17

Th12

CHẾ ĐỘ BỒI THƯỜNG CHO NGƯỜI CHẾT DO TAI NẠN LAO ĐỘNG?

Trong quá trình làm việc hoặc quá trình người lao động di chuyển đến nơi làm việc, rủi ro về tai nạn lao động là điều có thể xảy ra. Khi có phát sinh tai nạn lao động, tất nhiên người lao động sẽ được hỗ trợ và bồi thường bởi công ty và cơ quan bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, vấn đề về các khoản bồi thường, trợ cấp, hỗ trợ như thế nào thì nhiều người vẫn chưa nắm rõ. Đặc biệt đối với trường hợp phát sinh tai nạn lao động nghiêm trọng dẫn đến người lao động tử vong thì họ hay thân nhân của họ sẽ được bồi thường những chi phí nào?

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật Lao động 2019;

– Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015;

– Luật bảo hiểm xã hội 2014.

 

II. TAI NẠN LAO ĐỘNG LÀ GÌ?

Khoản 8 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định: Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với thực hiện công việc nhiệm vụ lao động.

Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động:

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây

(i) Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp:

+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

+ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

(ii) Suy giảm khả năng lao động từ 05% trở lên do bị tai nạn lao động trong các trường hợp nêu trên.

(Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015)

Lưu ý: Người lao động bị tai nạn không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động cũng sẽ không được hưởng chế độ của Quỹ bảo hiểm xã hội nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

– Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

– Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

– Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

(Điều 40 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015)

 

III. MỨC BỒI THƯỜNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG CHẾT DO DOANH NGHIỆP CHI TRẢ

Căn cứ theo Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động, khi người lao động bị tai nạn lao động, doanh nghiệp phải có trách nhiệm:

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng tri trả chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động.

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động bao gồm:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

3. Bồi thường cho người lao động bị chết do tai nạn lao động như sau:

a) Nếu tai nạn lao động không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra: Doanh nghiệp phải bồi thường Ít nhất 30 tháng tiền lương cho thân nhân người lao động bị chết.

b) Nếu tai nạn lao động do lỗi của chính người lao động gây ra: Doanh nghiệp phải chi trả trợ cấp cho người lao động bị chết do tai nạn lao động một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức bồi thường nêu trên.

Thời gian thực hiện chi trả bồi thường, trợ cấp

Doanh nghiệp thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người lao động chết do tai nạn lao động nghiệp trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động

 

IV. MỨC BỒI THƯỜNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG CHẾT DO CƠ QUAN BẢO HIỂM CHI TRẢ

Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, doanh nghiệp phải có trách nhiệm lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động. Mức chi trả của cơ quan bảo hiểm đối với người lao động chết do tai nạn lao động được xác định như sau:

1. Trợ cấp mai táng

Căn cứ Điều 66 Luật bảo hiểm xã hội 2014, Mức hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở = 10 x .490.000 đồng (mức lương cơ sở năm 2022) =14.900.000 đồng.

2. Trợ cấp một lần khi người lao động chết 

Căn cứ Điều 53 Luật an toàn vệ sinh lao động, Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động;

b) Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động;

c) Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất trong trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật bảo hiểm xã hội.

Như vậy, mức trợ cấp một lần nếu người lao động chết do tai nạn lao động được xác định như sau:

Mức trợ cấp một lần = 36 x 1.490.000 đồng (mức lương cơ sở năm 2022) = 53.640.000 đồng.

3. Trợ cấp tuất hàng tháng:

Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 67, Điều 68 Luật Bảo hiểm xã hội, Người lao động chết do tại nạn loa động thì người thân của họ được hưởng tiền tuất hàng tháng, cụ thể:

– Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50 % mức lương cơ sở = 50% x 1.490.000 (mức lương cơ sở năm 2022)  = 745.000 đồng;

– Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở và = 70% x 1.490.000 (mức lương cơ sở năm 2022) = 1.043.000 đồng.

Người thân được nhận trợ cấp tuất hàng tháng bao gồm:

a) Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;

b) Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;

d) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

(khoản 2 Điều 67 Luật bảo hiểm xã hội 2014)

Lưu ý: 

– Thân nhân quy định tại các điểm b, c và d nêu trên phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở. Thu nhập theo quy định tại Luật này không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.

– Số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá 04 người, trường hợp có từ 02 người chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng 02 lần mức trợ cấp hằng tháng theo quy định

4. Trợ cấp tuất một lần

Căn cứ Điều 69, Điều 70 Luật bảo hiểm xã hội, Trợ cấp tuất một lần được áp dụng khi:

– Người lao động chết do tai nạn lao động nhưng không có thân nhân hưởng tiền tuất hằng tháng quy định tại khoản 2 Điều 67 luật bảo hiểm xã hội;

– Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 67 mà có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần, trừ trường hợp con dưới 06 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

– Trường hợp người lao động chết mà không có thân nhân theo khoản 6 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội thì trợ cấp tuất một lần được thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Mức trợ cấp tuất một lần được xác định như sau:

– Mức trợ cấp tuất một lần = 1,5 x mức bình quân tiền lương x Số năm đóng BHXH trước năm 2014

– Mức trợ cấp tuất một lần = 2 x mức bình quân tiền lương x Số năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.

(Mức thấp nhất bằng 03 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính trợ cấp tuất một lần thực hiện theo quy định tại Điều 62 của Luật bảo hiểm xã hội)

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan