17

Th4

NÊN CHỌN THỦ TỤC GIẢI THỂ HAY PHÁ SẢN ĐỂ CHẤM DỨT DOANH NGHIỆP

Giải thể hay phá sản đều là thủ tục làm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, hai thủ tục này chịu sự điều chỉnh của hai nguồn luật khác nhau, trình tự thủ tục và điều kiện tiến hành khác nhau. Vậy trong trường hợp nào doanh nghiệp lựa chọn giải thể, trường hợp nào doanh nghiệp lựa chọn phá sản?

1. Giải thể doanh nghiệp là gì?

Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, Giải thể doanh nghiệp được hiểu là việc chấm dứt sự tồn tại của một doanh nghiệp theo ý chí của doanh nghiệp hoặc của cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, Căn cứ theo Điều 270 Luật doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;

b) Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;

c) Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.

Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d nêu trên cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Như vậy, điều kiện để cơ quan có thẩm quyền cho phép giải thể doanh nghiệp là doanh nghiệp đó phải bảo đảm và thực sự thanh toán hết các khoản nợ và thanh lý hết mọi hợp đồng đã ký kết. Tức, trước khi tiến hành chấm dứt sự tồn tại của mình trên thị trường thì doanh nghiệp phải hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính, khoản nợ mà doanh nghiệp đã xác lập với các bên liên quan. Đây là một điều kiện tiên quyết, để cơ quan có thẩm quyền chấp nhận việc giải thể của doanh nghiệp

2. Phá sản doanh nghiệp là gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”.

Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán theo quy định của luật Phá sản là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán (Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014)

Bản chất của việc mất khả năng thanh toán là việc doanh nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn của mình. Theo đó, nếu xác định doanh nghiệp rơi vào tình trang mất khả năng thanh toán các khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn phải thanh toán, các chủ nợ  của doanh nghiệp đã có thể làm đơn yêu cầu tòa án thụ lý và giải quyết vụ việc phá sản. Trong đó, các bên tham gia vào thủ tục phá sản bao gồm:

– Người tiến hành thủ tục phá sản: là Chánh án Tòa án nhân dân, Thẩm phán; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên; Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên trong quá trình giải quyết phá sản.

– Doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản

– Người tham gia thủ tục phá sản: là chủ nợ; người lao động; doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; cổ đông, nhóm cổ đông; thành viên hợp tác xã hoặc hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã; người mắc nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết phá sản.

Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo Điều 5 Luật phá sản bao gồm:

1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

6. Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Như vậy, điều kiện để tiến hành thủ tục phá sản là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và được một bên có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty mất khả năng thanh toán. Việc yêu cầu mở thủ tục phá sản cũng có thể do chính chủ doanh nghiệp nộp đơn.

3. Nên lựa chọn phá sản hay giải thể

Khi muốn chấm dứt tư cách tồn tại của một doanh nghiệp, thì chủ doanh nghiệp hiểu:

Thứ nhất, về bản chất của thủ tục

Thủ tục phá sản là thủ tục tư pháp, do Tòa án tiến hành theo những trình tự, thủ tục quy định tại Luật phá sản.

Giải thể là thủ tục hành chính, là giải pháp mang tính chất tổ chức do doanh nghiệp tự mình quyết định hoặc do cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập quyết định giải thể.

Thứ hai, về điều kiện tiến hành thủ tục

Thủ tục giải thể doanh nghiệp yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ cho các bên liên quan. Nếu trong quá trình giải thể, doanh nghiệp chưa thanh toán được nợ theo nghĩa vụ phát sinh hoặc đang trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc trọng tài thì không thể làm thủ tục giải thể.

Đối với Phá sản, thủ tục này không yêu cầu chủ doanh nghiệp phải đảm bảo khả năng thanh toán nợ. Bởi điều kiện tiến hành thủ tục phá sản chính là việc công ty lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán bị một trong các bên có quyền nộp đơn đến Tòa án, yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Thứ ba, về trình tự thủ tục

Đối với giải thể, có thể hiểu đơn giản quy trình giải thể bao gồm các bước: (1) Thông báo quyết định giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh; (2) Doanh nghiệp thực hiện thanh lý các khoản nợ phát sinh với: chủ nợ, đối tác, khách hàng, người lao động, cơ quan thuế…..; (3) Sau khi hoàn tất thanh lý các khoản nợ, doanh nghiệp hồ sơ giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh để hoàn tất thủ tục giải thể. Thời gian tiến hành thủ tục giải thể một doanh nghiệp tùy thuộc vào tiến độ xử lý nợ và hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với cơ quan thuế.

Đối với thủ tục phá sản, quy trình giải quyết phá sản diễn ra khá phức tạp, gồm các bước sau:

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Chỉ có người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn quy định tại Điều 5 Luật phá sản mới có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản

Bước 2: Tòa án xem xét, thụ lý yêu cầu

Sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án xem xét đơn, nếu đơn hợp lệ sẽ thông báo việc nộp lệ phí và tạm ứng phí phá sản. Nếu đơn chưa hợp lệ thì yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn. Nếu người nộp đơn không có quyền nộp đơn, hoặc từ chối sửa đơn… thì Tòa án trả lại đơn.

Bước 3: Tòa án thụ lý đơn

Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản.

Sau đó, Tòa án ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản (trừ trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn).

Bước 4: Mở thủ tục phá sản

Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản Tòa án phải gửi thông báo đến những người liên quan.

Trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo toàn tài sản như tuyên bố giao dịch vô hiệu; tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng…

Đặc biệt sẽ kiểm kê lại tài sản, lập danh sách chủ nợ; lập danh sách người mắc nợ…

Bước 5: Hội nghị chủ nợ

Hội nghị chủ nợ là cuộc họp của các chủ nợ được triệu tập trong thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp để thảo luận thông qua phương án  hòa giải, giải pháp tổ chức lại hoạt động doanh nghiệp hoặc kiến nghị về phương án phân chia tài sản khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản

Thời hạn Thẩm phán triệu tập Hội nghị chủ nợ là 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc sau việc lập danh sách chủ nợ hoặc kể từ ngày kết thúc việc lập danh sách chủ nợ trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc trước việc lập danh sách chủ nợ, trừ trường hợp không phải tổ chức Hội nghị chủ nợ theo quy định tại Điều 105 của Luật phá sản.

Bước 6: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn mất khả năng thanh toán, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

Bước 7: Thi hành tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

– Thanh lý tài sản phá sản;

– Phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản.

Như vậy, trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản, các chủ nợ không thể tự xé lẻ để đòi nợ riêng cho mình mà tất cả họ đều phải được tập hợp lại thành một chủ thể pháp lý duy nhất, gọi là Hội nghị chủ nợ. Hội nghị chủ nợ đại diện cho tất cả các chủ nợ để tham gia vào việc giải quyết phá sản. Bên cạnh đó, phá sản không chỉ nhắm đến mục đích đòi nợ mà còn chú trọng đến việc giúp đỡ để con nợ là doanh nghiệp có thể phục hồi hoạt động kinh doanh tùy thuộc vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp và quyết định của Hội nghị chủ nợ. Nếu không được áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh, khi đó doanh nghiệp sẽ bị đề nghị tuyên bố phá sản.

Thứ tư, về hệ quả sau thủ tục đối với doanh nghiệp

Giải thể doanh nghiệp dẫn đến chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp và doanh nghiệp bị xóa tên trong sổ đăng ký doanh nghiệp.

Phá sản doanh nghiệp không phải bao giờ cũng là chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, không phải trường hợp mở thủ tục phá sản nào cũng dẫn đến việc doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, phải chấm dứt hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp còn có thể có cơ hội phục hồi hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán không nhất thiết sẽ dẫn tới việc mở thủ tục phá sản; ngay cả khi yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp còn tới thời gian 3 tháng có thể thương lượng với chủ nợ. Khi doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động kinh doanh thì được coi là không còn lâm vào tình trạng phá sản nếu thủ tục phục hồi doanh nghiệp được thực hiện thành công.

Thứ năm, tác động đối với chủ doanh nghiệp, người điều hành quản lý doanh nghiệp

Đối với giải thể, hiện tại pháp luật không đặt ra các chế tài hạn chế quyền tự do kinh doanh của người quản lý, điều hành. Chỉ quy định trách nhiệm liên đới trong trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo. Khi đó chủ doanh nghiệp, những người quản lý doanh nghiệp phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán số nợ chưa thanh toán, số thuế chưa nộp và quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh (khoản 3 Điều 210 Luật doanh nghiệp 2020)

Đối với phá sản, nhà nước có thể hạn chế quyền tự do kinh doanh đối với chủ sở hữu hay người quản lý điều hành, như: Điều 130 Luật Phá sản năm 2014 quy định trừ trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản với lý do bất khả kháng, các trường hợp khác sau khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thì người giữ chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào kể từ ngày doanh nghiệp 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản; người đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp có vốn nhà nước mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn Nhà nước…

Người giữ chức vụ quản lý của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản mà cố ý vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 18, khoản 5 Điều 28, khoản 1 Điều 48 của Luật này thì Thẩm phán xem xét, quyết định về việc không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định tuyên bố phá sản.

Như vậy, Có thể thấy, thủ tục phá sản phức tạp hơn, hậu quả pháp lý của phá sản có thể nặng nề hơn so với giải thể. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán các khoản nợ để tiếp tục kinh doanh thì phá sản cũng là cơ hội để doanh nghiệp được phục hồi kinh doanh nếu doanh nghiệp thực hiện tốt phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, khi mất khả năng thanh toán thì doanh nghiệp đã không đủ điều kiện và không thể lựa chọn phương thức giải thể để chấm dứt doanh nghiệp mà phải tiến hành giải thể theo quy định của Luật Phá sản.

Ngược lại đối với thủ tục giải thể, doanh nghiệp ở hướng chủ động hơn và trình tự thủ tục đơn giản hơn, nên khi nhận thấy hoạt động kinh doanh không còn hiệu quả, doanh nghiệp nên tiến hành thủ tục giải thể sớm để giảm bớt gánh nặng về thuế và các khoản nợ phát sinh với người lao động, đối tác….hoặc chủ doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc việc tạm ngưng kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp. Theo đó, Luật doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp được tạm ngưng kinh doanh 1 lần không quá 1 năm và được gia hạn tạm ngưng nhiều lần. Việc tạm ngưng kinh doanh cũng là một phương án tốt để doanh nghiệp có thời gian cũng cố kế hoạch kinh doanh, giữ được thương hiệu, thâm niên hoạt động. Nếu sau khi tạm kinh doanh mà doanh nghiệp không muốn tiếp tục kinh doanh vẫn có thể tiến hành giải thể theo quy định.

Do đó, lựa chọn phương án nào phù hợp để chấm dứt doanh nghiệp cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố cũng như quyết định của chủ doanh nghiệp tùy từng thời điểm. Chủ doanh nghiệp cần nắm rõ những vấn đề nêu trên để đưa ra phương án tốt nhất, tối ưu nhất và an toàn nhất cho mình.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan