04

Th9

THỜI HẠN ĐIỀU TRA VỤ TAI NẠN LAO ĐỘNG

Tai nạn lao động là một trong những rủi ro không mong muốn tại nơi làm việc. Để bảo vệ quyền lợi của người lao động và đảm bảo an toàn, pháp luật Việt Nam đã quy định chặt chẽ về nghĩa vụ điều tra, thời hạn điều tra và xử lý khi quá thời hạn điều tra tai nạn lao động. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các quy định này theo các văn bản pháp luật hiện hành như Bộ luật Lao động 2019, Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 và các nghị định, thông tư liên quan.

1. Tai nạn lao động là gì?

Tai nạn lao động là một sự cố bất ngờ xảy ra trong quá trình làm việc hoặc liên quan đến công việc, gây tổn thương cho sức khỏe, tính mạng của người lao động. Tai nạn lao động có thể xảy ra tại nơi làm việc hoặc trong quá trình di chuyển liên quan đến công việc, và thường do các nguyên nhân như sai sót kỹ thuật, thiếu an toàn, hoặc do yếu tố con người.

Căn cứ theo khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.”

Ví dụ: Một công nhân xây dựng đang làm việc trên giàn giáo cao, do giàn giáo không được lắp đặt chắc chắn, người lao động bị trượt chân và ngã từ trên cao xuống đất, dẫn đến gãy xương hoặc tử vong. Đây là tai nạn lao động phổ biến trong ngành xây dựng.

2. Nghĩa vụ điều tra tai nạn lao động

Theo Điều 35 của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, khi xảy ra tai nạn lao động tại nơi làm việc, người sử dụng lao động và các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm chính trong việc tổ chức điều tra, báo cáo và xử lý tai nạn lao động. Cụ thể:

(i) Người sử dụng lao động có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để tiến hành điều tra tai nạn lao động làm bị thương nhẹ, tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gồm có người sử dụng lao động hoặc người đại diện được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động khi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, người làm công tác an toàn lao động, người làm công tác y tế và một số thành viên khác.

Trường hợp tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn lao động phải lập biên bản ghi nhận sự việc và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra tai nạn.

(ii) Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh để tiến hành điều tra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên, kể cả người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này; điều tra lại vụ tai nạn lao động đã được Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở đã điều tra khi có khiếu nại, tố cáo hoặc khi xét thấy cần thiết.

Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh gồm có đại diện của Thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện Sở Y tế, đại diện Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và một số thành viên khác.

(iii) Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương để tiến hành điều tra các vụ tai nạn lao động khi xét thấy tính chất nghiêm trọng của tai nạn lao động hoặc mức độ phức tạp của việc điều tra tai nạn lao động vượt quá khả năng xử lý của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh; điều tra lại vụ tai nạn lao động đã được Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm điều tra.

Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương gồm có đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại diện Bộ Y tế, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số thành viên khác.

Đối với các vụ tai nạn, sự cố xảy ra trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, thì việc thực hiện điều tra theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về lao động và có sự phối hợp của Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động.

3. Thời hạn điều tra tai nạn lao động

Pháp luật quy định thời hạn điều tra tai nạn lao động tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc. Cụ thể: [1]

a) Không quá 04 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nhẹ người lao động;

b) Không quá 07 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động;

c) Không quá 20 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên;

d) Không quá 30 ngày đối với tai nạn lao động chết người; không quá 60 ngày đối với tai nạn lao động cần phải giám định kỹ thuật hoặc giám định pháp y. Trường hợp các vụ tai nạn có dấu hiệu tội phạm do cơ quan điều tra tiến hành điều tra nhưng sau đó ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì thời hạn điều tra được tính từ khi Đoàn điều tra tai nạn lao động nhận được đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn.

Lưu ý: Nếu trong quá trình điều tra tai nạn lao động mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, Đoàn điều tra phải báo cáo bằng văn bản, kèm theo các tài liệu, chuyển giao đồ vật, phương tiện liên quan (nếu có) cho cơ quan điều tra để xem xét, khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.[2]

Thời hạn giải quyết đối với kiến nghị khởi tố thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; trường hợp cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án, thì trong thời hạn 05 ngày, kể từ khi ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra có trách nhiệm cung cấp và chuyển giao cho Đoàn điều tra tai nạn lao động các tài liệu, đồ vật, phương tiện liên quan đến vụ tai nạn lao động.

4. Xử lý khi quá thời hạn điều tra tai nạn lao động

Đối với tai nạn lao động có tình tiết phức tạp thì được gia hạn thời gian điều tra một lần nhưng thời hạn gia hạn không vượt quá thời hạn quy định nêu trên; Trưởng đoàn điều tra phải báo cáo việc gia hạn và được sự đồng ý của người ban hành quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động. [3]

Ngoài ra, Trường hợp vượt quá thời hạn điều tra đối với tai nạn lao động mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.[4]

 

Cơ sở pháp lý:

[1] Khoản 6 Điều 35 Luật An toàn vệ sinh lao động;

[2] Khoản 7 Điều 35 Luẩ An toàn vệ sinh lao động;

[3] Khoản 6 Điều 35 Luật An toàn vệ sinh lao động;

[4] Khoản 10 Điều 35 Luật An toàn vệ sinh lao động;

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan