10

Th7

XỬ LÝ KHI NGƯỜI BỊ KIỆN TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ CỐ TÌNH GIẤU ĐỊA CHỈ

Trong các vụ án dân sự, việc người bị kiện cố tình giấu địa chỉ thường gây ra nhiều khó khăn cho quá trình tố tụng. Tuy nhiên, hiện nay đã có các văn bản hướng dẫn giải quyết cho những tình huống này nhằm đảm bảo rằng quá trình xét xử được tiến hành một cách công bằng và không bị ảnh hưởng bởi những hành vi không hợp tác của bị đơn. Các quy định này thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi giấu địa chỉ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan trong vụ án dân sự.

1. Tại sao cần cung cấp địa chỉ của người bị kiện trong vụ án dân sự?

Cung cấp địa chỉ của người bị kiện trong vụ án dân sự là yêu cầu quan trọng nhằm đảm bảo quá trình tố tụng diễn ra thuận lợi và công bằng. Theo đó, tại giai đoạn nộp đơn khởi kiện, phía người khởi kiện bắt buộc phải thể hiện đầy đủ thông tin về thông tin của người bị kiện trong đơn khởi kiện gồm: “Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;”[1].

Việc cung cấp đầy đủ thông tin địa chỉ của người bị kiện nhằm đảm bảo Tòa án có thể tống đạt các văn bản tố tụng, thông báo về việc thụ lý vụ án, triệu tập họp, cũng như các quyết định và bản án đến phía người bị kiện để người bị kiện tham gia bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định. Đây là quyền của người bị kiện trong vụ án dân sự cũng như việc đảm bảo tống đạt văn bản, tài liệu đến người bị kiện đảm bảo nguyên tắc công bằng và minh bạch trong quá trình giải quyết vụ án​ dân sự.

Nếu trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện.[2]

2. Xác định địa chỉ của người bị kiện trong vụ án dân sự

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì địa chỉ của người bị kiện trong vụ án dân sự được xác định như sau:

* Đối với người bị kiện là cá nhân

Địa chỉ của người bị kiện là cá nhân chính là nơi cư trú, làm việc của họ, Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc của người bị kiện thì địa chỉ của người bị kiện ghi trong đơn khởi kiện sẽ là địa chỉ nơi cư trú, làm việc cuối cùng của người bị kiện. [3]

Trong đó: Địa chỉ “nơi cư trú, làm việc” của người bị kiện là địa chỉ người bị kiện đã từng cư trú, làm việc mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh. [4]:

a) Nếu người bị kiện là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống thì nơi cư trú của họ là địa chỉ chỗ ở hợp pháp mà người bị kiện thường trú hoặc tạm trú hoặc đang sinh sống theo quy định của Luật cư trú;

b) Nếu người bị kiện là người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam thì nơi cư trú của họ được xác định theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam;

c) Nếu người bị kiện là người nước ngoài, người Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài thì nơi cư trú của họ được xác định căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do người khởi kiện cung cấp hoặc theo tài liệu, chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền cấp, xác nhận;

d) Nếu người bị kiện là cơ quan, tổ chức có quốc tịch Việt Nam thì địa chỉ của cơ quan, tổ chức được xác định là nơi cơ quan, tổ chức đó có trụ sở chính hoặc chi nhánh theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật;

Trường hợp cơ quan, tổ chức có quốc tịch nước ngoài thì địa chỉ của cơ quan, tổ chức được xác định căn cứ vào tài liệu, chứng cứ do người khởi kiện cung cấp hoặc theo tài liệu, chứng cứ do cơ quan có thẩm quyền cấp, xác nhận.

* Đối với người bị kiện là cơ quan, tổ chức

Địa chỉ của người bị kiện là cơ quan, tổ chức chính là địa chỉ trụ sở cơ quan, tổ chức bị kiện. Trường hợp không rõ trụ sở của cơ quan, tổ chức bị kiện thì Địa chỉ của người bị kiện là nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện. [5]

Địa chỉ “nơi có trụ sở cuối cùng” của người bị kiện là cơ quan, tổ chức là địa chỉ của cơ quan, tổ chức bị kiện đã từng có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh.[6]

3. Xử lý khi người bị kiện trong vụ án dân sự cố tình giấu địa chỉ

Trong trường hợp người bị kiện cố tình giấu địa chỉ hoặc không cung cấp thông tin, tòa án có thể tiếp tục giải quyết vụ án theo các biện pháp pháp lý đã được quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người khởi kiện và đảm bảo trật tự tố tụng như sau:

(i) trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung. [7]

(ii) Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của người bị kiện cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP nêu trên tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

(iii) trường hợp sau khi thụ lý vụ án, Tòa án không tổng đạt được thông báo về việc thụ lý vụ án do bị đơn không còn cư trú, làm việc hoặc không có trụ sở tại địa chỉ mà nguyên đơn cung cấp thì Tòa án giải quyết như sau: [8]

a) Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ được ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở”. Trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thay đổi nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, hợp đồng mà không thông báo cho người khởi kiện biết về nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở mới theo quy định tại khoản 3 Điều 40, điểm b khoản 2 Điều 277 Bộ luật dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tổng đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

b) Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức theo hướng dẫn tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị quyết này thì được coi là “đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ trụ sở”. Trường hợp cơ quan, tổ chức thay đổi trụ sở mà không công bố công khai theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Bộ luật dân sự năm 2015 thì được coi là cố tình giấu địa chỉ và Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không đình chỉ việc giải quyết vụ án vì lý do không tống đạt được cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

c) Trường hợp không thuộc điểm a, b nêu trên mà Tòa án đã yêu cầu nguyên đơn cung cấp địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng nguyên đơn không cung cấp được thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập, xác minh địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp Tòa án không xác định được địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trừ trường hợp hướng dẫn tại mục (iv) dưới đây.

Trường hợp sau khi thụ lý vụ án mà phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án yêu cầu nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cung cấp địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đó.

Nếu nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không cung cấp được địa chỉ thì có quyền yêu cầu Tòa án thu thập, xác minh địa chỉ theo quy định của pháp luật.

Trường hợp Tòa án không xác định được địa chỉ thì đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có liên quan đến người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đó theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, trừ trường hợp hướng dẫn tại mục (iv) dưới đây.

(iv) Tòa án vẫn tiếp tục giải quyết vụ án trong các trường hợp sau đây:
a) Đối với vụ án tranh chấp về thừa kế tài sản có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thuộc diện thừa kế mà nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ và Tòa án đã tiến hành các biện pháp để thu thập, xác minh địa chỉ theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của người đó thì Tòa án vẫn giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Phần tài sản mà người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thuộc diện thừa kế chưa tìm được địa chỉ được nhận thì Tòa án tạm giao cho người thân thích của người đó hoặc người thừa kế khác quản lý. Quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thuộc diện thừa kế chưa tìm được địa chỉ sẽ được Tòa án giải quyết bằng một vụ án khác khi có yêu cầu;
b) Các trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 5 và điểm c khoản 6 Điều 477 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật

 

 

Cơ sở pháp lý:

[1] Điểm đ khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

[2] Điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

[3] Điểm đ khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

[4] Khoản 1, khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP;

[5] Điểm đ khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

[6] Khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP;

[7] Điểm e Khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

[8] Khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP;

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan