14

Th4

VỐN ĐIỀU LỆ CỦA DOANH NGHIỆP – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT?

Vốn điều lệ là một trong những yếu tố cấu thành cơ bản của doanh nghiệp, được ghi nhận trong Điều lệ công ty và đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Không chỉ là căn cứ để xác định trách nhiệm tài sản của chủ sở hữu, thành viên góp vốn hoặc cổ đông, vốn điều lệ còn thể hiện cam kết góp vốn thực tế và năng lực tài chính của doanh nghiệp đối với đối tác, khách hàng và cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng doanh nghiệp kê khai vốn điều lệ “ảo” – tức là khai báo mức vốn cao nhưng không thực sự góp đủ, góp đúng theo cam kết. Hành vi này không chỉ tiềm ẩn rủi ro pháp lý mà còn ảnh hưởng lớn đến sự minh bạch, lành mạnh của môi trường kinh doanh. Bài viết này sẽ phân tích các nội dung cơ bản cần hiểu đúng về vốn điều lệ, nghĩa vụ góp vốn của chủ doanh nghiệp, cổ đông, thành viên công ty và hệ quả của việc kê khai không trung thực.

1. Vốn điều lệ là gì?

Theo khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên, cổ đông đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

Vốn điều lệ thể hiện mức độ cam kết tài chính của các chủ sở hữu đối, thành viên, cổ đông với doanh nghiệp và là căn cứ để xác định phạm vi chịu trách nhiệm của họ đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp.

2. Thời hạn góp vốn điều lệ

Tùy thuộc vào loại hình Doanh nghiệp mà việc góp vốn điều lệ phải tuần thủ theo thời hạn như sau:

a) Đối với Công ty TNHH một thành viên

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 75 của Luật doanh nghiệp 2020, Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết.

Nếu không góp đủ vốn đăng ký trong thời hạn quy định, chủ sở hữu phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị thực tế của tài sản góp vốn trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ.

Chủ sở hữu chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản cá nhân về các nghĩa vụ tài chính của công ty, bao gồm cả thiệt hại phát sinh do việc góp vốn không đủ, thiếu sót hoặc không đúng theo quy định thời hạn.

b) Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Theo Khoản 1 Điều 47 của Luật doanh nghiệp 2020: Thành viên trong công ty trách nhiệm hữu hạn phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn mà họ đã cam kết đóng góp vào công ty. Thành viên phải góp vốn đủ và chính xác bằng tài sản trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không tính thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn hay thực hiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu. Thành viên chỉ có thể góp vốn vào công ty bằng tài sản không phải là tài sản đã cam kết nếu có sự đồng ý của trên 50% số thành viên còn lại.

Nếu sau thời hạn cam kết mà có thành viên nào đó không góp một phần hoặc toàn bộ số vốn đã cam kết, thì sẽ xử lý như sau:

– Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;

– Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;

– Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.Trong tình huống thành viên không đóng góp đủ hoặc không đúng số vốn cam kết, công ty phải thực hiện đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ vốn góp của từng thành viên trong thời hạn 30 ngày, tính từ ngày cuối cùng của quá trình thay đổi.

c) Đối với công ty cổ phần

Theo khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2002: Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.

Nếu sau thời hạn nêu trên mà cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì thực hiện theo quy định sau đây:

– Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác;

– Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác;

– Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán;

– Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mu, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.

d) Đối với công ty Hợp danh

Đối với mô hình Công ty hợp danh sẽ có hai loại hình thành viên là thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Trong đó:

– Thành viên hợp danh phải là cá nhân và có nghĩa vụ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình;

– Thành viên cá nhân có thể là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn cho phép.

Luật Doanh nghiệp không quy định thời hạn góp vốn của các thành viên trong công ty hợp danh, mà việc đóng góp vốn điều lệ của thành viên sẽ căn cứ theo cam kết góp vốn của các thành viên.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 186 Luật Doanh nghiệp 2020, Công ty Hợp danh tiếp nhận thêm thành viên với thì thành viên đó phải góp vốn đều phải nộp đủ số vốn đã cam kết với công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được Hội đồng thành viên chấp thuận, trừ trường hợp Hội đồng thành viên quyết định một thời hạn khác. Việc này đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ đối với các cam kết về thời hạn góp vốn điều lệ công ty.

đ) Đối với Doanh nghiệp tư nhân

Vốn điều lệ của Doanh nghiệp tư nhân chính là vốn đầu tư do chủ doanh nghiệp đăng ký.

Luật Doanh nghiệp không quy định thời hạn góp vốn của Doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, theo Điều 189 Luật Doanh nghiệp 2020, Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.

Toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

3. Hệ quả pháp lý của việc kê khai vốn điều lệ “ảo”

Khai khống vốn điều lệ được hiểu là việc kê khai vốn điều lệ không có thực trong hồ sơ đăng ký kinh doanh, vượt quá khả năng góp vốn của thành viên, cổ đông công ty. Đây là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020.

Thực tế, có rất nhiều lý do để doanh nghiệp khai khống vốn điều lệ. Tuy nhiên, đa phần đều xuất phát từ mục đích tạo thông tin cho đối tác, khách hàng khi xem xét hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp để thuận lợi trong việc mở rộng quan hệ kinh doanh, thu hút đầu tư. Hành vi này có thể làm sai lệch thông tin của công tác thống kê đầu tư, dự báo kế hoạch và các biến số kinh tế của các bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra, còn có thể gây hại cho các đối tượng kinh tế khác nếu doanh nghiệp có hành vi khai khống vốn điều lệ để lừa đảo, trục lợi.

Để kiểm soát hành vi này, pháp luật đã đưa ra chế tài xử lý hành chính tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP. Cụ thể, theo Điều 47 Nghị định này thì doanh nghiệp có hành vi vi phạm về kê khai vốn điều lệ, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt như sau:

“Điều 47. Vi phạm về kê khai vốn điều lệ

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.

4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.

5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.”

4. Dự thảo sửa đổi Luật Doanh nghiệp: Siết chặt việc kê khai vốn điều lệ ảo

Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp lý để kê khai vốn điều lệ cao nhằm tạo hình ảnh giả tạo về tiềm lực tài chính, Bộ Tư pháp mới đây đã hoàn tất việc thẩm định Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng. Điểm nổi bật và rất đáng chú ý trong lần sửa đổi này là việc bổ sung quy định cụ thể về “khai khống vốn điều lệ” vấn đề đã tồn tại phổ biến nhưng chưa từng được định danh rõ ràng trong luật hiện hành.

Hiện tại, theo khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, khái niệm “vốn điều lệ” chỉ được hiểu là tổng giá trị tài sản mà các thành viên công ty TNHH, công ty hợp danh đã góp hoặc cam kết góp, hoặc tổng mệnh giá cổ phần đã được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần. Luật không hề đề cập đến việc phân biệt vốn thực góp với vốn “khai khống”, càng không có định nghĩa rõ hành vi khai khống vốn điều lệ. Dù Điều 16 Luật Doanh nghiệp 2020 có liệt kê hành vi “gian dối khi đăng ký doanh nghiệp” là hành vi bị nghiêm cấm, nhưng nội hàm của hành vi “khai khống vốn” lại không được làm rõ, dẫn đến lúng túng cho cả cơ quan quản lý lẫn người thực thi pháp luật trong việc xử lý sai phạm.

Dự thảo lần này đã có bước tiến đáng kể khi bổ sung thêm khoản 35 vào Điều 4 về khai khống vốn điều lệ. Cụ thể, Dự thảo luật sửa đổi đã định nghĩa “Kê khai khống vốn điều lệ là hành vi kê khai số vốn điều lệ lớn hơn số vốn thực tế góp tại thời điểm phải hoàn thành việc góp vốn theo quy định.

Không chỉ dừng lại ở việc bổ sung khái niệm, Dự thảo Luật còn sửa đổi khoản 3 Điều 215, nhằm mở rộng và tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng ký đăng ký kinh doanh. Theo đó, các địa phương sẽ phải: Ban hành quy trình kiểm tra, giám sát hoạt động đăng ký kinh doanh; Phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý doanh nghiệp sau khi thành lập; Tăng cường công tác hậu kiểm, đặc biệt với các doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ lớn nhưng không có hoạt động thực chất.

Những biện pháp này nhằm hạn chế tối đa tình trạng doanh nghiệp kê khai vốn “ảo”, tăng cường minh bạch và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.

5. Kết luận

Vốn điều lệ là một yếu tố cốt lõi phản ánh cam kết tài chính và mức độ chịu trách nhiệm của các thành viên trong doanh nghiệp. Việc kê khai vốn điều lệ không trung thực không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp mà còn gây rủi ro pháp lý nghiêm trọng cho cá nhân góp vốn, người đại diện pháp luật và toàn bộ hoạt động kinh doanh. Pháp luật hiện hành và dự thảo luật sửa đổi đều hướng tới việc minh bạch hóa vốn điều lệ, siết chặt trách nhiệm góp vốn để đảm bảo sự ổn định và lành mạnh của môi trường kinh doanh.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan