QUY TRÌNH XỬ LÝ VI PHẠM NHÃN HIỆU?
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và đặc biệt việc xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là một trong các vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến uy tín cũng như lợi ích kinh doanh của doanh nghiệp là chủ sở hữu nhãn hiệu. Việc xâm phạm quyền với nhãn hiệu thực sự là một vấn đề đáng quan tâm của mỗi doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh và phát triển thương hiệu. Vậy hành vi vi phạm về nhãn hiệu được quy định như thế nào? Chế tài áp dụng đối với hành vi này xử lý ra sao? Hãy tham khảo bài viết dưới đây của Luật 3S để biết thêm về quy trình xử lý khi bị vi phạm về nhãn hiệu.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ luật dân sự 2015;
– Bộ luật hình sự 2015;
– Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
-Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009,2019);
– Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.
II. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Nhãn hiệu là gì?
Theo định nghĩa tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019) thì nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải là những dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
2. Quyền bảo hộ nhãn hiệu
Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng.
a) Văn Bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu được gọi là “Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu”. Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực 10 năm từ ngày nộp đơn, và có thể được gia hạn liên tiếp nhiều lần, mỗi lần 10 năm.
b) Phạm vi bảo hộ: Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam
c) Chủ sở hữu nhãn hiệu sẽ có các quyền sau đây:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Sở hữu Trí tuệ thì khi được cấp văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu nhãn hiệu có các quyền sau đây:
– Sử dụng, cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu của mình
– Ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu của mình theo quy định tại Điều 125 của Luật Sở hữu Trí tuệ;
– Định đoạt đối nhãn hiệu của mình như chuyển nhượng, tặng cho, chấm dứt sử dụng,….
3. Những hành vi được xem là vi phạm nhãn hiệu
Vi phạm nhãn hiệu được hiểu là việc thiết kế, chế biến, đóng gói, vận chuyển, tàng trữ, chào hàng, mua bán hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.
Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu:
a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.
(Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ)
III. HÌNH THỨC XỬ LÝ VI PHẠM NHÃN HIỆU?
1. Trách nhiệm hành chính
Khi phát hiện ra nhãn hiệu của mình đang bị người xác xâm phạm, doanh nghiệp có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý bao gồm: Thanh tra bộ Khoa học và Công nghệ, Chi cục Quản lý thị trường và Công an kinh tế (Điều 200 Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung)
Điều 214 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 211 của Luật này bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền: Mức tiền phạt được ấn định ít nhất bằng giá trị hàng hóa vi phạm đã phát hiện được và nhiều nhất không vượt quá năm lần giá trị hàng hóa vi phạm đã phát hiện được.
2. Ngoài ra, tùy theo tính chất mức độ xâm phạm, người xâm phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như:
a) Tịch thu hàng hóa, nguyên vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu
b) Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm nhãn hiệu.
3. Người có hành vi xâm phạm nhãn hiệu còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
c) Buộc tiêu huỷ, phân phối hoặc đưa vào lưu thông không nhằm mục đích thương mại (hàng hoá, nguyên vật liệu, phương tiện được sử dụng để sản xuất, kinh doanh hàng vi phạm) với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác của chủ sở hữu nhãn hiệu.
d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh xâm phạm nhãn hiệu hoặc buộc tái xuất đối với hàng nhập khẩu xâm phạm nhãn hiệu.
Việc xử lý hành vi vi phạm nhãn hiệu được Chính phủ quy định cụ thể tại Nghị định 99/2013/NĐ-CP, như sau:
“Điều 11. Xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây vì mục đích kinh doanh trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3.000.000 đồng:
a) Bán buôn; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp;
b) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng……”
“Điều 12. Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa Iý
1. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng:
a) Buôn bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý;
b) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.
2. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng…”
“Điều 13. Sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo có số lượng đến 500 cái, chiếc, tờ hoặc đơn vị tương đương (sau đây gọi tắt là đơn vị):
a) Buôn bán; vận chuyển, kể cả quá cảnh; cung cấp; tàng trữ; trưng bày để bán tem, nhãn, bao bì, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo;
b) Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo có số lượng từ trên 500 đơn vị đến 1.000 đơn vị.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo có số lượng từ trên 1.000 đơn vị đến 2.000 đơn vị.
….
Lưu ý: Tùy theo giá trị, số lượng hàng hóa, dịch vụ bị xâm phạm mà các mức phạt nêu trên sẽ tăng thêm kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả. Xem chi tiết Nghị Định 99/2013/NĐ-CP để biết mức phạt cụ thể tương ứng với hành vi vi phạm quyền đối với nhãn hiệu đối với giá trị từng hàng hóa, dịch vụ.
2. Trách nhiệm dân sự
1. Khi doanh nghiệp phát hiện nhãn hiệu của mình đang bị một cá nhân hay tổ chức khác xâm phạm thì có thể khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Theo quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu Trí tuệ, doanh nghiệp có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp sau đây đối với người có hành vi vi phạm:
– Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
– Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
– Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
– Buộc bồi thường thiệt hại;
– Buộc tiêu huỷ, phân phối hoặc đưa vào lưu thông không nhằm mục đích thương mại (hàng hoá, nguyên vật liệu, phương tiện được sử dụng để sản xuất, kinh doanh hàng vi phạm) với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác của chủ sở hữu nhãn hiệu.
2. Doanh nghiệp khởi kiện có nghĩa vụ chứng minh mình là chủ thể quyền của nhãn hiệu bằng các chứng cứ sau đây:
a) Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
b) Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu trong trường hợp doanh nghiệp không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu nhưng được phép sử dụng nhãn hiệu đó thông qua hợp đồng với chủ sở hữu.
c) Trong trường hợp doanh nghiệp không thể chứng minh, nhưng biết chứng cứ nằm dưới sự kiểm soát của bên kia thì có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên kiểm soát chứng cứ phải đưa ra chứng cứ đó.
d) Trong trường hợp có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì doanh nghiệp phải chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra và nêu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại.
Chẳng hạn từ khi nhãn hiệu bị xâm phạm, doanh nghiệp đã bị mất uy tín và suy giảm doanh thu, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại. Hoặc thiệt hại về tinh thần nếu doanh nghiệp chứng minh được, khi đó, tùy vào mức độ thiệt hại mà Tòa án quyết định mức bồi thường trong giới hạn từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
Việc xác định mức bồi thường thiệt hại do bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ được căn cứ theo Điều 205 Luật sở hữu trí tuệ 2005. Ngoài ra, chi phí thuê luật sư cũng có thể được tính vào thiệt hại để bồi thường.
3. Trách nhiệm hình sự
Hành vi vi phạm nhãn hiệu đã được hình sự hóa theo Điều 226 của Bộ luật hình sự 2015, cụ thể như sau:
“Điều 226. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Hàng hóa vi phạm trị giá 500.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 2.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
c) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Như vậy khi cá nhân, tổ chức phát hiện có người khác xâm phạm nhãn hiệu của mình, mà hành vi xâm phạm có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo điều 226 nêu trên thì có thể nộp đơn yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý xâm phạm nhãn hiệu, và yêu cầu người có hành vi xâm phạm bồi thường thiệt hại như biện pháp dân sự.
IV. QUY TRÌNH XỬ LÝ VI PHẠM NHÃN HIỆU
Bước 1: Thu thập thông tin, Lập vi bằng
Việc lập vi bằng không bắt buộc nhưng để đảm bảo bên vi phạm không gỡ bỏ bằng chứng về hành vi vi phạm, nên tiến hành lập vi bằng hành vi xâm phạm, đặc biệt là đối với trang web có chứa nhãn hiệu và thông tin vi phạm tại văn phòng thừa phát lại.
Bước 2: Giám định hành vi vi phạm nhãn hiệu
Giám định sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật sử dụng kiến thức, chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Theo quy định tại Điều 201 Luật sở hữu trí tuệ quy định: chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và tổ chức, cá nhân khác có liên quan có quyền yêu cầu giám định về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Như vậy, để có căn cứ chắc chắn nhất trong việc xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân, thì các tổ chức, cá nhân nên yêu cầu Viện khoa học sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPRI) thực hiện việc giám định sở hữu công nghiệp để xác định hành vi của bên nghi ngờ vi phạm có bị coi là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hay không?
Lưu ý rằng đây không phải là yêu cầu bắt buộc nhưng VIPRI với tư cách là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và công nghệ và là đơn vị duy nhất có chức năng giám định sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật thì kết luận giám định của cơ quan này là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng để cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ giải quyết vụ việc hoặc để các bên có liên quan giải quyết tranh chấp phát sinh.
Bước 3: Gửi thư cảnh báo
Hoạt động này cũng là không bắt buộc. Tuy nhiên, việc kiện tụng chắc chắn sẽ mất nhiều chi phí và công sức. Do đó trước tiên, các tổ chức, cá nhân thường chọn cách giải quyết “dĩ hòa vi quý” bằng cách gửi thư thông báo cho bên vi phạm. Nếu bên vi phạm có thái độ hợp tác, thiện chí để xử lý vụ việc thì bước này có thể tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền bạc của các tổ chức, cá nhân bị vi phạm nhãn hiệu.
Nội dung bản thông báo này thể hiện căn cứ pháp lý, văn bằng bảo hộ, thời hạn bảo hộ,… cho thấy bạn là chủ sở hữu hợp pháp đối với quyền của nhãn hiệu. Ngoài ra, khi gửi thư cảnh báo đến bên bị nghi ngờ thực hiện hành vi vi phạm thì cần yêu cầu họ:
– Ngừng ngay lập tức việc thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
– Loại bỏ các yếu tố xâm phạm;
– Tiêu hủy tài liệu, bảng hiệu, giấy tờ giao dịch, sản phẩm… có gắn yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang xử lý;…
Bên cạnh đó, nếu hành vi xâm phạm xảy ra trên facebook hoặc youtube, có thể report vi phạm với các bên này.
Bước 4: Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà chủ sở hữu có quyền làm đơn yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 200 Luật sở hữu trí tuệ xử lý hành vi vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bước 5: Khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền hoặc nộp đơn tố cáo nếu thấy đủ yếu tố cấu thành tội xâm phạm quyền SHTT theo luật hình sự.
Sau khi chủ sở hữu đã thực hiện việc gửi thông báo đến cá nhân, tổ chức, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm nhưng kết quả giải quyết vẫn chưa thỏa đáng thì có thể làm đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền và yêu cầu họ thực hiện một hoặc một số hoặc tất cả các công việc sau đây:
– Xin lỗi và cải chính thông tin công khai trên các website mà bên bị nghi ngờ đang quản lý;
– Bồi thường thiệt hại đối với các thiệt hại thực tế mà chủ sở hữu nhãn hiệu đã phải gánh chịu (bao gồm các các chi phí đã bỏ ra để giải quyết công việc)
Cần lưu ý rằng ngay khi phát hiện hành vi vi phạm chủ sở hữu đã có quyền khởi kiện vì các bước kể trên không phải là thủ tục buộc hay điều kiện phát sinh quyền khởi kiện của chủ sở hữu nhãn hiệu.
V. THỦ TỤC KHỞI KIỆN VI PHẠM NHÃN HIỆU
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện
– Người khởi kiện chuẩn bị đơn khởi kiện, nội dung đơn khởi kiện phải có các nội dung quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự
– Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.
Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện
a) Người khởi kiện nộp đơn trực tiếp tại Tòa án có thẩm quyền hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Khi nhận được đơn, Tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn.
b) Thẩm quyền của tòa án được xác định như sau:
– Những tranh chấp về sở hữu trí tuệ sẽ được giải quyết bởi tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc trung ương.
– Tuy nhiên, nếu một trong các bên tranh chấp hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài thì lúc này vụ tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp tỉnh.
– Ngoài ra, đối với tranh chấp về sở hữu trí tuệ mà cả hai bên đều có mục đích lợi nhuận thì sẽ được xét xử bởi tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Bước 3: Nhận và xử lý đơn khởi kiện
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Thẩm phán phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:
a) Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;
b) Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật tố tụng dân sự;
c) Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;
d) Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Bước 4: Thụ lý vụ án
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án.
Bước 5: Chuẩn bị xét xử
Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án được quy định như sau:
+ 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần nhưng không quá 02 tháng.
+ Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải tiến hành lấy lời khai của đương sự, tiến hành các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc định giá, ủy thác thu thập chứng cứ (nếu có).
Bước 6: Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm:
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng.
VI. CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
1. Những ảnh hưởng tiêu cực đối với doanh nghiệp có nhãn hiệu bị xâm phạm:
– Thiệt hại về uy tín: Các hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu xâm phạm thường có chất lượng không tốt (Hàng giả, hàng nhái), do đó, nếu doanh nghiệp có nhãn hiệu bị xâm phạm mà không tiến hành xử lý thì sẽ dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về uy tín. vì nhầm tưởng và sử dụng hàng hóa kém chất lượng nên dần dần người tiêu dùng mất niềm tin vào nhãn hiệu.
– Thiệt hại về vật chất: Người tiêu dùng do nhầm tưởng nên đánh đồng sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu xâm phạm với sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu của doanh nghiệp đã được bảo hộ, tuy nhiên giá thành của hàng hóa dịch vụ xâm phạm thường thấp hơn, doanh nghiệp sẽ thiệt hại về doanh thu do tâm lý của người tiêu dùng vẫn chọn hàng giá rẻ. Bên cạnh đó, một số người tiêu dùng khó tính thì sẽ không sử dụng hàng hóa dịch vụ đó nữa vì chất lượng không tốt.
2. Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hết hiệu lực khi nào?
Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a) Chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định;
b) Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;
c) Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;
d) Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn 05 năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;
đ) Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;
e) Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
g) Các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó.
(Khoản 1 Điều 95 Luật sở hữu trí tuệ)
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …