TRẢ LẠI ĐƠN KHỞI KIỆN TRONG TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH
Khởi đầu của quá trình giải quyết vụ án hành chính là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức nộp đơn khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp khi có căn cứ cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm bởi các khiếu kiện. Tuy nhiên, không phải lúc nào kết quả của quá trình xem xét đơn khởi kiện cũng là việc Tòa án thụ lý đơn để giải quyết vụ việc vì nếu rơi vào những trường hợp luật định thì Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện. Vậy khi nào đơn khởi kiện sẽ bị trả lại, người nộp đơn khởi kiện cần phải làm gì khi bị trả đơn? Mời các bạn cùng theo dõi vấn đề này thông qua bài viết sau của Luật 3S nhé!
I. ĐỊNH NGHĨA?
Vụ án hành chính là vụ việc tranh chấp hành chính phát sinh do cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc quy định của pháp luật TTHC.
Có thể hiểu vụ án hành chính ngắn gọn như sau: Vụ án hành chính là vụ việc tranh chấp hành chính được giải quyết theo thủ tục TTHC bởi Tòa án Nhân dân trên cơ sở khởi kiện hành chính theo quy định của pháp luật.
Khởi kiện vụ án hành chính là việc cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước theo quy định của pháp Luật TTHC chính thức yêu cầu Tòa án thụ lý vụ án hành chính để bảo vệ cá quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước bị xâm hại bởi các đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
Trả lại đơn trong vụ án hành chính là việc Tòa án sau khi xem xét thụ lý vụ án, đã trả lại đơn khởi kiện và các chứng cứ, tài liệu cho người khởi kiện do thấy việc khởi kiện chưa đáp ứng đủ các Điều kiện khởi kiện nên không thể thụ lý vụ án theo quy định của pháp luật hành chính
II. CĂN CỨ TRẢ LẠI ĐƠN KHỞI KIỆN TRONG LUẬT TTHC 2015
Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã có những quy định cụ thể liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện. Theo đó, các căn cứ để Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện được quy định tại Điều 123 luật này, bao gồm:
Một là, Người khởi kiện không có quyền khởi kiện
Theo quy định của pháp luật, không phải bất kỳ chủ thể nào cũng có quyền khởi kiện vụ án hành chính mà chỉ những cá nhân, cơ quan, tổ chức bị tác động trực tiếp bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri (sau đây gọi chung là các khiếu kiện) mới có quyền khởi kiện. Do đó, người khởi kiện không có quyền khởi kiện là trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện việc khởi kiện không bị tác động trực tiếp bởi các khiếu kiện. Đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức chỉ bị ảnh hưởng mà không chịu tác động trực tiếp bởi các khiếu kiện này thì họ không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Vì vậy, khi xem xét đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo mà phát hiện cá nhân, cơ quan, tổ chức không có quyền khởi kiện thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.
Hai là, Người khởi kiện không có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ
Để yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình trước sự xâm phạm bởi các khiếu kiện trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thì điều kiện tiên quyết là cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện phải chứng minh mình có đủ năng lực hành vi tố tụng hành chính. Năng lực hành vi tố tụng hành chính bao gồm năng lực về độ tuổi và năng lực hành vi dân sự. Không có năng lực hành vi tố tụng hành chính được hiểu là trường hợp cá nhân dưới 18 tuổi và người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng mất năng lực hành vi dân sự. Nếu phát hiện cá nhân, cơ quan, tổ chức không có năng lực hành vi tố tụng hành chính thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.
Ba là, Trường hợp pháp luật có quy định về điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó
Khi xem xét đơn khởi kiện vụ án hành chính mà phát hiện cá nhân, cơ quan, tổ chức chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho họ. Điều kiện khởi kiện có thể kể đến như:
(i) Chủ thể khởi kiện: Phải là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị ảnh hưởng bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính.
(ii) Đối tượng khởi kiện: Phải là quyết định hành chính; Hành vi hành chính; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Các quyết định hành chính, hành vi hành chính phải là các quyết định hành chính cá biệt.
(iii) Thẩm quyền giải quyết: Phải đúng thẩm quyền theo cấp Tòa án.
(iv) Thời hiệu khởi kiện: Được hiểu là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.
Bốn là, Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật
Đối với những sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan không được quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án thụ lý giải quyết lại vụ việc đó (trừ trường hợp Tòa án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 144). Trường hợp không đồng ý với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan chỉ có quyền kiến nghị với chủ thể có thẩm quyền yêu cầu xem xét lại bản án, quyết định này theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Năm là, Sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Thẩm quyền xét xử vụ án hành chính của Tòa án nhân dân được chia thành ba loại, đó là thẩm quyền theo loại việc, thẩm quyền theo lãnh thổ và thẩm quyền theo cấp Tòa án. Do vậy, có thể xem các trường hợp sau là trường hợp sự việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
(i) Trường hợp vụ việc được khởi kiện không thuộc thẩm quyền của hệ thống Tòa án nói chung. Tức là không thuộc thẩm quyền giải quyết của bất cứ Tòa nào trong toàn hệ thống Tòa án.
Để xác định thẩm quyền của Tòa án trong tố tụng hành chính thì cần căn cứ vào quy định tại Điều 30 Luật TTHC 2015. Trong đó, Khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là những khiếu kiện về:
– Danh sách cử tri;
– Khiếu kiện về quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước;
– Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống
– Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cá nhân, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền trừ: Quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật; Quyết định, hành vi của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng; Quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
(ii) Trường hợp vụ việc khởi kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của hệ thống Tòa án nói chung nhưng đây không phải là vụ án hành chính. Trong đó, cần phải xác định rõ, đối tượng bị khởi kiện trong vụ án hành chính là quyết định hành chính và hành vi hành chính của cá nhân, tổ chức, cơ quan có thẩm quyền, nếu nằm ngoài phạm vi này thì đó không phải là khiếu kiện hành chính. Ví dụ: Trong giải quyết tranh chấp về xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với người lao động. Trong đó, người lao động đã khiếu nại quyết định sa thải này hai lần lên Chánh thanh tra Sở lao động-Thương binh và xã hội nhưng người lao động vẫn không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của Chánh thanh tra. Do đó, người lao động đã quyết định khởi kiện về xử lý kỷ luật lao động theo thủ tục hành chính, do đó đã bị Tòa án trả lại đơn. Bởi đối tượng khởi kiện lúc này là quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh thanh tra sở lao động thương binh và xã hội chứ không phải quyết định sa thải của người sử dụng lao động hay tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động của người sử dụng lao động.
(iii) Trường hợp sự việc được khởi kiện thuộc thẩm quyền xét xử vụ án hành chính của hệ thống Tòa án nói chung được quy định tại Điều 30 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 nhưng không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhận đơn mà lại thuộc thẩm quyền của một Tòa khác trong hệ thống Tòa án (có thể cùng cấp hoặc không cùng cấp). Trong đó, Tòa án sẽ căn cứ vào nơi người khởi kiện cư trú, địa chỉ của người bị kiện, đối tượng khởi kiện (quyết định hành chính, hành vi hành chính) để từ đó xem xét về thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính có thuộc về Tòa án mà người khởi kiện đã nộp đơn hay không.
Sáu là, Người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại trong trường hợp quy định tại Điều 33 của Luật TTHC 2015
Trường hợp vừa có đơn khiếu nại vừa có đơn khởi kiện được hiểu là trường hợp sự việc khởi kiện chưa được xác lập thẩm quyền giải quyết, tức là, tại thời điểm khiếu nại và khởi kiện, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chưa thụ lý giải quyết khiếu nại và Tòa án cũng chưa thụ lý giải quyết vụ việc. Trong trường hợp này, hẩm quyền giải quyết sẽ theo sự lựa chọn của người khởi kiện. Tức, nếu như người khởi kiện lựa chọn giải quyết vụ việc theo thủ tục giải quyết khiếu nại thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.
Việc quy định như vậy đã tạo điều kiện cho người khởi kiện tự do lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhằm bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Bảy là, Đơn khởi kiện không có đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 118 của Luật TTHC 2015 mà không được người khởi kiện sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 122 của Luật TTHC 2015
Đơn khởi kiện phải có đủ nội dung như: Ngày, tháng, năm làm đơn; Tòa án được yêu cầu giải quyết vụ án hành chính; tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nội dung quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, nội dung giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri hoặc tóm tắt diễn biến của hành vi hành chính; nội dung quyết định giải quyết khiếu nại (nếu có); yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết; cam đoan về việc không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Nếu đơn khởi kiện thiếu các nội dung này mà không được người khởi kiện sửa đổi, bổ sung khi đã được thẩm phán thông báo bằng văn bản và nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người khởi kiện nhận được thông báo của Tòa án thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.
Sáu là, Hết thời hạn được thông báo quy định tại khoản 1 Điều 125 của Luật TTHC 2015 mà người khởi kiện không xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện không đóng tiền tạm ứng án phí khi đã hết thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện trừ trường hợp người khởi kiện được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có lý do chính đáng.
III. NGƯỜI KHỞI KIỆN CẦN LÀM GÌ KHI BỊ TRẢ ĐƠN KHỞI KIỆN
Một là, nộp lại đơn khởi kiện
Người khởi kiện có quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án hành chính nếu đã đủ các điều kiện khởi kiện. Hay nói cách khác, người khởi kiện không còn thuộc các trường hợp trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật TTHC 2015
Hai là, khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án
Căn cứ theo Điều 127 Luật TTHC 2015 thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện. Thủ tục giải quyết đơn khiếu nại được thực hiện như sau:
Ngay sau khi nhận được khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết khiếu nại.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại. Trường hợp người khởi kiện, Kiểm sát viên vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát và người khởi kiện có khiếu nại tại phiên họp, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây:
a) Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho người khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp;
b) Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, người khởi kiện có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp phải ra một trong các quyết định sau đây:
a) Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện;
b) Yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.
Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp là quyết định cuối cùng. Quyết định này phải được gửi ngay cho người khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát đã kiến nghị và Tòa án đã ra quyết định trả lại đơn khởi kiện.
Tham khảo
– Luật tố tụng hành chính 2015;
– Tạp chí Dân chủ và Pháp luật;
– Tạp chí Tòa án.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …