16

Th1

THỜI HẠN XÁC MINH ĐIỀU KIỆN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ      

Trong lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS), việc xác minh điều kiện thi hành án là một bước quan trọng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Quá trình này giúp cơ quan thi hành án xác định tài sản, thu nhập, và các điều kiện khác của người phải thi hành án. Một trong những vấn đề thường được đặt ra là thời hạn xác minh điều kiện thi hành án. Bài viết này sẽ phân tích quy định pháp luật về thời hạn xác minh điều kiện THADS, những lưu ý quan trọng về xác minh điều kiện thi hành án dân sự, mời các bạn cùng theo dõi.

1. Xác minh điều kiện thi hành án dân sự là gì?

Xác minh điều kiện thi hành án dân sự là quá trình chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự thực hiện các hoạt động kiểm tra, thu thập thông tin để xác định các yếu tố liên quan đến người phải thi hành án. Những yếu tố này bao gồm tài sản, thu nhập, quyền sở hữu, nghĩa vụ tài chính hoặc các điều kiện khác có liên quan đến khả năng thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

Việc xác minh không chỉ giới hạn ở việc tìm hiểu về tài sản có thể cưỡng chế thi hành án mà còn giúp cơ quan thi hành án đánh giá chính xác tình trạng của người phải thi hành án, từ đó có cơ sở áp dụng các biện pháp phù hợp theo quy định pháp luật.

2. Trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án dân sự

Căn cứ theo Điều 20 Luật THADS quy định rõ về quyền hạn và nghĩa vụ của Chấp hành viên như là: Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.

Ngoài ra, tại Khoản 5 Điều 44 Luật THADS quy định người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan THADS. Như vậy, với quy định của Luật THADS thì trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án dân sự thuộc về cơ quan thi hành án, mà cụ thể là Chấp hành viên được giao tổ chức thi hành án.

Người được thi hành án có quyền (mà không phải là trách nhiệm) tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan THADS.

3. Thời hạn xác minh điều kiện thi hành án dân sự

Thứ nhất, trong trường hợp thông thường

Khoản 1 Điều 44 Luật THADS 2008 sửa đổi, bổ sung 2014 quy định rằng chấp hành viên phải tiến hành xác minh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án nếu người phải thi hành án không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ. Cần hiểu rằng thời hạn 10 ngày này là thời gian để bắt đầu và thực hiện việc xác minh, không nhất thiết phải hoàn tất toàn bộ quá trình trong khoảng thời gian này. Quy định này cho phép chấp hành viên linh hoạt trong việc lựa chọn thời điểm phù hợp để tiến hành xác minh trong khoảng thời gian pháp luật đã định.

Thứ hai, trong trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Đối với các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, chấp hành viên có trách nhiệm tiến hành “Xác minh ngay”. Việc “Xác minh ngay” được hiểu là chấp hành viên phải thực hiện việc xác minh trong ngày được giao tổ chức thi hành vụ việc. Các biện pháp có thể bao gồm liên hệ trực tiếp với Ủy ban nhân dân, tổ trưởng tổ dân phố, cơ quan công an hoặc các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tất cả các hoạt động xác minh cần được lập biên bản hoặc ghi nhận qua các văn bản như phiếu yêu cầu cung cấp thông tin, công văn đề nghị phối hợp.

Thứ ba, trong trường hợp ra quyết định chưa có điều kiện thi hành

Nếu kết quả xác minh xác định rằng người phải thi hành án chưa có điều kiện thực hiện nghĩa vụ, thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành trong thời hạn 5 ngày làm việc, theo quy định tại Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Sau khi ra quyết định, việc xác minh tiếp theo được thực hiện theo các mốc thời gian sau:

– Ít nhất 6 tháng một lần: Chấp hành viên phải tiến hành xác minh lại, không phân biệt thi hành án chủ động hay theo yêu cầu.

– Ít nhất 1 năm một lần: Áp dụng đối với trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù và thời gian chấp hành hình phạt còn lại từ 2 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới.

– Trong vòng 10 ngày: Nếu nhận được thông tin mới từ đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, chấp hành viên phải thực hiện xác minh kịp thời.

Kết quả xác minh trong trường hợp chưa có điều kiện thi hành án sẽ được cơ quan thi hành án dân sự chuyển sang sổ theo dõi riêng trong thời hạn 3 ngày làm việc, nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 5 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, bao gồm:

a) Đã hết thời hạn 02 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án hoặc đã hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án;

b) Đã xác minh ít nhất hai lần theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự;

c) Không có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Với những việc đã chuyển sang sổ theo dõi riêng, cơ quan thi hành án chỉ thực hiện xác minh khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án. Thông tin mới có thể được cung cấp từ bất kỳ nguồn nào, bao gồm đương sự, cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân. Những vụ việc này sẽ được thống kê riêng để theo dõi và không tính vào chỉ tiêu công việc của đơn vị, theo quy định tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.

Hiện nay, theo Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) và các văn bản hướng dẫn thi hành, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể về thời hạn tối đa để hoàn tất việc xác minh điều kiện thi hành án. Mà thay vào đó, pháp luật chỉ quy định các mốc thời gian bắt buộc để chấp hành viên thực hiện xác minh hoặc bắt đầu tiến hành xác minh trong từng trường hợp cụ thể.

4. Kết luận

Xác minh điều kiện thi hành án dân sự là một bước cốt lõi trong toàn bộ quá trình thi hành án, đóng vai trò làm nền tảng để chấp hành viên áp dụng các biện pháp phù hợp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Mặc dù pháp luật đã quy định rõ ràng về thời điểm, tần suất và trình tự xác minh, nhưng hiệu quả thực tiễn lại phụ thuộc rất lớn vào sự chủ động, trách nhiệm và năng lực của chấp hành viên, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức liên quan.

Để việc xác minh đạt hiệu quả cao nhất, đương sự – đặc biệt là người được thi hành án – cần chủ động trong việc cung cấp thông tin về tài sản hoặc thu nhập của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án. Sự chủ động này không chỉ giúp rút ngắn thời gian xác minh mà còn góp phần bảo vệ quyền lợi của chính đương sự. Bên cạnh đó, việc thường xuyên theo dõi tiến trình thi hành án và kịp thời cung cấp thông tin mới nếu có sẽ giúp ngăn chặn tình trạng tài sản của người phải thi hành án bị tẩu tán hoặc thất thoát.

Ngoài ra, đương sự cần nắm vững quyền khiếu nại, kiến nghị nếu phát hiện sai sót hoặc sự chậm trễ trong quá trình thi hành án. Điều này không chỉ đảm bảo việc thi hành án tuân thủ đúng pháp luật mà còn nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án trong thực tiễn.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan