19

Th11

GHI SAI TÊN HÀNG HÓA, DỊCH VỤ TRÊN HÓA ĐƠN GTGT: XỬ LÝ THẾ NÀO?

Trong thực tiễn, các doanh nghiệp thường gặp phải tình huống kê khai sai tên nghiệp vụ kinh tế trên hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Ví dụ, dịch vụ thực tế là trám răng, nhưng hóa đơn lại ghi sai thành nhổ răng. Dù việc sai sót này không làm sai lệch số thuế phải nộp, tuy nhiên hành vi này vẫn được coi là vi phạm pháp luật và phải chịu chế tài theo quy định. Bài viết sau đây sẽ phân tích chi tiết quy định xử phạt và hướng dẫn khắc phục khi hóa đơn xuất sai tên hàng hóa dịch vụ, giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và tránh rủi ro không đáng có. Mời các bạn cùng theo dõi.

1. Xác định hành vi sai phạm đối với việc ghi sai tên hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn GTGT

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ:

a) Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;

b) Hóa đơn, chứng từ khống (hoá đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hoá, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả;

c) Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;

d) Hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác;

đ) Hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra;

e) Hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.

Như vậy, căn cứ theo điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP nêu trên thì việc ghi sai tên hàng hóa, dịch vụ trong hóa đơn được xem là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ bởi. Bởi mặc dù không làm sai số thuế phải nộp, nhưng hóa đơn này đã không thể hiện đúng các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế có thật trên thực tế. Ví dụ như tình huống ở đầu bài viết, Doanh nghiệp cung cấp “dịch vụ trám răng” nhưng hóa đơn lại xuất thành “dịch vụ nhổ răng”, thì kể cả khi các chỉ tiêu, nội dung khác trên hóa đơn đều đúng và khớp với dịch vụ nhổ răng, thì việc xuất hóa đơn này cũng được xem là không có thật trên thực tế. Do đó hóa đơn này được xem là hóa đơn khống, việc sử dụng hóa đơn này được xem là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.

2. Xử phạt đối với hành vi ghi sai tên hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn GTGT

Như đã đề cập, việc ghi sai tên hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn GTGT được xem là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ. Theo đó, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, cụ thể: Mức phạt tiền sẽ giao động từ từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đồng thời bên bán, cung ứng dịch vụ xuất hóa đơn sai sót còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.

Nếu hành vi sử dụng không hợp pháp hoá đơn nêu trên để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm thì có thể bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế theo điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, cụ thể:

“Điều 17. Xử phạt hành vi trốn thuế

1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

….

d) Sử dụng hoá đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hoá đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;

đ) Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hoá không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;

….

2. Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

3. Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.

4. Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.

5. Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.

Trường hợp hành vi trốn thuế theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định này.

b) Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.

7. Các hành vi vi phạm quy định tại điểm b, đ, e khoản 1 Điều này bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng không làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc chưa được hoàn thuế, không làm tăng số tiền thuế được miễn, giảm thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này.”

Nếu hành vi sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn;… thuộc trường hợp tại khoản 7 Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP nêu trên thì chỉ bị xử phạt theo khoản 3 Điều 12 Nghị định này. Cụ thể, mức phạt tiền sẽ từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau (nếu có).

3. Xử Lý Sai Sót Về Hóa Đơn Theo Quy Định

Theo Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, khi phát hiện hóa đơn có sai sót, doanh nghiệp phải thực hiện chỉnh sửa theo đúng quy trình để tranh rủi ro bị xử phạt hành chính về thuế và hóa đơn như sau:

[1] Trường hợp 1: Hóa đơn GTGT bị sai nội dung hàng hóa, dịch vụ chưa gửi cho người mua:

Người bán thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục 1A ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót và lập hóa đơn điện tử mới và lập hóa đơn điện tử mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua. Cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.

[2] Trường hợp 2: Hóa đơn GTGT bị sai nội dung hàng hóa, dịch vụ chưa gửi cho người mua thì người bán lựa chọn một trong hai cách xử lý hóa đơn như sau:

(i) Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.

(ii) Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh hoặc thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dựng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho hóa đơn điện tử mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).

Lưu ý: Hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu.

4. Kết luận

Mặc dù hành vi kê khai sai tên nghiệp vụ kinh tế trên hóa đơn không làm sai lệch số thuế phải nộp, nó vẫn là vi phạm hành chính và có thể bị xử phạt nặng. Doanh nghiệp cần chủ động kiểm soát và khắc phục sai sót hóa đơn kịp thời để tránh bị xử phạt và bảo vệ uy tín kinh doanh.

 

Cơ sở pháp lý:

[1] Điều 4, Điều 12, Điều 17, Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP;

[2] Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

 

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan