
XỬ LÝ KHI NGƯỜI CHỊU CHỊU TRÁCH NHIỆM CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT VẮNG MẶT TẠI CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH
Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh. Họ đảm bảo chất lượng chuyên môn, giám sát thực hiện các quy định pháp luật về y tế, cũng như chịu trách nhiệm về các hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật cũng có mặt tại cơ sở, có thể vì lý do cá nhân, công tác hoặc bất khả kháng. Khi đó, việc vắng mặt của họ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở và gây ra những rủi ro pháp lý. Do đó, cơ sở khám, chữa bệnh cần có phương án xử lý phù hợp nhằm đảm bảo hoạt động liên tục và đúng quy định.
1. Quy định về người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải có mặt tại cơ sở khám, chữa bệnh
Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn, mỗi cơ sở khám, chữa bệnh phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật đáp ứng đủ điều kiện về chuyên môn, kinh nghiệm và thời gian hành nghề. Người này phải có chứng chỉ hành nghề/ giấy phép hành nghề hợp lệ, chuyên môn phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở, đồng thời có tối thiểu số năm kinh nghiệm theo quy định pháp luật. Ngoài ra, pháp luật yêu cầu họ phải làm việc toàn thời gian tại cơ sở để trực tiếp điều hành hoạt động chuyên môn, giám sát quy trình khám, chữa bệnh và đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế.
Việc có mặt thường xuyên của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật nhằm đảm bảo rằng mọi hoạt động chuyên môn tại cơ sở đều được thực hiện đúng quy định, tránh sai sót trong quá trình khám, chữa bệnh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các cơ sở y tế có thực hiện các kỹ thuật y khoa phức tạp, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Trường hợp họ vắng mặt trong thời gian ngắn, họ có thể ủy quyền bằng văn bản cho một người khác có trình độ chuyên môn phù hợp đang làm việc tại cơ sở. Tuy nhiên, nếu vắng mặt quá thời hạn cho phép mà không có phương án thay thế hợp lệ, cơ sở khám, chữa bệnh có thể bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
2. Hướng xử lý khi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật vắng mặt tại cơ sở khám, chữa bệnh
Căn cứ theo khoản 11 Điều 27 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, khi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vì lý do ốm đau, nghỉ phép, đi học hoặc vì các lý do khác thì cơ sở khám chữa bệnh cần thực hiện các thủ tục sau:
(i) Bố trí người thay thế tạm thời:
Nếu người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật vắng mặt tại cơ sở dưới 15 ngày thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác đang làm việc tại cơ sở. Việc ủy quyền này cần thể hiện rõ nội dung phạm vi công việc, trách nhiệm và thời gian ủy quyền. Cơ sở khám, chữa bệnh phải có kế hoạch nhân sự thay thế cụ thể để tránh gián đoạn hoạt động chuyên môn. Người thay thế phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về hành nghề, bao gồm có giấy phép hành nghề hợp pháp, có phạm vi hành nghề phù hợp với chuyên môn mà cơ sở đăng ký và có ít nhất 36 tháng kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan. Nếu không có người phù hợp trong nội bộ, cơ sở có thể xem xét thuê nhân sự từ bên ngoài nhưng phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
(ii) Bố trí người thay thế tạm thời và thông báo cho cơ quan quản lý:
Đối với trường hợp người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật vắng mặt từ 15 ngày đến dưới 90 ngày, ngoài việc thực hiện ủy quyền theo mục (i) nêu trên, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn có nghĩa vụ gửi văn bản thông báo cho cơ quan cấp giấy phép hoạt động. Văn bản này cần nêu rõ lý do vắng mặt, thông tin về người thay thế và cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế trong thời gian người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật vắng mặt. Việc chậm trễ hoặc không thông báo có thể bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
(iii) Thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật:
Nếu thời gian vắng mặt của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật kéo dài trên 180 ngày, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tiến hành thủ tục thay đổi nhân sự phụ trách chuyên môn theo đúng quy trình do pháp luật quy định. Hồ sơ thay đổi cần bao gồm đơn đề nghị thay đổi, giấy phép hành nghề và tài liệu chứng minh năng lực chuyên môn của người thay thế. Trong trường hợp chưa tìm được nhân sự thay thế phù hợp, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh buộc phải tạm dừng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật từ thời điểm người này chấm dứt làm việc tại cơ sở. Đồng thời, cơ sở phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền trong vòng 03 ngày kể từ thời điểm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật nghỉ việc, tránh trường hợp bị xử phạt hành chính hoặc đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về nhân sự.
3. Xử phạt khi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật vắng mặt tại cơ sở khám, chữa bệnh
Nếu cơ sở khám, chữa bệnh để người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật vắng mặt mà không có phương án hợp lệ, không thực hiện thủ tục theo quy định, thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Cụ thể, theo Khoản 5 Điều 4 và Điểm a Khoản 2 Điều 39 Nghị định này, mức phạt tiền có thể dao động từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh khi có sự thay đổi về người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật.
Việc không tuân thủ quy định này không chỉ dẫn đến chế tài xử phạt hành chính mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý khác. Nếu cơ sở khám, chữa bệnh vẫn tiếp tục hoạt động mà không có người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật hoặc không có người thay thế hợp lệ, cơ quan quản lý có thể xem xét áp dụng các biện pháp xử lý bổ sung, như đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người bệnh, uy tín của cơ sở khám, chữa bệnh cũng như trách nhiệm pháp lý của chủ cơ sở. Do đó, việc tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về báo cáo và bổ nhiệm người thay thế là điều cần thiết nhằm tránh các hệ quả pháp lý không mong muốn.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …