
QUY TRÌNH XIN CẤP GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ Y THEO QUY ĐỊNH MỚI
Từ ngày 01/01/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 chính thức có hiệu lực, đánh dấu bước chuyển lớn trong quản lý hành nghề y tại Việt Nam. Một trong những điểm mới đáng chú ý là việc bổ sung quy định về kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề như điều kiện bắt buộc để được cấp giấy phép. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp trước khi kỳ kiểm tra chính thức được tổ chức theo lộ trình của Bộ Y tế, quy trình cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh vẫn được thực hiện theo cơ chế linh hoạt. Bài viết này sẽ phân tích quy trình xin cấp giấy phép hành nghề y theo quy định mới, giúp cá nhân và đơn vị hành nghề y nắm rõ để thực hiện đúng luật.
1. Những chức danh phải xin giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
Căn cứ theo khoản 1 Điều 26 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023, người hành nghề khám bệnh chữa bệnh thuộc một trong các chức danh chuyên môn sau đây phải có giấy phép hành nghề, bao gồm:
a) Bác sỹ;
b) Y sỹ;
c) Điều dưỡng;
d) Hộ sinh;
đ) Kỹ thuật y;
e) Dinh dưỡng lâm sàng;
g) Cấp cứu viên ngoại viện;
h) Tâm lý lâm sàng;
i) Lương y;
k) Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
2. Quy trình chung về cấp mới giấy phép hành nghề khám bệnh chữa bệnh trong giai đoạn chuyển tiếp đối với hồ sơ nộp từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến thời điểm kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề
Căn cứ theo Điều 125 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người có văn bằng tốt nghiệp thuộc lĩnh vực sức khỏe sẽ được lựa chọn một trong ba phương án liên quan đến cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:
(i) Phương án 1: Thực hiện thủ tục đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề.
Trước khi lập hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề phải thực hành theo quy định tại Điều 129 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, cụ thể:
– Việc thực hành đối với người bắt đầu thực hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định 96/2023/NĐ-CP
Xem chi tiết:
Điều kiện và thời gian thực hành xin cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh kể từ 01/01/2024
Những trường hợp không phải thực hành khám chữa bệnh khi xin cấp giấy phép hành nghề y
Phương án 2: Tiếp tục học chuyên khoa và sau khi hoàn thành đào tạo chuyên khoa được thực hiện thủ tục đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề với phạm vi hành nghề chuyên khoa.
Trước khi lập hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề không phải thực hành theo quy định theo quy định như Phương án (1) nêu trên.
Phương án 3: Tiếp tục học thạc sỹ, tiến sỹ lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở đào tạo nước ngoài và sau khi hoàn thành đào tạo được thực hiện thủ tục đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề với phạm vi hành nghề chuyên khoa.
Trước khi lập hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề phải thực hành theo quy định theo quy định như Phương án (1) nêu trên.
Lưu ý:
(i) Trường hợp đã được cấp giấy phép hành nghề sau ngày 01/01/2024 hoặc có chứng chỉ hành nghề trước 01/01/2024, sau đó học chuyên khoa:
a) Nếu được cấp văn bằng chuyên khoa thì được lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép hành nghề với phạm vi hành nghề chuyên khoa mà không phải thực hành;
b) Nếu được cấp chứng chỉ chuyên khoa cơ bản thì phải thực hành chuyên khoa tương ứng với chuyên khoa đã được đào tạo ghi trên chứng chỉ chuyên khoa cơ bản đến khi tổng thời gian đào tạo chuyên khoa cơ bản và thời gian thực hành đủ 18 tháng (xác định theo thời điểm bắt đầu đào tạo chuyên khoa cơ bản). Sau khi hoàn thành thực hành thì được lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép hành nghề với phạm vi hành nghề chuyên khoa;
c) Nếu tiếp tục học thạc sỹ, tiến sỹ lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở đào tạo nước ngoài và sau khi hoàn thành đào tạo được thực hiện thủ tục đề nghị điều chỉnh giấy phép hành nghề với phạm vi hành nghề chuyên khoa sau khi hoàn thành quá trình thực hành theo phương án (1) nêu trên.
(ii) Trường hợp được đào tạo thêm kỹ thuật hoặc chuyển giao kỹ thuật chuyên môn không cần điều chỉnh phạm vi hành nghề
Người hành nghề không cần thực hiện thủ tục điều chỉnh phạm vi hành nghề trong hai trường hợp sau:
Thứ nhất, nếu người hành nghề đã tham gia các khóa đào tạo kỹ thuật chuyên môn (bao gồm cả các khóa đào tạo được cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận trước ngày 01/01/2024) đối với kỹ thuật chưa có trong giấy phép hành nghề hiện tại, thì có thể thực hiện kỹ thuật đó mà không cần điều chỉnh giấy phép. Tuy nhiên, phải đáp ứng hai điều kiện:
– Có chứng chỉ đào tạo kỹ thuật chuyên môn theo quy định tại khoản 3 Điều 128 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, cụ thể:
+ Chứng chỉ đào tạo kỹ thuật chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh phải được cấp bởi cơ sở giáo dục có tối thiểu 01 khóa đào tạo cấp văn bằng theo ngành, trình độ đã tốt nghiệp để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh chữa bệnh với chức danh tương ứng hoặc là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện các kỹ thuật chuyên môn tương ứng với thời gian tối thiểu 06 tháng;
+ Chương trình và tài liệu đào tạo chứng chỉ kỹ thuật chuyên môn do cơ sở đào tạo xây dựng, thẩm định và ban hành hoặc sử dụng của cơ sở đào tạo khác khi được cơ sở đó đồng ý bằng văn bản; nội dung chương trình, khối lượng học tập, giảng viên phù hợp với danh mục kỹ thuật chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế.
– Được người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh chấp thuận cho thực hiện kỹ thuật đó bằng văn bản, dựa trên đánh giá năng lực thực tế của người hành nghề.
Thứ hai, nếu kỹ thuật mới được thực hiện thông qua hình thức chuyển giao kỹ thuật, thì cũng không cần điều chỉnh giấy phép hành nghề, với điều kiện:
– Có chứng nhận đủ năng lực thực hiện kỹ thuật theo đúng quy định tại điểm c khoản 4 Điều 85 của Nghị định 96/2023/NĐ-CP.
– Được người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật tại cơ sở khám chữa bệnh đồng ý bằng văn bản cho phép thực hiện kỹ thuật đã được chuyển giao.
(iii) Phải thực hành lại nếu chậm nộp hồ sơ xin cấp giấy phép sau khi học xong chuyên khoa
Trường hợp người hành nghề đã hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa theo phương án (2) nêu trên (tức là học chuyên khoa sau khi tốt nghiệp thay vì đi thực hành), nhưng không nộp hồ sơ xin cấp mới giấy phép hành nghề trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày được cấp văn bằng chuyên khoa, thì bắt buộc phải thực hành lại chuyên khoa đó theo đúng thời lượng quy định tại Điều 129 Nghị định 96/2023/NĐ-CP trước khi được nộp hồ sơ xin cấp phép.
(iv) Phải thực hành lại nếu chậm điều chỉnh giấy phép hành nghề sau khi có văn bằng chuyên khoa
Người hành nghề đã được cấp văn bằng chuyên khoa theo điểm a khoản 2 Nghị định 96/2023/NĐ-CP (tức là đã có giấy phép hành nghề trước đó và sau đó học thêm chuyên khoa), nếu không nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép hành nghề trong vòng 24 tháng kể từ ngày được cấp văn bằng chuyên khoa, thì bắt buộc phải thực hành lại chuyên khoa đó đủ thời gian theo quy định tại Điều 129 Nghị định 96/2023/NĐ-CP trước khi được phép điều chỉnh phạm vi hành nghề.
(v) Phải thực hành lại nếu chậm điều chỉnh giấy phép sau khi có chứng chỉ chuyên khoa cơ bản và hoàn thành thực hành
Trường hợp người hành nghề đã được cấp chứng chỉ chuyên khoa cơ bản theo điểm b khoản 2 Điều 125 Nghị định 96/2023/NĐ-CP (tức là có giấy phép hành nghề trước đó, học chuyên khoa cơ bản, sau đó thực hành đủ thời gian sao cho tổng thời gian đào tạo và thực hành đạt 18 tháng), nhưng không nộp hồ sơ điều chỉnh giấy phép hành nghề trong vòng 24 tháng kể từ ngày hoàn thành thực hành, thì phải thực hành lại về chuyên khoa đó đủ thời gian theo quy định tại Điều 129 Nghị định 96/2023/NĐ-CP trước khi được xem xét điều chỉnh phạm vi hành nghề.
(vii) Trường hợp người hành nghề có cả văn bằng y tế và giấy chứng nhận y học cổ truyền
Căn cứ theo khoản 7 Điều 125 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, nếu một người vừa có văn bằng tốt nghiệp thuộc lĩnh vực sức khỏe (ví dụ: bác sĩ, điều dưỡng…) vừa có một hoặc nhiều giấy chứng nhận về y học cổ truyền như: Giấy chứng nhận lương y, Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền, Giấy chứng nhận phương pháp chữa bệnh gia truyền, thì được đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo một trong các chức danh tại Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, và phải thực hiện quy trình cấp phép theo phương án (1) hoặc (2) nêu trên) (tùy đã có giấy phép hành nghề trước đó hay chưa).
Tùy vào lựa chọn chức danh xin cấp phép, phạm vi hành nghề sẽ được xác định như sau:
a) Trường hợp được cấp giấy phép hành nghề theo một trong các chức danh: bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật y, hộ sinh, dinh dưỡng lâm sàng, tâm lý lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện thì phạm vi hành nghề bao gồm: phạm vi hành nghề của chức danh được cấp giấy phép hành nghề và phạm vi hành nghề tương ứng với một hoặc nhiều giấy chứng nhận sau đây: giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc giấy chứng nhận phương pháp chữa bệnh gia truyền;
b) Trường hợp được cấp giấy phép hành nghề theo một trong các chức danh: lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền thì phạm vi hành nghề bao gồm: phạm vi hành nghề của chức danh được cấp giấy phép hành nghề và phạm vi hành nghề tương ứng với kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề.
(viii) Thực hành tại cơ sở thuộc lực lượng vũ trang vẫn phải đáp ứng điều kiện chung nếu xin cấp phép ngoài ngành
Trường hợp người đề nghị cấp giấy phép hành nghề đã thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân (như bệnh viện quân đội, công an), nhưng lại mong muốn được cấp giấy phép hành nghề bởi Bộ Y tế hoặc Cơ quan chuyên môn về y tế của UBND cấp tỉnh, thì việc thực hành đó phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo Mục 1 Chương II Nghị định 96/2023/NĐ-CP, tức là phải phù hợp với điều kiện thực hành chung như đối với các chức danh khác tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thuộc lực lượng vũ trang.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …