09

Th5

THU NHẬP TỪ “TIỀN ẢO” CÓ PHẢI NỘP THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN KHÔNG?

Hiện nay, trên thế giới cũng như Việt Nam đang xuất hiện một thuật ngữ mới liên quan đến tiền đó chính là “tiền ảo”. Và trong những năm gần đây, đầu tư tiền ảo luôn là lĩnh vực thu hút rất nhiều người. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về bản chất của những đồng tiền điện tử này. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến vấn đề thuế có phát sinh đối với thu nhập từ “ tiền ảo” hay không? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây

 

1. Tiền ảo là gì?

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chuyên môn ở Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo. Theo Chỉ thị (EU) 2018/843 năm 2018  của Nghị viện và Hội đồng châu Âu, thuật ngữ “tiền ảo” có nghĩa là một đại diện kỹ thuật số về giá trị không được phát hành hoặc bảo đảm bởi ngân hàng trung ương hoặc cơ quan công quyền, không nhất thiết phải gắn với một loại tiền tệ được thành lập hợp pháp và không có tư cách pháp lý của tiền tệ hoặc tiền, nhưng được các thể nhân hoặc pháp nhân chấp nhận như một phương tiện trao đổi và có thể được chuyển giao, lưu trữ và giao dịch điện tử.

Hiểu đơn giản, Tiền ảo là một dạng tiền kỹ thuật số được giao dịch trên nền tảng online. Đặc điểm quan trọng của nó không được kiểm soát và không phải phát hành bởi chính phủ mà được tạo ra và quản lý bởi các nhà phát triển và được sử dụng, chấp nhận giữa các thành viên trong một cộng đồng ảo cụ thể.

2. Tính pháp lý của Tiền ảo

Đối với lĩnh vực Ngân hàng:

Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 101/2014/NĐ-CP quy định “Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”. Do đó, Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Theo đó việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán được xem là hành vi Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp. Đây là hành vi bị cấm theo quy định khoản 2 Điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

Việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP hoặc có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trong lĩnh vực dân sư:

Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự quy định về tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Hiện nay, tiền ảo không được quy định cụ thể cũng như chưa được ghi nhận hợp pháp. Do đó tiền ảo không được xem là tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự. Chính vì vậy, việc sở hữu, sử dụng, mua bán, giao dịch tiền ảo như một loại tài sản sẽ không được pháp luật bảo vệ và mang lại nhiều rủi ro cho người sở hữu, người tham gia giao dịch tiền ảo.

Dưới góc độ của pháp luật về đầu tư kinh doanh

Hiện nay, các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh được quy định cụ thể tại luật đầu tư 2020. Theo đó, luật này không đề cập tiền ảo là ngành nghề bị cấp đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm là một quyền đã được hiến định. Do đó, kinh doanh tiền ảo tuy không được pháp luật thừa nhận nhưng không phải là hoạt động bị cấm nên việc kinh doanh tiền ảo trên thực tế vẫn diễn ra sôi nổi mặc dù chứa nhiều rủi ro.

Có thể nói tiền ảo là lĩnh vực rất mới và hiện nay pháp luật Việt Nam chưa xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh đối với tiền ảo này.

3. Thu nhập từ tiền ảo có phải đóng thuế TNCN không?

Về phạm vi của Luật thuế, Điều 3 Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 như sau: “Đối tượng chịu thuế là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam …” cũng như theo quy định tại Điều 2 và Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 quy định:

“Điều 2. Đối tượng nộp thuế

Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.

…”

“Điều 3. Thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:

Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm:

a) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;

…”

Tuy nhiên, Cho đến thời điểm hiện nay, chưa có bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định tiền ảo là hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo Điều 163 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” và theo Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Hàng hóa bao gồm: tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai; những vật gắn liền với đất đai”. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp. Pháp luật còn có quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cung ứng và sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp như bitcoin và các loại tiền ảo tương tự.

Do vậy, trong thời điểm quy định pháp luật chưa điều chỉnh với hình thức kinh doanh, phương tiện thanh toán mới đối với tiền ảo thì việc mua, bán tiền ảo cũng như thu nhập của cá nhân phát sinh từ tiền ảo chưa phải là đối tượng chịu thuế TNCN, thuế GTGT.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệLuật 3Stheo thông tin sau: Hotline:0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Emailinfo.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

 

Tin tức liên quan