QUAN HỆ NHÂN THÂN, TÀI SẢN KHI VỢ, CHỒNG BỊ TUYÊN BỐ LÀ ĐÃ CHẾT MÀ TRỞ VỀ
Khi một người có đủ căn cứ để tuyên bố là đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tòa án sẽ tuyên bố người đó là đã chết. Lúc này, các quan hệ về tài sản và quan hệ về nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. Vậy trong trường hợp, một người bị tuyên bố chết nhưng sau đó trở về và Tòa án đã hủy quyết định tuyên bố người đó là đã chết thì các vấn đề về tài sản và nhân thân của người này được giải quyết thế nào, đặc biệt là đối với quan hệ tài sản và nhân thân của vợ chồng. Mời các bạn cùng theo dõi vấn đề này thông qua bài viết dưới đây nhé.
1. Trường hợp nào một người bị tuyên bố là đã chết
Căn cứ quy định tại Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 thì Tòa án xem xét ra quyết định tuyên bố một người là đã chết nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây khi có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan:
Một là, sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
Hai là, biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
Ba là, bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
Bốn là, biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Căn cứ vào các trường hợp nêu trên, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người đã chết bao gồm các đối tượng như: Người có quan hệ hôn nhân, gia đình với người bị tuyên bố chết (Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi…); Người có quan hệ thừa kế với người bị tuyên bố chết (Người cùng hàng thừa kế của người này, người thừa kế của người bị tuyên bố chết…)
2. Hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người đã chết
Thứ nhất, về quan hệ nhân thân: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 72 BLDS 2015, khi quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết.
Theo quy định tại Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thời điểm chấm dứt hôn nhân như sau: “Hôn nhân chấm dứt kể từ thời điểm vợ hoặc chồng chết. Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.”
Như vậy, kể từ thời điểm Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết thì mặc nhiên quan hệ hôn nhân sẽ chấm dứt được xác định kể từ ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.
Thứ hai, về quan hệ về tài sản: Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 72 BLDS 2015, quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Theo quy định tại Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như sau:
(1) Khi một bên vợ, chồng bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.
(2) Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
(3) Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.
(4) Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định tại các mục (1), (2) và (3) nêu trên, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.
3. Huỷ bỏ quyết định tuyên bố chết
Căn cứ theo Điều 73 BLDS 2015, khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết. Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Về hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ quyết định tuyên bố một người đã chết:
Thứ nhất, quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết được khôi phục khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết, trừ trường hợp:
a) Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được Tòa án cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 68 của BLDS 2015 thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật;
b) Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật.
Thứ hai, Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.
Trường hợp người thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết biết người này còn sống mà cố tình giấu giếm nhằm hưởng thừa kế thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Thứ ba, quan hệ tài sản giữa vợ và chồng được giải quyết theo quy định của BLDS, Luật hôn nhân và gia đình.
4. Quan hệ nhân thân, tài sản khi vợ, chồng bị tuyên bố là đã chết mà trở về
Theo quy định tại Điều 67 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì quan hệ nhân thân, tài sản khi vợ, chồng bị tuyên bố là đã chết mà trở về được quy định cụ thể như sau:
Một là, khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ tuyên bố một người là đã chết mà vợ hoặc chồng của người đó chưa kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được khôi phục kể từ thời điểm kết hôn.
Trong trường hợp có quyết định cho ly hôn của Tòa án theo quy định tại khoản 2 Điều 56 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật.
Trong trường hợp vợ, chồng của người đó đã kết hôn với người khác thì quan hệ hôn nhân được xác lập sau có hiệu lực pháp luật.
Hai là, về quan hệ tài sản của người bị tuyên bố là đã chết trở về với người vợ hoặc chồng được giải quyết như sau:
– Trong trường hợp hôn nhân được khôi phục thì quan hệ tài sản được khôi phục kể từ thời điểm quyết định của Tòa án hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực. Tài sản do vợ, chồng có được kể từ thời điểm quyết định của Tòa án về việc tuyên bố chồng, vợ là đã chết có hiệu lực đến khi quyết định hủy bỏ tuyên bố chồng, vợ đã chết có hiệu lực là tài sản riêng của người đó;
– Trong trường hợp hôn nhân không được khôi phục thì tài sản có được trước khi quyết định của Tòa án về việc tuyên bố vợ, chồng là đã chết có hiệu lực mà chưa chia được giải quyết như chia tài sản khi ly hôn.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …