TẠM NGỪNG PHIÊN TÒA TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ
Trong quá trình tố tụng tại Tòa án để giải quyết vụ án dân sự, sau giai đoạn chuẩn bị xét xử, nếu đáp ứng đủ các điều kiện luật định thì phiên tòa sẽ được mở ra để tiến hành xét xử (phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm). Có thể nói, phiên tòa xét xử là bước tố tụng quan trọng nhất trong giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án. Tuy nhiên, tại phiên tòa này có thể phát sinh một số trường hợp làm việc xét xử không thể tiếp tục hoặc nếu tiếp tục thì có khả năng sẽ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc làm việc giải quyết vụ án không thể khách quan, công bằng. Do đó, pháp luật tố tụng dân sự quy định về tạm ngừng phiên tòa trong một số trường hợp nhất định. Hãy cùng theo dõi bài viết sau để hiểu rõ quy định về tạm ngừng phiên tòa trong tố tụng dân sự như thế nào nhé!
1. KHÁI QUÁT VỀ TẠM DỪNG PHIÊN TÒA
Tạm ngừng phiên tòa là gì?
Trong quy định của pháp luật Tố tụng dân sự thì không có quy định cụ thể về khái niệm tạm ngừng phiên tòa mà chỉ đưa ra các căn cứ để Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa. Tuy nhiên, có thể hiểu đơn giản, tạm ngừng phiên tòa là việc phiên tòa không tiếp tục các hoạt động tố tụng trong một thời hạn nhất định khi có các căn cứ do pháp luật tố tụng dân sự quy định.
Căn cứ tạm ngừng phiên tòa
Khoản 1 Điều 259 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Trong quá trình xét xử Hội đồng xét xử có quyền quyết định tạm ngừng phiên tòa khi có một trong 6 căn cứ sau:
Thứ nhất, do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng.
Những người tiến hành tố tụng vắng mặt phải tạm ngừng phiên tòa là trường hợp những người bắt buộc phải có mặt tại phiên tòa như: thành viên Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, luật sư hoặc vắng mặt những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người làm chứng mà trong quá trình xét xử xét thấy lời khai của họ quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tính xác thực của vụ án thì Tòa án có thể tạm ngừng phiên tòa. Hoặc vắng mặt thư ký Tòa án tại phiên tòa.
Thứ hai, do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tham gia tố tụng không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, trừ trường hợp người tham gia tố tụng có yêu cầu xét xử vắng mặt.
Một số lý trường hợp như vì tình trạng sức khỏe hay sự kiện bất khả kháng có thể như: ốm, bị trở ngại về giao thông (như: đường xá bị ngập lụt, hư hỏng, có người thân trong gia đình phải cấp cứu, hoặc chết,…) Luật không quy định rõ những trường hợp nào có lý do chính đáng, do đó, Hội đồng xét xử có quyền nhận định đối với mỗi trường hợp cụ thể.
Thứ ba, cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.
Thứ tư, chờ kết quả giám định bổ sung, giám định lại.
Thứ năm, các đương sự thống nhất đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để họ tự hòa giải.
Thứ sáu, cần phải báo cáo Chánh án Tòa án để đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 221 BLTTDS 2015.
Thời hạn tạm ngừng phiên tòa
Thời hạn tạm ngừng phiên tòa là không quá 01 tháng, kể từ ngày Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa. Hết thời hạn này, nếu lý do để ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa; nếu lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Hội đồng xét xử phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa (khoản 2 Điều 259 BLTTDS 2015). Việc tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm cũng được thực hiện theo quy định trên (Điều 304 BLTTDS 2015). Khi không còn lý do tạm ngừng phiên tòa, vụ án tiếp tục được xét xử và việc xét xử này là sự tiếp nối quá trình tố tụng của phiên tòa đã mở trước khi tạm ngừng.
Có thể thấy, quy định về tạm ngừng phiên tòa nhằm hạn chế việc Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà nhiều lần, gây khó khăn, kéo dài trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, đồng thời quy định này còn hạn chế tình trạng bản án, quyết định giải quyết án của Tòa án cấp sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm xử huỷ, sửa án.
2. MỘT SỐ VƯỚNG MẮT, BẤT CẬP TRONG ÁP DỤNG QUY ĐỊNH TẠM NGỪNG PHIÊN TÒA
Tạm ngừng phiên tòa là quy định mới của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 so với Bộ luật Tố tụng dân sự 2004. Tuy nhiên, thực tế áp dụng quy định này còn một số bất cập chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự, những người tham gia tố tụng khác, cụ thể như:
Trong các căn cứ tạm ngừng phiên tòa
Một là, trường hợp tạm ngừng phiên tòa theo điểm a khoản 1 Điều 259: “Do tình trạng sức khỏe hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan khác mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa, trừ trường hợp thay thế được người tiến hành tố tụng”.
Như đã đề cập ở trên, nếu có một trong số những người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục tiến hành phiên tòa mà không có người thay thế thì Hội đồng xét xử phải tạm ngừng phiên tòa, và theo quy định tại khoản 2 Điều 259 Bộ luật tố tụng dân sự: “Việc tạm ngừng phiên tòa phải được ghi vào biên bản phiên tòa”.
Tuy nhiên, trong trường hợp vì lý do sức khỏe mà người tiến hành tố tụng không thể tiếp tục phiên tòa chính là Thư ký Tòa án thì điều luật chưa xác định người ghi biên bản phiên tòa, trường hợp này Hội đồng xét xử có được lập biên bản riêng để ghi nhận sự việc hay không? thì chưa được làm rõ ngay tại điều luật này cũng như tại các văn bản khác.
Hai là, trường hợp tạm ngừng phiên tòa theo điểm c khoản 1 Điều 259 BLTTDS năm 2015: “Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa”.
Có thể thấy, việc ghi nhận căn cứ tạm ngừng phiên tòa tại điểm này là chưa phù hợp. Bởi lẽ, trước khi tiến hành mở phiên tòa xét xử, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có trách nhiệm xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ một cách đầy đủ và toàn diện. Mặc khác, pháp luật chỉ ghi nhận căn cứ tạm ngừng phiên tòa nhưng không xem xét đến trách nhiệm của người tiến hành tố tụng trước đó, cụ thể là Thẩm phán, điều này có thể dẫn đến vụ án được giải quyết kéo dài, ảnh hưởng đến lợi ích của các đương sự trong vụ án. Vì thực tiễn, có một số trường hợp Thẩm phán đã biết rằng cần phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nhưng nay đã gần hết thời hạn chuẩn bị xét xử nên đã đưa vụ án ra xét xử và tại phiên tòa xét xử thì HĐXX tạm ngừng phiên tòa với lý do là cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa. Sau đó, HĐXX có thể ra quyết định tạm đình chỉ với lý do là chưa khắc phục việc tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 259 BLTTDS năm 2015. Điều này gây bất lợi và ảnh hưởng không ít đến các bên đương sự. Vì vậy, cần hoàn thiện quy định này theo hướng tăng trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ và hoạt động tố tụng của người tiến hành tố tụng trong việc thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Hạn chế vụ án kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự. Tuy nhiên, cũng phải loại trừ trường hợp các tài liệu, chứng cứ chứng minh này thuộc trường hợp không buộc người tiến hành tố tụng phải biết trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.
Trong thủ tục tạm ngừng phiên tòa
Một là, trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trong thời gian tạm ngừng phiên tòa hoặc rút đơn khởi kiện trong thời gian tạm đình chỉ giải quyết vụ án (tạm đình chỉ sau khi tạm ngừng phiên tòa)
Trong thời gian tạm ngừng phiên tòa, nguyên đơn tự nguyện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, trong vụ án không có yêu cầu phản tố của bị đơn và không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp này, thẩm quyền đình chỉ giải quyết vụ án thuộc về Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hay của Hội đồng xét xử? Điều này cần được quy định rõ ràng hơn để có sự áp dụng thống nhất giữa các tòa án.
Hai là, theo quy định khi hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, lý do tạm ngừng chưa được khắc phục Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ phiên tòa – có nghĩa Tòa án vẫn phải tiếp tục mở lại phiên tòa để Hội đồng xét xử tiến hành thảo luận để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, việc mở lại phiên tòa, triệu tập đương sự chỉ nhằm vào việc để Hội đồng xét xử ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án là bất cập, gây lãng phí cho Nhà nước, thời gian của các đương sự.
Ba là, pháp luật có quy định khi hết thời hạn tạm ngừng phiên tòa, lý do ngừng phiên tòa không còn thì Hội đồng xét xử tiếp tục tiến hành phiên tòa. Hội đồng xét xử phải thông báo bằng văn bản cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp về thời gian tiếp tục phiên tòa. Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ khi lý do tạm ngừng không còn thì Hội đồng xét xử phải tiếp tục phiên tòa. Việc quy định phải thông báo về thời gian mở lại phiên tòa nhưng không ấn định thời hạn phải mở lại phiên tòa là bao nhiêu cũng là nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết vụ án bị chậm, kéo dài. Mặt khác, khi chưa hết thời hạn tạm ngừng mà lý do tạm ngừng không còn thì hội đồng xét xử có được thông báo tiếp tục phiên tòa không hay theo quy định phải hết thời hạn tạm ngừng mới được tiếp tục?
Với những khó khăn, bất cập trong thực tế áp dụng pháp luật nêu trên, thiết nghĩ, liên ngành tư pháp Trung ương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để thống nhất áp dụng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích của những người tham gia tố tụng.
Tham khảo
– vksbacgiang.gov.vn
– toaandaklak.gov.vn
– vkspy.gov.vn
– kiemsat.vn
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …