Trách nhiệm của bên bán khi giao hàng hóa không phù hợp với Hợp đồng
Ngày nay, việc trao đổi, mua bán hàng hóa diễn ra ngày càng phổ biến và nhu cầu ngày càng lớn. Trong quá trình mua bán các bên kí hợp đồng với nhau quy định rõ trách nhiệm của mỗi bên, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn có nhiều vấn đề phát sinh. Vấn đề thường xuyên xảy ra nhất có thể kể đến đó là việc giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, dẫn đến quá trình thực hiện hợp đồng của hai bên gặp rất nhiều khó khăn, khi các bên không hiểu rõ trách nhiệm về vấn đề này. Bài viết dưới đây Luật 3S sẽ cung cấp các quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm của bên bán khi giao hàng không phù hợp với hợp đồng. Mời quý bạn đọc cùng theo dõi.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật thương mại 2005.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Hàng hóa là gì
Hiện nay, pháp luật hiện hành đã định nghĩa hàng hóa một cách tổng quan và bao quát những đối tượng được đề cập trong giao dịch mua bán hàng hóa. Theo đó hàng hóa bao gồm:
– Tất cả các loại động sản, kể cả động sản hình thành trong tương lai;
– Những vật gắn liền với đất đai.
(Điều 3 Luật thương mại 2005)
Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.
2. Hàng hóa không phù hợp với hợp đồng mua bán hàng hóa?
Khi giao kết hợp đồng các bên có thể thỏa thuận với nhau về các yếu tố như số lượng, chất lượng, mô tả, cách thức đóng gói hàng hóa, sao cho các thỏa thuận này không vi phạm hợp đồng. Và các yếu tố này chính là căn cứ để xác định sự phù hợp của hàng hóa đối với hợp đồng. Vấn đề hàng hóa không phù hợp với hợp đồng được ghi nhận cụ thể hơn thông qua 2 trường hợp: có sự thỏa thuận giữa các bên và không có sự thỏa thuận giữa các bên.
Trường hợp giữa các bên có sự thỏa thuận, thì hàng hóa không phù hợp với hợp đồng là hàng hóa không đảm bảo các đặc tính được ghi nhận trong hợp đồng
(khoản 1 Điều 34 Luật thương mại 2005)
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì luật Thương mại quy định hàng hóa không phù hợp với hợp đồng như sau:
– Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hoá cùng chủng loại;
– Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;
– Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hoá mà bên bán đã giao cho bên mua;
– Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hoá đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hoá trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.
(căn cứ vào Điều 39 Luật thương mại 2005)
III. TRÁCH NHIỆM CỦA BÊN BÁN KHI GIAO HÀNG KHÔNG PHÙ HỢP.
1. Trách nhiệm của bên bán khi giao hàng không phù hợp
Căn cứ theo Điều 40 Luật thương mại 2005 thì nếu hai bên không có thỏa thuận nào khác, trách nhiệm đối với hàng hóa giao không phù hợp với hợp đồng sẽ được xác định như sau:
– Bên bán sẽ không chịu trách nhiệm đối với bất cứ khiếm khuyết nào của hàng hóa mà bên mua đã biết hoặc phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;
– Trừ trường hợp trên, bên bán phải chịu trách nhiệm đối với bất cứ khiếm khuyết nào của hàng hóa đã có trước thời điểm chuyển rủi ro cho bên mua, ngay cả khi khiếm khuyết được phát hiện sau thời điểm chuyển rủi ro;
– Sau thời điểm chuyển rủi ro, bên bán sẽ chịu trách nhiệm đối với khiếm khuyết của hàng hóa nếu do bên bán vi phạm hợp đồng.
Có thể thấy, nếu bên mua đã biết và chấp nhận những khuyết điểm của hàng hóa đó mà không có ý kiến hay thông báo với bên bán, thì bên bán sẽ không chịu trách nhiệm. Như vậy, mặc nhiên bên mua sẽ phải chịu những hậu quả do khuyết điểm đó mang lại mà không liên quan gì đến trách nhiệm của bên bán. Còn thời điểm chuyển rủi ro trong việc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa được hiểu là xác định trong thời điểm nào bên bán phải chịu những mất mát, hư hỏng của hàng hóa, từ thời điểm nào những hư hỏng mất mát đó được chuyển sang cho người mua.
2. Thời điểm khiếu nại của bên mua về chất lượng hàng hóa
Trừ trường hợp đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics, thì các bên có quyền thỏa thuận về thời hạn khiếu nại trong hợp đồng. Và khi có tranh chấp thì sẽ dựa vào thời điểm được thỏa thuận trên.
Còn đối với trường hợp các bên không có thỏa thuận thì áp dụng theo quy định của Luật Thương mại như sau:
– Ba tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng hàng hoá;
– Sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hoá; trong trường hợp hàng hoá có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành.
– Chín tháng, kể từ ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trong trường hợp có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với khiếu nại về các vi phạm khác.
(Căn cứ theo Điều 318 Luật Thương Mại 2005)
3. Khắc phục trường hợp giao hàng không phù hợp với hợp đồng
Căn cứ Điều 41, Luật Thương mại 2005, trong trường hợp hai bên có thỏa thuận, nếu hợp đồng chỉ quy định thời hạn giao hàng mà không xác định cụ thể thời điểm giao hàng mà bên bán giao hàng trước thời hạn giao hàng, thì bên bán vẫn được khắc phục khiếm khuyết của hàng hóa trong thời gian còn lại. Bằng cách bên bán vẫn có thể giao phần hàng còn thiếu hoặc thay thế hàng hoá cho phù hợp với hợp đồng hoặc khắc phục sự không phù hợp của hàng hoá trong lúc chưa đến hạn.
Vậy nếu trong hợp đồng có quy định thời hạn giao hàng nhưng không quy định thời điểm, đồng thời bên bán giao hàng trước thời hạn thì bên bán vẫn còn một khoản thời gian nhất định để giao hàng đúng với hợp đồng. Trong thời gian này nếu có thiệt hại hoặc bất lợi gì thì bên mua có quyền yêu cầu khắc phục bất lợi.
Trong trường hợp bên bán đã giao hàng đúng thời điểm giao hàng quy định trong hợp đồng, bên mua có thể áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng theo quy định của Điều 297, Luật Thương mại 2005 ” trường hợp bên vi phạm giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hóa, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng“.
Đối với trường hợp buộc thực hiện đúng Hợp đồng, bên mua có thể gia hạn thêm một thời gian hợp lý để bên bán giao đúng chất lượng như hai bên thỏa thuận trong Hợp đồng. Thời gian hợp lý tùy thuộc vào hai bên thỏa thuận.
Ngoài áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên mua có quyền áp dụng chế tài phạt vi phạm nếu hai bên có thỏa thuận trong hợp đồng, mức phạt vi phạm không được quá 8% phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (theo Điều 301 Luật thương mại 2005). Bên mua cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp việc bên bán giao hàng hóa kém chất lượng gây thiệt hại đến cho bên mua.
IV. CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
1. Quyền của bên mua khi nhận hàng hóa không phù hợp với hợp đồng?
Theo quy định của Luật Thương mại 2005, Bên mua có quyền từ chối nhận hàng, buộc bên bán thực hiện hợp đồng, phạt vi phạm, Tạm ngừng, đình chỉ hoặc hủy bỏ hợp đồng, yêu cầu bên bán bồi thường nếu hàng hóa không phù hợp với hợp đồng phát sinh thiệt hại cho bên mua.
2. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa?
Theo quy định của Luật thương mại 2005, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa thì các bên có thể giải quyết bằng con đường thương lượng, hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải, hoặc giải quyết tại Trọng tài thương mại, hoặc giải quyết tại Tòa án.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …