10

Th10

NHỮNG VIỆC CẦN LÀM KHI CHUYỂN NHƯỢNG VỐN TRONG CÔNG TY TRÁCH NHIỆM HỮU HẠN

Chuyển nhượng vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn là một trong những hoạt động quan trọng và phổ biến trong quá trình vận hành doanh nghiệp. Việc thực hiện chuyển nhượng vốn không chỉ cần tuân thủ các quy định pháp luật mà còn đảm bảo lợi ích cho cả bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng. Dưới đây là những việc cơ bản mà doanh nghiệp và các thành viên góp vốn cần lưu ý khi chuyển nhượng vốn trong công ty trách nhiệm hữu hạn, mời các bạn cùng theo dõi.

1. Lập hợp đồng chuyển nhượng vốn

Hợp đồng chuyển nhượng vốn là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình chuyển nhượng. Đây là văn bản pháp lý ghi nhận sự thỏa thuận giữa bên chuyển nhượng (người bán phần vốn góp) và bên nhận chuyển nhượng (người mua phần vốn góp) về việc chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn góp của bên chuyển nhượng trong công ty.

Để đảm bảo tính pháp lý và giảm thiểu rủi ro, hợp đồng chuyển nhượng vốn cần phải bao gồm các nội dung cơ bản sau:

– Thông tin về bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng.

– Phần vốn góp chuyển nhượng và giá chuyển nhượng. Trong nhiều trường hợp, giá trị chuyển nhượng có thể khác với giá trị ghi nhận trên sổ sách của doanh nghiệp, và việc này cần được nêu rõ trong hợp đồng để tránh tranh chấp.

– Các điều khoản về thanh toán và thời điểm chuyển nhượng có hiệu lực.

Ngoài ra, hợp đồng chuyển nhượng cần có sự thỏa thuận rõ ràng về quyền lợi, trách nhiệm và các biện pháp bảo vệ quyền lợi trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Một hợp đồng chuyển nhượng vốn rõ ràng và đầy đủ các điều khoản pháp lý sẽ giúp quá trình chuyển nhượng diễn ra suôn sẻ, tránh những rủi ro pháp lý và tranh chấp không đáng có.

2. Cấp Giấy chứng nhận góp vốn và cập nhật Sổ đăng ký thành viên (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên)

Sau khi hợp đồng chuyển nhượng có hiệu lực, công ty cần thực hiện các thủ tục nội bộ như cấp Giấy chứng nhận góp vốn mới cho thành viên nhận chuyển nhượng và cập nhật Sổ đăng ký thành viên của công ty, cụ thể:

(i) Đối với giấy chứng nhận phần vốn góp:

Luật Doanh nghiệp 2020 quy định rõ: Tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp. [1]

Giấy chứng nhận phần vốn góp phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: [2]

a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

b) Vốn điều lệ của công ty;

c) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức;

d) Phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp của thành viên;

đ) Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;

e) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.

Trường hợp giấy chứng nhận phần vốn góp bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác, thành viên được công ty cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều lệ công ty. [3]

Như vậy có thể thấy, Giấy chứng nhận góp vốn là tài liệu chứng nhận một thành viên trong công ty TNHH đã hoàn tất việc góp vốn vào công ty. Giấy chứng nhận góp vốn sẽ thể hiện rõ ràng tỷ lệ sở hữu vốn góp của thành viên trong công ty, từ đó xác định quyền biểu quyết, quyền hưởng lợi nhuận và các quyền khác liên quan đến các hoạt động quản lý và điều hành doanh nghiệp. Cũng như, trong trường hợp phát sinh tranh chấp hoặc khi chuyển nhượng vốn góp, giấy chứng nhận góp vốn là căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của thành viên trong công ty.

Do đó thành viên cần lưu ý về vấn đề cấp giấy chứng nhận phần vốn góp này khi nhận chuyển nhượng vốn trong công ty TNHH Hai thành viên trở lên

(ii) Đối với sổ đăng ký thành viên:

Sổ đăng ký thành viên là tài liệu nội bộ của công ty TNHH hai thành viên trở lên, ghi nhận danh sách tất cả các thành viên và các thông tin liên quan đến phần vốn góp của mỗi thành viên. Việc cập nhật thông tin trong Sổ đăng ký thành viên là yêu cầu bắt buộc sau mỗi giao dịch chuyển nhượng vốn góp hoặc thay đổi thành viên.

Theo đó Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Sổ đăng ký thành viên như sau: [4]

(i) Công ty phải lập sổ đăng ký thành viên ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sổ đăng ký thành viên có thể là văn bản giấy, tập hợp dữ liệu điện tử ghi nhận thông tin sở hữu phần vốn góp của các thành viên công ty.

(ii) Sổ đăng ký thành viên phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;

b) Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức;

c) Phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp đã góp, thời điểm góp vốn, loại tài sản góp vốn, số lượng, giá trị của từng loại tài sản góp vốn của từng thành viên;

d) Chữ ký của thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật của thành viên là tổ chức;

đ) Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của từng thành viên.

(iii) Công ty phải cập nhật kịp thời thay đổi thành viên trong sổ đăng ký thành viên theo yêu cầu của thành viên có liên quan theo quy định tại Điều lệ công ty.

(iv) Sổ đăng ký thành viên được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty.

Như vậy, sổ đăng ký thành viên là tài liệu bắt buộc phải lập là được lưu trữ tại công ty.  Trong đó, Sổ đăng ký thành viên cũng là căn cứ để xác nhận quyền sở hữu phần vốn góp, tham gia vào các cuộc họp và biểu quyết, hoặc chia lợi nhuận trong công ty của các thành viên. Việc cập nhật đầy đủ và chính xác thông tin về việc chuyển nhượng của thành viên công ty trong Sổ đăng ký thành viên giúp duy trì sự minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, cũng như tránh được những tranh chấp nội bộ về quyền sở hữu phần vốn góp giữa các thành viên phát sinh trong quá trình hoạt động của Doanh nghiệp.

3. Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp

Đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là thủ tục bắt buộc khi có sự thay đổi về thông tin của công ty, đặc biệt là trong trường hợp chuyển nhượng vốn góp.

(i) Đối với công ty TNHH một thành viên

– Trường hợp chủ sở hữu chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho cá nhân, tổ chức khác thì Công ty phải thực hiện thủ tục thay đổi chủ sở hữu đến cơ quan đăng ký kinh doanh để ghi nhận tư cách chủ sở hữu mới của công ty.

– Trường hợp chủ sở hữu chỉ chuyển nhượng một phần vốn góp của mình cho cá nhân, tổ chức khác thì tùy và số lượng thành viên, nhu cầu của các bên mà các bên sẽ phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (Chuyển đổi sang công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc Công ty cổ phần nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật).

(ii) Đối với công ty TNHH Hai thành viên trở lên

Theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020, khi công ty TNHH hai thành viên trở lên có sự thay đổi về vốn góp hoặc thay đổi thành viên do chuyển nhượng vốn, công ty phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể, các trường hợp phải đăng ký bao gồm:

– Thay đổi thành viên góp vốn: Trong trường hợp chuyển nhượng vốn, khi có sự thay đổi về số lượng thành viên của công ty (thành viên chuyển nhượng ra khỏi công ty và thành viên nhận chuyển nhượng trở thành thành viên mới), công ty phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi.

– Thay đổi tỷ lệ vốn góp: Trong trường hợp không có thành viên mới nhưng chỉ có sự thay đổi về tỷ lệ vốn góp giữa các thành viên hiện tại, công ty cũng cần phải cập nhật nội dung này với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Lưu ý: Thời gian thực hiện thủ tục thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là 10 ngày kể từ ngày có phát sinh thay đổi. Trường hợp Doanh nghiệp chậm trễ trong thủ tục này có thể dẫn đến xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 122/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

4. Kê khai và nộp thuế theo quy định

Khi thực hiện giao dịch chuyển nhượng vốn trong công ty TNHH, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng có thể phải thực hiện nghĩa vụ thuế liên quan đến thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tùy thuộc vào đối tượng tham gia giao dịch (là cá nhân hay pháp nhân).

(i) Đối với cá nhân chuyển nhượng vốn:

Theo quy định, Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên) của cá nhân là thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân [5]

Cách tính thuế TNCN đối với cá nhân chuyển nhượng vốn như sau: [6]

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế × Thuế suất 20%

Trong đó:

– Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn góp = Giá chuyển nhượng – Giá mua phần vốn góp – Các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

– Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn;

– Giá mua của phần vốn chuyển nhượng là trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn;

– Các chi phí hợp lý liên quan bao gồm chi phí hợp lý thực tế phát sinh liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn, có hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định như Chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng; Các khoản phí và lệ phí người chuyển nhượng nộp ngân sách khi làm thủ tục chuyển nhượng.

Lưu ý: Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế. [7]

 (ii) Đối với Doanh nghiệp chuyển nhượng vốn:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 78/2014/TT-BTC: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp là thu nhập có được từ chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn của doanh nghiệp đã đầu tư cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân khác (bao gồm cả trường hợp bán doanh nghiệp).

Ví dụ: Công ty cổ phần A góp vốn vào công ty TNHH B với số vốn góp là 2 tỷ đồng tương ứng 40% tổng số vốn điều lệ của công ty TNHH B. Sau đó, công ty cổ phần chuyển nhượng toàn bộ 40% phần vốn góp này cho bên thứ ba. Như vậy, thu nhập mà công ty cổ phần A nhận được từ bên thứ ba được xem là thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Thông tư 78/2014/TT-BTC, thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng vốn được xác định theo công thức sau:

Thu nhập tính thuế   = Giá chuyển nhượng – Giá mua của phần vốn chuyển nhượng          – Chi phí liên quan x thuế suất 20%

Trong đó:

– Giá chuyển nhượng: Là giá mà doanh nghiệp chuyển nhượng vốn nhận được từ bên mua vốn.

– Giá vốn: Là giá trị mà doanh nghiệp đã đầu tư ban đầu vào phần vốn góp.

– Các chi phí liên quan: Bao gồm các khoản chi phí liên quan đến việc thực hiện chuyển nhượng vốn, như chi phí tư vấn pháp lý, phí công chứng, và các chi phí khác.

Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế. [8]

 

Cơ sở pháp lý

[1] Khoản 5 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020;

[2] Khoản 6 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020;

[3] Khoản 7 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020;

[4] Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2020;

[5] Khoản 4, Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC

[6] Khoản 1, Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC

[7] Theo Khoản 3 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019

[8] Theo Khoản 3 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan