XUẤT HÓA ĐƠN KHI CHƯA CÓ GIẤY PHÉP ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH: GÓC NHÌN PHÁP LÝ VÀ HẬU QUẢ
Xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là nghĩa vụ bắt buộc trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đã được quy định rõ tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào doanh nghiệp xuất hóa đơn cũng được xem là hợp lệ. Để đảm bảo tính hợp pháp, hóa đơn cần được xuất khi doanh nghiệp đã đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật, đặc biệt đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc xuất hóa đơn khi chưa có giấy phép đủ điều kiện có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng, từ xử phạt hành chính đến trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau:
1. Vi phạm về điều kiện hoạt động
Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng, có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (thường gọi là “Giấy phép kinh doanh”) là đủ để bắt đầu hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, đây là hiểu lầm phổ biến, vì giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ thể hiện tư cách pháp lý của doanh nghiệp, chưa đảm bảo doanh nghiệp thực sự đủ điều kiện hoạt động kinh doanh đối với các ngành nghề có điều kiện.
Hiện nay, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã được quy định chi tiết tại Danh mục tại Luật Đầu tư 2020 với hơn 200 ngành nghề yêu cầu giấy phép bổ sung hoặc tuân thủ tiêu chuẩn riêng biệt.
Ví dụ:
– Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh phải có giấy phép hoạt động theo Luật Khám bệnh, Chữa bệnh 2023.
– Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo vệ hoặc cầm đồ cần giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP.
Việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và xuất hóa đơn khi chưa có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh là hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh. Tùy vào lĩnh vực cụ thể, doanh nghiệp có thể bị phạt hành chính. Chẳng hạn, nếu cơ sở khám chữa bệnh hoạt động không có giấy phép hoạt động thì theo Điểm a Khoản 6 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, cơ sở đó có thể bị phạt từ 40.000.000 đến 50.000.000 đồng và đình chỉ hoạt động từ 12 đến 24 tháng. Đây chỉ là một trong nhiều quy định nhằm ngăn chặn các hành vi kinh doanh trái phép trong những ngành nghề đòi hỏi giấy phép hoạt động, giấy phép đủ điều kiện kinh doanh.
2. Vi phạm quy định về hóa đơn
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định: “Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.”
Như vậy, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn theo quy định. Tuy nhiên, việc tuân thủ đầy đủ về nội dung xuất hóa đơn và thời điểm xuất hóa đơn chưa hoàn toàn đảm bảo doanh nghiệp thoát khỏi rủi ro pháp lý. Đặc biệt là việc Doanh nghiệp xuất hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong thời điểm doanh nghiệp chưa có giấy phép đủ điều kiện hoạt động. Cụ thể hành vi này có thể có thể được coi là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn theo quy định tại Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, cơ quan thuế, cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác có thể rà soát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nếu phát hiện hành vi này thì cơ quan chức năng trong phạm vi quyền hạn của mình có thể kết luận doanh nghiệp sử dụng không hợp pháp hóa đơn theo điểm e khoản 2 Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Khi bị kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn thì Doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp vi phạm còn bị buộc hủy các hóa đơn đã sử dụng trong thời gian không có giấy phép để khắc phục hậu quả, đảm bảo không làm sai lệch các giao dịch đã thực hiện.
3. Về khía cạnh hình sự
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, khi doanh nghiệp thực hiện hành vi gian dối, cố ý đánh lừa khách hàng để tạo lòng tin sử dụng hàng hóa, dịch vụ của mình thì người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015. Tội danh này được áp dụng đối với các cá nhân có hành vi sai phạm với mục đích thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tương tự mà còn tái phạm. Tức là Doanh nghiệp sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này mà chỉ cá nhân thực hiện hành vi trên mới có thể cấu thành tội Tội Lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, các cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trong các trường hợp nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Kết luận
Việc xuất hóa đơn khi chưa có giấy phép trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện không chỉ vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và hóa đơn mà còn có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự nếu hành vi bị coi là lừa dối khách hàng và đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Bộ luật Hình sự. Các doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu pháp lý để tránh rủi ro pháp lý, bảo vệ uy tín doanh nghiệp và quyền lợi khách hàng.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …