BẢO HỘ NHÃN HIỆU MÙI HƯƠNG TẠI VIỆT NAM
Việc bảo hộ nhãn hiệu có vai trò quan trọng trong việc phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường hướng đến người tiêu dùng như hiện nay, các doanh nghiệp không ngừng sáng tạo, không ngừng đổi mới. Bên cạnh các nhãn hiệu truyền thống được thể hiện bằng hình ảnh, chữ viết, ký tự nhìn thấy được thì nhãn hiệu mùi hương được xem là nhãn hiệu phi truyền thống bởi tính đặc thù của nó là không thể nhìn thấy được. Hiện nay, một số nước trên thế giới đã công nhận và bảo hộ cho loại nhãn hiệu này. Vậy tại Việt Nam, các vấn đề pháp lý về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương được quy định như thế nào?
1. Bảo hộ nhãn hiệu mùi hương trong pháp luật quốc tế
Trên thế giới đã xuất hiện xu hướng sử dụng nhãn hiệu mùi, tuy nhiên do đặc tính phân biệt bằng khứu giác nên việc chấp nhận bảo hộ loại nhãn hiệu này còn chưa phổ biến ở hầu hết các nước.
Trong Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS/WTO) quy định “bất kỳ một dấu hiệu có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của một doanh nghiệp đều có thể làm nhãn hiệu hàng hóa”. Như vậy, theo quy định này, không loại trừ khả năng bảo hộ nhãn hiệu đối với mùi hương.
Theo Điều 18.18 của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) quy định về các loại dấu hiệu được xem là nhãn hiệu: “Không bên nào được quy định rằng dấu hiệu phải được nhìn thấy bằng mắt như một điều kiện để đăng ký, cũng không được từ chối việc đăng ký nhãn hiệu là một âm thanh đơn thuần. Ngoài ra, mỗi bên phải nỗ lực để cho phép đăng ký nhãn hiệu mùi hương. Một bên có thể đòi hỏi một mô tả ngắn gọn và chính xác hoặc đại diện đồ họa của nhãn hiệu hoặc cả hai đều có thể”. Hiệp định CPTPP đã tạo ra một bước tiến mới khi yêu cầu các thành viên phải nỗ lực bảo hộ nhãn hiệu mùi hương và âm thanh.
Tại Hoa Kỳ, Nhãn hiệu mùi hương là một trong bảy nhãn hiệu phi truyền thống được quy định theo luật Nhãn hiệu Liên bang Hoa Kỳ. Theo đó, tuân chuẩn để bảo vệ nhãn hiệu mùi gồm: Một là, mùi hương của một sản phẩm có thể được đăng ký nếu nó được sử dụng không đúng chức năng. Ví dụ như mùi hương của hoa dạ yến thảo được xem như có chức năng là một dấu hiệu cho sản phẩm “chỉ khâu và sợi thêu”. Còn những mùi hương như nước hoa hoặc chất làm mát không khí sẽ được xem là sử dụng đúng chức năng, và không thể đăng ký bảo hộ. Hai là, dấu hiệu mùi phải có khả năng phân biệt. Đây là điều kiện tối quan trọng khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mùi vì nhãn hiệu là công cụ để nhận diện và chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể là bản chất có khả năng tự phân biệt hoặc đạt được khả năng phân biệt. Để chứng minh một dấu hiệu mùi có khả năng phân biệt đòi hỏi số lượng bằng chứng rất nhiều. Ví dụ như năm 2013, USPTO đã từ chối bảo hộ nhãn hiệu mùi bạc hà cho “dược phẩm” của Nitroglycerin, vì việc sử dụng mùi bạc hà vào dược phẩm được xem là thuộc tính của sản phẩm ăn được hơn là chỉ số về nguồn gốc của một dấu hiệu. Nói cách khác, mùi bạc hà không có đủ khả năng phân biệt.
Tại Úc, Theo Luật nhãn hiệu của Úc, nhãn hiệu mùi có thể được chấp nhận bảo hộ, nghĩa là có thể phân biệt được hàng hóa/dịch vụ của các chủ thể khác nhau trong thương mại. Tuy cũng yêu cầu dấu hiệu xin đăng ký nhãn hiệu phải thể hiện dưới dạng hình họa hoặc biểu đồ, nhưng việc thể hiện này trong đơn đăng ký có thực hiện bằng cách mô tả chính xác mùi và phương thức sử dụng trên hàng hóa/dịch vụ.
Một số nhãn hiệu mùi đã được đăng ký bảo hộ thành công tại các quốc gia như: (i) Nhãn hiệu bao gồm “mùi hương của quả nho” đăng ký nhãn hiệu số 2568512 tại Mỹ cho chất bôi trơn và nhiên liệu động cơ cho xe cộ, máy bay và tàu thủy; (ii) “Mùi cỏ mới cắt” Đăng ký nhãn hiệu số 428870 tại Hà Lan cho bóng tennis; (iii) “Mùi hương bia đắng nồng” Đăng ký nhãn hiệu số 200234 tại Anh cho phi tiêu
Nhự vậy, có thể thấy, nhãn hiệu mùi hương đã và đang được công nhận trên thế giới.
2. Bảo hộ nhãn hiệu mùi hương trong pháp luật Việt Nam
Theo khoản 16, Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 thì “nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”. Do đó, nhãn hiệu chính là yếu tố để nhận diện, truyền tải thông tin một cách nhanh chóng tới người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định mua sắm đúng đắn dựa trên các biểu hiện, dấu hiệu liên quan tới sản phẩm/dịch vụ được lưu giữ trong trí nhớ của họ. Như vậy, mùi hương cũng là những dấu hiệu vốn tồn tại khách quan, mặc dù không nhìn thấy được nhưng có thể cảm nhận được. Hơn nữa, bản thân chúng cũng có sự đa dạng và khác nhau trong cùng một loại hình nên có thể dùng để đánh dấu và phân biệt sản phẩm, dịch vụ của các nhà sản xuất, kinh doanh khác nhau. Vì vậy, việc dùng mùi hương làm nhãn hiệu là có cơ sở và phù hợp với bản chất, chức năng của nhãn hiệu.
Về mặt pháp lý, Việt Nam đã tham gia nhiều điều ước quốc tế đa phương và song phương, và những điều ước này đều có điều khoản quy định liên quan đến vấn đề bảo hộ nhãn hiệu mùi hương, có thể kể đến như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hoa Kỳ, Hiệp định khung về lĩnh vực sở hữu trí tuệ của ASEAN, Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Các điều ước quốc tế kể trên đều không bắt buộc các nước thành viên phải bảo hộ nhãn hiệu mùi hương khi tham gia. Nhưng cho đến hiện tại, pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam vẫn chưa có quy định nào liên quan đến xem xét và đăng ký nhãn hiệu mùi hương.
Theo nguyên tắc, khi một nhãn hiệu muốn được bảo hộ trước hết nó phải đạt được tính phân biệt, đối với nhãn hiệu mùi cũng không nằm ngoài nguyên tắc chung này. Tuy nhiên, nhãn hiệu mùi có những đặc điểm đặc thù, do đó không phải tất cả các tiêu chí của nhãn hiệu thông thường đều có thể được áp dụng được với loại nhãn hiệu này. Quy định pháp lý và thực tiễn thẩm định đơn nhãn hiệu mùi ở các nước có chấp nhận loại bảo hộ cho thấy những tiêu chí bảo hộ nhãn hiệu mùi cũng có nhiều vấn đề đặt ra, cụ thể:
Thứ nhất, việc cảm nhận nhãn hiệu mùi hương mang tính chủ quan.
Vì nhãn hiệu mùi hương tác động trực tiếp vào não bộ giúp con người lưu giữ được lâu nhất trong bộ nhớ và chỉ có thể được nhận biết bằng khứu giác. Với cùng một mùi hương nhưng mỗi người có thể có những cảm nhận khác nhau bởi các yếu tố chủ quan như độ tuổi, giới tính, môi trường sống, tình trạng sức khỏe,…Do đó, không thể đánh giá chính xác tác động của nhãn hiệu mùi hương đối với mỗi cá nhân.
Thứ hai, nhãn hiệu mùi hương rất khó để mô tả.
Thông thường, mùi hương không có tên gọi riêng mà chỉ được biết đến kèm với vật phát ra mùi này. Tuy nhiên, nếu sử dụng từ ngữ hoặc hình ảnh để mô tả mùi hương thì làm cho người tiêu dùng có thể bị nhầm lẫn nhãn hiệu được sử dụng là nhãn hiệu từ ngữ, hình ảnh đó thay vì nhãn hiệu mùi hương.
Thứ ba, nhãn hiệu mùi hương rất dễ bị thay đổi.
Thực tế cho thấy sau một thời gian dài, mùi hương thường không thể giữ nguyên được trạng thái và tính chất như mùi gốc do mùi hương có thể khuếch tán vào không khí. Do đó, việc lưu giữ và bảo quản các nhãn hiệu mùi hương phải đảm bảo giảm thiểu khả năng thay đổi của mùi hương và tương đối giữ nguyên được như tình trạng ban đầu. Thậm chí một số mùi hương phải được bảo quản theo yêu cầu nghiêm ngặt như nhiệt độ, độ ẩm, dụng cụ lưu trữ,… Điều này gây khó khăn cho quá trình thẩm định đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mùi hương do tác động của mùi hương không giống như mùi hương ban đầu khi nộp đơn đăng ký bảo hộ.
Theo những đặc tính tên, có thể thấy nhãn hiệu mùi hương rất khó để mô tả và khó để đánh giá khả năng phân biệt. Mặc dù vậy, việc bảo hộ nhãn hiệu mùi hiện nay là xu hướng phát triển tất yếu của hệ thống pháp luật Sở hữu trí tuệ nói chung. Do đó, pháp luật về sở hữu trí tuệ Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Và trong thời gian sắp tới, những quy định riêng về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương tại Việt Nam cũng sẽ được cụ thể hóa và hoàn thiện hơn để phù hợp với thực tiễn trong nước và quốc tế.
3. Điều kiện để bảo hộ nhãn hiệu mùi hương
Mặc dù tại Việt Nam chưa có quy định rõ về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương. Tuy nhiên, nhìn vào thực tiễn luật sở hữu trí tuệ của các nước và những quy tắc chung của pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu có thể thấy, để mùi hương được bảo về thì mùi hương đó phải đảm bảo ít nhất hai yếu tố gồm:
Thứ nhất, mùi hương dùng làm nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt. Đây là điều kiện tối quan trọng khi bảo hộ nhãn hiệu. Nhãn hiệu là công cụ để nhận diện và chỉ dẫn nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ. Muốn thực hiện được sứ mệnh này, trước tiên bản thân dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải có khả năng phân biệt. Việc dựa vào một dấu hiệu có khả năng phân biệt để nhận diện, phân biệt và lựa chọn hàng hóa là hoàn toàn có cơ sở.
Thứ hai, mùi hương dùng làm nhãn hiệu phải tồn tại dưới hình thức có khả năng cảm nhận được. Nếu nhãn hiệu truyền thống là những dấu hiệu có thể cảm nhận bằng thị giác thì nhãn hiệu mùi hương (nhãn hiệu phi truyền thống) lại là những dấu hiệu có thể cảm nhận bằng khứu giác.
Tóm lại, thực tiễn đang đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chóng cập nhật, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý hiện hành về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương, trên cơ sở xem xét các điều ước quốc tế về bảo hộ nhãn hiệu mà Việt Nam đã ký kết và tham khảo kinh nghiệm lập pháp về bảo hộ nhãn hiệu mùi hương của một số nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Úc, EU,… để xây dựng cơ chế bảo hộ đối với nhãn hiệu mùi hương. Bởi lẽ, một khi nhãn hiệu được bảo hộ, các thương hiệu sẽ có cơ hội được bảo vệ mạnh mẽ hơn. Từ đó, Việt Nam có thể tạo dựng một môi trường đầu tư lành mạnh và an toàn để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và góp phần vào công cuộc đổi mới, phát triển đất nước trong tương lai.
Tham khảo
– Tạp chí Công Thương
– Tạp chí Tòa án
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …