Quy định pháp luật về Thử việc theo Bộ Luật Lao động hiện hành
Bộ Luật lao động 2019 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021 đã có những quy định khác biệt so với Bộ luật lao động trước đây, một trong những nội dung có sự thay đổi đáng kể đó là vấn đề thử việc. Vậy những điểm mới đáng chú ý đó là gì, mời quý bạn đọc theo dõi bài viết sau:
I.CỞ SỞ PHÁP LÝ
Bộ Luật lao động 2019
II.QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ THỬ VIỆC
Thử việc là gì?
Thử việc được xem là một hình thức thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, thông qua đó người sử dụng lao động có thể đánh giá xem người lao động có năng lực phù hợp với công việc và môi trường làm việc không để đi đến quyết định có ký hay không ký hợp đồng lao động. Các quy định về thời gian, tiền lương, quyền và nghĩa vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
1.Có thể thỏa thuận và ghi nội dung thử việc trong hợp đồng lao động
Tại Điều 24 Bộ Luật lao động 2019 quy định như sau:
“. Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.
2.Nội dung chủ yếu của hợp đồng thử việc gồm thời gian thử việc và nội dung quy định tại các điểm a, b, c, đ, g và h khoản 1 Điều 21 của Bộ luật này.
3.Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.”
Theo quy định trên, chúng ta có thể hiểu kể từ năm 2021 trở đi thì người sử dụng lao động và người lao động có thể linh hoạt hơn về việc thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp động lao động trong khi Bộ Luật lao động 2012 không quy định về vấn đề này. Thông qua đó, những quy định mới này đã ngày một phù hợp hơn với thực tế hiện nay khi nhiều doanh nghiệp đã thực hiện việc lồng ghép nội dung thử việc vào nội dung hợp đồng lao động.
2.Không áp dụng thử việc đối với Người lao động giao kết hợp động lao động dưới 01 tháng
Tại khoản 3 Điều 24 Bộ Luật lao động 2019 có quy định:
“3. Không áp dụng thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.”
Với vấn đề này, Bộ Luật lao động 2012 quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc. Điểm mới này của Bộ Luật lao động 2019 là phù hợp bởi: Thứ nhất, theo quy định hiện nay thì đã không còn quy định về loại hợp đồng lao động mùa vụ nữa vậy nên không thể đề cập đến loại hợp đồng này trong thử việc được. Thứ hai, như phân tích ở trên việc thử việc được xem là quá trình người sử dụng đánh giá năng lực của người lao động xem có đáp ứng được yêu cầu công việc cũng như môi trường làm việc hay không, còn đối với những hợp đồng có thời hạn dưới 1 tháng thì xuất phát từ đặc tính công việc đơn giản, không đòi hỏi trình độ cao vậy nên việc thử việc trong những trường hợp này là không cần thiết.
3.Kéo dài thời gian thử việc
Điều 25 Bộ Luật lao động 2019 quy định về thời gian thử việc như sau:
“Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây:
1.Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;
2.Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;
3.Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;
4.Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.”
Điểm mới này cụ thể như sau, thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và thời gian tối đa là 180 ngày so với Bộ Luật lao động 2012 chỉ cho phép tối đa là 60 ngày. Thời gian thử việc tối đa 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, quy định như vậy được xem là hoàn toàn hợp lý khi công việc theo chức danh này đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn cũng như kiến thức và cả khả năng lãnh đạo.
4.Khi kết thúc thời gian thử việc
Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động biết theo quy định tại Điều 27 như sau:
“1. Khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết đối với trường hợp thỏa thuận thử việc trong hợp đồng lao động hoặc phải giao kết hợp đồng lao động đối với trường hợp giao kết hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
2.Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.”
So với Bộ Luật lao động 2012 quy định rằng, khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Còn đối với quy định hiện hành hiện nay, đã bổ sung thêm rằng người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động nên khi kết thúc thời gian thử việc mà đạt yêu cầu thì tiếp tục hợp đồng lao động đó còn không đạt thì chấm dứt hợp đồng lao động, quy định giúp các bên không phải tiến hành giao kết hợp đồng lao động mới, mà sẽ tiếp tục hưởng các quyền và nghĩa vụ đã giao kết.
Trên đây là ý kiến tư vấn sơ bộ của Luật 3S dựa trên quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm tư vấn. Để được tư vấn chi tiết, giải quyết cho từng trường hợp cụ thể, quý khách hàng vui lòng gọi hotline: 0363.38.34.38 hoặc gửi email: info.luat3s@gmail.com để được Luật sư tư vấn chi tiết.