22

Th8

QUY ĐỊNH VỀ THỤ LÝ, GIẢI QUYẾT VỤ ÁN TAI NẠN GIAO THÔNG

Tai nạn giao thông luôn là nỗi kinh hoàng, là vấn nạn nhức nhối đối với toàn xã hội. Nó không chỉ gây tổn hại về thể chất, về vật chất mà còn để lại tổn thất về tinh thần lâu dài cho bản thân con người tham gia giao thông cũng như gia đình họ. Để giảm thiểu tai nạn giao thông, phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp. Trong đó, việc điều tra, xử lý nhanh nghiêm minh các vụ án liên quan tới tai nạn giao thông, đặc biệt là những vụ án đối với tội phạm về giao thông đường bộ là một giải pháp quan trọng.

 

1. TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN TAI NẠN GIAO THÔNG

Ngày 19/06/2020, Bộ Công an ban hành Thông tư số 63/2020/TT-BCA quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông (Thông tư số 63), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, theo đó:

Đối với  tai nạn giao thông không có dấu hiệu phạm tội

Theo Điều 18 Thông tư 63/2020/TT-BCA thì thời hạn để điều tra, xác minh và giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ được quy định như sau:

– Nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông thì Cảnh sát giao thông phải tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết trong thời hạn 07 ngày;

– Trường hợp vụ tai nạn giao thông có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh thêm thì có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông;

– Trường hợp phải thông qua giám định chuyên môn hoặc cần phải có thêm thời gian để xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ thì người có thẩm quyền phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

– Khi kết thúc thời hạn điều tra, xác minh thì lực lượng Cảnh sát giao thông phải ra Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông và tiến hành xử lý theo quy định pháp luật hành chính.

Theo đó, Điều 19 thông tư này quy định, căn cứ vào hồ sơ, tài liệu của hoạt động điều tra, xác minh, cán bộ Cảnh sát giao thông báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền để giải quyết vụ tai nạn giao thông như sau:

1. Mời các bên liên quan hoặc đại diện hợp pháp của họ đến trụ sở đơn vị để thông báo kết quả điều tra, xác minh (kết luận nguyên nhân, diễn biến vụ tai nạn giao thông, xác định lỗi của những người có liên quan trong vụ tai nạn giao thông và hình thức xử lý vi phạm hành chính), đồng thời lập Biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông theo mẫu số 15/TNĐB ban hành theo Thông tư này. Lập Biên bản vi phạm hành chính (nếu có) theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

Nếu một trong các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông vắng mặt có lý do chính đáng, thì phải lập biên bản ghi nhận việc vắng mặt và hẹn thời gian đến giải quyết.

2. Báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu có).

3. Cho các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông tự giải quyết bồi thường thiệt hại dân sự tại trụ sở cơ quan, đơn vị.

Trường hợp các bên liên quan trong vụ tai nạn giao thông không tự thỏa thuận giải quyết bồi thường thiệt hại dân sự thì phải lập biên bản, đồng thời hướng dẫn các bên liên hệ với Tòa án có thẩm quyền để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

4. Sau khi hoàn thành việc điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông, cán bộ Cảnh sát giao thông thụ lý hoàn chỉnh hồ sơ và báo cáo lãnh đạo đơn vị kết thúc việc điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông; thực hiện chế độ thống kê, báo cáo tai nạn giao thông đường bộ, lưu hồ sơ theo quy định của Bộ Công an và pháp luật có liên quan.

5. Đối với vụ tai nạn giao thông do Cơ quan điều tra thụ lý, giải quyết nhưng sau đó lại có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nhưng hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính nên chuyển hồ sơ, tài liệu, tang vật, phương tiện cho cơ quan, đơn vị Cảnh sát giao thông để xử lý vi phạm hành chính thì cán bộ Cảnh sát giao thông được giao tiếp nhận thụ lý báo cáo người có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại Điều 63 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và thực hiện quy định tại khoản 1, 2, 3 và khoản 4 Điều này.

6. Kết thúc việc điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông, nếu cơ quan, đơn vị thụ lý vụ tai nạn giao thông phát hiện những tồn tại, bất cập, thiếu sót trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, việc quản lý người điều khiển phương tiện, quản lý phương tiện thì có văn bản kiến nghị với cơ quan quản lý, ngành chủ quản để có biện pháp khắc phục.

Đối với tai nạn giao thông có dấu hiệu phạm tội

Việc giải quyết vụ tai nạn giao thông đường bộ mà có phát hiện dấu hiệu tội phạm thì cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện một số hoạt động điều tra được quy định tại Điều 20 Thông tư 63/2020/TT-BCA như sau:

– Quá trình thực hiện việc điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cán bộ được phân công điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông báo cáo Cục trưởng và cán bộ được phân công điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh báo cáo Trưởng phòng để Cục trưởng, Trưởng phòng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn điều tra theo Điều 38 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và Điều 40 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

 

2. TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ TRONG VỤ ÁN TAI NẠN GIAO THÔNG

Căn cứ vào Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định cụ thể như sau:

– Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

+ Làm chết người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

+ Không có giấy phép lái xe theo quy định;

+ Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

+ Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

+ Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

+ Làm chết 02 người;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:

+ Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

– Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

+ Làm chết 03 người trở lên;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

+ Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

– Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

– Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

2. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI ĐỐI VỚI VỤ ÁN TAI NẠN GIAO THÔNG

Trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, ngoài việc phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc hình sự thì bên có lỗi còn phải chịu trách nhiệm dân sự hay còn gọi là trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng theo quy định của BLDS năm 2015.

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại (BTTH)

Việc BTTH ngoài hợp đồng phải được thực hiện theo năm nguyên tắc được quy định tại BLDS bao gồm:

– Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

– Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

– Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

– Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Về các khoản bồi thường:

Mức bồi thường do các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu không thỏa thuận được thì chủ thể có trách nhiệm bồi thường phải bồi thường cho chủ thể bị thiệt hại theo pháp luật đối với các thiệt hại:

(a) Thiệt hại về tài sản

Điều 589 BLDS 2015 quy định, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.

(b) Thiệt hại về sức khỏe

Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

– Thiệt hại khác do luật quy định.

(c) Thiệt về tính mạng

Các khoản bồi thường do tính mạng bị xâm phạm theo Điều 591 BLDS 2015 bao gồm:

– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

– Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

– Thiệt hại khác do luật quy định.

(d) Mức tổn thất về tinh thần

BLDS 2015 quy định, người chịu trách nhiệm bồi thường còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về mặt tinh thần do xâm phạm sức khỏe hoặc tính mạng người khác, mức bồi thường này sẽ do các bên thỏa thuận, trường hợp không thỏa thuận được thì phải bồi thường theo quy định của BLDS 2015 như sau:

– Mức bồi thường cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.

– Đối với múc bồi thường do tính mạng bị xâm phạm: Mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Mức bồi thường này sẽ bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của những người bị thiệt hại. Nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.

 

4. VƯỚNG MẮC TRONG THỤ LÝ, GIẢI QUYẾT CÁC VỤ VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Có thể thấy, Thông tư số 63/2020/TT-BCA quy định khá chi tiết về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án giao thông đường bộ còn gặp một số vướng mắc trong việc áp dụng giữa quy định của BLTTHS 2015 và Thông tư này, cụ thể:

Theo khoản 5 Điều 5; khoản 4 Điều 6; khoản 7 Điều 7 và khoản 1, 2  Điều 9 Thông tư số 63 thì trường hợp nếu phát hiện vụ tai nạn giao thông có một trong các dấu hiệu về hậu quả như: Có người chết tại hiện trường; chết trên đường đi cấp cứu; đang cấp cứu mà chết; có người bị thương dập, nát, đứt, rời tay, chân, bị mù hai mắt; vỡ nền sọ; có từ 03 người bị thương gãy tay, chân trở lên hoặc có căn cứ thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì Cảnh sát giao thông Công an cấp huyện báo cáo Trưởng Công an cấp huyện phân công Cảnh sát điều tra tiếp nhận điều tra, giải quyết theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS). Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn giao thông, cán bộ Cảnh sát giao thông được phân công điều tra, xác minh phải thường xuyên kiểm tra thông tin về tình trạng tổn thương cơ thể, đánh giá sơ bộ thiệt hại về tài sản, báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị chỉ đạo phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông để đảm bảo việc giải quyết theo đúng quy định của Thông tư này và pháp luật có liên quan.

Như vậy, đối với các vụ tai nạn giao thông không do Cơ quan điều tra tiếp nhận, điều tra từ ban đầu mà do lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp nhận, điều tra, giải quyết theo thủ tục hành chính nhưng sau đó mới phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển cho Cơ quan điều tra tiếp nhận, điều tra, giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự. Trong trường hợp này, Cơ quan điều tra (CQĐT) phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên, cùng Điều tra viên khám nghiệm hiện trường theo quy định của BLTTHS.

Tuy nhiên, trong thực tế, các vụ tai nạn giao thông như va chạm hoặc không có thương tích nặng, hoặc ban đầu xảy ra chưa xác định được có người chết hay không hoặc ba người bị thương trở lên hoặc trị giá thiệt hại về tài sản dưới 100 triệu đồng thì thuộc trường hợp giải quyết của Cảnh sát giao thông, không thuộc thẩm quyền giải quyết của CQĐT. Do đó, Cảnh sát giao thông sẽ trực tiếp tiến hành khám nghiệm hiện trường và thụ lý giải quyết. Điều này dẫn đến khi cảnh sát giao thông thụ lý giải quyết và xác định vụ án thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra, sau đó chuyển hồ sơ về cho cơ quan điều tra tiếp tục xử lý. Lúc này, trong hồ sơ có các tài liệu về khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, giám định chuyên môn (giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể người bị nạn, định giá thiệt hại về tài sản, giám định dấu vết; giám định chuyên môn kỹ thuật phương tiện, cầu, đường, phà) được thực hiện theo thủ tục hành chính  tức là không có sự tham gia của Điều tra viên, Kiểm sát viên.

Theo quy định của BLTTHS, khi khám nghiệm hiện trường Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm để phát hiện dấu vết của tội phạm, thu giữ vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử khác liên quan và làm sáng tỏ những tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm tiến hành khám nghiệm để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Như vậy, khi cảnh sát giao thông thực hiện khám nghiệm hiện trường mà không có Điều tra viên và Kiểm sát viên tham gia thì biên bản khám nghiệm hiện trường không có giá trị pháp lý để đưa vào thủ tục tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm.

Thực tiễn cũng đã cho thấy, phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra ban đầu không có người chết mà chỉ bị thương tích và thiệt hại về tài sản, nhưng chưa xác định được thương tích là bao nhiêu phần trăm và tài sản bị thiệt hại, muốn xác định được tỉ lệ thương tích, thiệt hại về tài sản thì phải trưng cầu giám định thương tích và yêu cầu cơ quan định giá tài sản, mới có cơ sở để xem xét có dấu hiệu tội phạm xảy ra hay không. Do đó, nhiều trường hợp, sau khi hết thời hạn 07 ngày người bị hại chết hoặc có kết luận giám định bị tổn hại 01 người từ 61% sức khỏe trở lên hoặc 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61 % sức khỏe trở lên hoặc có kết luận định giá tài sản bị thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên, có dấu hiệu về tội phạm. Khi đó, các tài liệu điều tra, xác minh ban đầu đều không được thực hiện đúng trình tự, thủ tục tại Chương VI “Chứng minh và chứng cứ” và Chương XIV “Khám nghiệm hiện trường” của BLTTHS năm 2015 và điểm a, khoản 7 Điều 7 Thông tư 63/2020/TT-BCA như biên bản khám nghiệm hiện trường không có Điều tra viên và Kiểm sát viên tham gia nên không có giá trị pháp lý.

Tóm lại, theo quy định của BLTTHS thì muốn xác định được tỉ lệ thương tích và thiệt hại về tài sản thì CQĐT phải thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, từ đó mới có căn cứ để ra quyết định trưng cầu giám định để xác định tỉ lệ thương tích (khoản 4 Điều 206) và yêu cầu cơ quan chuyên môn xác định giá trị thiệt hại về tài sản. Do đó, khi thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về các hành vi vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ theo đúng quy trình của BLTTHS, thì các quy định của Thông tư số 63 là chưa phù hợp.

 

Tham khảo

– tapchitoaan.vn

– vienkiemsat.nghean.gov.vn

– vkstuyenquang.gov.vn

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan