Theo thông tin của Cục quản lý đăng ký kinh doanh, tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 3 và quý 1 năm 2021 diễn ra như sau:
1.Các yếu tố tác động đến tình hình đăng ký doanh nghiệp Quý I năm 2021
2.Tình hình trong nước và thế giới
Chính phủ chỉ đạo phòng chống dịch hiệu quả, linh hoạt trong các tình huống mới. Các hoạt động kinh tế tuy chậm lại nhưng không đổ vỡ, ngưng trệ. Yếu tố quan trọng là khả năng ứng phó linh hoạt của các doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động lên kế hoạch ứng phó với dịch bệnh theo nhiều kịch bản khác nhau, qua đó, không chỉ duy trì được hoạt động của doanh nghiệp mà còn giúp cho nền kinh tế không bị suy giảm sâu và sẵn sàng chuyển động.
Tình hình chính trị ổn định với nhiều thành tựu nổi bật, hệ thống bộ máy nhà nước nhiệm kỳ mới đang từng bước hoàn thiện, tạo sự tin tưởng trong nhân dân và nhà đầu tư. Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lan tỏa được tinh thần khởi nghiệp, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nhỏ và vừa, định hướng này rất phù hợp với bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp phát triển theo chiều sâu.
Ngày 18/03/2021, Tổ chức Moody’s đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên “tích cực”, cho thấy nền tảng vĩ mô của Việt Nam là khá chắc chắn và tiếp tục được cải thiện ngay cả trong dịch Covid-19. Năm 2021 được kỳ vọng có thể đánh dấu sự phục hồi kinh tế giai đoạn đầu. Ngân hàng thế giới (WB) đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2021, theo đó dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 4% trong năm nay, khi các quốc gia triển khai tiêm đại trà vắc-xin ngừa Covid-19. Năm 2021 là năm khởi đầu của chu kỳ 5 năm kế hoạch kinh tế – xã hội mới 2021-2025. Tuy nhiên, sau một năm chống chịu với những tác động dai dẳng của dịch bệnh, sang Quý I năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn do việc đóng cửa biên giới giữa nhiều quốc gia, thương mại quốc tế chưa thông suốt đặc biệt với thị trường quan trọng với Việt Nam như Trung Quốc, chi phí đầu vào đắt đỏ hơn. Do vậy, tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 3 và Quý I năm 2021 cũng chịu nhiều tác động, được phản ánh qua số liệu sau:
2.Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
2.1. Doanh nghiệp thành lập mới
Số doanh nghiệp thành lập mới trong Quý I năm 2021 là 29.300 doanh nghiệp, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2021 là năm đầu tiên ghi nhận sự giảm sút về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong Quý I giai đoạn 2016-2021 (tỷ lệ tăng trung bình về doanh nghiệp đăng ký thành lập mới Quý I giai đoạn 2016-2020 là 9,6%). Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong Quý I năm 2021 là 973.129 tỷ đồng (tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 447.848 tỷ đồng (tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2020). Có 9.552 doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tăng vốn trong Quý I năm 2021 (tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020), số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động đạt 525.281 tỷ đồng (giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2020). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong Quý I năm 2021 đạt 15,3 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong Quý I năm là 245.648 lao động, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.
– Phân theo lĩnh vực hoạt động:
Có 08/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, các ngành chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục có xu hướng giảm về số doanh nghiệp thành lập mới.
Các lĩnh vực có mức đăng ký thành lập mới tăng mạnh là: Kinh doanh bất động sản có 1.733 doanh nghiệp (tăng 27,1%); Sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 397 doanh nghiệp (tăng 16,4%); Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội có 214 doanh nghiệp (tăng 12%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản có 472 doanh nghiệp (tăng 10,8%); Khai khoáng có 153 doanh nghiệp (tăng 7%) và Vận tải kho bãi có 1.366 doanh nghiệp (tăng 6%).
Ở chiều ngược lại, các ngành chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục có xu hướng giảm về số doanh nghiệp thành lập mới: Dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 18%); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 13,5%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 4,1%).
– Phân theo quy mô vốn:
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng ở 4/5 quy mô. Trong đó, doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 25.882 doanh nghiệp (chiếm 88,3%, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2020). Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng là 1.650 doanh nghiệp (chiếm 5,6%, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2020); ở quy mô vốn từ 20 – 50 tỷ đồng là 882 doanh nghiệp (chiếm 3%, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng là 429 doanh nghiệp (chiếm 1,5%, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 457 doanh nghiệp (chiếm 1,6%, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm 2020).
2.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong Quý I năm 2021 là 14.738 doanh nghiệp, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Số doanh nghiệp quay lại hoạt động trong Quý I năm 2021 giảm ở 08/17 lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (130 doanh nghiệp, chiếm 0,9%, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2020); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (196 doanh nghiệp, chiếm 1,3%, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2020); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (130 doanh nghiệp, chiếm 0,9%, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2020); Giáo dục và đào tạo (283 doanh nghiệp, chiếm 1,9%, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2020); Vận tải kho bãi (746 doanh nghiệp, chiếm 5,1%, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2020); Khai khoáng (130 doanh nghiệp, chiếm 0,9%, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2020); Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (5.222 doanh nghiệp, chiếm 35,4%, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2020); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (723 doanh nghiệp, chiếm 4,9%, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2020);
Ở chiều ngược lại, một số lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm trong 02 tháng đầu năm 2021 đã có xu hướng tăng nhẹ khi kết thúc Quý I năm 2021: Xây dựng (2.307 doanh nghiệp, chiếm 15,7%, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2020); Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (803 doanh nghiệp, chiếm 5,4%, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2020); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.013 doanh nghiệp, chiếm 6,9%, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2020).
3.Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.
Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong Quý I năm 2021 là 40.323 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 23.837 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 59,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong Quý I năm 2021.
3.1. Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong Quý I năm 2021 là 23.837 doanh nghiệp, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong Quý I năm 2021 tăng ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (226 doanh nghiệp, tăng 121,6%); Giáo dục và đào tạo (512 doanh nghiệp, tăng 67,9%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.392 doanh nghiệp, tăng 48,7%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.470 doanh nghiệp, tăng 41,8%); Kinh doanh bất động sản (694 doanh nghiệp, tăng 40,8%); Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác (1.611 doanh nghiệp, tăng 36,4%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản (362 doanh nghiệp, tăng 32,1%); Thông tin và truyền thông (523 doanh nghiệp, tăng 28,8%); Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (8.708 doanh nghiệp, tăng 24,5%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (168 doanh nghiệp, tăng 24,4%); Xây dựng (3.317 doanh nghiệp, tăng 21,3%); Hoạt động dịch vụ khác (289 doanh nghiệp, tăng 18,9%) và Vận tải kho bãi (1.325 doanh nghiệp, tăng 17,4%).
Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 21.869 doanh nghiệp (chiếm 91,7%, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng có 1.094 doanh nghiệp (chiếm 4,6%, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 – 50 tỷ đồng có 552 doanh nghiệp (chiếm 2,3%, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng có 187 doanh nghiệp (chiếm 0,8%, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2020) và quy mô trên 100 tỷ đồng có 135 doanh nghiệp (chiếm 0,6%, tăng 51,7% so với cùng kỳ năm 2020).
Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong Quý I năm 2021 có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 12.589 doanh nghiệp (chiếm 52,8%); 6.071 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 25,5%) và 5.177 doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 21,7%).
Để đánh giá sơ bộ về tác động của dịch Covid-19 đến tình hình đăng ký doanh nghiệp, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã thực hiện khảo sát nhanh doanh nghiệp tại 04 thành phố là Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng và Đà Nẵng với tổng số 350 doanh nghiệp. Trong số doanh nghiệp khảo sát, có 24,2% doanh nghiệp đang thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh, trong đó có 75,3% các doanh nghiệp tạm ngừng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, 9,4% doanh nghiệp tạm ngừng để tái cơ cấu doanh nghiệp.
Qua kết quả khảo sát cho thấy, trong tổng số 350 doanh nghiệp, có 215 doanh nghiệp được hỏi có doanh thu giảm so với năm 2019 (chiếm 64,2%), 72 doanh nghiệp có doanh thu tăng so với năm 2019 (chiếm 21,5%). Có 85% doanh nghiệp trả lời dịch bệnh Covid-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, các khó khăn phổ biến mà doanh nghiệp gặp phải, bao gồm: Thị trường tiêu thụ sụt giảm (chiếm 59,9%); Không thanh toán được các chi phí kinh doanh do thiếu nguồn thu (chiếm 59,5%); Khó khăn trong thanh toán lương/BHXH/BHYT/Bảo hiểm thất nghiệp (40,1%); Khó khăn trong việc thanh toán các khoản vay (39,8%) và Khó khăn trong thanh toán chi phí thuê nhà xưởng, văn phòng, địa điểm kinh doanh (39,1%).
Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát tại Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam: Một số phát hiện chính từ điều tra doanh nghiệp năm 2020” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, trong số 8.633 doanh nghiệp tư nhân trong nước tham gia khảo sát có 87,1% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực, 11% doanh nghiệp không bị ảnh hưởng và 2% doanh nghiệp vẫn hoạt động tích cực.
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết 04 ảnh hưởng lớn của dịch bệnh tới hoạt động kinh doanh là khó tiếp cận khách hàng, thiếu hụt dòng tiền, phải giảm lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng. Lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất là may mặc (97% doanh nghiệp), thông tin, truyền thông (96% doanh nghiệp), thiết bị điện (94% doanh nghiệp), sản xuất xe có động cơ (93% doanh nghiệp)…
3.2. Doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể
Trong Quý I năm 2021, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 11.283 doanh nghiệp, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2020.
So với cùng kỳ năm 2020, số lượng các doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể giảm ở 11/17 lĩnh vực. Các ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (4.152 doanh nghiệp, chiếm 36,8%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (1.306 doanh nghiệp, chiếm 11,6%); Xây dựng (1.205 doanh nghiệp, chiếm 10,7%).
Phân theo quy mô vốn, doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể giảm ở 4/5 quy mô vốn và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 10.157 doanh nghiệp (chiếm 90%, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô vốn từ 10 – 20 tỷ đồng có 567 doanh nghiệp (chiếm 5%, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 – 50 tỷ đồng có 290 doanh nghiệp (chiếm 2,6%, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng có 135 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm 2020) và trên 100 tỷ đồng có 134 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2020).
3.3. Doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại
Số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong Quý I năm 2021 là 5.203 doanh nghiệp, tăng 26,4% so với cùng kỳ năm 2020.
15/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là Sản xuất phân phối, điện, nước, gas; Khai khoáng và Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản với tỷ lệ tăng lần lượt là 217,6%; 115,8% và 51,4%.
Trong Quý I năm 2021, số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại có thời gian hoạt động từ 0-5 năm là 3.498 doanh nghiệp (chiếm 67,2%); 907 doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 17,4%) và 798 doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 10 năm (chiếm 15,3%).
Phân theo quy mô vốn, số lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng ở 3/5 quy mô vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 4.706 doanh nghiệp (chiếm 90,4%, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2020). Ở quy mô từ 10 – 20 tỷ đồng có 255 doanh nghiệp (chiếm 4,9%, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020); từ 20 – 50 tỷ đồng có 141 doanh nghiệp (chiếm 2,7%, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2020); từ 50 – 100 tỷ đồng có 52 doanh nghiệp (chiếm 1%, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2020) và ở quy mô trên 100 tỷ đồng có 49 doanh nghiệp (chiếm 0,9%, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2020).
Có thể thấy, phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể, chấm dứt tồn tại là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài.
1.Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 3 năm 2021
2.Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
1.1. Doanh nghiệp thành lập mới
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 3 năm 2021 là 11.171 doanh nghiệp (giảm 9% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2020) với số vốn đăng ký là 113.027 tỷ đồng (giảm 14% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020). Đây là số vốn đăng ký mới thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 3 năm 2021 là 72.804 người, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2020.
1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Tháng 3 năm 2021 ghi nhận có 4.529 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2020.
2.Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong tháng 3 năm 2021, có 7.279 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020), tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có:
– 2.213 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh (mức thấp nhất kể từ tháng 01/2020), giảm 9,7% so với cùng kỳ năm 2020;
– 3.458 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020;
– 1.608 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh