CÁC LOẠI HÌNH CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH THEO QUY ĐỊNH MỚI
Kể từ ngày 01/01/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 chính thực có hiệu lực và thay thế cho Luật khám bệnh chữa bệnh 2009 trước. Theo đó, hàng loạt các quy định mới được cập nhật, bổ sung và thay đổi, trong đó có sự thay đổi đáng kể trong quy định về Hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể:
Các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định cũ
Trước đây theo Điều 41 Luật khám bệnh chữa bệnh 2009, các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
a) Bệnh viện;
b) Cơ sở giám định y khoa;
c) Phòng khám đa khoa;
d) Phòng khám chuyên khoa, bác sỹ gia đình;
đ) Phòng chẩn trị y học cổ truyền;
e) Nhà hộ sinh;
g) Cơ sở chẩn đoán;
h) Cơ sở dịch vụ y tế;
i) Trạm y tế cấp xã và tương đương;
k) Các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác.
Theo đó, Tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP đã chi tiết hóa các hình thức tổ chức của cơ sở, khám bệnh, chữa bệnh tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, cụ thể:
“Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật và phải theo một trong các hình thức tổ chức sau đây:
1. Bệnh viện bao gồm bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa.
2. Bệnh xá thuộc lực lượng Công an nhân dân.
3. Phòng khám đa khoa.
4. Phòng khám chuyên khoa, bao gồm:
a) Phòng khám nội tổng hợp;
b) Phòng khám chuyên khoa thuộc hệ nội: Tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, nhi và chuyên khoa khác thuộc hệ nội;
c) Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông;
d) Phòng khám chuyên khoa ngoại;
đ) Phòng khám chuyên khoa phụ sản;
e) Phòng khám chuyên khoa nam học;
g) Phòng khám chuyên khoa răng – hàm – mặt;
h) Phòng khám chuyên khoa tai – mũi – họng;
i) Phòng khám chuyên khoa mắt;
k) Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ;
l) Phòng khám chuyên khoa phục hồi chức năng;
m) Phòng khám chuyên khoa tâm thần;
n) Phòng khám chuyên khoa ung bướu;
o) Phòng khám chuyên khoa da liễu;
p) Phòng khám chuyên khoa y học cổ truyền; Phòng chẩn trị y học cổ truyền;
q) Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng;
r) Phòng khám hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy;
s) Phòng khám, điều trị HIV/AIDS;
t) Phòng xét nghiệm;
u) Phòng khám chẩn đoán hình ảnh, Phòng X-Quang;
v) Phòng khám, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế thực hiện theo quy định tại Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
x) Phòng khám, tư vấn và điều trị dự phòng;
y) Phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp;
z) Phòng khám chuyên khoa khác.
5. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình (hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình): Thực hiện thí điểm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
6. Nhà hộ sinh.
7. Cơ sở dịch vụ y tế bao gồm:
a) Cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp;
b) Cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà;
c) Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài;
d) Cơ sở dịch vụ kính thuốc;
đ) Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ;
e) Cơ sở dịch vụ y tế khác.
8. Trạm y tế cấp xã, trạm xá.
9. Cơ sở giám định y khoa, cơ sở giám định pháp y, có thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải tổ chức theo hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 3 Điều này. Cơ sở giám định pháp y tâm thần có thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì phải tổ chức theo một trong các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại các khoản 1, 3 hoặc điểm m khoản 4 Điều này. Các cơ sở này phải đáp ứng điều kiện tương ứng với từng hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
10. Cơ sở y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải thực hiện theo một trong các hình thức tổ chức quy định tại khoản 3 hoặc điểm a khoản 4 Điều này và phải đáp ứng điều kiện quy định tương ứng với hình thức tổ chức đó.
11. Trung tâm y tế có chức năng khám bệnh, chữa bệnh thì cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện đa khoa hoặc phòng khám đa khoa và phải đáp ứng điều kiện quy định tương ứng với hình thức tổ chức đó. Việc phân hạng thực hiện theo nguyên tắc nếu được cấp giấy phép hoạt động theo mô hình phòng khám đa khoa thì được xếp hạng IV, nếu được cấp giấy phép hoạt động theo mô hình bệnh viện thì được xếp theo hạng bệnh viện tương đương với quy mô của cơ sở đó.
12. Trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng đủ điều kiện của các cơ sở dịch vụ y tế quy định tại Nghị định này thì được bổ sung quy mô và phạm vi hoạt động chuyên môn tương ứng.”
Các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện hành
Thay thế Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định về hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 48 như sau:
“1. Các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:
a) Bệnh viện;
b) Bệnh xá thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;
c) Nhà hộ sinh;
d) Phòng khám;
đ) Phòng chẩn trị y học cổ truyền;
e) Cơ sở dịch vụ cận lâm sàng;
g) Trạm y tế;
h) Cơ sở cấp cứu ngoại viện;
i) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình;
k) Hình thức tổ chức khác của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Chính phủ.
2. Trường hợp cơ sở giám định y khoa, cơ sở giám định pháp y, cơ sở pháp y tâm thần, trung tâm y tế, viện có giường bệnh, y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc cơ sở có tên gọi khác mà thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì việc cấp giấy phép hoạt động phải thực hiện theo một trong các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Theo đó, Chính phủ đã có Nghị định 96/2023/NĐ-CP, quy định chi tiết các loại hình khám bệnh, chữa bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, cụ thể:
“Điều 39. Hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
1. Bệnh viện bao gồm các hình thức sau đây:
a) Bệnh viện đa khoa;
b) Bệnh viện y học cổ truyền;
c) Bệnh viện răng hàm mặt;
d) Bệnh viện chuyên khoa.
2. Phòng khám bao gồm các hình thức sau đây:
a) Phòng khám đa khoa;
b) Phòng khám chuyên khoa;
c) Phòng khám liên chuyên khoa;
d) Phòng khám bác sỹ y khoa;
đ) Phòng khám y học cổ truyền;
e) Phòng khám răng hàm mặt;
g) Phòng khám dinh dưỡng;
h) Phòng khám y sỹ đa khoa.
3. Trạm y tế.
4. Nhà hộ sinh.
5. Phòng chẩn trị y học cổ truyền.
6. Cơ sở dịch vụ cận lâm sàng bao gồm các hình thức sau đây:
a) Cơ sở xét nghiệm;
b) Cơ sở chẩn đoán hình ảnh;
c) Cơ sở xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.
7. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình.
8. Cơ sở kỹ thuật phục hình răng.
9. Cơ sở kỹ thuật phục hồi chức năng.
10. Cơ sở tâm lý lâm sàng.
11. Cơ sở dịch vụ điều dưỡng.
12. Cơ sở dịch vụ hộ sinh.
13. Cơ sở chăm sóc giảm nhẹ.
14. Cơ sở cấp cứu ngoại viện.
15. Cơ sở kính thuốc có thực hiện việc đo, kiểm tra tật khúc xạ.
16. Cơ sở lọc máu”
Những thay đổi về loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định mới
Có thể thấy, quy định về loại hình cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định mới có những thay đổi đáng kể so với quy định cũ, cụ thể:
* Về Luật Khám bệnh, chữa bệnh:
– Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 giữ nguyên các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm: Bệnh viện, Nhà hộ sinh, phòng chẩn trị y học cổ truyền, trạm y tế.
– Về loại hình phòng khám: Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định phân biệt rõ giữa loại hình “phòng khám đa khoa” và “phòng khám chuyên khoa, bác sỹ gia đình”. Trong khi đó Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 chỉ quy định chung một hình thức tổ chức là “Phòng khám” và tách riêng “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình” thành một loại hình khác biệt so với phòng khám.
– Thay thế hai loại hình “Cơ sở chẩn đoán”, “Cơ sở dịch vụ y tế” bằng hai loại hình mới “Cơ sở dịch vụ cận lâm sàng” và “ Cơ sở cấp cứu ngoại viện”.
– Bổ sung thêm quy định về trường hợp cơ sở giám định y khoa, cơ sở giám định pháp y, cơ sở pháp y tâm thần, trung tâm y tế, viện có giường bệnh, y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc cơ sở có tên gọi khác mà thực hiện khám bệnh, chữa bệnh sẽ được cấp phép hoạt động theo một trong các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mới theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
* Về Nghị định do Chính phủ hướng dẫn
a) Đối với hình thức tổ chức của hình Bệnh viện:
Nghị định 96/2023/NĐ-CP bổ sung thêm 02 loại hình bệnh viện mới là: Bệnh viện y học cổ truyền; Bệnh viện răng hàm mặt.
b) Đối với hình thức tổ chức của Phòng khám:
Nếu như trước đây Nghị định 155/2018/NĐ-CP quy định rất cụ thể về từng loại hình phòng khám bao gồm: Phòng khám đa khoa, Phòng khám chuyên khoa. Trong đó Phòng khám chuyên khoa sẽ phân thành nhiều chuyên khoa cụ thể như: Phòng khám nội tổng hợp; Phòng khám chuyên khoa thuộc hệ nội: Tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, nhi và chuyên khoa khác thuộc hệ nội; Phòng khám chuyên khoa ngoại; Phòng khám chuyên khoa phụ sản; Phòng khám chuyên khoa nam học;…. thì Nghị định 96/2023/NĐ-CP chỉ quy định phòng khám bao gồm 8 loại hình là:
(1) Phòng khám đa khoa;
(2) Phòng khám chuyên khoa;
(3) Phòng khám liên chuyên khoa: Là loại hình phòng khám có tối thiểu hai chuyên khoa (không bao gồm nội, ngoại, sản, nhi);
(4) Phòng khám bác sỹ y khoa: Là hình thức phòng khám do một người có hành nghề được cấp giấy phép hành nghề theo một trong các chức danh là bác sỹ với phạm vi hành nghề y khoa hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa.
(5) Phòng khám y học cổ truyền;
(6) Phòng khám răng hàm mặt;
(7) Phòng khám dinh dưỡng: Là loại hình phòng khám được tổ chức theo phòng khám chuyên khoa nội hoặc phòng khám bác sỹ y khoa.
(8) Phòng khám y sỹ đa khoa: Là loại hình chỉ được tổ chức tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Về cơ sở dịch vụ y tế: Nghị định 96/2023/NĐ-CP bãi bỏ loại hình Cơ sở dịch vụ y tế tại Nghị định 155/2018/NĐ-CP gồm: a) Cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp; b) Cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà; c) Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài; d) Cơ sở dịch vụ kính thuốc; đ) Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ; e) Cơ sở dịch vụ y tế khác. Thay thế bằng các cơ sở y tế mới bao gồm các loại hình riêng biệt:
(1) Cơ sở dịch vụ cận lâm sàng bao gồm các hình thức sau đây:
– Cơ sở xét nghiệm;
+ Cơ sở chẩn đoán hình ảnh;
– Cơ sở xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.
(2) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình.
(3) Cơ sở kỹ thuật phục hình răng.
(4) Cơ sở kỹ thuật phục hồi chức năng.
(5) Cơ sở tâm lý lâm sàng.
(6) Cơ sở dịch vụ điều dưỡng.
(7) Cơ sở dịch vụ hộ sinh.
(7) Cơ sở chăm sóc giảm nhẹ.
(8) Cơ sở cấp cứu ngoại viện.
(9) Cơ sở kính thuốc có thực hiện việc đo, kiểm tra tật khúc xạ.
(10) Cơ sở lọc máu
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …