THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY KINH DOANH ĐỒ UỐNG CÓ CỒN (RƯỢU, BIA…)
Việt Nam là một thị trường tiềm năng của các loại đồ uống có cồn khi mà mức tiêu dùng mặt hàng này ngày càng tăng. Vậy nên, hiện nay ngày càng có nhiều nhà kinh doanh quan tâm đến lĩnh vực này và mong muốn thành lập công ty kinh doanh đồ uống có cồn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người chưa nắm được các quy định pháp luật. Bài viết sau đây sẽ cung cấp đến quý bạn đọc những quy định của pháp luật hiện hành về đồ uống có cồn.
I.CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Doanh nghiệp 2020
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
– Nghị định 17/2020/NĐ-CP
– Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu
– Thông tư 15/2020/TT-BTC
– Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019
– Luật an toàn thực phẩm 2010
II.KHÁI NIỆM
Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm.
Rượu không bao gồm: Bia các loại; nước trái cây lên men các loại có độ cồn dưới 5% theo thể tích.
Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm mạch nha (malt), đại mạch, nấm men bia, hoa bia (hoa houblon), nước.
Cồn thực phẩm là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H5OH và có tên khoa học là ethanol đã được loại bỏ tạp chất, đạt yêu cầu dùng trong thực phẩm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có khả năng gây nghiện và gây ngộ độc cấp tính.
Sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp.
Sản xuất rượu công nghiệp là hoạt động sản xuất rượu bằng máy móc, thiết bị công nghiệp.
III. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY KINH DOANH ĐỒ UỐNG CÓ CỒN
*** Điều kiện sản xuất rượu công nghiệp
1.Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
2.Có dây chuyền máy móc, thiết bị, quy trình công nghệ sản xuất rượu đáp ứng quy mô dự kiến sản xuất.
3.Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.
4.Bảo đảm các điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định.
5.Đáp ứng các quy định về ghi nhãn hàng hóa rượu.
6.Có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu.
*** Điều kiện sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh
1.Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
2.Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.
*** Điều kiện sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở có Giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại.
1.Có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.
2.Trường hợp không bán rượu cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.
*** Điều kiện kinh doanh rượu có độ cồn từ 5.5 độ trở lên
Điều kiện phân phối rượu
1.Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
2.Có hệ thống phân phối rượu trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên (đã bao gồm địa bàn doanh nghiệp đặt trụ sở chính); tại mỗi địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải có ít nhất 01 thương nhân bán buôn rượu. Trường hợp doanh nghiệp có thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính để kinh doanh rượu thì không cần có xác nhận của thương nhân bán buôn rượu.
3.Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài.
Điều kiện bán buôn rượu
1.Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
2.Có hệ thống bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính với ít nhất 01 thương nhân bán lẻ rượu. Trường hợp doanh nghiệp có thành lập chi nhánh hoặc địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính để kinh doanh rượu thì không cần có xác nhận của thương nhân bán lẻ rượu
3.Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu khác,
Điều kiện bán lẻ rượu
1.Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
2.Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng.
3.Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, thương nhân phân phối rượu hoặc thương nhân bán buôn rượu.
Điều kiện bán rượu tiêu dùng tại chỗ
1.Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
2.Có quyền sử dụng hợp pháp địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng và có đăng ký bán rượu tiêu dùng tại chỗ với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở kinh doanh.
3.Rượu tiêu dùng tại chỗ phải được cung cấp bởi thương nhân có Giấy phép sản xuất, phân phối, bán buôn hoặc bán lẻ rượu.
4.Trường hợp thương nhân tự sản xuất rượu để bán tiêu dùng tại chỗ thì phải có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp hoặc Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định tại Nghị định này.
*** Điều kiện kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ
Điều kiện sản xuất rượu có độ cồn dưới 5,5 độ
1.Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
2.Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
3.Đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở sản xuất theo Mẫu số 14 Mục II tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 17/2020/NĐ-CP. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.
Điều kiện nhập khẩu rượu có độ cồn dưới 5,5 độ
1.Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
2.Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
3.Đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, nơi thương nhân đặt trụ sở chính trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh theo Mẫu số 14 Mục II tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 17/2020/NĐ-CP. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.
Điều kiện bán rượu có độ cồn dưới 5,5 độ
1.Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
2.Tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
3.Đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thương nhân đặt cơ sở kinh doanh trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh theo Mẫu số 14 Mục II tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 17/2020/NĐ-CP. Trường hợp có thay đổi nội dung đã đăng ký phải thực hiện đăng ký bổ sung.
*** Điều kiện đối với cơ sở sản xuất bia
a) Điều kiện về Thiết kế, bố trí nhà xưởng: Có ngăn cách, cách biệt giữa các khu vực: Kho (nguyên liệu, phụ liệu, chất hỗ trợ chế biến, bảo quản sản phẩm); sản xuất (sơ chế, làm sạch và xử lý nguyên liệu, đường hóa, nhân men giống, lên men, lắng, lọc, chiết rót và hoàn thiện sản phẩm); hệ thống vệ sinh công nghiệp (CIP); cơ khí động lực; tập kết chất thải rắn và hệ thống thu gom xử lý nước thải; các công trình phụ trợ để tránh lây nhiễm chéo;
b) Điều kiện về Kết cấu nhà xưởng:
– Khu vực xay, nghiền nguyên liệu đảm bảo không gây bụi ra môi trường xung quanh và không ảnh hưởng đến các công đoạn sản xuất khác;
– Khu vực nhân men giống phải đảm bảo điều kiện vệ sinh, phù hợp yêu cầu công nghệ, thuận tiện cho việc vệ sinh và khử trùng;
c) Khu vực lên men:
– Trường hợp thực hiện quá trình nhân giống nấm men tại nơi sản xuất: Khu vực nhân giống phải đảm bảo vô trùng, có trang bị hệ thống diệt khuẩn, có chế độ kiểm soát các thiết bị để đảm bảo chất lượng men giống;
– Trường hợp không thực hiện giai đoạn nhân giống nấm men tại nơi sản xuất thì phải có các trang thiết bị đảm bảo an toàn tránh nhiễm khuẩn trong quá trình tiếp giống.
d) Khu vực lọc và chiết rót: Phải bố trí riêng biệt, đảm bảo vô trùng, tránh côn trùng và lây nhiễm chéo từ các nguồn ô nhiễm xung quanh;
đ) Hệ thống cung cấp nước sản xuất: Nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn dùng để nấu bia phải được chứa đựng trong các thiết bị riêng, đảm bảo không bị thôi nhiễm, không bị nhiễm bẩn hoặc nhiễm vi sinh vật từ các nguồn nhiễm khác.
e) Hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải: để tránh lây nhiễm chéo trong quá trình sản xuất;
g) Hệ thống kho: Đảm bảo đủ sức chứa theo công suất thiết kế của dây chuyền sản xuất;
h) Hệ thống kiểm soát chất lượng nguyên liệu và sản phẩm: Có khu vực lưu mẫu, hồ sơ lưu mẫu và thực hiện chế độ lưu, hủy mẫu theo yêu cầu bảo quản của từng loại mẫu.
(Căn cứ Nghị định 17/2020/NĐ-CP; Nghị định 77/2016/NĐ-CP)
IV.THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY SẢN XUẤT KINH DOANH ĐỒ UỐNG CÓ CỒN
Bước 1: Chuẩn bị thông tin thành lập doanh nghiệp
– Loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp cần chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với công ty mình. Hiện nay, có những loại hình doanh nghiệp phổ biến như sau: Công ty tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn (1 thành viên hoặc 2 thành viên trở lên), công ty hợp danh và công ty cổ phần
– Tên doanh nghiệp: Doanh nghiệp lưu ý tên doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện sau:
+ Không đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với những doanh nghiệp đã đăng ký trước đó.
+ Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
+ Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Xem them thêm quy định về đặt tên doanh nghiệp tại: Điều 37, 38, 39 Luật Doanh nghiệp, Điều 18, 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP
– Địa chỉ trụ sở:Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có); Lưu ý: Địa chỉ trụ sở chính của công ty không được là chung cư hoặc nhà tập thể.
– Vốn điều lệ: Đối với Công ty sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn không phải ngành nghề yêu cầu vốn pháp định. Vì vậy, pháp luật không quy định mức vốn tối thiểu và tối đa. Lưu ý: Vốn điều lệ phải được góp đủ trong 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép DKKD. Trường hợp đối với công ty cổ phần nếu Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần có quy định mức thời hạn ngắn hơn thì phải tuân theo quy định đó.
– Ngành nghề kinh doanh:
Doanh nghiệp có thể kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm, có thể chuyên về sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn hoặc kinh doanh thêm những ngành nghề phụ bên cạnh các ngành nghề về sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn.
Lưu ý: Doanh nghiệp tham khảo quyết định 27/2018/QĐ-TTg để lựa chọn và thêm mã ngành phù hợp với nhu cầu kinh doanh. Sau đây là một số mã ngành nghề thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn mà doanh nghiệp có thể lựa chọn:
+ Mã ngành 1101: Chưng, tinh cất và pha chế các loại rượu mạnh
+ Mã ngành 1102: Sản xuất rượu vang
+ Mã ngành 1103: Sản xuất bia và mạch nha ủ men bia
+ Mã ngành 1104: Sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng
+ Mã ngành 5630: Dịch vụ phục vụ đồ uống
+ Mã ngành 2011: Sản xuất hoá chất cơ bản
+ Mã ngành 4633: Bán buôn đồ uống
+ Mã ngành 4723: Bán lẻ đồ uống trong các cửa hàng chuyên doanh
+ Mã ngành 5630: Quán rượu, bia, quầy bar
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp
Thành phần hồ sơ thành lập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP bao gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu;
b) Điều lệ công ty ( áp dụng đối với loại hình công ty hợp danh, công ty TNHH, Công ty cổ phần)
c) Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh);
d) Bản sao các giấy tờ sau đây:
– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.
– Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
e) Giấy ủy quyền trong trường hợp ủy quyền
Bước 3: Nộp Hồ sơ:
– Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng một trong hai cách sau:
Cách 1: Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
Cách 2: Nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia theo địa chỉ: gov.vn
Bước 4: Nhận kết quả:
– Sau 3 ngày làm việc, phòng đăng ký kinh doanh sẽ trả kết quả xử lý hồ sơ, nếu hồ sơ ra thông báo bổ sung, doanh nghiệp sửa hồ sơ và nộp lại từ đầu. Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp đến phòng đăng ký kinh doanh để nhận kết quả.
– Lệ phí: lệ phí đăng ký doanh nghiệp: 50.000 đồng/hồ sơ; phí Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000/lần (Thông tư 47/2019/TT-BTC)
V.NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
1.Các thủ tục nào phải làm sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?
– Khắc con dấu cho công ty;
– Treo biển tại trụ sở công ty;
– Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp
– Đăng ký chữ ký số điện tử thực hiện nộp thuế điện tử;
– Thực hiện thủ tục khai thuế ban đầu;
– Góp vốn đầy đủ đúng hạn trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
2.Các loại thuế, lệ phí phải đóng sau khi thành lập công ty?
– Thuế môn bài: Năm đầu tiên được miễn lệ phí môn bài. Thời hạn nộp lệ phí Môn bài chậm nhất ngày 30/1 hằng năm
– Thuế thu nhập doanh nghiệp: Tùy vào mức thu nhập của doanh nghiệp, công ty sẽ phải đóng số thuế đúng quy định.
– Thuế xuất – nhập khẩu: Nếu công ty hoạt động trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh đồ uống có cồn mà có liên quan đến xuất nhập khẩu thì cần đóng đủ thuế khi tiến hành xuất – nhập khẩu hàng hóa.
– Thuế giá trị gia tăng: Công ty đóng thuế theo tháng hoặc quý.
– Thuế tiêu thụ đặc biệt: Rượu, bia là mặt hàng thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo điểm a khoản 1 Điều 2 Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt. Người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Như vậy, Chỉ Doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, chế biến, nhập khẩu rượu, bia thì mới phải đóng thuế này.
3.Công ty sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn có phải xin giấy phép con không?
Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, các quy định tại Nghị định 105/2017/NĐ-CP, và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Theo đó, một số hoạt động phải có giấy phép con tương ứng như:
– Giấy phép phân phối rượu
– Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh
– Giấy phép phân phối rượu
– Giấy phép bán buôn rượu
– Giấy phép bán lẻ rượu
– Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ
Bia là một loại đồ uống có cồn nhưng kinh doanh bia không phải ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật đầu tư 2020 và không phải sản phẩm bị hạn chế kinh doanh. Vì vậy, cơ sở kinh doanh bia không cần xin nhiều loại giấy phép con giống như cơ sở kinh doanh rượu mà chỉ cần xin giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở sản xuất bia và tự công bố sản phẩm bia nhập khẩu đối với cơ sở kinh doanh bia.
Trường hợp tổ chức cá nhân vừa kinh doanh bán lẻ bia, vừa kinh doanh bán lẻ rượu thì cần phải xin giấy phép bán lẻ rượu theo quy định của pháp luật do kinh doanh rượu là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư 2020.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …