
THỦ TỤC GIÁM ĐỊNH XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Trong bối cảnh kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của chủ thể quyền và thúc đẩy sự sáng tạo. Khi có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, giám định là một bước quan trọng để xác định hành vi xâm phạm có tồn tại hay không, là công cụ hỗ trợ trong quá trình xử lý tranh chấp mà còn là bằng chứng quan trọng để các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, ra quyết định.
1. Giám định xâm phạm quyền Sở hữu Trí tuệ là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2022, giám định sở hữu trí tuệ là hoạt động do tổ chức, cá nhân được pháp luật cho phép sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
Trong đó, tổ chức, cá nhân được pháp luật cho phép thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ bao gồm:
(a) Doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư, trừ tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam đáp ứng các điều kiện sau đây được thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ:
– Có nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức hoạt động giám định theo quy định của pháp luật;
– Có chức năng thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động;
– Người đứng đầu tổ chức hoặc người được người đứng đầu tổ chức ủy quyền có Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ.
(b) Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ:
– Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Thường trú tại Việt Nam;
– Có phẩm chất đạo đức tốt;
– Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp thẻ giám định, đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ năm năm trở lên và đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định.
2. Giá trị pháp lý của kết luận giám định xâm phạm sở hữu trí tuệ
Kết luận Giám định xâm phạm sở hữu trí tuệ được công nhận là một trong 10 nguồn chứng cứ theo Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Theo Khoản 4 Điều 201 Luật SHTT 2022, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền trưng cầu giám định về sở hữu trí tuệ khi giải quyết vụ việc mà mình đang thụ lý. Do đó, kết luận Giám định là một trong những cơ sở để cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Như vậy, kết luận giám định xâm phạm quyền SHTT đóng vai trò quan trọng là chứng cứ để hỗ trợ các bên liên quan và cơ quan có thẩm quyền trong việc đánh giá hành vi xâm phạm. kết luận giám định xâm phạm quyền SHTT không có giá trị bắt buộc, thường được sử dụng trong thực tiễn tố tụng do tính chất chuyên sâu và khách quan. Cơ quan tố tụng hoặc cơ quan xử phạt có thể dựa trên kết luận giám định để ra quyết định, nhưng vẫn có quyền xem xét lại nếu có căn cứ cho rằng kết luận không chính xác hoặc mâu thuẫn với chứng cứ khác.
3. Quyền yêu cầu giám định xâm phạm quyền SHTT
Căn cứ theo khoản 5 Điều 201 Luật SHTT 2005 sửa đổi bổ sung 2022, Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền yêu cầu giám định về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Căn cứ Điều 116 Nghị định số 65/2023/NĐ-CP, các chủ thể có quyền yêu cầu giám định bao gồm:
a) Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Ví dụ: chủ sở hữu nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,….
b) Tổ chức, cá nhân bị yêu cầu xử lý về hành vi xâm phạm hoặc bị khiếu nại, tố cáo về quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng
c) Tổ chức, cá nhân khác có quyền, lợi ích liên quan đến vụ tranh chấp, xâm phạm, khiếu nại, tố cáo về quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.
Các tổ chức, cá nhân nêu trên có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác yêu cầu tổ chức giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, giám định viên sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng thực hiện giám định.
Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 201 Luật SHTT 2005 sửa đổi bổ sung 2022, Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng có quyền trưng cầu giám định về sở hữu trí tuệ khi giải quyết vụ việc mà mình đang thụ lý.
4. Cơ quan có thẩm quyền thực hiện viện giám định xâm phạm quyền SHTT
Theo quy định tại khoản 3 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi, bổ sung năm 2022) và khoản 1 Điều 12 Luật Giám định tư pháp năm 2012, việc giám định quyền sở hữu trí tuệ chỉ được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động giám định trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Cơ quan giám định cần có đủ điều kiện về chuyên môn, nhân lực, thiết bị và tuân thủ quy định pháp luật liên quan.
Tại Việt Nam hiện nay, cơ quan giám định sở hữu trí tuệ uy tín và có chức năng giám định hợp pháp bao gồm:
(1) Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (VIPRI) – thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ: Đây là tổ chức nhà nước đầu ngành trong lĩnh vực giám định sở hữu công nghiệp, có thẩm quyền thực hiện giám định đối với các đối tượng như nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và các yếu tố liên quan. Viện cũng là nơi có đầy đủ hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký SHTT toàn quốc, đảm bảo độ tin cậy và chính xác trong kết luận giám định.
(2) Các tổ chức giám định tư pháp được Bộ Tư pháp cấp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ: Một số cá nhân, Doanh nghiệp, tổ chức hành nghề độc lập hoặc thuộc các công ty luật, đại diện sở hữu công nghiệp cũng được phép thực hiện giám định nếu đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn và được cấp thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, phạm vi giám định thường tập trung vào các nhóm quyền như bản quyền, quyền liên quan hoặc một số lĩnh vực sở hữu công nghiệp cụ thể.
5. Trình tự, thủ tục giám định xâm phạm quyền SHTT tại Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ
Việc giám định xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (Viện KHSHTT) được thực hiện trên cơ sở hợp đồng theo quy định tại khoản 4 , khoản 5 Điều 116 Nghị định 65/2023/NĐ-CP. Cụ thể, yêu cầu giám định phải lập thành hợp đồng dịch vụ giám định giữa người yêu cầu giám định với tổ chức giám định hoặc với giám định viên. Trong đó, Hợp đồng dịch vụ giám định có thể có các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định;
b) Tên, địa chỉ của tổ chức giám định hoặc giám định viên;
c) Nội dung yêu cầu giám định;
d) Các chứng cứ, tài liệu, hiện vật có liên quan;
đ) Thời hạn trả kết luận giám định;
e) Quyền và nghĩa vụ của các bên;
g) Địa điểm, thời gian thực hiện việc giám định;
h) Chi phí thực hiện giám định và phương thức thanh toán;
i) Nghiệm thu và thanh lý hợp đồng;
k) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại; phương thức giải quyết tranh chấp.
Trình tự yêu cầu giám định xâm phạm quyền SHTT tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ được thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Người yêu cầu giám định cần chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ, trong đó bao gồm:
a) Đơn yêu cầu giám định: Là văn bản nêu rõ yêu cầu giám định, mục đích giám định, đối tượng cần giám định và thông tin cụ thể của người yêu cầu hoặc trưng cầu.
b) Tài liệu kèm theo đơn giám định:
(i) Văn bản thể hiện yêu cầu giám định (Quyết định trưng cầu giám định/Tờ khai yêu cầu giám định), trong đó có các thông tin về người yêu cầu / trưng cầu; đối tượng giám định; mục đích, nội dung và các yêu cầu cụ thể khác về việc giám định;
(ii) Tài liệu thể hiện căn cứ phát sinh/ xác lập quyền sở hữu công nghiệp (Văn bằng bảo hộ – Đăng ký quốc tế nhãn hiệu);
(iii) Tài liệu, Mẫu vật thể hiện đối tượng giám định (tài liệu mô tả, ảnh chụp, bản vẽ, hợp đồng giao dịch, tài liệu quảng cáo…, vật phẩm, sản phẩm, hàng hóa, bao bì … có chứa/mang đối tượng giám định);
(iv) Hợp đồng dịch vụ giám định sở hữu công nghiệp;
(v) Chứng từ nộp phí giám định;
(vi) Giấy ủy quyền (nếu Đơn giám định được nộp thông qua đại diện).
c) Tài liệu khác (nếu có): Đơn có thể có các tài liệu khác nếu cần thiết cho việc giám định (tài liệu diễn giải lập luận của các bên liên quan; quyết định giải quyết vụ việc tương tự của các cơ quan có thẩm quyền; các thông tin hữu ích cho việc xem xét, đánh giá khi giám định; các kết quả kiểm nghiệm, đo lường…).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người yêu cầu giám định có thể gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện tới Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ (sau đây gọi là tổ chức giám định)
Địa chỉ: Số 21, ngõ 67, phố Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Bước 3: Tiếp nhận ký hợp đồng giám định
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Viện KHSHTT sẽ xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ đáp ứng yêu cầu, các bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng dịch vụ giám định theo quy định tại Nghị định số 65/2023/NĐ-CP. Trong hợp đồng sẽ ghi nhận rõ nội dung giám định, mức phí, thời hạn thực hiện, quyền và nghĩa vụ của các bên.
Bước 4: Thực hiện các nội dung giám định
Căn cứ hồ sơ và mẫu vật được cung cấp, tổ chức giám định sẽ thực hiện phân tích chuyên môn, đánh giá mức độ tương đồng, khả năng gây nhầm lẫn, và các dấu hiệu kỹ thuật cấu thành hành vi xâm phạm. Quá trình giám định được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia được cấp thẻ giám định viên và có năng lực chuyên môn phù hợp.
Thông thường, thời gian thực hiện giám định là từ 15 đến 30 ngày làm việc, tùy thuộc vào mức độ phức tạp và số lượng đối tượng giám định.
Bước 5: Trả kết quả giám định
Sau khi hoàn tất phân tích, tổ chức giám định sẽ ban hành Kết luận giám định bằng văn bản, gửi đến người yêu cầu. Kết luận này sẽ nêu rõ các căn cứ phân tích, nội dung đã giám định và đánh giá có hay không có yếu tố xâm phạm. Văn bản kết luận giám định có thể được sử dụng làm chứng cứ trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, tố tụng dân sự hoặc hình sự.
Cơ sở pháp lý
– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022.
– Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, và quản lý giống cây trồng.
– Thông tư 01/2008/TT-BKHCN ngày 25/2/2008 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …