên 15 năm đến 20 năm phải có ít nhất 12 quý liên tục liền kề thời điểm xét, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên.
– Người đang chấp hành án phạt tù trên 10 năm đến 15 năm phải có ít nhất 08 quý liên tục liền kề thời điểm xét, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên.
– Người đang chấp hành án phạt tù trên 05 năm đến 10 năm phải có ít nhất 06 quý liên tục liền kề thời điểm xét, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên.
– Người đang chấp hành án phạt tù trên 03 năm đến 05 năm phải có ít nhất 04 quý liên tục liền kề thời điểm xét, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên.
– Người đang chấp hành án phạt tù từ 03 năm trở xuống phải có ít nhất 02 quý liên tục liền kề thời điểm xét, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên.
Ví dụ: Nguyễn Văn A bị kết án 14 năm. Tính đến ngày 31 tháng 3 năm 2018, A đã chấp hành án được 07 năm tù. Để đủ điều kiện xét tha tù trước thời hạn có điều kiện (trong Quý I/2018), thì Nguyễn Văn A phải được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên của 08 quý liên tục liền kề như sau: Quý I/2018; Quý I, II, III, IV/2017; Quý II, III, IV/2016.
(3) Có nơi cư trú rõ ràng;
Nơi cư trú là nơi tạm trú hoặc thường trú theo quy định của Luật Cư trú mà người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được tha tù.
(4) Đã chấp hành được ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn
(5) Không thuộc một trong các trường hợp phạm tội xâm phạm an ninh Quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh…theo khoản 2 Điều 66 Bộ luật hình sự 2015
VI. RÚT NGẮN THỜI GIAN THỬ THÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐƯỢC THA TÙ TRƯỚC THỜI HẠN CÓ ĐIỀU KIỆN
Biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phép người đang chấp hành án phạt tù được trả tự do sớm những vẫn chịu sự kiểm soát thông qua việc bị buộc tuân thủ một số điều kiện thử thách trong khoảng thời gian nhất định. Nếu trong thời gian thử thách mà người đó vi phạm các điều kiện đặt ra thì họ buộc phải chấp hành thời hạn còn lại của hình phạt tù.
Có thể hiểu, thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn là khoảng thời gian luật định để thử thách người bị tha tù trước thời hạn, là khoảng thời gian chứng tỏ sự tự cải tạo của mình trong điều kiện không bị cách ly khỏi đời sống xã hội.
Người dưới 18 tuổi được tha tù trước thời hạn được rút ngắn thời gian thử thách khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách;
b) Có nhiều tiến bộ trong thời gian thử thách.
Lưu ý:
– Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện mỗi năm có thể được rút ngắn thời gian thử thách 01 lần từ 03 tháng đến 02 năm. Trường hợp thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện còn lại dưới 03 tháng thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.
– Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể được rút ngắn thời gian thử thách nhiều lần, nhưng phải bảo đảm thực tế đã chấp hành ít nhất ba phần tư thời gian thử thách,
– Đối với trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện là người dưới 18 tuổi khi có đủ điều kiện nêu trên thì Tòa án có thể rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.
(Điều 64 Luật thi hành án hình sự 2019)
VII. XÓA ÁN TÍCH ĐỐI VỚI NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI
Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật hình sự 2015, Người dưới 18 tuổi bị kết án được coi là không có án tích, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi;
b) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;
c) Người bị áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại Mục 3 Chương VII Bộ luật hình sự 2015.
Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đương nhiên được xóa án tích nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 06 tháng trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 01 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 02 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm.”.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …