15

Th4

THỜI HIỆU KHỞI KIỆN ĐỐI VỚI QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện. Việc xác định đúng thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động giải quyết tranh chấp của Tòa án cũng như quyền khởi kiện của các đương sự. Vậy trong lĩnh vực hành chính. Thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm nào và kéo dài trong bao lâu?

1. Quyết định hành chính là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định: Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

Ví dụ: Quyết định thu hồi đất của UBND huyện B đối với quyền sử dụng đất của bà A

Theo đó, một quyết định hành chính sẽ mang những đặc điểm sau:

Một là, tính quyền lực nhà nước: Tức, không phải bất cứ cá nhân tổ chức nào cũng được quyền ban hành ra Quyết định hành chính, mà chỉ những cơ quan, cá nhân được nhà nước trao quyền mới được ban hành ra Quyết định trong một số trường hợp nhất định. Tính quyền lực nhà nước ở trong các Quyết định hành chính được thể hiện ở chỗ, nội dung của quyết định hành chính là bắt buộc, và được áp dụng đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể, nếu không chấp hành thì sẽ có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế.

Hai là, tính chất pháp lý cao: Nghĩa là, quyết định hành chính có thể đưa ra các biện pháp hoặc chủ trương trong việc quản lý hoạt động hành chính. Quyết định hành chính cũng có thể làm xuất hiện quy phạm pháp luật mới, thay đổi hoặc hủy bỏ những quy phạm pháp luật đã tồn tại trước đó. Hoặc làm phát sinh hoặc chấm dứt một mối quan hệ pháp luật. Tuy nhiên, quyết định hành chính là những văn bản dưới luật nên sẽ có giá trị pháp lý thấp hơn luật.

Ba là, chủ thể ban hành đa dạng: Theo đó, chỉ những cơ quan hành chính nhà nước được trao quyền mới có thể ban hành quyết định hành chính. Những cơ quan này trải dài từ Trung ương đến địa phương, tùy thuộc vào thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật mà các cơ quan này ban hành các quyết định hành chính khác nhau.

Bốn là, tính áp dụng cụ thể: Có thể hiểu đơn giản, quyết định hành chính ba hành chỉ về một hoặc một số vấn đề và áp dụng cho một hoặc một số đối tượng cụ thể. Quyết định hành chính được áp dụng một lần cho các đối tượng này.

2. Quyết định hành chính nào bị khởi kiện?

Căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính 2015 thì quyết định hành chính bị kiện là những văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Mà những quyết định này làm phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có nội dung làm phát sinh nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Lưu ý: không phải mọi quyết định hành chính bị kiện đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Cụ thể, Điều 30 Luật Tố tụng Hành chính 2015 bổ sung bởi khoản 7 Điều 2 Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019 có quy định như sau:

“30. Khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định, hành vi sau đây:

a) Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;

b) Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng;

c) Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.

Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống.

Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước

Khiếu kiện danh sách cử tri.”

Như vậy, quyết định hành chính không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong tố tụng hành chính bao gồm:

– Quyết định hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật;

– Quyết định hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức: Đây là những quyết định, hành vi chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác; quản lý, tổ chức cán bộ, kinh phí, tài sản được giao; kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức (khoản 6 Điều 3 Luật TTHC 2015)

Bên cạnh đó, người khởi kiện cần lưu ý:

3. Thời hiệu khởi kiện quyết định hành chính

Căn cứ theo Điều 166 Luật TTHC 2015, thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính. Nếu đương sự có khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trước khi khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện quyết định hành chính được quy định như sau:

a) 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

b) 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.

Trường hợp vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác làm cho người khởi kiện không khởi kiện được trong thời hạn quy định nêu trên thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không tính vào thời hiệu khởi kiện. Trong đó:

– Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

– Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ của mình.

4. Thời điểm tính thời hiệu khởi kiện quyết định hành chính

Căn cứ theo quy định trên có thể thấy, thời điểm tính thời hiệu khởi kiện chính được chia làm nhiều thời điểm khác nhau, cụ thể:

Một là, thời điểm đương sự “nhận được” hoặc “biết được” quyết định hành chính hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính đó.

Hiện nay, thế nào là “biết được” hay “nhận được” chưa được hướng dẫn rõ. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy một số Tòa án cho rằng “biết được” nghĩa là phải biết cụ thể số, ngày, nội dung của quyết định hành chính thì mới được coi là “biết” được quyết định hành chính. Một số Tòa án lại nhận định “biết được” chỉ đơn giản là biết về sự tồn tại của quyết định hành chính đó.

Hai là, thời điểm hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.

Căn cứ Luật khiếu nại 2011, Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại. (Điều 9 Luật Khiếu nại 2011)

Trong đó, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là: không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. (Điều 28 Luật khiếu nại 2011)

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần 2 không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý. (Điều 37 Luật khiếu nại)

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan