01

Th6

THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN NINH TRẬT TƯ

Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự hay giấy phép an ninh trật tự là điều kiện bắt buộc khi tiến hành kinh doanh một số ngành nghề có điều kiện, tính chất nhạy cảm; và theo cơ quan nhà nước có ảnh hưởng đến an ninh trật tự của xã hội. Bài viết sau đây, Luật 3S xin chia sẻ thủ tục cấp giấy an ninh trật tự; và những kiến thức cơ bản, quan trọng về giấy an ninh trật tự này.

1. Cơ sở pháp lý về thủ tục cấp giấy an ninh trật tự

+Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 Quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

+ Thông tư  23/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 218/2016/tt-btc ngày 10 tháng 11 năm 2016 của bộ trưởng bộ tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định điều kiện thuộc lĩnh vực an ninh; phí sát hạch cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ; lệ phí cấp giấy phép quản lý pháo; lệ phí cấp giấy phép quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

2. Những ngành nghề cần xin giấy giấy chứng nhận an ninh trật tự

Trong thủ tục xin cấp giấy chứng nhận an ninh trật tự thì liên quan đến các ngành nghề có điều kiện sau:

Căn cứ Nghị định 96/2016/NĐ-CP, Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện an ninh, trật tự bao gồm:

1.Sản xuất con dấu;

2.Kinh doanh công cụ hỗ trợ;

3.Kinh doanh các loại pháo.

4.Kinh doanh dịch vụ cầm đồ;

5.Kinh doanh dịch vụ xoa bóp;

6.Kinh doanh thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên;

7.Kinh doanh dịch vụ bảo vệ;

8.Kinh doanh súng bắn sơn;

9.Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.

10.Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

11.Kinh doanh casino.

12.Kinh doanh dịch vụ đặt cược.

13.Kinh doanh khí.

14.Kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.

15.Kinh doanh tiền chất thuốc nổ.

16.Kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ.

17.Kinh doanh dịch vụ nổ mìn.

18.Kinh doanh dịch vụ in.

19.Kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động.

20.Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.

21.Kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.

22.Kinh doanh dịch vụ lưu trú.

23.Kinh doanh quân trang, quân dụng, vũ khí, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài…

3.Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự bao gồm:

1. Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh (Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP).

2. Bản sao hợp lệ một trong các loại văn bản:

a) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp có thu;

b) Trường hợp trong các văn bản trên không thể hiện ngành, nghề đầu tư kinh doanh thì cơ sở kinh doanh phải bổ sung tài liệu chứng minh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà cơ sở kinh doanh hoạt động và đề nghị ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đã được cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

3. Bản sao hợp lệ các giấy tờ, tài liệu chứng minh bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực kinh doanh và kho bảo quản nguyên liệu, hàng hóa, gồm:

a) Văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP;

b) Biên bản kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh không thuộc quy định tại điểm a khoản 3 Điều này nhưng thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP ;

c) Các cơ sở kinh doanh không phải nộp tài liệu quy định tại các điểm a và b khoản 3 Điều này, gồm: Sản xuất con dấu; sản xuất cờ hiệu, mua, bán cờ hiệu, đèn, còi phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; kinh doanh dịch vụ bảo vệ; kinh doanh dịch vụ đòi nợ; kinh doanh dịch vụ đặt cược; kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động; kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; kinh doanh máy kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; kinh doanh thiết bị kiểm tra nồng độ cồn; kinh doanh thiết bị giám sát điện thoại di động GSM và các thiết bị giám sát điện thoại di động khác;

d) Đối với các cơ sở kinh doanh không có kho chứa nguyên liệu hoặc sản phẩm theo quy định thì phải có hợp đồng thuê kho đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại các điểm a và b khoản 3 Điều này;

đ) Đối với các cơ sở kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ thì các tài liệu chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy là tài liệu của kho chứa, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.

4. Bản khai lý lịch (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP) kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự (Mẫu số 02b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP) của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh, cụ thể như sau:

a) Đối với người Việt Nam ở trong nước là người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải có Bản khai lý lịch; Phiếu lý lịch tư pháp (trừ những người đang thuộc biên chế của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội);

Bản khai lý lịch của những người quy định tại điểm này nếu đang thuộc biên chế của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thì phải có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trực tiếp quản lý (trừ cơ sở kinh doanh). Đối với những người không thuộc đối tượng nêu trên phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú;

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài phải có Bản khai nhân sự kèm theo bản sao hợp lệ Hộ chiếu, Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Thị thực còn thời hạn lưu trú tại Việt Nam;

c) Đối với trường hợp một cơ sở kinh doanh có nhiều người đại diện theo pháp luật thì Bản khai lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự trong hồ sơ áp dụng đối với người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Ngoài các tài liệu trên, hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải có thêm tài liệu áp dụng đối với một số cơ sở kinh doanh các ngành, nghề sau đây:

1. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ không có vốn đầu tư nước ngoài, phải có bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp chứng minh trình độ học vấn của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

2. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ có vốn đầu tư nước ngoài, phải có:

a) Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp chứng minh trình độ học vấn của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

b) Tài liệu chứng minh doanh nghiệp nước ngoài đủ điều kiện quy định tại các điểm a và b khoản 4 Điều 11 Nghị định 96/2016/NĐ-CP đã được hợp pháp hóa lãnh sự của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở quốc gia, vùng lãnh thổ nơi doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở chính.

3. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ có chức năng đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ, phải có giáo trình và chương trình đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ.

4. Đối với các cơ sở kinh doanh ngành, nghề: Sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; kinh doanh tiền chất thuốc nổ; kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí; kinh doanh súng quân dụng cầm tay hạng nhỏ; kinh doanh casino; kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; kinh doanh dịch vụ đặt cược, phải có văn bản cho phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

4. Trình tự thủ tục xin cấp giấy phép an ninh, trật tự 

Bước 1: Cơ sở kinh doanh nộp một bộ hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền theo một trong các hình thức nộp hồ sơ sau đây:

  • Nộp trực tiếp cho cơ quan Công an có thẩm quyền: Công an quận/huyện; Phòng cảnh sát quản lý trật tự hành chính.
  • Gửi qua cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính;
  • Nộp qua Cổng thông tin điện tử quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiệnvề an ninh, trật tự của Bộ Công an. Đối với hình thức này thì khi nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, cơ sở kinh doanh phải chuyển bản giấy cho cơ quan Công an có thẩm quyền.

Bước 2: Thời hạn hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ: Không quá 05 ngày làm việc;

Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan Công an phải có văn bản trả lời cơ sở kinh doanh và nêu rõ lý do.

*Cơ quan giải quyết: Tùy theo từng cơ sở cụ thể mà thẩm quyền giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an ninh, trật tự thuộc về:

+ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an;

+ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

+ Công an cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

*Lệ phí: 300.000 đồng/lần (Căn cứ quy định tại Thông tư 23/2019/TT-BTC).

5. Xử phạt không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT

Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 96/2016/NĐ-CP; nhà hàng, khách sạn không được hoạt động kinh doanh khi chưa được cấp Giấy phép an ninh, trật tự.

Hành vi vẫn tiếp tục tiến hành hoạt động kinh doanh của chủ kinh doanh khi chưa có Giấy an ninh, trật tự; là hành vi bị nghiêm cấm của pháp luật, vi phạm pháp luật

Về xử phạt đối với hành vi vi phạm; căn cứ khoản 3, khoản 5 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định như sau:

  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng; đối với một trong những hành vi kinh doanh mà không có giấy chứng nhận  an ninh, trật tự.
  • Hình thức phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng.

6. Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trên giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự

Người đứng đầu cư trú không ổn định hoặc không thường xuyên cư trú tại Việt Nam thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác đứng tên trong Giấy chứng nhận

Trên đây là ý kiến tư vấn sơ bộ của Luật 3S dựa trên quy định pháp luật hiện hành tại thời điểm tư vấn. Để được tư vấn chi tiết, giải quyết cho từng trường hợp cụ thể, quý khách hàng vui lòng gọi hotline: 0363.38.34.38 hoặc gửi email: info.luat3s@gmail.com để được Luật sư tư vấn chi tiết.

 

 

Tin tức liên quan