23

Th11

TƯ CÁCH THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ CHẤM DỨT KHI NÀO?

Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý trong công ty cổ phần, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Vậy nhiệm kỳ của thành viên hội đồng quản trị kéo dài trong bao lâu và tư cách thành viên hội đồng quản trị chấm dứt khi nào?

1. Nhiệm kỳ và số lượng và tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản trị

Thứ nhất, về số lượng

Hội đồng quản trị bắt buộc phải có tối thiểu 3 thành viên và tối đa 11 thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng thành viên Hội đồng quản trị.

Thứ hai, về nhiệm kỳ

Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Riêng đối với thành viên độc lập Hội đồng quản trị thì một cá nhân chỉ được bầu không quá 02 nhiệm kỳ liên tục.

Trường hợp tất cả thành viên Hội đồng quản trị cùng kết thúc nhiệm kỳ thì các thành viên đó tiếp tục là thành viên Hội đồng quản trị cho đến khi có thành viên mới được bầu thay thế và tiếp quản công việc, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Thứ ba, về tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản trị

(i) Đối với thành viên Hội đồng quản trị nói chung phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

– Không thuộc đối tượng bị cấm thành lập, góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp;

– Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh hoặc trong lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;

– Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác;

– Đối với doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp và công ty con của doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp thì thành viên Hội đồng quản trị không được là người có quan hệ gia đình của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.

(ii) Đối với thành viên Hội đồng quản trị độc lập

Trừ trường hợp pháp luật chứng khoán có quy định khác, công ty cổ phần tổ chức theo mô hình có thành viên Hội đồng quản trị độc lập phải đảm bảo thành viên Hội đồng quản trị độc lập phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

– Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty mẹ hoặc công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó;

– Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định;

– Không phải là người có vợ hoặc chồng, bố đẻ, bố nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty;

– Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty;

– Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó, trừ trường hợp được bổ nhiệm liên tục 02 nhiệm kỳ.

(Cơ sở pháp lý: Điều 153, Điều 154, Điều 155 Luật Doanh nghiệp 2020)

2. Thời điểm chấm dứt tư cách thành viên Hội đồng quản trị

Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020: “2. Đại hội đồng cổ đông có quyền và nghĩa vụ sau đây: ……c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên”. Như vậy, việc miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Cổ đông công ty cần triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông để biểu quyết miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị khi thuộc các trường hợp theo quy định, cụ thể:

(i) Đối với miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị

Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp:

– Không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Điều 155 của Luật Doanh nghiệp;

– Có đơn từ chức và được chấp thuận;

– Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.

(ii) Đối với bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị

Đại hội đồng cổ đông bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp sau đây:

– Không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;

– Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.

(iii) Ngoài ra, khi xét thấy cần thiết, Đại hội đồng cổ đông quyết định thay thế thành viên Hội đồng quản trị; miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị ngoài những trường hợp nêu trên.

(iv) Bên cạnh đó, đối với trường hợp tất cả các thành viên Hội đồng quản trị hết nhiệm kỳ mà Đại hội đồng cổ đông chưa có quyết định miễn nhiệm, thay thế thành viên mới thì các thành viên hội đồng quản trị đó tiếp tục là thành viên Hội đồng quản trị cho đến khi có thành viên mới được bầu thay thế và tiếp quản công việc, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Lưu ý: Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông để bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp:

a) Số thành viên Hội đồng quản trị bị giảm quá một phần ba so với số quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày số thành viên bị giảm quá một phần ba;

b) Số lượng thành viên độc lập Hội đồng quản trị giảm xuống, không bảo đảm tỷ lệ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 137 của Luật Doanh nghiệp;

c) Trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b nêu trên, Đại hội đồng cổ đông bầu thành viên mới thay thế thành viên Hội đồng quản trị đã bị miễn nhiệm, bãi nhiệm tại cuộc họp gần nhất.

Như vậy, theo các quy định nêu trên, thời điểm chấm dứt tư cách thành viên Hội đồng quản trị được xác định theo quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị của Đại hội đồng cổ đông.

Lưu ý, đối với trường hợp hết nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị theo quy định. Nhưng số lượng thành viên Hội đồng quản trị hết nhiệm kỳ giảm sút không đáng kể, số lượng thành viên Hội đồng quản trị còn lại vẫn còn đủ số lượng để quản trị, điều hành doanh nghiệp thì lúc này quyền và nghĩa vụ của những thành viên hết nhiệm kỳ sẽ chấm dứt tại thời điểm kết thúc hết nhiệm kỳ của mình.

(Cơ sở pháp lý: Điều 154, Điều 160 Luật Doanh nghiệp 2020)

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan