25

Th4

THUẾ TNCN ĐỐI VỚI CÁ NHÂN KÝ HĐLĐ DƯỚI 3 THÁNG HOẶC KHÔNG KÝ HĐLĐ

Hiện nay, nhiều người lao động hoặc thẩm chí một số đơn vị sử dụng lao động không nắm rõ quy định về thuế đối với cá nhân có phát sinh hợp đồng lao động dưới 3 tháng hoặc không ký hợp đồng lao động dẫn đến không áp dụng khấu trừ hoặc không biết quyết toán thuế như thế nào. Vậy mời các bạn cùng theo dõi nội dung này tại bài viết dưới đây nhé!

Khấu trừ thuế đối với Cá nhân ký HĐLĐ dưới 3 tháng hoặc không ký HĐLĐ

Khấu trừ thuế được hiểu là việc tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện tính trừ số thuế phải nộp vào thu nhập của người nộp thuế trước khi trả thu nhập trong một số trường hợp nhất định.

Theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC:

“Điều 25. Khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế

i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác

Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.

Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

Căn cứ vào cam kết của người nhận thu nhập, tổ chức trả thu nhập không khấu trừ thuế. Kết thúc năm tính thuế, tổ chức trả thu nhập vẫn phải tổng hợp danh sách và thu nhập của những cá nhân chưa đến mức khấu trừ thuế (vào mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) và nộp cho cơ quan thuế. Cá nhân làm cam kết phải chịu trách nhiệm về bản cam kết của mình, trường hợp phát hiện có sự gian lận sẽ bị xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế.

Cá nhân làm cam kết theo hướng dẫn tại điểm này phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết.”

Như vậy:

– Đối với cá nhân không ký HĐLĐ hoặc có ký HĐLĐ nhưng dưới 3 tháng mà có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì trước khi nhận lương người lao động đó sẽ bị khấu trừ 10% thuế thu nhận cá nhân (đối với tổng thu nhập cho lần nhận lương đó trên 2.000.000 đồng, nếu dưới 2.000.000 đồng thì không khấu trừ).

– Trường hợp người lao động chỉ có một nguồn thu nhập thuộc đối tượng bị khấu trừ theo trường hợp nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của người lao động sau khi giảm trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì người lao động phải làm cam kết theo mẫu 08/CK-TNCN (ban hành kèm theo thông tư 80/2021/TT-BTC) gửi cho tổ chức chi trả thu nhập cho mình làm căn cứ không khấu trừ thuế.

Hiện nay, theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14, mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm). Giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.

Do đó, đối với người lao động không có người phụ thuộc thì tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công trên 11 triệu đồng/lần (thu nhập này đã trừ các khoản đóng bảo hiểm bắt buộc và các khoản đóng góp khác như từ thiện, nhân đạo,…) là căn cứ để xác định người lao động này thuộc diện khấu trừ thuế theo quy định nêu trên. Tương tự, cứ mỗi người phụ thuộc thì mức thu nhập làm cắn cứ khấu trừ sẽ càng tăng như sau:

T Số người phụ thuộc Thu nhập nhận được từ tiền lương, tiền công/tháng
1 Không có người phụ thuộc > 11 triệu đồng
2 Có 01 người phụ thuộc > 15,4 triệu đồng
3 Có 02 người phụ thuộc > 19,8 triệu đồng
4 Có 03 người phụ thuộc > 24,2 triệu đồng
5 Có 04 người phụ thuộc > 28,6 triệu đồng

 

Lưu ý:

– Cá nhân làm cam kết theo quy định trên phải đăng ký thuế và có mã số thuế tại thời điểm cam kết. Đối với cá nhân.

– Cá nhân có nhiều nguồn thu nhập thì chỉ được tính giảm trừ gia cảnh tại một nơi. Nếu muốn giảm cho người phụ thuộc thì phải đăng ký tại công ty muốn giảm trừ (điểm C.2.1 khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

– Căn cứ theo khoản 2 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, Tổ chức, cá nhân trả các khoản thu nhập đã khấu trừ thuế đối với trường hợp nêu trên phải cấp chứng từ khấu trừ thuế theo yêu cầu của cá nhân bị khấu trừ. Trường hợp cá nhân ủy quyền quyết toán thuế thì không cấp chứng từ khấu trừ.  Theo đó, đối với cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng: cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ cho mỗi lần khấu trừ thuế hoặc cấp một chứng từ khấu trừ cho nhiều lần khấu trừ thuế trong một kỳ tính thuế.

Ví dụ 15: Ông Q ký hợp đồng dịch vụ với công ty X để chăm sóc cây cảnh tại khuôn viên của Công ty theo lịch một tháng một lần trong thời gian từ tháng 9/2013 đến tháng 4/2014. Thu nhập của ông Q được Công ty thanh toán theo từng tháng với số tiền là 03 triệu đồng. Như vậy, trường hợp này ông Q có thể yêu cầu Công ty cấp chứng từ khấu trừ theo từng tháng hoặc cấp một chứng từ phản ánh số thuế đã khấu trừ từ tháng 9 đến tháng 12/2013 và một chứng từ cho thời gian từ tháng 01 đến tháng 04/2014.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan