23

Th1

ĐIỀU KIỆN VÀ THỜI GIAN THỰC HÀNH XIN CẤP GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ KHÁM CHỮA BỆNH KỂ TỪ 01/01/2024

Ngày 01/012024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 chính thức có hiệu lực quy định thay đổi rất nhiều do với Luật Khám bệnh, chữa bệnh trước đây. Theo đó, Chính phủ và Bộ Y tế cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới, trong đó có quy định về điều kiện và thời gian xác nhận thực hành để xin cấp giấy phép hành nghề cho các chức danh trong ngành y, cụ thể như sau:

Về thời gian và nội dung thực hành

Điều 3 Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định rõ về thời gian và nội dung thực hành để xin cấp giấy phép hành nghề y kể từ ngày 01/01/2024 như sau:

(1) Đối với Bác sỹ:

Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh bác sỹ là 12 tháng, trong đó:

a) Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 09 tháng;

b) Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 03 tháng.

(2) Đối với Y sỹ:

Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh y sỹ là 09 tháng, trong đó:

a) Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 06 tháng;

b) Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 03 tháng.

(3) Đối với điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y:

Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y là 06 tháng, trong đó:

a) Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 05 tháng;

b) Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 01 tháng.

(4) Đối với dinh dưỡng lâm sàng:

Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh dinh dưỡng lâm sàng là 06 tháng.

(5) Đối với cấp cứu viên ngoại viện:

Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh cấp cứu viên ngoại viện là 06 tháng, trong đó:

a) Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về cấp cứu ngoại viện là 03 tháng;

b) Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 03 tháng.

(6) Đối với tâm lý lâm sàng:

Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh tâm lý lâm sàng là 09 tháng.

Ngoài ra, Nghị định 96/2023/NĐ-CP còn quy định: Trong quá trình thực hành phải lồng ghép nội dung hướng dẫn về các quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề, an toàn người bệnh, kỹ năng giao tiếp và ứng xử của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Căn cứ phạm vi hành nghề do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và nội dung thực hành theo các chức danh nêu trên, cơ sở hướng dẫn thực hành xây dựng nội dung thực hành cụ thể đối với từng chức danh chuyên môn mà cơ sở dự kiến tổ chức hướng dẫn thực hành.

Về bảo lưu kết quả thực hành

Trong quá trình thực hành vì lý do sức khỏe hoặc trường hợp bất khả kháng, người thực hành được tạm dừng thực hành trong thời gian tối đa 12 tháng và được bảo lưu các kết quả thực hành trước đó. Cơ sở hướng dẫn thực hành có trách nhiệm bảo đảm người thực hành được làm việc theo chế độ làm việc của cơ sở. Theo đó, việc bảo lưu kết quả thực hành thực hiện như sau:

a) Người thực hành có văn bản đề nghị bảo lưu kết quả thực hành và gửi kèm theo các tài liệu chứng minh lý do đề nghị bảo lưu;

b) Căn cứ đề nghị của người thực hành, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xem xét, quyết định việc bảo lưu, trường hợp không đồng ý bảo lưu người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do;

c) Trong thời gian 30 ngày sau khi hết thời gian bảo lưu, nếu người thực hành không có văn bản đề nghị tiếp tục thực hành hoặc đề nghị gia hạn thời gian bảo lưu thì kết quả bảo lưu không còn giá trị, tổng thời gian của các lần bảo lưu không quá 12 tháng.

(Cơ sở pháp lý: Điều 4 Nghị định 96/2023/NĐ-CP)

Về cơ sở hướng dẫn thực hành

Các chức danh chuyên môn phải thực hành tại cơ sở hướng dẫn thực hành theo quy định như sau:

(1) Đối với Bác sỹ:

a) Đối với bác sỹ y khoa, bác sỹ y học dự phòng: Thực hành tại bệnh viện có giấy phép hoạt động theo quy định;

b) Đối với bác sỹ y học cổ truyền: Thực hành tại bệnh viện có giấy phép hoạt động theo quy định và phải có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học cổ truyền;

c) Đối với bác sỹ răng hàm mặt: Thực hành tại bệnh viện có giấy phép hoạt động theo quy định và phải có phạm vi hoạt động chuyên môn về răng hàm mặt.

(2) Đối với chức danh y sỹ:

a) Đối với y sỹ đa khoa: Thực hành tại các cơ sở được cấp giấy phép hoạt động theo quy định như: bệnh viện; phòng khám đa khoa; trạm y tế xã, phường, thị trấn;

b) Đối với y sỹ y học cổ truyền: Thực hành tại các cơ sở được cấp giấy phép hoạt động theo quy định như: bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc trạm y tế xã. Các cơ sở này phải có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học cổ truyền.

(3) Đối với điều dưỡng:

Thực hành tại bệnh viện được cấp giấy phép hoạt động theo quy định.

(4) Đối với hộ sinh

Thực hành tại các cơ sở được cấp giấy phép hoạt động theo quy định như: bệnh viện hoặc nhà hộ sinh hoặc trạm y tế xã, trong đó bệnh viện, trạm y tế xã phải có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa sản.

(5) Đối với kỹ thuật y:

a) Chức danh kỹ thuật y với phạm vi hành nghề xét nghiệm y học: Thực hành tại các cơ sở được cấp giấy phép hoạt động theo quy định như: bệnh viện hoặc phòng khám hoặc cơ sở xét nghiệm. Các cơ sở này phải có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung thực hành của kỹ thuật xét nghiệm y học;

b) Chức danh kỹ thuật y với phạm vi hành nghề hình ảnh y học: Thực hành tại các cơ sở được cấp giấy phép hoạt động theo quy định như: bệnh viện hoặc phòng khám hoặc cơ sở chẩn đoán hình ảnh. Các cơ sở này phải có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung thực hành của kỹ thuật hình ảnh y học;

c) Chức danh kỹ thuật y với phạm vi hành nghề phục hình răng: Thực hành tại các cơ sở được cấp giấy phép hoạt động theo quy định như: bệnh viện hoặc phòng khám hoặc cơ sở kỹ thuật phục hình răng được cấp giấy phép hoạt động theo quy định. Các cơ sở này phải có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung thực hành của kỹ thuật phục hình răng;

d) Chức danh kỹ thuật y với phạm vi hành nghề khúc xạ nhãn khoa: Thực hành tại các cơ sở được cấp giấy phép hoạt động theo quy định như: bệnh viện hoặc phòng khám hoặc cơ sở kính thuốc có thực hiện việc đo, kiểm tra tật khúc xạ. Các cơ sở này phải có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung thực hành của kỹ thuật khúc xạ nhãn khoa;

đ) Chức danh kỹ thuật y với phạm vi hành nghề phục hồi chức năng: Thực hành tại các cơ sở được cấp giấy phép hoạt động theo quy định như: bệnh viện hoặc phòng khám hoặc cơ sở kỹ thuật phục hồi chức năng. Các cơ sở này phải có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung thực hành của kỹ thuật phục hồi chức năng.

(6) Đối với dinh dưỡng lâm sàng:

Thực hành tại các cơ sở được cấp giấy phép hoạt động theo quy định như: bệnh viện và có bộ phận chuyên môn về dinh dưỡng.

(7) Đối với: cấp cứu viên ngoại viện:

Thực hành tại các cơ sở được cấp giấy phép hoạt động theo quy định như: bệnh viện, cơ sở cấp cứu ngoại viện.

(8) Đối với tâm lý lâm sàng:

Thực hành tại các cơ sở được cấp giấy phép hoạt động theo quy định như: bệnh viện hoặc cơ sở tâm lý lâm sàng, trong đó bệnh viện phải có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa tâm thần hoặc có bộ phận chuyên môn về tâm lý lâm sàng.

(Cơ sở pháp lý: Điều 5 Nghị định 96/2023/NĐ-CP)

Điều kiện đối với cơ sở hướng dẫn thực hành

Thứ nhất, cơ sở hướng dẫn thực hành phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động phù hợp với các hình thức tổ chức của cơ sở hướng dẫn thực hành quy định tại Điều 5 Nghị định 96/2023/NĐ-CP;

Thứ hai, cơ sở hướng dẫn thực hành phải có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung thực hành theo quy định tại Điều 3 Nghị định 96/2023/NĐ-CP. Trường hợp không đủ các chuyên khoa theo nội dung thực hành quy định tại Điều 3 Nghị định này được ký hợp đồng hợp tác với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác đáp ứng nội dung thực hành.

Thứ ba, trước khi tổ chức hướng dẫn thực hành, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi bản công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở hướng dẫn thực hành thực hiện theo Mẫu 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP và nội dung thực hành cụ thể về cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại khoản  2 Điều 6 Nghị định 96/2023/NĐ-CP. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ mà cơ quan tiếp nhận không có văn bản gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc chưa đủ điều kiện là cơ sở hướng dẫn thực hành hoặc không thực hiện việc đăng tải thông tin theo quy định tại khoản 4 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, thì cơ sở hướng dẫn thực hành được bắt đầu tổ chức hoạt động hướng dẫn thực hành.

(Cơ sở pháp lý: Điều 6 Nghị định 96/2023/NĐ-CP)

Về điều kiện của người hướng dẫn thực hành

Một người hướng dẫn thực hành chỉ được hướng dẫn tối đa 05 người thực hành trong cùng một thời điểm.

(1) Người hướng dẫn thực hành phải đáp ứng các điều kiện chung như sau:

– Có giấy phép hành nghề với chức danh, phạm vi hành nghề phù hợp với nội dung, đối tượng được hướng dẫn thực hành;

– Có trình độ đào tạo tương đương hoặc cao hơn người thực hành;

– Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh liên tục từ 03 năm trở lên.

(2) Về điều kiện riêng:

Tương ứng với từng chức danh thực hành thì người hướng dẫn thực hành phải đáp ứng điều kiện về văn bằng và chức danh của người hướng dẫn thực hành như sau:

a) Đối với người có văn bằng bác sỹ y khoa thì người hướng dẫn là bác sỹ với phạm vi hành nghề y khoa hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa, trừ bác sỹ y học cổ truyền, bác sỹ y học dự phòng, bác sỹ răng hàm mặt;

b) Đối với người có văn bằng bác sỹ y học dự phòng thì người hướng dẫn là bác sỹ với phạm vi hành nghề y học dự phòng hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề y khoa hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa, trừ bác sỹ y học cổ truyền, bác sỹ răng hàm mặt;

c) Đối với người có văn bằng y sỹ đa khoa thì người hướng dẫn thực hành là y sỹ với phạm vi hành nghề đa khoa hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề y khoa hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa, trừ bác sỹ y học cổ truyền, bác sỹ y học dự phòng, bác sỹ răng hàm mặt;

d) Đối với người có văn bằng y sỹ y học cổ truyền thì người hướng dẫn thực hành là y sỹ với phạm vi hành nghề y học cổ truyền hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề y học cổ truyền;

đ) Đối với người có văn bằng điều dưỡng thì người hướng dẫn thực hành là điều dưỡng;

e) Đối với người có văn bằng hộ sinh thì người hướng dẫn thực hành là hộ sinh hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa phụ sản;

g) Đối với người có văn bằng kỹ thuật hình ảnh y học thì người hướng dẫn thực hành là kỹ thuật hình ảnh y học hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh;

h) Đối với người có văn bằng kỹ thuật xét nghiệm y học thì người hướng dẫn thực hành là kỹ thuật xét nghiệm y học hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa xét nghiệm;

i) Đối với người có văn bằng kỹ thuật phục hồi chức năng thì người hướng dẫn thực hành là kỹ thuật phục hồi chức năng hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa phục hồi chức năng;

k) Đối với người có văn bằng kỹ thuật phục hình răng thì người hướng dẫn thực hành là kỹ thuật phục hình răng hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề răng hàm mặt;

l) Đối với người có văn bằng kỹ thuật khúc xạ nhãn khoa thì người hướng dẫn thực hành là kỹ thuật khúc xạ nhãn khoa hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa mắt;

m) Đối với người có văn bằng dinh dưỡng thì người hướng dẫn thực hành là dinh dưỡng lâm sàng hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa dinh dưỡng;

n) Đối với người có văn bằng cấp cứu viên ngoại viện thì người hướng dẫn thực hành là cấp cứu viên ngoại viện hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa hồi sức cấp cứu;

o) Đối với người có văn bằng tâm lý lâm sàng thì người hướng dẫn thực hành là tâm lý lâm sàng hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa tâm thần có chứng chỉ đào tạo chuyên khoa cơ bản về tâm lý lâm sàng theo quy định tại khoản 2 Điều 128 Nghị định này.

Người hướng dẫn thực hành chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn cho người bệnh trong quá trình hướng dẫn thực hành và chịu trách nhiệm nếu để người thực hành gây sai sót chuyên môn trong quá trình thực hành, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, trừ trường hợp người thực hành cố ý vi phạm.

(Cơ sở pháp lý: Điều 7 Nghị định 96/2023/NĐ-CP)

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan