THỜI HIỆU TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
Người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của bộ luật hình sự. Tuy nhiên người phạm tội cũng có thể sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như quá thời hiệu truy cứu đối với tội đó. Đối với mỗi loại tội, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là khác nhau. Vậy thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì và được pháp luật quy định như thế nào?
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
Bộ luật hình sự 2015
II. ĐỊNH NGHĨATHỜI HIỆU TRUY CỨU TNHS LÀ GÌ?
Trách nhiệm hình sự là gì?
Truy cứu trách nhiệm hình sự là áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự qua các giai đoạn từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đến điều tra, truy tố và xét xử để buộc người đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi ấy, tức là phải chịu hình phạt. Người có khả năng nhận thức được hành vi của mình, có khả năng điều khiển được hành vi đó là người có năng lực trách nhiệm hình sự và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu người đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn mà người có hành vi vi phạm pháp luật hình sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đó. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự do Bộ luật hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (khoản 1 Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
III. QUY ĐỊNH VỀ THỜI HIỆU TRUY CỨU TNHS
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm sẽ được quyết định dựa vào mức độ phạm tội, tính chất gây nguy hiểm cho xã hội. Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Bộ luật hình sự 2015 thì có bốn loại thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Thứ nhất, Năm năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm (điểm a, khoản 2 Điều 1 Bộ luật hình sự 2017).
Ví dụ như: Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (Điều 124); Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (khoản 1 Điều 125); Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (khoản 1 Điều 174).
Thứ hai, Mười năm đối với các tội phạm nghiêm trọng
Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù (điểm b, khoản 2 Điều 1 Bộ luật hình sự 2017).
Ví dụ như: Tội lây truyền HIV cho người khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 148; Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 175.
Thứ ba, Mười lăm năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng
Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù (điểm c, khoản 2 Điều 1, Bộ luật hình sự 2017).
Ví dụ như: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 174, Tội nhận hối lộ theo khoản 2 Điều 354, Tội mua bán người theo khoản 2 Điều 150.
Thứ tư, Hai mươi năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (điểm d, khoản 2 Điều 1 Bộ luật hình sự 2017).
Ví dụ về một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định trong Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 như: Tội giết người theo khoản 1 Điều 123, Tội nhận hối lộ theo khoản 4 Điều 354.
IV. THỜI ĐIỂM XÁC ĐỊNH THỜI HIỆU TRUY CỨU TNHS
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 27 BLHS 2015, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều27 BLHS 2015, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
V. CÁC TRƯỜNG HỢP KHÔNG ÁP DỤNG THỜI HIỆU TRUY CỨU TNHS
Điều 28 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về các tội phạm không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể gồm:
Một là, các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật luật hình sự 2015.
Đây được xem là các tội phạm đe dọa gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trực tiếp xâm phạm đến chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng và an ninh của đất nước. Vì thế, dù thời gian phạm tội đã trôi qua bao lâu vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự và không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội là vô cùng cần thiết.
Hai là, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật hình sự 2015.
Cũng tương tự như các tội liên quan đến an ninh quốc gia và chủ quyền dân tộc. Những tội phạm về phá hoại hòa bình, chống phá loại người mang mức độ nguy hiểm nghiệm trọng. Do đó, pháp luật không áp dụng thời hiệu đối với loại tội này.
Ba là, tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.
Có thể thấy, tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ là các tội có tính nguy hiểm cho xã hội lớn nhất trong nhóm các tội phạm tham nhũng. Các tội phạm này đều là thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trước tình hình tham nhũng đang trở thành quốc nạn như hiện nay, quy định này là thực sự cần thiết.
Việc quy định các tội phạm không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm trên thể hiện tinh thần kiên quyết không khoan nhượng cho những tội phạm ảnh hưởng đến việc xây dựng và bảo vệ Nhà nước của dân, do dân, vì dân; bảo vệ hòa bình chống chiến tranh xâm lược và phòng chống tội phạm tham nhũng.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …