03

Th2

ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÔNG TY LÊN SÀN CHỨNG KHOÁN

Đầu tư chứng khoán là việc cá nhân, tổ chức mua các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu của một công ty thông qua sàn chứng khoán. Để đầu tư cổ phiếu hiệu quả, nhiều nhà đầu tư lựa chọn các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, tuân thủ theo quy định của Pháp luật. Vậy, về phía công ty, để được lên sàn và phát hành chứng khoán thì phải đáp ứng những điều kiện nào? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây nhé!

 

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật Chứng khoán 2019;

– Quyết định 639/QĐ-SGDHN về Quy chế niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội;

– Quyết định số 85/QĐ-SGDHCM Về việc ban hành quy chế niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh;

– Quyết định số 634/QĐ-SGDHN Về việc ban hành quy chế tổ chức và quản lý thị trường giao dịch chứng khoán chưa niêm yết tại cơ sở giao dịch chứng khoán Hà Nội;

 

II. THẾ NÀO LÀ LÊN SÀN CHỨNG KHOÁN

Căn cứ theo Luật chứng khoán 2019, Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:

a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;

b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;

c) Chứng khoán phái sinh;

d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.

Pháp luật không định nghĩa sàn chứng khoán là gì. Tuy nhiên, căn cứ theo Luật chứng khoán quy định về Tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán  như sau:

“1. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con được tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán cho chứng khoán đủ điều kiện niêm yết; chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần; chứng khoán của các doanh nghiệp khác chưa đủ điều kiện niêm yết; chứng khoán của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; chứng khoán phái sinh và các loại chứng khoán khác theo quy định của Chính phủ.”

Như vậy, sở giao dịch chứng khoán và các công ty con là đơn vị tổ chức các hoạt động giao dịch, mua bán chứng khoán, cung cấp các thông tin về thị trường chứng khoán. Do đó, có thể hiểu, Sở giao dịch chứng khoán và các công ty con chính là “sàn giao dịch chứng khoán”.

Tại sàn giao dịch chứng khoán, các nhà đầu tư sẽ thực hiện lệnh và giao dịch mua bán các sản phẩm chứng khoán. Bên cạnh mua bán chứng khoán, nhà đầu tư cũng có thể trao đổi, tặng và chuyển nhượng các loại tài sản trên thị trường chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng khoán phái sinh và các sản phẩm đầu tư khác…. Hiểu theo một cách đơn giản, sàn giao dịch chứng khoán chính là nơi hỗ trợ các công ty phát hành và thu hồi các sản phẩm chứng khoán. Đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nợ và vốn cho nhà đầu tư. Đây cũng chính là nơi chi trả cổ tức cho nhà đầu tư. Đồng thời, nơi đây cũng là nơi cung cấp một lượng lớn thông tin về thị trường và tài liệu để nhà đầu tư tham khảo.

Theo đó, việc lên sàn chứng khoán của một công ty được hiểu là việc công ty lần đầu phát hành chứng khoán ra công chúng sau khi được các sở giao dịch chứng khoán (sàn chứng khoán) cho phép và tổ chức giao dịch.

Để được niêm yết trên sàn chứng khoán thì công ty phải đáp ứng những điều kiện chào bán chứng khoán lần đầu ra công chứng theo quy định của Luật chứng khoán.

Hiện nay có hai sàn chứng khoán lớn là:

* Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội

Tên viết tắt: HNX

– Tên giao dịch tiếng Anh: Hanoi Stock Exchange

– Trụ sở tại: Số 02, Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội

* Sàn giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh

Tên viết tắt: HOSE

– Tên giao dịch tiếng Anh: Ho Chi Minh Stock Exchange

– Trụ sở: Số 16 Võ Văn Kiệt, Quận 1, TP.HCM

Ngoài ra còn có các sàn chứng khoán khác như:  Sàn giao dịch chứng khoán UPCoM; sàn giao dịch chứng khoán KIS; Sàn giao dịch chứng khoán OTC; Sàn giao dịch chứng khoán SSI….

 

III. ĐIỀU KIỆN ĐỂ CÔNG TY LÊN SÀN CHỨNG KHOÁN

Khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019 quy định điều kiện để chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng gồm:

– Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;

– Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;

– Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua;

– Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành;

– Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;

– Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;

– Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;

– Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;

– Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.

Ngoài những điều kiện trên thì mỗi sàn chứng khoán riêng biệt còn có thể áp dụng những điều kiện riêng. Ví dụ: Sàn HOSE quy định vốn điều lệ của công ty thời điểm đăng ký chào bán là 120 tỷ, còn sàn HNX là 30 tỷ. Sàn HOSE còn yêu cầu công ty phải hoạt động ít nhất 02 năm dưới hình thức công ty cổ phần.

Như vậy, để một công ty lên sàn chứng khoán thì phải đáp ứng những điều kiện rất chặt chẽ của luật chứng khoán và cả quy định riêng của từng sàn chứng khoán.

 

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

 

Tin tức liên quan