15

Th2

QUY TRÌNH XỬ LÝ KHI XẢY RA TAI NẠN LAO ĐỘNG – DOANH NGHIỆP CẦN NẮM

Tai nạn lao động là rủi ro không mong muốn nhưng có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, làm việc. Việc xử lý đúng quy trình khi xảy ra tai nạn lao động không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của người lao động mà còn hạn chế trách nhiệm pháp lý cho doanh nghiệp. Pháp luật lao động Việt Nam đã quy định chặt chẽ về các bước cần thực hiện khi xảy ra tai nạn lao động nhằm đảm bảo tính minh bạch, kịp thời và công bằng. Bài viết này sẽ phân tích quy trình xử lý tai nạn lao động mà doanh nghiệp cần tuân thủ, giúp doanh nghiệp tránh rủi ro pháp lý và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của cả hai bên. Mời các bạn cùng theo dõi.

 

I. TAI NẠN LAO ĐỘNG LÀ GÌ?

(1) Định nghĩa tai nạn lao động

Theo khoản 8, Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015: Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.”

Như vậy, một sự cố chỉ được coi là tai nạn lao động khi thỏa mãn 2 điều kiện cơ bản:

– Có tổn thương về thể chất hoặc tử vong: Có thể là vết thương ngoài da, chấn thương nặng hoặc tử vong.

– Xảy ra trong quá trình làm việc: Bao gồm cả khi người lao động thực hiện công việc được giao hoặc di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc trong thời gian và cung đường hợp lý.

Ví dụ: Chị B làm việc tại công ty dệt may. Trên đường đi từ nhà đến công ty trong khung giờ làm việc, chị bị tai nạn giao thông trên tuyến đường hợp lý. Trường hợp này cũng được coi là tai nạn lao động.

(2) Phân loại tai nạn lao động (Điều 9 Nghị định 39/2016/NĐ-CP):

Theo Điều 9 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, tai nạn lao động được phân thành 3 loại chính:

(i) Tai nạn lao động làm chết người lao động: Là tai nạn lao động mà người lao động bị chết theo một trong các trường hợp sau đây: Chết tại nơi xảy ra tai nạn; Chết trên đường đi cấp cứu hoặc trong thời gian cấp cứu; Chết trong thời gian điều trị hoặc chết do tái phát của vết thương do tai nạn lao động gây ra theo kết luận tại biên bản giám định pháp y; Người lao động được tuyên bố chết theo kết luận của Tòa án đối với trường hợp mất tích.

(ii) Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nặng: Là tai nạn lao động làm người lao động bị ít nhất một trong những chấn thương theo Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP như: Các chấn thương sọ não hở hoặc kín; Tổn thương lồng ngực tác hại đến cơ quan bên trong; Gãy xương sườn; Đụng, dập, ảnh hưởng tới vận động của xương sống;

(iii) Tai nạn lao động làm người lao động bị thương nhẹ: Đây là những tai nạn lao động gây tổn thương cho người lao động nhưng không thuộc hai nhóm trên. Mặc dù vết thương nhẹ, nhưng doanh nghiệp không được chủ quan mà phải xử lý, ghi nhận và lưu trữ thông tin đầy đủ.

Lưu ý thực tiễn: Doanh nghiệp cần phân loại chính xác để thực hiện các bước xử lý phù hợp và tránh sai sót khi khai báo.

II. QUY TRÌNH XỬ LÝ KHI XẢY RA TAI NẠN LAO ĐỘNG TẠI DOANH NGHIỆP

Căn cứ theo Điều 18 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm thực hiện các công việc sau khi xảy ra tai nạn lao động đối với người lao động của mình, cụ thể:

Bước 1: Sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn

Khi một vụ tai nạn lao động xảy ra, ưu tiên hàng đầu là nhanh chóng tiến hành sơ cứu, cấp cứu người bị nạn để giảm thiểu tổn thương, hạn chế các biến chứng nguy hiểm và bảo vệ tính mạng người lao động. Theo khoản 1 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động đã quy định, người lao động phải có trách nhiệm kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.

Như vậy, doanh nghiệp không chỉ phải thực hiện các biện pháp sơ cứu kịp thời mà còn cần ứng trước toàn bộ chi phí liên quan đến công tác cấp cứu và điều trị ban đầu, không phụ thuộc vào nguyên nhân hay lỗi của người lao động.

Việc chậm trễ hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ này không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người lao động mà còn có thể khiến doanh nghiệp đối mặt với các hậu quả pháp lý nghiêm trọng. Do đó, để thực hiện tốt công tác này, doanh nghiệp cần chuẩn bị trước bằng cách tổ chức các buổi tập huấn kỹ năng sơ cứu cho người lao động, đặc biệt là những vị trí làm việc trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao, trang bị tủ thuốc sơ cứu đầy đủ theo quy định tại các khu vực làm việc và các biện pháp cần thiết khác.

Bước 2: Khai báo tai nạn lao động

Sau khi hoàn tất việc sơ cứu, cấp cứu cho người lao động, bước tiếp theo mà doanh nghiệp cần thực hiện là khai báo tai nạn lao động với cơ quan có thẩm quyền. Đây là trách nhiệm pháp lý bắt buộc nhằm đảm bảo công tác quản lý, giám sát an toàn lao động được thực hiện chặt chẽ, minh bạch. Theo quy định tại Điều 34 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 và Điều 10 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, việc khai báo tai nạn lao động được thực hiện theo các nguyên tắc và quy trình cụ thể sau:

– Đối với tai nạn lao động tại nơi làm việc thì người bị tai nạn hoặc người biết sự việc báo ngay cho người phụ trách trực tiếp, người sử dụng lao động biết để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả xảy ra;

– Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên, người sử dụng lao động nạn phải khai báo nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử) tới Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi xảy ra tai nạn; trường hợp chết người, báo ngay cho cả cơ quan Công an cấp huyện.

Lưu ý quan trọng trong quá trình khai báo: 

– Với các vụ tai nạn hoặc sự cố xảy ra trong các lĩnh vực đặc thù như phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không hoặc trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, việc khai báo phải tuân thủ theo quy định riêng của các luật chuyên ngành liên quan.

– Nếu tai nạn lao động liên quan đến người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện vụ việc có trách nhiệm khai báo ngay với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn. Việc khai báo kịp thời giúp cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai các biện pháp xử lý, ngăn ngừa rủi ro tiếp diễn.

Trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan Công an cấp huyện và cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn để kịp thời có biện pháp xử lý.

– Nếu xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến người lao động làm việc không theo hợp đồng, người phát hiện vụ việc cần khai báo ngay với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố. Việc báo cáo này được thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 36 của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Trên thực tế, không ít doanh nghiệp vì thiếu hiểu biết hoặc chủ quan đã không thực hiện khai báo tai nạn lao động đúng quy định, dẫn đến nguy cơ bị xử. Doanh nghiệp cần đảm bảo tuân thủ pháp luật bằng cách chủ động phổ biến quy trình khai báo tai nạn lao động đến tất cả các bộ phận, đặc biệt là các quản lý và người lao động trực tiếp để phục vụ khi xảy ra tai nạn lao động trong doanh nghiệp.

Bước 3: Giữ nguyên hiện trường vụ tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng

Giữ nguyên hiện trường là một bước quan trọng trong quy trình xử lý tai nạn lao động, đặc biệt đối với các vụ tai nạn gây chết người hoặc gây thương tích nặng. Việc bảo vệ hiện trường giúp cơ quan điều tra thu thập bằng chứng khách quan, xác định chính xác nguyên nhân vụ việc và có cơ sở pháp lý để xử lý theo quy định. Theo khoản 3 Điều 18 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

a) Trước hết, trong mọi trường hợp, hiện trường vụ tai nạn phải được giữ nguyên trạng cho đến khi cơ quan chức năng hoàn tất việc điều tra. Tuy nhiên, nếu cần thiết phải sơ cứu, cấp cứu người bị nạn hoặc triển khai các biện pháp ngăn chặn rủi ro, thiệt hại cho những người xung quanh, doanh nghiệp được phép thay đổi hiện trường nhưng phải có trách nhiệm vẽ lại sơ đồ hiện trường, lập biên bản, chụp ảnh, quay phim hiện trường (nếu có thể).

b) Chỉ được xóa bỏ hiện trường và mai táng tử thi (nếu có) sau khi đã hoàn thành các bước điều tra theo quy định và được sự đồng ý bằng văn bản của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh hoặc cơ quan công an.

Do đó, việc tự ý xóa bỏ hiện trường trước khi được cơ quan chức năng cho phép có thể bị coi là hành vi cản trở điều tra, gây khó khăn cho việc xác định nguyên nhân vụ tai nạn, và có thể dẫn đến các chế tài xử phạt hành chính hoặc trách nhiệm hình sự.

Bước 4: Thành lập Đoàn Điều tra tai nạn lao động cơ sở và tiến hành điều tra

Việc thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động là bước tiếp theo trong quy trình xử lý tai nạn lao động, nhằm xác minh nguyên nhân, diễn biến vụ tai nạn và đề xuất các biện pháp phòng ngừa trong tương lai. Theo khoản 1 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra được phân chia tùy theo mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn.

Trong trường hợp tai nạn lao động làm bị thương nhẹ hoặc bị thương nặng một người lao động, người sử dụng lao động phải thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở. Đoàn này thường gồm các thành viên đại diện cho doanh nghiệp như cán bộ an toàn lao động, bộ phận nhân sự và đại diện công đoàn cơ sở. Trường hợp tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn lao động phải lập biên bản ghi nhận sự việc và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra tai nạn.

Mục tiêu của cuộc điều tra là xác định nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn đến vụ tai nạn, đánh giá mức độ thiệt hại, trách nhiệm của các bên liên quan và đưa ra kiến nghị nhằm phòng tránh các vụ việc tương tự trong tương lai.

Tuy nhiên, đối với các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng hơn, thẩm quyền thành lập Đoàn điều tra sẽ thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể:

– Nếu vụ tai nạn gây chết người, làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên hoặc xảy ra trong các lĩnh vực đặc thù như khai thác mỏ, phóng xạ, hàng không… thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp tỉnh sẽ thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh.

– Trường hợp khi xét thấy tính chất nghiêm trọng của tai nạn lao động hoặc mức độ phức tạp của việc điều tra tai nạn lao động vượt quá khả năng xử lý của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh; điều tra lại vụ tai nạn lao động đã được Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm điều tra thì Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương để tiến hành điều tra một cách toàn diện, đảm bảo tính khách quan, chính xác.

Thời hạn tiến hành điều tra tai nạn lao động:

– Không quá 04 ngày: Tai nạn lao động làm bị thương nhẹ người lao động.

– Không quá 07 ngày: Tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động.

Đoàn điều tra tai nạn lao động phải tiến hành điều tra theo quy trình, thủ tục sau:

– Thu thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu.

– Lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan.

– Đề nghị giám định kỹ thuật, giám định pháp y (nếu cần thiết).

– Phân tích kết luận về: diễn biến, nguyên nhân tai nạn; kết luận về vụ tai nạn; mức độ vi phạm và đề nghị hình thức xử lý đối với người có lỗi; các biện pháp khắc phục và phòng ngừa.

– Lập Biên bản điều tra tai nạn lao động.

– Tổ chức cuộc họp và lập Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động.

– Gửi Biên bản điều tra tai nạn lao động, Biên bản cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động tới nạn nhân hoặc thân nhân người bị nạn; Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong 03 ngày làm việc.

Người sử dụng lao động phải tạo điều kiện cho người lao động liên quan đến vụ tai nạn cung cấp thông tin cho Đoàn Điều tra tai nạn lao động. Đồng thời có trách nhiệm cung cấp ngay tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn theo yêu cầu của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trên và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tài liệu, đồ vật, phương tiện đó.

Bước 5: Thông báo thông tin về tai nạn lao động tới người lao động

Căn cứ khoản 7 Điều 18 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm thông báo đầy đủ thông tin liên quan về tai nạn lao động tới tất cả người lao động thuộc đơn vị mình. Đây là trách nhiệm bắt buộc của người sử dụng lao động nhằm đảm bảo tính minh bạch, nâng cao nhận thức và cảnh giác cho người lao động về các nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình làm việc.

Bước 6: Hoàn chỉnh hồ sơ và lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động

Việc hoàn chỉnh hồ sơ và lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động không chỉ phục vụ công tác quản lý nội bộ của doanh nghiệp mà còn là cơ sở pháp lý để giải quyết các vấn đề phát sinh sau này, như chế độ bảo hiểm, bồi thường hay các yêu cầu từ cơ quan chức năng.

Theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, hồ sơ vụ tai nạn lao động cần được hoàn chỉnh đầy đủ, gồm các tài liệu sau:

– Biên bản khám nghiệm hiện trường (nếu có)

– Sơ đồ hiện trường.

–  Ảnh hiện trường, ảnh nạn nhân.

– Biên bản khám nghiệm tử thi/khám nghiệm thương tích.

– Biên bản giám định kỹ thuật, pháp y, kết luận giám định tư pháp (nếu có);

– Biên bản lấy lời khai.

– Biên bản điều tra tai nạn lao động.

– Biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động.

– Giấy chứng thương (nếu có).

– Giấy ra viện (nếu có).\

Thời gian lưu trữ hồ sơ: Theo khoản 8 Điều 18 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, thời gian lưu trữ hồ sơ tai nạn lao động được quy định như sau:

– 15 năm: Đối với các vụ tai nạn lao động gây chết người.

– Đến khi người lao động nghỉ hưu: Đối với các vụ tai nạn lao động khác.

Bước 7: Thanh toán chi phí phục vụ cho điều tra tai nạn lao động

Thanh toán chi phí cho quá trình điều tra tai nạn lao động là một nghĩa vụ pháp lý quan trọng của người sử dụng lao động, nhằm đảm bảo việc điều tra được thực hiện đầy đủ, chính xác và khách quan. Theo khoản 9 Điều 18 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán toàn bộ chi phí phục vụ điều tra tai nạn lao động, kể cả chi phí điều tra lại, trừ trường hợp việc điều tra lại được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Những chi phí cần thanh toán bao gồm:

– Chi phí dựng lại hiện trường; chụp, in, phóng ảnh hiện trường và nạn nhân;

– Chi phí trưng cầu giám định kỹ thuật, giám định pháp y (khi cần thiết);

– Chi phí khám nghiệm tử thi;

– Chi phí in ấn các tài liệu liên quan đến vụ tai nạn lao động;

– Chi phí phương tiện đi lại tại nơi xảy ra tai nạn lao động phục vụ quá trình điều tra tai nạn lao động; tổ chức cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động.

Bước 8: Chi trả bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn lao động

Chi trả bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn lao động là một nghĩa vụ quan trọng của người sử dụng lao động, thể hiện trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động sau sự cố. Theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, người lao động bị tai nạn lao động được hưởng đầy đủ các chế độ về tiền lương trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động, được bồi thường tương ứng với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.

Xem thêm:

Tai nạn lao động và quyền lợi của người lao động

Người bị tai nạn lao động trên 80 % được hưởng những chế độ nào?

Chế độ bồi thường cho người chết do tai nạn lao động?

Bước 9: Hướng dẫn, giới thiệu người lao động giám định sức khỏe

Giám định sức khỏe sau tai nạn lao động là bước quan trọng để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, làm cơ sở cho việc hưởng các chế độ bồi thường, trợ cấp. Theo quy định tại khoản 6 Điều 38 và Điều 47 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, sau khi người lao động hoàn tất quá trình điều trị và vết thương đã ổn định, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm hướng dẫn, giới thiệu họ đến cơ quan y tế có thẩm quyền để tiến hành giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động.

Xem thêm: Hướng dẫn giám định thương tật lần đầu cho người lao động

Bước 10: Thực hiện biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả tai nạn lao động

Khắc phục hậu quả và rút kinh nghiệm sau tai nạn lao động là bước quan trọng nhằm đảm bảo an toàn lao động, hạn chế tái diễn sự cố và tuân thủ các quy định pháp luật. Theo khoản 10 Điều 18 Nghị định 39/2016/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện biện pháp khắc phục và giải quyết hậu quả do tai nạn lao động; rút kinh nghiệm; thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị ghi trong biên bản điều tra tai nạn lao động; xử lý người có lỗi.

Thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục và rút kinh nghiệm sau tai nạn lao động không chỉ là trách nhiệm của người sử dụng lao động mà còn giúp xây dựng môi trường làm việc an toàn, bền vững và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Bước 11: Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe người lao động

Sau khi người lao động bị tai nạn lao động phục hồi sức khỏe và có kết luận giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe của họ theo khoản 8 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động. Việc sắp xếp công việc phù hợp không chỉ giúp người lao động tiếp tục duy trì thu nhập mà còn đảm bảo họ không bị tái phát chấn thương, góp phần nâng cao hiệu quả lao động và giảm thiểu rủi ro tái diễn tai nạn.

Xem thêm: Chế độ chuyển người lao động làm việc khác khi bị tai nạn lao động

III. KẾT LUẬN

Việc xử lý tai nạn lao động theo đúng quy trình không chỉ là nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp mà còn là yếu tố quan trọng đảm bảo quyền lợi cho người lao động, duy trì sự ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ bước sơ cứu ban đầu, khai báo với cơ quan có thẩm quyền, điều tra nguyên nhân đến việc bồi thường, hỗ trợ người lao động và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, mỗi giai đoạn đều đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của tai nạn lao động.

Việc tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn lao động không chỉ giúp doanh nghiệp tránh được các chế tài xử phạt mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao uy tín và xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh. Đồng thời, từ mỗi vụ tai nạn lao động, doanh nghiệp cần rút ra bài học kinh nghiệm để cải thiện môi trường làm việc, nâng cao ý thức tuân thủ quy định an toàn của người lao động và hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan