27

Th12

HƯỚNG DẪN GIÁM ĐỊNH THƯƠNG TẬT LẦN ĐẦU CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Khi phát sinh tai nạn trong quá trình lao động thì người lao động cần phải được giám định thương tật để đánh giá khả năng suy giảm lao động, làm căn cứ để giải quyết các chế độ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động. Vậy, giám định thương tật gồm những gì? Tổ chức nào thực hiện giam định thương tật do tai nạn lao động và nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với việc đưa người lao động giám định thương tật như thế nào?

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật An toàn vệ sinh lao động 2015

– Thông tư 243/2016/TT-BTC phí thẩm định cấp giấy giám định y khoa;

– Thông tư 52/2016/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và hoạt động của Hội đồng Giám định y khoa các cấp;

– Thông tư 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế về việc quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.

 

II. CÁC VIỆC CẦN LÀM KHI XẢY RA TAI NẠN LAO ĐỘNG

Căn cứ từ Điều 34 đến Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, các công việc cần làm khi xảy ra tai nạn lao động bao gồm:

Một là, khi xảy ra tai nạn lao động tại nơi làm việc thì người bị tai nạn hoặc người biết sự việc phải báo ngay cho người phụ trách trực tiếp, người sử dụng lao động biết để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả xảy ra. Đối với trường hợp nghiêm trọng hơn thì người sử dụng lao động phải khai báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, cơ quan Công an cấp huyện.

Hai là, lập đoàn điều tra tai nạn lao động.

Ba là, người sử dụng lao động phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động.

Bốn là, giới thiệu và lập hồ sơ để người lao động được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động

Năm là, Bồi thường, trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động.

Xem thêm

Tai nạn nào được xem là tai nạn lao động

Người bị tai nạn lao động trên 80 % được hưởng những chế độ nào?

Chế độ bồi thường cho người chết do tai nạn lao động?

 

III. TRƯỜNG HỢP GIÁM ĐỊNH KHẢ NĂNG SUY GIẢM LAO ĐỘNG

Người lao động bị tai nạn lao động được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sau khi bị thương tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;

b) Sau khi thương tật tái phát đã được điều trị ổn định;

Trường hợp này, người lao động quy định được giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau 24 tháng, kể từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó;

c) Đối với trường hợp thương tật không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.

Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;

b) Bị tai nạn lao động nhiều lần;

c) Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.

(Điều 47 Luật An toàn vệ sinh lao động)

 

IV. CÁC ĐƠN VỊ THỰC HIỆN GIÁM ĐỊNH TAI NẠN LAO ĐỘNG

Đối với khám giám định thương tật lần đầu do tai nạn lao động và khám giám định lại đối với trường hợp tái phát tổn thương do tai nạn lao động theo quy định tại Quyết định số 2968/QĐ-BYT về việc công bố thủ tục hành chính sửa đổi được quy định tại thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ y tế quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế thì cơ quan thực hiện giám định gồm:

– Hội đồng giám định Y khoa tỉnh

– Hội đồng giám định Y khoa thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải

– Hội đồng giám định Y khoa Trung ương.

 

V. TRÁCH NHIỆM LẬP HỒ SƠ GIÁM ĐỊNH TAI NẠN LAO ĐỘNG LẦN ĐẦU

Căn cứ Điều 11 Thông tư 56/2017/TT-BYT, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm lập, hoàn chỉnh hồ sơ khám giám định và gửi đến Hội đồng Giám định y khoa, cụ thể:

a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập, hoàn chỉnh hồ sơ giám định đối với trường hợp giám định cho người lao động theo quy định tại Điều 47 của Luật an toàn, vệ sinh lao động.

b) Người lao động có trách nhiệm lập, hoàn chỉnh hồ sơ khám giám định đối với giám định để hưởng bảo hiểm xã hội một lần hoặc giám định tái phát, bao gồm cả người lao động đã nghỉ việc đề nghị khám giám định tái phát.

 

VI. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIÁM ĐỊNH TAI NẠN LAO ĐỘNG LẦN ĐẦU

1. Hồ sơ giám định tai nạn lần đầu

Căn cứ khoản 1 Điều 5 Thông tư 56/2017/TT-BYT, hồ sơ khám giám định lần đầu do tai nạn lao động bao gồm các giấy tờ sau:

a) Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này đối với trường hợp người bị tai nạn lao động thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định hoặc Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này đối với người lao động tại thời điểm đề nghị khám giám định không còn thuộc quyền quản lý của người sử dụng lao động;

b) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận thương tích do cơ sở y tế (nơi đã cấp cứu, điều trị cho người lao động) cấp theo mẫu quy định tại Quyết định số 4069/2001/QĐ-BYT ngày 28 tháng 9 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Mẫu hồ sơ bệnh án;

c) Bản chính hoặc bản sao hợp lệ Biên bản Điều tra tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư liên tịch số 12/2012/TTLT- BLĐTBXH-BYT ngày 21 tháng 5 năm 2012 của liên tịch Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế hướng dẫn việc khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động;

d) Giấy ra viện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án. Trường hợp người lao động không điều trị nội trú hoặc ngoại trú thì phải có giấy tờ về khám, điều trị thương tật phù hợp với thời điểm xảy ra tai nạn lao động và tổn thương đề nghị giám định.

Trường hợp người được giám định thuộc đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 47 của Luật an toàn, vệ sinh lao động: Trong bản tóm tắt hồ sơ bệnh án phải ghi rõ tổn thương do tai nạn lao động không có khả năng điều trị ổn định.

đ) Một trong các giấy tờ có ảnh sau đây: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu còn hiệu lực. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có Giấy xác nhận của Công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 03 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định.

2. Trình tự nội dung giám định tai nạn lao động lần đầu:

Trình tự thực hiện khám giám định tai nạn lao động được thực hiện theo quy định tại Thông tư 52/2016/TT-BYT, ngày 30 tháng 12 năm 2016 do Bộ Y tế ban hành:

Bước 1: Kiểm tra đối chiếu người khám giám định với một trong các giấy tờ tùy thân của người đó

Bước 2: Khám tổng quát

Bước 3: Khám chuyên khoa

Bước 4: Hội chẩn chuyên môn trong trường hợp cần thiết

Bước 5: Họp hội đồng giám định y khoa

Bước 6: Ban hành biên bản giám định y khoa

Bước 7: Lưu trữ hồ sơ khám giám định y khoa

3. Thời hạn giá trị Biên bản giám định y khoa

Biên bản giám định y khoa có giá trị đến khi có biên bản giám định liền kề sau đó với cùng nội dung và mục đích giám định.

4. Chi phí giam định y khoa

Chi phí giám định thương tật tai nạn lao động lần đầu được thực hiện theo chế độ thu của Thông tư 243/2016/TT-BTC.

 

VII. CHI PHÍ GIÁM ĐỊNH DO AI CHI TRẢ?

Người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả chi phí giám định y khoa lần đầu cho người lao động, cụ thể:

Đối với người sử dụng lao động

Điểm b khoản 2 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định, Người sử dụng lao động có trách nhiệm trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

Đối với cơ quan bảo hiểm xã hội

Theo khoản 1 Điều 42 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 thì chi phí giám định thương tật tai nạn lao động lần đầu được chi trả từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, nghề nghiệp như sau:

– Trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định tại Điều 45 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015;

– Trả phí khám giám định đối với khi người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động mà kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động trong trường hợp:

(i) Sau khi thương tật đã được điều trị ổn định;

(ii) Giám định lại tai nạn lao động sau 24 tháng kể từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan