02

Th10

XỬ LÝ VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC CÔNG CHỨNG ĐỐI VỚI NGƯỜI YÊU CẦU CÔNG CHỨNG

Công chứng là hoạt động xác nhận tính hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch hoặc văn bản quan trọng nhằm đảm bảo tính an toàn pháp lý và phòng ngừa rủi ro phát sinh trong các giao dịch dân sự, thương mại, kinh tế… Người yêu cầu công chứng có nghĩa vụ tuân thủ quy định pháp luật và hợp tác với công chứng viên trong quá trình công chứng. Việc vi phạm quy định về công chứng có thể dẫn đến các chế tài xử lý nghiêm khắc từ phía các cơ quan chức năng theo quy định pháp luật hiện hành.

Theo quy định tại Điều 75 Luật Công chứng 2014 quy định: Người yêu cầu công chứng có hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo, sửa chữa, tẩy xóa giấy tờ, văn bản trái pháp luật hoặc có hành vi gian dối khác khi yêu cầu công chứng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo quy định của pháp luật hiện hành, người yêu cầu công chứng có thể bị áp dụng các chế tài đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng như sau:

(1) Cung cấp thông tin sai sự thật; Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản yêu cầu công chứng

Theo Điều 7 Luật Công chứng 2014, người yêu cầu công chứng phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của các giấy tờ, thông tin cung cấp cho công chứng viên. Hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật nhằm công chứng các giao dịch không hợp pháp có thể dẫn đến việc bị từ chối công chứng và xử phạt hành chính hoặc hình sự.

Cụ thể, theo Điều 12 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch như sau:

a) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch;

– Sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch.

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

– Gian dối, không trung thực khi làm chứng hoặc phiên dịch;

– Dịch không chính xác, không phù hợp với giấy tờ, văn bản cần dịch.

Ngoài ra, Hành vi sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch, các loại giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điêu 340 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:

“Điều 340. Tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức

1. Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch, các loại giấy chứng nhận hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện tội phạm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Sử dụng giấy tờ, tài liệu đã bị sửa chữa hoặc làm sai lệch thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

(2) Làm giả giấy tờ, tài liệu, giả mạo người yêu cầu công chứng

Cũng theo Điều 7 Luật Công chứng 2014, Hành vi giả mạo người yêu cầu công chứng, sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo để yêu cầu công chứng là hành vi bị nghiệm cấm.

Theo đó, về mức xử phạt hành chính, người yêu cầu công chứng thực hiện các hành vi: Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng; giả mạo chữ ký của công chứng viên; Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 theo khoản 3 Điều 12 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

Hành vi sử dụng giấy tờ, tài liệu giả mạo để yêu cầu công chứng bị nghiêm cấm và có thể bị xử lý theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” cụ thể:

“Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

(3) Cản trở hoạt động công chứng.

Theo Điều 7 Luật Công chứn 2014, Hành vi cản trở hoạt động công chứng là hành vi bị nghiệm cấm. Hành vi cản trở hoạt động công chứng có thể bao gồm nhưng không giới hạn các trường hợp như: Cản trở công chứng viên khi thực hiện nhiệm vụ công chứng, gây khó khăn trong quá trình kiểm tra giấy tờ, thông tin, hoặc yêu cầu công chứng viên thực hiện các hành vi trái quy định của pháp luật; Đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc các hình thức bạo lực khác nhằm ngăn cản công chứng viên hoặc tổ chức hành nghề công chứng thực hiện chức năng, nhiệm vụ; Gây rối trật tự tại nơi công chứng, cản trở khách hàng đến yêu cầu công chứng hoặc làm gián đoạn hoạt động bình thường của tổ chức hành nghề công chứng….

Người yêu cầu công chứng có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu có hành vi cản trở hoạt động công chứng nêu trên theo Điều 12 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, nếu trong trường hợp hành vi cản trở hoạt động công chứng gây hậu quả nghiêm trọng, ví dụ như gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho công chứng viên, người yêu cầu coogn chứng khác thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội “Cố ý gây thương tích”, “Đe dọa giết người” hoặc các tội danh khác có liên quan tùy từng mức độ, hành vi phạm tội.

Như vậy, việc tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về công chứng không chỉ giúp đảm bảo tính hợp pháp của các giao dịch mà còn phòng ngừa các rủi ro pháp lý cho chính người yêu cầu công chứng. Hành vi vi phạm trong lĩnh vực công chứng sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy thuộc vào mức độ và tính chất vi phạm.

Người yêu cầu công chứng cần hiểu rõ trách nhiệm của mình, cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ để tránh những hậu quả không đáng có và bị xử phạt theo quy định.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan