THỦ TỤC CẤP MỚI GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ CHO Y SỸ KỂ TỪ NGÀY 01/01/2024
Kể từ ngày 01/01/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã có hiệu lực và chính thức thay thế Luật Khám bệnh chữa bệnh 2009. Theo đó, chứng chỉ hành nghề y đã được chuyển đổi thành giấy phép hành nghề có hiệu lực 05 năm, các điều kiện về chứng chỉ, thủ tục xin cấp giấy phép hành nghề cũng có nhiều thay đổi. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm điều kiện và trình tự thủ tục xin cấp mới giấy phép hành nghề cho Y sỹ theo quy định mới hiện nay nhé.
Cơ sở pháp lý:
– Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023;
– Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh;
– Thông tư 32/2023/TT-BYT quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh
– Quyết định 159/QĐ-BYT 2024 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế
I. QUY TRÌNH CẤP MỚI GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ
Căn cứ theo Điều 10 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, người có văn bằng tốt nghiệp thuộc lĩnh vực sức khỏe sẽ được lựa chọn một trong hai phương án liên quan đến cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:
(i) Phương án 1: Thực hiện thủ tục đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề.
Trước khi lập hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề phải hoàn thành việc thực hành theo quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định 96/2023/NĐ-CP và phải tham gia kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo quy định tại Điều 9 Nghị định này, trừ trường hợp được miễn theo quy định.
Trường hợp sau khi được cấp giấy phép hành nghề, nếu người đó tiếp tục đi học chuyên khoa và được cấp văn bằng chuyên khoa thì được lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép hành nghề với phạm vi hành nghề chuyên khoa mà không phải thực hành và kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề. Trường hợp người được cấp văn bằng chuyên khoa nhưng không nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép hành nghề trong vòng 24 tháng kể từ ngày được cấp văn bằng thì phải thực hành lại về chuyên khoa đó đủ thời gian theo quy định tại Điều 3 Nghị định này trước khi nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép hành nghề.
(ii) Phương án 2: Tiếp tục học chuyên khoa và sau khi hoàn thành đào tạo chuyên khoa được thực hiện thủ tục đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề với phạm vi hành nghề chuyên khoa.
Trước khi lập hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề không phải thực hành theo quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định 96/2023/NĐ-CP nhưng phải tham gia kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo quy định tại Điều 9 Nghị định này và đạt kết quả kiểm tra, trừ trường hợp được miễn theo quy định.
Trường hợp người đã hoàn thành chương trình đào tạo chuyên nhưng không nộp hồ sơ đề nghị tham gia kiểm tra đánh giá năng lực trong vòng 24 tháng kể từ ngày được cấp văn bằng chuyên khoa thì phải thực hành lại về chuyên khoa đó đủ thời gian theo quy định tại Điều 3 Nghị định này trước khi nộp hồ sơ đề nghị tham gia kiểm tra đánh giá năng lực.
Lưu ý:
Trường hợp một người vừa có văn bằng tốt nghiệp thuộc lĩnh vực sức khỏe và vừa có một hoặc nhiều giấy chứng nhận sau đây: giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc giấy chứng nhận phương pháp chữa bệnh gia truyền thì được đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo một trong các chức danh quy định tại Điều 26 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và phải thực hiện quy trình cấp phép một trong hai phương án nêu trên. Phạm vi hành nghề ghi trong giấy phép hành nghề được cấp theo quy định tại khoản này bao gồm:
– Trường hợp được cấp giấy phép hành nghề theo một trong các chức danh: bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng thì phạm vi hành nghề bao gồm: phạm vi hành nghề của chức danh được cấp giấy phép hành nghề và phạm vi hành nghề tương ứng với một hoặc nhiều giấy chứng nhận sau đây: giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc giấy chứng nhận phương pháp chữa bệnh gia truyền;
– Trường hợp được cấp giấy phép hành nghề theo một trong các chức danh: lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền thì phạm vi hành nghề bao gồm: phạm vi hành nghề của chức danh được cấp giấy phép hành nghề và phạm vi hành nghề tương ứng với kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề.
II. ĐIỀU KIỆN CẤP MỚI GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ CHO Y SỸ KỂ TỪ 01/01/2024
(1) Điều kiện về thời gian thực hành khám, chữa bệnh
Căn cứ theo Điều 23 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2024, Y sỹ muốn xin cấp giấy phép hành nghề thì phải thực hành khám chữa bệnh theo quy định, trừ trường hợp:
– Đã hoàn thành chương trình đào tạo chuyên khoa;
– Đã được cấp giấy phép hành nghề do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp và được thừa nhận theo quy định tại Điều 29 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Việc thực hành phải đảm bảo các điều kiện như sau:
a) Về thời gian thực hành
Thời gian thực hành đối với Y sỹ là 09 tháng, trong đó:
– Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 06 tháng;
– Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 03 tháng.
b) Về cơ sở hướng dẫn thực hành
Cơ sở hướng dẫn thực hành đối với chức danh y sỹ được quy định như sau:
– Đối với y sỹ đa khoa: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện; phòng khám đa khoa; trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là trạm y tế xã);
– Đối với y sỹ y học cổ truyền: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động theo hình thức tổ chức là bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc trạm y tế xã. Các cơ sở này phải có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học cổ truyền.
c) Điều kiện và trách nhiệm của cơ sở hướng dẫn thực hành
Thứ nhất, Cơ sở hướng dẫn thực hành phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động phù hợp với các hình thức tổ chức của cơ sở hướng dẫn thực hành quy định tại điểm b nêu trên;
– Có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung thực hành của Y sỹ theo quy định tại điểm a nêu trên. Trường hợp không đủ các chuyên khoa theo nội dung thực hành quy định này được ký hợp đồng hợp tác với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác đáp ứng nội dung thực hành.
Thứ hai, trước khi tổ chức hướng dẫn thực hành, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi bản công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở hướng dẫn thực hành thực hiện theo Mẫu 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 96/2023/NĐ-CP và nội dung thực hành cụ thể về:
– Bộ Y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý;
– Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn (bao gồm cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân), trừ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Sau khi nhận được bản công bố cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu là cơ sở hướng dẫn thực hành, cơ quan tiếp nhận cấp cho cơ sở phiếu tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ theo quy định, cơ quan tiếp nhận có trách nhiệm đăng tải thông tin của cơ sở hướng dẫn thực hành trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan và trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận phải có văn bản gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và nêu rõ lý do.
Thông tin đăng tải tối thiểu gồm: tên, địa chỉ cơ sở hướng dẫn thực hành, phạm vi hướng dẫn thực hành (nếu có liên kết trong hướng dẫn thực hành phải đăng tải cả nội dung và tên của cơ sở liên kết hướng dẫn thực hành), chi phí hướng dẫn thực hành.
Trường hợp sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ mà cơ quan tiếp nhận không có văn bản gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc chưa đủ điều kiện là cơ sở hướng dẫn thực hành hoặc không thực hiện việc đăng tải thông tin theo quy định, cơ sở hướng dẫn thực hành được bắt đầu tổ chức hoạt động hướng dẫn thực hành.
d) Điều kiện của người hướng dẫn thực hành
* Điều kiện chung:
– Có giấy phép hành nghề với chức danh, phạm vi hành nghề phù hợp với nội dung, đối tượng được hướng dẫn thực hành;
– Có trình độ đào tạo tương đương hoặc cao hơn người thực hành;
– Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh liên tục từ 03 năm trở lên.
– Một người hướng dẫn thực hành chỉ được hướng dẫn tối đa 05 người thực hành trong cùng một thời điểm.
* Điều kiện cụ thể:
– Đối với người có văn bằng y sỹ đa khoa thì người hướng dẫn thực hành là y sỹ với phạm vi hành nghề đa khoa hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề y khoa hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề chuyên khoa, trừ bác sỹ y học cổ truyền, bác sỹ y học dự phòng, bác sỹ răng hàm mặt;
– Đối với người có văn bằng y sỹ y học cổ truyền thì người hướng dẫn thực hành là y sỹ với phạm vi hành nghề y học cổ truyền hoặc bác sỹ với phạm vi hành nghề y học cổ truyền;
(Cơ sở pháp lý: Điều 23 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023, Điều 3, Điều 5, Điều 7 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP)
Lưu ý: Người đã bắt đầu thực hành trước ngày 01 tháng 01 năm 2024 nhưng chưa hoàn thành việc thực hành được lựa chọn thực hành theo một trong các quy định sau đây:
a) Tiếp tục thực hành theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 và các văn bản hướng dẫn thi hành của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12. Kết quả thực hành được sử dụng để đề nghị cấp giấy phép hành nghề, trong đó phạm vi hành nghề thực hiện theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12;
b) Thực hành theo quy định tại Nghị định 96/2023/NĐ-CP nêu trên.
(Cơ sở pháp lý: Khoản 1 Điều 143 Nghị định 96/2023/NĐ-CP)
(2) Điều kiện về kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề
Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2024, Y sỹ khi xin cấp mới giấy phép hành nghề phải tham gia kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, theo lộ trình triển khai việc đánh giá năng lực hành nghề của Bộ Y tế, Người xin cấp mới giấy phép hành nghề với chức danh Y sỹ trong giai đoạn từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2027 không phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo quy định của Luật này. Tức kể từ ngày 01/01/2028, tất cả các Y sỹ xin cấp mới giấy phép hành nghề mới bắt buộc tham gia kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề này. Trong đó điều kiện để tham gia kiểm tra đánh giá năng lực như sau:
a) Có văn bằng phù hợp với từng chức danh chuyên môn quy định, cụ thể:
– Chức danh y sỹ với phạm vi hành nghề đa khoa:
+ Văn bằng cao đẳng y sỹ đa khoa, bao gồm văn bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công nhận tương đương văn bằng cao đẳng y sỹ đa khoa;
+ Văn bằng cử nhân y khoa do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận trình độ đại học.
– Chức danh y sỹ với phạm vi hành nghề y học cổ truyền: Văn bằng cao đẳng y sỹ y học cổ truyền hoặc cao đẳng y học cổ truyền, bao gồm văn bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công nhận tương đương văn bằng cao đẳng y sỹ y học cổ truyền hoặc cao đẳng y học cổ truyền.
b) Đã hoàn thành việc thực hành khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 23 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
Việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ trì tổ chức thực hiện. Người tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải chi trả chi phí kiểm tra đánh giá.
(Cơ sở pháp lý: Điều 24; Khoản 6 Điều 121 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023)
(3) Điều kiện về văn bằng chuyên môn được cấp giấy phép hành nghề
a) Chức danh y sỹ với phạm vi hành nghề đa khoa:
– Văn bằng trung cấp y sỹ, bao gồm văn bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công nhận tương đương văn bằng trung cấp y sỹ. Các văn bằng này phải được cấp trước ngày 01 tháng 01 năm 2027;
– Văn bằng cao đẳng y sỹ đa khoa bao gồm văn bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công nhận tương đương văn bằng cao đẳng y sỹ đa khoa;
– Văn bằng cử nhân y khoa do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận trình độ đại học.
b) Chức danh y sỹ với phạm vi hành nghề y học cổ truyền:
– Văn bằng trung cấp y sỹ y học cổ truyền hoặc trung cấp y học cổ truyền, bao gồm văn bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công nhận tương đương văn bằng trung cấp y sỹ y học cổ truyền. Các văn bằng này phải được cấp trước ngày 01 tháng 01 năm 2027;
– Văn bằng cao đẳng y sỹ y học cổ truyền hoặc cao đẳng y học cổ truyền bao gồm văn bằng tốt nghiệp do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công nhận tương đương văn bằng cao đẳng y sỹ y học cổ truyền hoặc cao đẳng y học cổ truyền.
(Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 127 Nghị định 96/2023/NĐ-CP)
Lưu ý: Người được cấp văn bằng đào tạo y sỹ trình độ trung cấp sau ngày 31 tháng 12 năm 2026 thì không được cấp giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ.
(4) Không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hành nghề nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, các trường hợp bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 20 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 gồm:
– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.
– Đang trong thời gian thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ về hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật
– Đang trong thời gian thử thách đối với người bị kết án phạt tù có liên quan đến chuyên môn kỹ thuật nhưng được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
– Đang trong thời gian thi hành án phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
– Đang trong thời gian bị cấm hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo bản án hình sự có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc bị hạn chế thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
– Mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
III. TRÌNH TỰ THỦ TỤC CẤP MỚI GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ CHO Y SỸ KỂ TỪ NGÀY 01/01/2024
(1) Cơ quan có thẩm quyền cấp
a) Bộ Y tế cấp mới giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý;
b) Bộ Quốc phòng cấp mới giấy phép hành nghề đối với chức danh y sỹ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý;
c) Bộ Công an cấp mới phép hành nghề đối với các chức danh y sỹ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý;
d) Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp mới giấy phép hành nghề đối với Y sỹ trừ các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c nêu trên.
(Cơ sở pháp lý: Điều 28 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023)
(2) Thành phần hồ sơ
Hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề đối với trường hợp người lần đầu tiên đề nghị cấp giấy phép hành nghề quy định tại điểm a khoản 1 Điều 30 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 gồm:
a) Đơn theo Mẫu 08 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 96/2023/NĐ-CP;
b) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ sau:
– Văn bản xác nhận đạt kết quả tại kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (không áp dụng đối với trường hợp kết quả đánh giá năng lực đã được kết nối, chia sẻ trên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế);
– Giấy phép hành nghề đã được thừa nhận theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP (không áp dụng đối với trường hợp kết quả thừa nhận giấy phép hành nghề đã được kết nối, chia sẻ bên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế).
c) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ giấy khám sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ điều kiện cấp (không áp dụng đối với trường hợp kết quả khám sức khỏe đã được kết nối, chia sẻ trên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế) hoặc bản sao hợp lệ giấy phép lao động đối với trường hợp phải có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động;
d) Sơ yếu lý lịch tự thuật của người hành nghề theo Mẫu 09 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 96/2023/NĐ-CP (không áp dụng đối với trường hợp lý lịch của người hành nghề đã được kết nối, chia sẻ trên hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế);
đ) 02 ảnh chân dung cỡ 04cm x 06cm, chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề (không áp dụng đối với trường hợp người nộp hồ sơ đã đăng tải ảnh khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử);
(Cơ sở pháp lý: Điều 13, Điều 14 Nghị định 96/2023/NĐ-CP; Quyết định 159/QĐ-BYT 2024 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế)
(3) Trình tự thực hiện
a) Người đề nghị cấp giấy phép hành nghề gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định và nộp phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí cho cơ quan cấp giấy phép hành nghề;
b) Cơ quan cấp giấy phép hành nghề thực hiện việc cấp giấy phép hành nghề trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp không cấp giấy phép hành nghề thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp cần xác minh tài liệu có yếu tố nước ngoài trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề thì thời hạn cấp giấy phép hành nghề là 30 ngày kể từ ngày có kết quả xác minh.
(Cơ sở pháp lý: khoản 6 Điều 14 Nghị định 96/2023/NĐ-CP)
(4) Lệ phí: 430.000 Đồng/Hồ sơ(Theo Thông tư 59/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu phí lĩnh vực y tế)
(5) Thời hạn giấy phép
Mỗi người hành nghề chỉ được cấp 01 giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc. Giấy phép hành nghề có thời hạn 05 năm, được gia hạn nhiều lần theo quy định.
(Cơ sở pháp lý: Điều 27 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023)
IV. MỘT SỐ LƯU Ý ĐỐI VỚI GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ
(1) Các trường hợp bị đình chỉ giấy phép hành nghề Y sỹ
a) Người hành nghề bị đình chỉ hành nghề trong các trường hợp sau đây:
– Bị Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật đến mức phải đình chỉ hành nghề nhưng chưa đến mức bị thu hồi giấy phép hành nghề;
– Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận có vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhưng chưa đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề;
– Không đủ sức khỏe để hành nghề.
b) Tùy theo tính chất, mức độ sai sót chuyên môn kỹ thuật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe, người hành nghề bị đình chỉ hành nghề trong thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng.
c) Sau khi bị đình chỉ hành nghề, tùy tính chất, mức độ sai sót chuyên môn kỹ thuật mà người hành nghề phải cập nhật kiến thức y khoa theo kết luận của Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2020
d) Về xử lý sau đình chỉ:
– Trường hợp trong quyết định đình chỉ một phần hoặc toàn bộ phạm vi hành nghề của người hành nghề (sau đây viết tắt là quyết định đình chỉ) không bắt buộc người hành nghề bị đình chỉ hoạt động phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục thì người hành nghề đó được tiếp tục hành nghề sau khi hết thời hạn đình chỉ được ghi trong quyết định đình chỉ.
– Trường hợp trong quyết định đình chỉ bắt buộc người hành nghề bị đình chỉ hoạt động phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục:
+ Trong thời gian 12 tháng, kể từ khi quyết định đình chỉ có hiệu lực, người hành nghề phải hoàn thành việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục theo kết luận của Hội đồng chuyên môn;
+ Sau khi hoàn thành việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục, người hành nghề có trách nhiệm gửi kết quả cập nhật kiến thức y khoa liên tục về cơ quan cấp giấy phép hành nghề để tiếp tục hành nghề;
+ Trong thời gian 05 ngày làm việc, cơ quan cấp giấy phép hành nghề có trách nhiệm thông báo cho người hành nghề về việc cho phép tiếp tục hành nghề và cập nhật trên cổng thông tin điện tử hoặc trang tin điện tử của cơ quan cấp phép hoặc Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh về việc tiếp tục hành nghề của người hành nghề đó;
+ Trường hợp quyết định đình chỉ hết hiệu lực mà người hành nghề không nộp tài liệu chứng minh đã hoàn thành việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày quyết định đình chỉ hết hiệu lực, cơ quan cấp giấy phép hành nghề có trách nhiệm ban hành quyết định đình chỉ.
+ Trường hợp tổng thời gian đình chỉ quá 24 tháng, cơ quan cấp giấy phép hành nghề có trách nhiệm thu hồi giấy phép hành nghề trong thời hạn 15 ngày làm việc và người hành nghề phải thực hiện thủ tục cấp mới giấy phép hành nghề.
– Thời hạn đình chỉ: không quá 24 tháng.
(Cơ sở pháp lý: Điều 34 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2024, Điều 30 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP)
(2) Các trường hợp bị thu hồi giấy phép hành nghề Y sỹ
a) Giấy phép hành nghề bị thu hồi trong trường hợp sau đây:
– Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề không đúng quy định;
– Giả mạo tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề;
– Cấp sai chức danh chuyên môn hoặc phạm vi hành nghề trong giấy phép hành nghề so với hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hành nghề;
– Người hành nghề không hành nghề trong thời gian 24 tháng liên tục, trừ trường hợp tham gia chương trình đào tạo chuyên khoa;
– Người hành nghề thuộc một trong các trường hợp bị cấm hành nghề quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều 20 của Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023;
– Người hành nghề bị Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề;
– Người hành nghề lần thứ hai bị Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật đến mức phải đình chỉ hành nghề trong thời hạn của giấy phép hành nghề;
– Người hành nghề lần thứ hai bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định là có vi phạm đạo đức nghề nghiệp đến mức phải đình chỉ hành nghề trong thời hạn của giấy phép hành nghề;
– Người hành nghề tự đề nghị thu hồi giấy phép hành nghề;
– Trường hợp khác do Chính phủ quy định sau khi đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
b) Sau khi thu hồi giấy phép hành nghề, trường hợp muốn tiếp tục hành nghề, người hành nghề phải đề nghị cấp mới giấy phép hành nghề quy định tại điểm c khoản 1 Điều 30 của Luật Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 hoặc đề nghị cấp lại giấy phép hành nghề quy định tại điểm c khoản 1 Điều 31 của Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023.
(3) Phạm vi hành nghề của Y sỹ
Y sỹ được cấp giấy phép hành nghề được hành nghề trong phạm vi theo quy định của Bộ y tế
Xem chi tiết phạm vi hành nghề đối với chức danh Y sỹ tại:
http://luat3s.com/pham-vi-hanh-nghe-cua-nguoi-hanh-nghe-y-theo-quy-dinh-moi/
(4) Cập nhật kiến thức y khoa liên tục
Cập nhật kiến thức y khoa liên tục là việc bổ sung kiến thức, kỹ năng về y khoa phù hợp với phạm vi hành nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 32/2023/TT-BYT quy định: Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có nghĩa vụ tham gia cập nhật kiến thức y khoa liên tục tối thiểu 120 giờ tín chỉ trong 05 năm liên tục (01 giờ tín chỉ đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn tương đương với 01 tiết học).
Việc cập kiến thức y khoa liên tục là quy định bắt buộc và là điều kiện để người hành nghề được gia hạn, cấp lại giấy phép hành nghề theo quy định
Xem chi tiết quy định về cập nhật kiến thức y khoa liên tục tại:
http://luat3s.com/quy-dinh-ve-cap-nhat-kien-thuc-y-khoa-lien-tuc-tu-01-01-2024/
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …