20

Th2

THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY SẢN XUẤT CON DẤU

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp thành lập ngày càng nhiều kéo theo dịch vụ sản xuất con dấu cũng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, đây là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp kinh doanh sản xuất con dấu phải đáp ứng các điều kiện nhất định theo quy định pháp luật. Cùng theo dõi bài viết sau đây của Luật 3S để nắm rõ thủ tục thành lập công ty kinh doanh sản xuất con dấu nhé!

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật doanh nghiệp 2020;

– Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 về đăng ký doanh nghiệp ;

– Thông tư 01/202/TT-BKHĐT ngày 16/03/2021 Hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;

– Quyết định 27/2018/QĐ-Ttg ngày 06/07/2018 Ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam;

– Luật đầu tư 2020;

 

II. ĐIỀU KIỆN KINH DOANH SẢN XUẤT CON DẤU

1. Sản xuất con dấu là gì?

Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: “Sản xuất con dấu, gồm: Sản xuất con dấu có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, con dấu có hình biểu tượng, con dấu không có hình biểu tượng theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu.”

Như vậy, hiện nay có 03 loại con dấu sau:

– Con dấu có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

– Con dấu có hình biểu tượng: là con dấu trên bề mặt có hình ảnh tượng trưng của cơ quan, tổ chức đó được pháp luật công nhận hoặc được quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (khoản 3 Điều 3 Nghị định 99/2016/NĐ-CP)

– Con dấu không có hình biểu tượng: là con dấu trên bề mặt không có hình Quốc huy hoặc không có hình ảnh tượng trưng như quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Nghị định 99/2016/NĐ-CP

Doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được phép hoạt động sản xuất các loại con dấu, tuy nhiên:

– Chỉ doanh nghiệp thuộc Bộ Công an mới được sản xuất con dấu có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, con dấu có hình Công an hiệu;

– Chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng mới được sản xuất con dấu có hình Quân hiệu, trừ các cơ sở kinh doanh đã hoạt động trước ngày 01/07/2016.

(Khoản 1 Điều 13 Nghị định 96/2016/NĐ-CP)

2. Điều kiện về an ninh trật tư đối với kinh doanh sản xuất con dấu

a) Được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

b) Điều kiện về người chịu trách nhiệm an ninh trật tự

Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự là:

– Người đại diện theo pháp luật, người quản lý cơ sở kinh doanh, chủ cơ sở kinh doanh có tên trong các văn bản quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 96/2016/NĐ-CP;

– Người được những người nêu trên ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo Điều 16 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Đối với người Việt Nam:

+ Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

+ Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.

+ Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

– Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:

+ Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

c) Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

Đối với cơ sở sản xuất con dấu thuộc Danh mục cơ sở do Công an quản lý (quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP) phải đáp ứng các điều kiện sau:

(1) Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an – xem chi tiết tại công việc “Xây dựng nội quy và sơ đồ về an toàn phòng cháy, chữa cháy”.

(2) Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp đối với trạm biến áp được vận hành tự động – xem chi tiết tại công việc “Thành lập và điều động lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở”.

(3) Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt – xem chi tiết tại công việc “Xây dựng và thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy”.

(4) Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

(5) Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

(6) Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc Danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP), trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.

Đối với cơ sở sản xuất con dấu thuộc Danh mục cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý (quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP) phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Các điều kiện (1), (3) và (4) nêu bên trên; trường hợp cơ sở thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V Nghị định 136/2020/NĐ-CP phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy;

– Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

– Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy. Người làm nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy phải được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy

 

III. THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY SẢN XUẤT CON DẤU

Bước 1: Chuẩn bị thông tin thành lập doanh nghiệp

(1) Loại hình doanh nghiệp:

Tùy theo số lượng thành viên góp vốn, nhu cầu và mong muốn mà Doanh nghiệp sẽ chọn loại hình phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình. Hiện nay, có những loại hình doanh nghiệp như sau: Doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn (1 thành viên hoặc 2 thành viên trở lên), công ty hợp danh và công ty cổ phần

(2) Tên doanh nghiệp:

Doanh nghiệp lưu ý tên doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện sau:

a. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

– Loại hình doanh nghiệp:

Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.

– Tên riêng doanh nghiệp:

– Tên riêng doanh nghiệp: Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

b. Những điều cấm khi đặt tên Doanh nghiệp

– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

– Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

– Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định của luật doanh nghiệp, như sau:

+ Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-“, “_”;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;

+ Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

(Xem thêm quy định về đặt tên doanh nghiệp tại: Điều 37, 38, 39 Luật Doanh nghiệp, Điều 18, 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

(3) Địa chỉ trụ sở: Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có); Công ty có thể đặt địa chỉ trụ sở chính tại Nhà ở riêng lẻ hoặc Toà nhà văn phòng, Địa điểm được nhà nước phê duyệt có công năng thương mại (được phép kinh doanh).

Lưu ý: Trụ sở công ty không được đặt tại Nhà chung cư nếu Chung cư đó chỉ có chức năng để ở (tức không có chức năng kinh doanh).

(4) Vốn điều lệ: Sản xuất con dấu không phải là ngành nghề không yêu cầu vốn pháp định. Do đó, doanh nghiệp có thể tự do đăng ký kinh doanh mà không phải lo mức vốn tối thiểu và tối đa là bao nhiêu.

Lưu ý: Vốn điều lệ phải được góp đủ trong vòng 90 ngày kể từ ngày được Sở kế hoạch đầu tư cấp giấy phép Đăng ký kinh doanh. Trường hợp đối với công ty cổ phần, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên nếu Điều lệ công ty quy định mức thời hạn góp vốn ngắn hơn thì phải tuân theo quy định đã cam kết đó.

(5) Ngành nghề kinh doanh:

Doanh nghiệp có thể kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm.

Doanh nghiệp căn cứ quyết định 27/2018/QĐ-TTg để lựa chọn và đăng ký mã ngành phù hợp với nhu cầu kinh doanh. Sau đây là mã ngành nghề thuộc lĩnh vực Sản xuất con dấu

329 – 3290 – 32900: Sản xuất khác chưa được phân vào đâu

Nhóm này gồm:

– Sản xuất trang thiết bị bảo vệ an toàn như:

+ Sản xuất quần áo chống cháy và bảo vệ an toàn,

+ Sản xuất dây bảo hiểm cho người sửa chữa điện hoặc các dây bảo vệ cho các ngành nghề khác,

+ Sản xuất phao cứu sinh,

+ Sản xuất mũ nhựa cứng và các thiết bị bảo vệ cá nhân khác (ví dụ mũ thể thao),

+ Sản xuất quần áo amiăng (như bộ bảo vệ chống cháy),

+ Sản xuất mũ bảo hiểm kim loại và các thiết bị bảo hiểm cá nhân bằng kim loại khác,

+ Sản xuất nút tai và nút chống ồn (cho bơi lội và bảo vệ tiếng ồn),

+ Sản xuất mặt nạ khí ga.

– Sản xuất chổi, bàn chải bao gồm bàn chải là bộ phận của máy móc, bàn chải sàn cơ khí điều khiển bằng tay, giẻ lau, máy hút bụi lông, chổi vẽ, trục lăn, giấy thấm sơn, các loại chổi, bàn chải khác…

– Sản xuất bàn chải giày, quần áo;

– Sản xuất bút và bút chì các loại bằng cơ khí hoặc không;

– Sản xuất lõi bút chì;

– Sản xuất tem ghi số, tem gắn, ghi ngày, các thiết bị in ấn điều khiển bằng tay hoặc các tem rập nổi, các thiết bị in bằng tay, lõi mực in và ribbon máy tính;

– Sản xuất găng tay;

– Sản xuất ô, ô đi nắng, gậy đi bộ;

– Sản xuất các nút, khóa ấn, khoá móc, khoá trượt;

– Sản xuất tẩu hút xì gà;

– Sản xuất các sản phẩm cho con người: Tẩu hút, lược, bình xịt nước hoa, lọc chân không và các bình chân không khác dùng cho cá nhân hoặc gia đình, tóc giả, râu giả, mi giả, bút kẻ lông mày;

– Sản xuất các sản phẩm khác: Nến, dây nến và các thứ tương tự; hoa giả, vòng hoa, giỏ hoa, hoa nhân tạo, lá quả, vật lạ, vật gây cười, sàng, sảy, manơ canh…

– Hoạt động nhồi bông thú,

– Làm con dấu.

Loại trừ:

– Sản xuất bấc đèn được phân vào nhóm 13990 (Sản xuất các loại hàng dệt khác chưa được phân vào đâu);

– Sản xuất quần áo lao động và phục vụ (ví dụ đồng phục, áo khoác trong phòng thí nghiệm) được phân vào nhóm 14100 (May trang phục (trừ trang phục từ da lông thú));

– Sản xuất hình nộm bằng giấy được phân vào nhóm 17090 (Sản xuất các sản phẩm khác từ giấy và bìa chưa được phân vào đâu).

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp

Thành phần hồ sơ thành lập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP bao gồm:

a) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu (tuỳ theo mỗi loại hình doanh nghiệp mà có mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp khác nhau);

b) Điều lệ công ty (áp dụng đối với loại hình công ty hợp danh, công ty TNHH, Công ty cổ phần)

c) Danh sách thành viên góp vốn hoặc Danh sách cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh);

d) Bản sao các giấy tờ sau đây:

– Giấy tờ pháp lý (CMND/ CCCD/ Hộ chiếu) của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật, chủ sở hữu của doanh nghiệp

– Giấy tờ pháp lý (CMND/ CCCD/ Hộ chiếu) của cá nhân đối với thành viên góp vốn công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý (Quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký́ doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác) của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền (Đối với trường hợp chủ sở hữu là tổ chức ủy quyền cho cá nhân quản lý phần vốn góp)

– Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

e) Giấy ủy quyền trong trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh

Bước 3: Nộp Hồ sơ:

– Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng một trong hai cách sau:

+ Cách 1: Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;

+ Cách 2: Nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia theo địa chỉ: dangkykinhdoanh.gov.vn

Bước 4: Nhận kết quả:

– Sau 3 ngày làm việc, phòng đăng ký kinh doanh sẽ trả kết quả xử lý hồ sơ, nếu hồ sơ ra thông báo bổ sung, doanh nghiệp sửa hồ sơ và nộp lại từ đầu. Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp đến phòng đăng ký kinh doanh để nhận kết quả.

 

IV. THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN AN NINH TRẬT TỰ

1. Thành phần hồ sơ

Thành phần hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự được quy định tại Điều 19 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, bao gồm:

1. Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh (Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).

2. Bản sao hợp lệ một trong các loại văn bản sau đây:

a) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp có thu;

b) Trường hợp trong các văn bản quy định tại điểm a khoản này không thể hiện ngành, nghề đầu tư kinh doanh thì cơ sở kinh doanh phải bổ sung tài liệu chứng minh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà cơ sở kinh doanh hoạt động và đề nghị ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đã được cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận (đối với cơ sở kinh doanh là doanh nghiệp thì cơ quan Công an khai thác tài liệu này trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp).

3. Bản sao hợp lệ các giấy tờ, tài liệu chứng minh bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực kinh doanh và kho bảo quản nguyên liệu, hàng hóa, gồm:

a) Văn bản nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh thuộc danh mục quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là Nghị định số 79/2014/NĐ-CP);

b) Biên bản kiểm tra về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở kinh doanh không thuộc quy định tại điểm a khoản 3 Điều này nhưng thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 79/2014/NĐ-CP;

c) Các cơ sở kinh doanh không phải nộp tài liệu quy định tại các điểm a và b khoản 3 Điều này, gồm: Sản xuất con dấu; sản xuất cờ hiệu, mua, bán cờ hiệu, đèn, còi phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên; kinh doanh dịch vụ bảo vệ; kinh doanh dịch vụ đòi nợ; kinh doanh dịch vụ đặt cược; kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động; kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; kinh doanh máy kiểm tra tốc độ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; kinh doanh thiết bị kiểm tra nồng độ cồn; kinh doanh thiết bị giám sát điện thoại di động GSM và các thiết bị giám sát điện thoại di động khác;

d) Đối với các cơ sở kinh doanh không có kho chứa nguyên liệu hoặc sản phẩm theo quy định thì phải có hợp đồng thuê kho đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại các điểm a và b khoản 3 Điều này;

đ) Đối với các cơ sở kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ thì các tài liệu chứng minh đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy là tài liệu của kho chứa, bảo quản vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ.

4. Bản khai lý lịch (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự (Mẫu số 02b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh, cụ thể như sau:

a) Đối với người Việt Nam ở trong nước là người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải có Bản khai lý lịch; Phiếu lý lịch tư pháp (trừ những người đang thuộc biên chế của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội);

Bản khai lý lịch của những người quy định tại điểm này nếu đang thuộc biên chế của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thì phải có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trực tiếp quản lý (trừ cơ sở kinh doanh). Đối với những người không thuộc đối tượng nêu trên phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú;

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài phải có Bản khai nhân sự kèm theo bản sao hợp lệ Hộ chiếu, Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Thị thực còn thời hạn lưu trú tại Việt Nam;

c) Đối với trường hợp một cơ sở kinh doanh có nhiều người đại diện theo pháp luật thì Bản khai lý lịch, Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự trong hồ sơ áp dụng đối với người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

2. Cơ quan cấp phép

Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an cấp tỉnh

3. Trình tự thực hiện

Cơ sở kinh doanh sản xuất con dấu nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo 3 cách:

– Nộp trực tiếp;

– Nộp qua đường bưu chính;

– Nộp qua Cổng thông tin điện tử quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của Bộ Công an. Khi nhận Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, doanh nghiệp phải chuyển cho cơ quan Công an có thẩm quyền các văn bản, tài liệu theo hướng dẫn nêu trên.

Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; cơ quan Công an phải có văn bản trả lời doanh nghiệp và nêu rõ lý do trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.

4. Những việc cần làm sau khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự:

– Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải có Văn bản thông báo đủ điều kiện về an ninh, trật tự kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự gửi cho Công an xã, phường, thị trấn nơi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.

– Doanh nghiệp sản xuất con dấu có trách nhiệm báo cáo cho Công an trực tiếp quản lý định kỳ hàng quý (hoàn thành trong tuần cuối cùng của quý) về tình hình, kết quả thực hiện các quy định về an ninh, trật tự theo mẫu ĐK13 ban hành kèm theo Thông tư 42/2017/TT-BCA;

Ngoài ra, doanh nghiệp còn có trách nhiệm báo cáo đột xuất các vụ việc hoặc thông tin liên quan đến lĩnh vực an ninh, trật tự tại cơ sở kinh doanh gửi cơ quan Công an nơi gần nhất và cơ quan Công an trực tiếp quản lý.

– Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan Công an có thẩm quyền các tài liệu sau đây:

+ Danh sách những người làm việc trong doanh nghiệp (mẫu ĐK11 ban hành kèm theo Thông tư 42/2017/TT-BCA);

+ Bản khai lý lịch (Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP), Bản khai nhân sự (Mẫu số 02b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP) của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp, trừ người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

+ Bảng thống kê phương tiện phục vụ công tác bảo vệ (nếu có).

– Niêm yết công khai quy trình tiếp nhận hồ sơ sản xuất con dấu, giá tiền khắc dấu tại doanh nghiệp.

– Bảo quản chặt chẽ và chuyển con dấu cho cơ quan Công an có thẩm quyền để đăng ký theo quy định, không được trực tiếp giao con dấu cho khách hàng, trừ con dấu của doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của cơ quan Công an.

– Lập Sổ quản lý hoạt động kinh doanh.

Lưu ý: Trong không quá 60 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, cơ quan cấp Giấy chứng nhận gửi thông báo về việc hậu kiểm, tiến hành hậu kiểm đối với doanh nghiệp như sau:

– Xác minh lý lịch người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của doanh nghiệp theo mẫu ĐK4a (đối với người Việt Nam ở trong nước) hoặc mẫu ĐK4b (người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài) ban hành kèm theo Thông tư 42/2017/TT-BCA nếu có nghi vấn;

– Kiểm tra trực tiếp các điều kiện về an ninh, trật tự tại cơ sở kinh doanh

(Điều 25 Nghị định 96/2016/NĐ-CP)

 

V. NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP

1. Các thủ tục nào phải làm sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?

Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được xem là hoàn thành nước đầu tiên trong việc thành lập công ty. Tuy nhiên, để công ty đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì công ty phải thực hiện các công việc ban đầu khi mới thành lập như sau:

– Khắc con dấu cho công ty;

– Treo biển tại trụ sở công ty;

– Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp

– Đăng ký chữ ký số điện tử thực hiện nộp thuế điện tử;

– Thực hiện thủ tục khai thuế ban đầu;

– Góp vốn đầy đủ đúng hạn trong thời hạn theo quy định của pháp luật.

2. Các loại thuế, lệ phí nhà nước phải đóng sau khi thành lập công ty?

– Lệ phí môn bài: Năm đầu tiên được miễn lệ phí môn bài. Thời hạn nộp lệ phí Môn bài chậm nhất ngày 30/1 hằng năm. Nếu Vốn điều lệ đăng ký dưới 10 tỷ thì lệ phí môn bài là 2.000.000 đồng/năm , trên 10 tỷ thì lệ phí môn bài phải nộp là 3.000.000 đồng/năm

– Thuế thu nhập doanh nghiệp: Tùy vào mức doanh thu, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, công ty sẽ phải đóng số thuế theo quy định pháp luật.

Thuế thu nhập doanh nghiệp = (Doanh thu tính thuế –  tất cả các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ, hợp pháp của doanh nghiệp) x Thuế suất 20% (hoặc tuỳ hàng hoá/dịch vụ kinh doanh có được ưu đãi thuế suất doanh nghiệp hay không thì có thể có thuế suất thấp hơn 20%).

– Thuế giá trị gia tăng: Là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế suất GTGT đối với các ngành nghề có các mức 0%, 5%, 8%, 10% hoặc không chịu thuế tùy thuộc vào loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp.

3. Trách nhiệm của cơ sở sản xuất con dấu

Ngoài trách nhiệm quy định tại Điều 25 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, cơ sở sản xuất con dấu có trách nhiệm:

– Niêm yết công khai quy trình tiếp nhận hồ sơ sản xuất con dấu, giá tiền khắc dấu tại cơ sở kinh doanh.

– Sản xuất con dấu bằng các chất liệu bền vững, có tính ổn định cao.

– Bảo quản chặt chẽ và chuyển con dấu cho cơ quan Công an có thẩm quyền để đăng ký theo quy định, không được trực tiếp giao con dấu cho khách hàng, trừ con dấu của doanh nghiệp không thuộc phạm vi quản lý của cơ quan Công an theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu.

– Không cung cấp bản thiết kế mẫu con dấu của các cơ quan, tổ chức cho những người không có thẩm quyền.

– Thông báo ngay cho cơ quan Công an để xác minh, làm rõ người có nghi vấn làm con dấu sai quy định.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan