THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG TAXI
Bạn quan tâm đến Thủ tục thành lập công ty Vận tải hành khách bằng taxi nhưng còn nhiều băn khoăn và không biết rõ các quy định của pháp luật. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các quy định của pháp luật hiện hành về Thủ tục thành lập công ty Vận tải hành khách bằng taxi . Mời quý bạn đọc cùng theo dõi.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật doanh nghiệp 2020
– Luật Đầu tư 2020
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
– Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp
– Quyết định 27/2018/Qđ-Ttg về hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam
– Luật giao thông đường bộ 2008
– Nghị định 10/2020/NĐ-CP kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
– Thông tư 12/2020/TT-BGTVT tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô
– Thông tư 36/2020/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định chế độ báo cáo định kỳ lĩnh vực đường bộ
II. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG TAXI
1. Phạm vi kinh doanh ngành nghề Vận tải hành khách bằng taxi ?
Căn cứ theo quyết định 27/2018/Qđ-Ttg về hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam thì nhóm ngành Vận tải hành khách bằng taxi gồm:
– Vận tải hành khách bằng taxi, kể cả hoạt động của taxi sân bay.
– Hoạt động của taxi công nghệ.
Căn cứ theo Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP:
– Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.
– Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử.
2. Điều kiện kinh doanh ngành nghề Vận tải hành khách bằng taxi
Theo quy định của pháp luật hiện nay, Vận tải hành khách bằng taxi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, để thành lập công ty Vận tải hành khách bằng taxi thì chủ doanh nghiệp ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện chung về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp thì doanh cần phải đáp ứng thêm các điều kiện chuyên ngành khi đi vào hoạt động như:
* Quy định chung về kinh doanh vận tải khách bằng taxi
Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi
a) Phải có phù hiệu “XE TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe;
b) Phải được niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE TAXI” là 06 x 20 cm.
Được quyền lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe với kích thước tối thiểu là 12 x 30 cm. Trường hợp lựa chọn gắn hộp đèn với chữ “TAXI” cố định trên nóc xe thì không phải niêm yết (dán cố định) cụm từ “XE TAXI” trên kính phía trước và kính phía sau xe;
c) Trường hợp xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trên 70% tổng thời gian hoạt động trong một tháng tại địa phương nào thì phải thực hiện cấp phù hiệu địa phương đó; việc xác định tổng thời gian hoạt động được thực hiện thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe.
Xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền
a) Trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; đồng hồ tính tiền và thiết bị in phải được gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình;
b) Phiếu thu tiền phải có các thông tin tối thiểu, gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, biển kiểm soát xe, cự ly chuyến đi (km) và tổng số tiền hành khách phải trả.
Xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền)
a) Trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, huỷ chuyến;
b) Tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số;
c) Phần mềm tính tiền phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; giao diện dành cho hành khách phải có tên hoặc biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải và phải cung cấp cho hành khách trước khi thực hiện vận chuyển các nội dung tối thiểu gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, hành trình, cự ly chuyến đi (km), tổng số tiền hành khách phải trả và số điện thoại giải quyết phản ánh của hành khách.
Kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi (qua phần mềm) hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách, đồng thời gửi về cơ quan Thuế các thông tin của hóa đơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải thông báo đến Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh phương thức tính tiền sử dụng trên xe taxi của đơn vị trước khi thực hiện kinh doanh vận tải.
Xe taxi được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, địa điểm văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại; được ưu tiên hoạt động khi tổ chức giao thông tại đô thị.
(Điều 6 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)
* Điều kiện về niêm yết thông tin
Xe taxi phải được niêm yết thông tin như sau:
a) Hai bên cánh cửa xe: tên, số điện thoại và biểu trưng (logo) của doanh nghiệp, hợp tác xã với kích thước tối thiểu: chiều dài là 20 cm, chiều rộng là 20 cm; bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT;
b) Trong xe: bảng giá cước tính tiền theo kilômét (km), giá cước tính tiền cho thời gian xe phải chờ đợi theo yêu cầu của hành khách và các chi phí khác (nếu có) mà hành khách phải trả; bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT;
c) Trường hợp xe taxi sử dụng phần mềm tính tiền còn phải hiển thị trên giao diện dành cho hành khách bảng giá cước đã kê khai theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT”
(Khoản 2 Điều 38 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 8 Điều 1 Thông tư số 02/2021/TT-BGTVT)
* Quy định về phù hiệu của xe taxi
a) Phù hiệu “XE TAXI” theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT;
b) Phù hiệu xe taxi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định riêng đối với các đơn vị thuộc địa phương quản lý hoặc theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.
Phù hiệu riêng phải có mã code QR và kích thước thống nhất theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT. Trường hợp địa phương tự in ấn, phát hành phải thông báo mẫu phù hiệu riêng về Cục Đường bộ Việt Nam trước khi thực hiện;
c) Phù hiệu được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe.
Lưu ý: Cụm từ “XE TAXI” làm bằng vật liệu phản quang niêm yết (dán cố định) trên kính phía trước và kính phía sau xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư 12/2020/TT-BGTVT (trừ trường hợp xe có gắn hộp đèn).
(Khoản 4, khoản 5 Điều 38 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT)
* Điều kiện khác bên trong xe taxi
Trong xe phải có Bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm cho hành khách, các nội dung chính gồm: hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có); bảng cấm hút thuốc lá trên xe; hướng dẫn đóng, mở cửa xe đảm bảo an toàn.
(Khoản 6 Điều 38 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT)
* Điểm dừng đón, trả khách công cộng, điểm đỗ xe taxi
– Điểm dừng đón, trả khách công cộng cho xe taxi phải đảm bảo an toàn giao thông và được báo hiệu bằng biển báo, vạch sơn kẻ đường theo quy định.
– Điểm đỗ xe taxi
+ Điểm đỗ xe taxi gồm 02 loại: điểm đỗ xe taxi do doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức và quản lý; điểm đỗ xe taxi công cộng do cơ quan quản lý nhà nước của địa phương tổ chức và quản lý;
+ Yêu cầu đối với điểm đỗ xe taxi: đảm bảo trật tự, an toàn và không gây ùn tắc giao thông; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.
(Điều 39 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT)
III. THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG TAXI
Bước 1: Chuẩn bị thông tin thành lập doanh nghiệp
(1) Loại hình doanh nghiệp:
Tùy theo số lượng thành viên góp vốn, nhu cầu và mong muốn mà Doanh nghiệp sẽ chọn loại hình phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình. Hiện nay, có những loại hình doanh nghiệp như sau: Doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn (1 thành viên hoặc 2 thành viên trở lên), công ty hợp danh và công ty cổ phần.
(2) Tên doanh nghiệp:
Doanh nghiệp lưu ý tên doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện sau:
a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
– Loại hình doanh nghiệp:
Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.
– Tên riêng doanh nghiệp:
– Tên riêng doanh nghiệp: Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
b) Những điều cấm khi đặt tên Doanh nghiệp
– Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
– Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
– Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định của luật doanh nghiệp, như sau:
+ Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;
+ Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
+ Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-“, “_”;
+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
+ Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;
+ Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.
(Xem thêm quy định về đặt tên doanh nghiệp tại: Điều 37, 38, 39 Luật Doanh nghiệp, Điều 18, 19 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)
(3) Địa chỉ trụ sở: Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có); Công ty có thể đặt địa chỉ trụ sở chính tại Nhà ở riêng lẻ hoặc Toà nhà văn phòng, Địa điểm được nhà nước phê duyệt có công năng thương mại (được phép kinh doanh).
Lưu ý: Trụ sở công ty không được đặt tại Nhà chung cư nếu Chung cư đó chỉ có chức năng để ở (tức không có chức năng kinh doanh).
(4) Vốn điều lệ: Vận tải hành khách bằng taxi không phải là ngành nghề yêu cầu vốn pháp định. Do đó, doanh nghiệp có thể tự do đăng ký kinh doanh mà không phải lo mức vốn tối thiểu và tối đa là bao nhiêu.
Lưu ý: Vốn điều lệ phải được góp đủ trong vòng 90 ngày kể từ ngày được Sở kế hoạch đầu tư cấp giấy phép Đăng ký kinh doanh. Trường hợp đối với công ty cổ phần, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên nếu Điều lệ công ty quy định mức thời hạn góp vốn ngắn hơn thì phải tuân theo quy định đã cam kết đó.
(5) Ngành nghề kinh doanh:
Doanh nghiệp có thể kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm.
Doanh nghiệp căn cứ quyết định 27/2018/QĐ-TTg để lựa chọn và đăng ký mã ngành cấp 4 phù hợp với nhu cầu kinh doanh. Đối với ngành nghề kinh doanh Vận tải hành khách bằng taxi thì doanh nghiệp đăng ký mã ngành:
4931: Vận tải hành khách đường bộ trong nội thành, ngoại thành (trừ vận tải bằng xe buýt)
Nhóm này gồm: Vận tải hành khách bằng đường bộ trong nội, ngoại thành, được thực hiện bằng nhiều phương thức (trừ xe buýt) như: tàu điện ngầm, tàu điện chạy bằng tuyến đường ray trên mặt đất hoặc tuyến ray trên cao, ôtô điện… Đặc thù của các phương thức vận tải này là chạy trên các tuyến đường theo lịch trình, giờ giấc cố định, các bến đỗ cố định để đón, trả khách.
Nhóm này cũng gồm:
– Các tuyến đường chạy từ thành phố tới sân bay hoặc từ thành phố tới nhà ga tàu hỏa;
– Hoạt động của đường sắt leo núi, đường cáp trên không… nếu một phần của hệ thống này đi qua nội, ngoại thành.
Loại trừ:
– Vận tải hành khách bằng đường sắt liên tỉnh được phân vào nhóm 49110 (Vận tải hành khách đường sắt);
……
49312: Vận tải hành khách bằng taxi
Nhóm này gồm:
– Vận tải hành khách bằng taxi, kể cả hoạt động của taxi sân bay.
– Hoạt động của taxi công nghệ.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp
Thành phần hồ sơ thành lập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP bao gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu (tuỳ theo mỗi loại hình doanh nghiệp mà có mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp khác nhau);
b) Điều lệ công ty (áp dụng đối với loại hình công ty hợp danh, công ty TNHH, Công ty cổ phần)
c) Danh sách thành viên góp vốn hoặc Danh sách cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh);
d) Bản sao các giấy tờ sau đây:
– Giấy tờ pháp lý (CMND/ CCCD/ Hộ chiếu) của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật, chủ sở hữu của doanh nghiệp
– Giấy tờ pháp lý (CMND/ CCCD/ Hộ chiếu) của cá nhân đối với thành viên góp vốn công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý (Quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký́ doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác) của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền (Đối với trường hợp chủ sở hữu là tổ chức ủy quyền cho cá nhân quản lý phần vốn góp)
– Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
– Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
e) Giấy ủy quyền trong trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh
Bước 3: Nộp Hồ sơ
– Doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng một trong hai cách sau:
+ Cách 1: Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
+ Cách 2: Nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng điện tử tại Cổng Thông tin Đăng ký doanh nghiệp Quốc gia theo địa chỉ: dangkykinhdoanh.gov.vn
Bước 4: Nhận kết quả
Sau 3 ngày làm việc, phòng đăng ký kinh doanh sẽ trả kết quả xử lý hồ sơ. Nếu hồ sơ không hợp lệ, phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo hướng dẫn doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung hồ sơ, doanh nghiệp sửa hồ sơ và nộp lại từ đầu. Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, doanh nghiệp liên hệ phòng đăng ký kinh doanh để nhận kết quả.
IV. CÁC THỦ TỤC PHÁP LÝ LIÊN QUAN KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG TAXI
* Thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (sau đây gọi chung là Giấy phép kinh doanh). Trình tự thủ tục được thực hiện như sau:
(1) Thành phần hồ sơ
a) Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Nghị định 10/2020/NĐ-CP;
b) Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải;
c) Bản sao hoặc bản chính Quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ, vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử).
(2) Cơ quan có thẩm quyền cấp phép: Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh là Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
(3) Trình tự thủ tục:
a) Đơn vị kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đến cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định, cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh thẩm định hồ sơ, cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh phải trả lời bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
(Điều 17,18,19 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)
* Công bố bến xe
– Bến xe khách chỉ được đưa vào khai thác sau khi Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố.
– Bến xe hàng chỉ được đưa vào khai thác sau khi doanh nghiệp công bố và thông báo đến Sở Giao thông vận tải địa phương.
– Công bố bến xe được thực hiện theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bến xe.
(Điều 21 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)
* Thủ tục cấp phù hiệu, biển hiệu
Đơn vị kinh doanh có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được cấp phù hiệu, biển hiệu cho xe ô tô phù hợp với loại hình kinh doanh đã được cấp phép và đảm bảo nguyên tắc: Tại một thời điểm, mỗi xe chỉ được cấp và sử dụng một loại phù hiệu hoặc biển hiệu tương ứng với một loại hình kinh doanh vận tải. Thủ tục xin cấp phù hiệu xe taxi được quy định như sau:
(1) Thành phần hồ sơ
a) Giấy đề nghị cấp phù hiệu theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Nghị định 10/2020/NĐ-CP;
b) Bản sao giấy đăng ký xe ô tô hoặc bản sao giấy hẹn nhận giấy đăng ký xe ô tô của cơ quan cấp đăng ký. Trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải thì xuất trình thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và hợp tác xã hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh.
(2) Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Sở Giao thông vận tải
(3) Trình tự, thủ tục cấp phù hiệu
a) Đơn vị kinh doanh vận tải gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu đến Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp Giấy phép kinh doanh cho đơn vị. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp phù hiệu thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần bổ sung hoặc sửa đổi đến đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ;
b) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đúng quy định, Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho các xe theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải. Trường hợp từ chối không cấp, Sở Giao thông vận tải trả lời bằng văn bản hoặc trả lời thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.
Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm cập nhật thông tin trên hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thực hiện kiểm tra và chỉ cấp phù hiệu khi thiết bị giám sát hành trình của xe đáp ứng đầy đủ các quy định về lắp đặt, truyền dẫn dữ liệu.
Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan cấp hoặc qua đường bưu điện hoặc hình thức phù hợp khác theo quy định. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại cơ quan cấp hoặc qua đường bưu điện, cán bộ tiếp nhận hồ sơ cập nhật thông tin của các hồ sơ đúng theo quy định vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải.
Cơ quan cấp thực hiện việc xử lý hồ sơ và cấp phù hiệu trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải;
c) Cơ quan cấp kiểm tra thông tin về Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các xe ô tô để đảm bảo phương tiện đủ điều kiện kinh doanh vận tải trên hệ thống Đăng kiểm Việt Nam;
d) Cơ quan cấp kiểm tra thông tin về tình trạng của phương tiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải và hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thực hiện theo các trường hợp sau:
Trường hợp phương tiện chưa có trên hệ thống thì thực hiện cấp phù hiệu;
Trường hợp phương tiện đã có trên hệ thống, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ thực hiện gửi thông tin qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Sở Giao thông vận tải đang quản lý phương tiện để đề nghị xác nhận và gỡ bỏ phương tiện khỏi hệ thống. Trong thời gian 02 ngày làm việc, Sở Giao thông vận tải nhận được đề nghị phải trả lời, trường hợp không đồng ý gỡ thông tin của phương tiện phải nêu rõ lý do. Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ thực hiện cấp phù hiệu, biển hiệu sau khi phương tiện được gỡ bỏ khỏi hệ thống.
(4) Thời hạn có giá trị của phù hiệu
– Phù hiệu cấp cho xe ô tô kinh doanh vận tải, phù hiệu cấp cho xe trung chuyển có giá trị 07 năm hoặc theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải (thời gian đề nghị trong khoảng từ 01 năm đến 07 năm) và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện;
– Kích thước tối thiểu của các loại phù hiệu là 9 X 10 cm.
(Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP)
* Báo cáo định kỳ
Báo cáo tình hình hoạt động vận tải của đơn vị
a) Tên báo cáo: Báo cáo kết quả hoạt động của bến xe.
b) Nội dung yêu cầu báo cáo: Kết quả hoạt động của bến xe khách, bến xe hàng.
c) Đối tượng thực hiện báo cáo: Đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe khách.
d) Cơ quan nhận báo cáo: Sở Giao thông vận tải và Sở Giao thông vận tải – Xây dựng.
đ) Phương thức gửi, nhận báo cáo: Báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử. Báo cáo được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bàng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax, qua hệ thống thư điện tử, hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật.
e) Tần suất thực hiện báo cáo: Định kỳ hàng tháng.
g) Thời hạn gửi báo cáo: Trước ngày 20 của tháng tiếp theo kỳ báo cáo
h) Thời gian chốt số liệu báo cáo: Từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng báo cáo.
i) Mẫu đề cương báo cáo: Theo quy định tại Phụ lục 20 của Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.
(Điều 64 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 8 Thông tư số 36/2020/TT-BGTVT)
V. NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
1. Các thủ tục nào phải làm sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?
Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được xem là hoàn thành nước đầu tiên trong việc thành lập công ty. Tuy nhiên, để công ty đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì công ty phải thực hiện các công việc ban đầu khi mới thành lập như sau:
– Khắc con dấu cho công ty;
– Treo biển tại trụ sở công ty;
– Mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp
– Đăng ký chữ ký số điện tử thực hiện nộp thuế điện tử;
– Thực hiện thủ tục khai thuế ban đầu;
– Góp vốn đầy đủ đúng hạn trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
Các loại thuế, lệ phí nhà nước phải đóng sau khi thành lập công ty?
– Lệ phí môn bài: Năm đầu tiên được miễn lệ phí môn bài. Thời hạn nộp lệ phí Môn bài chậm nhất ngày 30/1 hằng năm. Nếu Vốn điều lệ đăng ký dưới 10 tỷ thì lệ phí môn bài là 2.000.000 đồng/năm , trên 10 tỷ thì lệ phí môn bài phải nộp là 3.000.000 đồng/năm
– Thuế thu nhập doanh nghiệp: Tùy vào mức doanh thu, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, công ty sẽ phải đóng số thuế theo quy định pháp luật.
Thuế thu nhập doanh nghiệp = (Doanh thu tính thuế – tất cả các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ, hợp pháp của doanh nghiệp) x Thuế suất 20% (hoặc tuỳ hàng hoá/dịch vụ kinh doanh có được ưu đãi thuế suất doanh nghiệp hay không thì có thể có thuế suất thấp hơn 20%).
– Thuế giá trị gia tăng: Là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Thuế suất GTGT đối với các ngành nghề có các mức 0%, 5%, 8%, 10% hoặc không chịu thuế tùy thuộc vào loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …