MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM
Nhượng quyền thương mại là một trong các hình thức kinh doanh, mở rộng quy mô doanh nghiệp khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực nhượng quyền thương mại cũng như thực hiện chuỗi nhượng quyền thương mại thành công. Bài viết sau đây sẽ đề cập đến một số vấn đề về nhượng quyền thương mại mà các bên khi tham gia quan hệ nhượng quyền thương mại cần biết, mời các bạn cùng theo dõi!
Cơ sở pháp lý
– Luật Thương mại 2005;
– Nghị định 35/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại;
– Thông tư 09/2006/TT-BTM hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại;
– Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh do Bộ Công Thương quản lý;
– Nghị định 120/2011/NĐ-CP sửa đổi TTHC tại một số Nghị định hướng dẫn Luật Thương mại.
1. Nhượng quyền thương mại là gì?
Dưới góc độ pháp lý, Nhượng quyền thương mại theo Điều 284 Luật thương mại 2005 là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Như vậy, trong quan hệ nhượng quyền thương mại sẽ có các bên bao gồm:
– “Bên nhượng quyền” là thương nhân cấp quyền thương mại, bao gồm cả Bên nhượng quyền thứ cấp trong mối quan hệ với Bên nhận quyền thứ cấp.
– “Bên nhận quyền” là thương nhân được nhận quyền thương mại, bao gồm cả Bên nhận quyền thứ cấp trong mối quan hệ với Bên nhượng quyền thứ cấp.
Bên nhận quyền có thể nhượng quyền thương mại cho một bên thứ ba khác. Theo đó sẽ xuất hiện thê, các bên như:
– “Bên nhượng quyền thứ cấp” là thương nhân có quyền cấp lại quyền thương mại mà mình đã nhận từ Bên nhượng quyền ban đầu cho Bên nhận quyền thứ cấp.
– “Bên nhận quyền sơ cấp” là thương nhân nhận quyền thương mại từ Bên nhượng quyền ban đầu. Bên nhận quyền sơ cấp là Bên nhượng quyền thứ cấp theo nghĩa của khoản 3 Điều này trong mối quan hệ với Bên nhận quyền thứ cấp.
– “Bên nhận quyền thứ cấp” là thương nhân nhận lại quyền thương mại từ Bên nhượng quyền thứ cấp.
Dưới góc độ kinh doanh, có thể hiểu Nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại nhằm mở rộng hệ thống, mô hình kinh doanh của thương nhân thông qua việc chia sẻ quyền thương mại, quy trình, bí quyết kinh doanh cho thương nhân khác. Trong đó, bên nhượng quyền đồng ý nhượng cho bên nhận quyền quyền thương mại bao gồm quyền bán, phân phối sản phẩm theo cùng mô hình kinh doanh, nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ, bí quyết kinh doanh,… để thu một khoản phí nhượng quyền. Còn bên nhận quyền cần tuân thủ các kế hoạch kinh doanh, nhãn hiệu, quy trình kinh doanh,… do bên nhượng quyền đưa ra.
2. Điều kiện hoạt động nhượng quyền thương mại
Để thực hiện được hoạt động nhượng quyền cần căn cứ vào hệ thống hoạt động kinh doanh của Thương nhân. Theo đó, không phải thương nhân nào có hệ thống hoạt động kinh doanh cũng được phép nhượng quyền. Mà Thương nhân chỉ được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm. Điều này đã được quy định rõ tại Điều 8 Nghị định 08/2018/NĐ-CP.
Lưu ý rằng: Điều kiện “đã được hoạt động ít nhất 01 năm” áp dụng đối với hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền của thương nhân, không áp dụng cho thương nhân. Nghĩa là, thời hạn một năm không tính từ thời điểm thương nhân đăng ký kinh doanh mà tính từ thời điểm hệ thống kinh doanh của thương nhân hoạt động. Theo đó, hệ thống kinh doanh được hiểu là những chi nhánh, cửa hàng, địa điểm kinh doanh có đăng ký kinh doanh hợp pháp của thương nhân. Thời hạn một năm sẽ được tính từ ngày cấp giấy phép kinh doanh cho chi nhánh, cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh đầu tiên thuộc hệ thống kinh doanh của thương nhân, đồng thời cửa hàng/chi nhánh/địa điểm kinh doanh và hệ thống kinh doanh đó phải triển khai hoạt động kinh doanh thực sự trong thực tế.
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động nhượng quyền thương mại
a) Đối với bên nhượng quyền
Về quyền, Điều 286 Luật Thương mại 2005 quy định:
“Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhượng quyền có các quyền sau đây:
1. Nhận tiền nhượng quyền;
2. Tổ chức quảng cáo cho hệ thống nhượng quyền thương mại và mạng lưới nhượng quyền thương mại;
3. Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hoá, dịch vụ”
Về nghĩa vụ, Thương nhận nhượng quyền có các nghĩa cụ được quy định tại Điều 287 Luật Thương mại 2005:
“Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhượng quyền có các nghĩa vụ sau đây:
1. Cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống nhượng quyền thương mại cho bên nhận quyền;
2. Đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho thương nhân nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống nhượng quyền thương mại;
3. Thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của thương nhân nhận quyền;
4. Bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng nhượng quyền;
5. Đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền trong hệ thống nhượng quyền thương mại.”
b) Đối với thương nhân nhận quyền
Về quyền, Điều 288 Luật Thương mại 2005 quy định:
“Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các quyền sau đây:
1. Yêu cầu thương nhân nhượng quyền cung cấp đầy đủ trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống nhượng quyền thương mại;
2. Yêu cầu thương nhân nhượng quyền đối xử bình đẳng với các thương nhân nhận quyền khác trong hệ thống nhượng quyền thương mại.”
Về nghĩa vụ, thương nhân nhận quyền có các nghĩa vụ theo Điều 289 Luật Thương mại 2005 gồm:
“Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các nghĩa vụ sau đây:
1. Trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo hợp đồng nhượng quyền thương mại;
2. Đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền và bí quyết kinh doanh mà bên nhượng quyền chuyển giao;
3. Chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền; tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân nhượng quyền;
4. Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt;
5. Ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại;
6. Điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống nhượng quyền thương mại;
7. Không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền.”
c) Đối với bên thứ ba nhận nhượng quyền
Điều 290 Luật Thương mại 2005 quy định: Bên nhận quyền có quyền nhượng quyền lại cho bên thứ ba (gọi là bên nhận lại quyền) nếu được sự chấp thuận của bên nhượng quyền. Theo đó, Bên nhận lại quyền có các quyền và nghĩa vụ của bên nhận quyền quy định tại Điều 288 và Điều 289 của Luật Thương mại 2005.
4. Về hợp đồng nhượng quyền thương mại
Luật Thương mại 2005 quy định, Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Theo đó, nếu trường hợp các bên lựa chọn áp dụng luật Việt Nam, hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể có các nội dung chủ yếu gồm: 1. Nội dung của quyền thương mại; 2. Quyền, nghĩa vụ của Bên nhượng quyền; 3. Quyền, nghĩa vụ của Bên nhận quyền; 4. Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ và phương thức thanh toán; 5. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng; 6. Gia hạn, chấm dứt hợp đồng và giải quyết tranh chấp (Điều 11 Nghị định 35/2006/NĐ-CP).
Về ngôn ngữ: Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thoả thuận.
Ngoài ra, các vấn đề về nội dung của hợp đồng thương mại như: Thời hạn của hợp đồng nhượng quyền, thời hạn có hiệu lực của hợp đồng, quy định về quyền giao quyền thương mại và đơn phương chấm dứt nhượng quyền thương mại cũng được quy định rõ tại các Điều từ 13 đến Điều 16 Nghị định 35/2006/NĐ-CP.
Như vậy, nhìn chung, pháp luật về thương mại cũng đã có hành lang pháp lý rõ ràng đối với hợp đồng nhượng quyền thương mại của các bên. Tuy nhiên, pháp luật thương mại vẫn cho phép các bên có quyền tự do thỏa thuận các điều khoản khác. Do đó, để giảm thiểu rũi ro tranh chấp thì hợp đồng nhượng quyền cần chặt chẽ, chi tiết và phải dự liệu những rủi ro có thể xảy ra. Ngoài ra, các vấn đề về sở hữu trí tuệ, quảng bá thương hiệu, chế độ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, bí mật kinh doanh…. cũng cần được trú trọng trong hợp đồng nhượng quyền.
5. Về đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại
Trước khi tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại, thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài dự kiến nhượng quyền phải đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với Bộ Công thương theo quy định tại Nghị định 35/2006/NĐ-CP.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp nhượng quyền đều phải đăng ký. Theo đó, việc đăng ký nhượng quyền chỉ áp dụng đối với hoạt động nhượng quyền từ nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả hoạt động nhượng quyền thương mại từ Khu chế xuất, Khu phi thuế quan hoặc các khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật Việt Nam vào lãnh thổ Việt Nam. Nhượng quyền trong nước và nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài không phải đăng ký nhưng phải thực hiện thủ tục thông báo với Sở Công thương (Căn cứ Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 120/2011/NĐ-CP).
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …