XÁC ĐỊNH THỜI GIAN TÍNH TIỀN CHẬM NỘP TIỀN THUẾ
Tiền chậm nộp thuế là một khoản phạt tài chính áp dụng khi người nộp thuế không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đúng hạn theo quy định pháp luật. Việc xác định chính xác thời điểm bắt đầu tính tiền chậm nộp thuế có ý nghĩa quan trọng, giúp doanh nghiệp và cá nhân tránh các rủi ro pháp lý, đồng thời bảo đảm quyền lợi của cơ quan thuế trong việc thu hồi các khoản nợ thuế. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy có nhiều tình huống khác nhau dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất về thời điểm bắt đầu tính tiền chậm nộp. Bài viết này sẽ phân tích quy định pháp luật hiện hành và đưa ra cách hiểu chính xác về thời gian tính tiền chậm nộp thuế, mời các bạn cùng theo dõi.
1. Xác định thời điểm tính tiền chậm nộp tiền thuế
Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019, Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Theo đó, thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo hoặc quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển được nộp vào ngân sách nhà nước.
Như vậy, thời điểm tính tiền chậm nộp tiền thuế sẽ bắt đầu từ ngày tiếp theo sau ngày cuối cùng nộp thuế theo quy định cho đến ngày liền kề trước ngày số tiền chậm nộp được thanh toán đầy đủ vào ngân sách nhà nước.
2. Một số trường hợp tính tiền chậm nộp tiền thuế
Căn cứ theo Điều 59 Luật quản lý thuế 2019, các trường hợp phải nộp tiền chậm nộp tiền thuế bao gồm:
a) Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định ấn định thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế;
Ví dụ: Công ty A có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2023 với hạn chót là ngày 30/04/2024. Nếu công ty không nộp đúng hạn, từ ngày 01/05/2024, số tiền thuế chưa nộp sẽ bắt đầu bị tính tiền chậm nộp. Nếu đến ngày 20/05/2024, Công ty A đã nộp đủ vào ngân sách nhà nước thì chỉ tính tiền chậm nộp từ ngayd 01/05/2024 đến ngày 19/05/2024.
b) Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng số tiền thuế phải nộp hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện khai thiếu số tiền thuế phải nộp thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế phải nộp tăng thêm kể từ ngày kế tiếp ngày cuối cùng thời hạn nộp thuế của kỳ tính thuế có sai, sót hoặc kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu;
Ví dụ: Công ty Y nộp tờ khai thuế Quý 2 năm 2024 và kê khai số thuế phải nộp là 200 triệu đồng. Sau đó, ngày 15/08/2024, công ty phát hiện sai sót và nộp tờ khai bổ sung, xác định số thuế đúng là 250 triệu đồng và đã nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 50 triệu trong ngày 15/08/2024. Như vậy, Công ty Y phải chịu tiền chậm nộp đối với 50 triệu đồng từ ngày 01/08/2024 đến ngày 14/08/2024 (do hạn nộp tiền thuế GTGT tháng 2 năm 2024 là 31/07/2024).
c) Người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm giảm số tiền thuế đã được hoàn trả hoặc cơ quan quản lý thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra phát hiện số tiền thuế được hoàn nhỏ hơn số tiền thuế đã hoàn thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền thuế đã hoàn trả phải thu hồi kể từ ngày nhận được tiền hoàn trả từ ngân sách nhà nước;
Ví dụ: Công ty Z được hoàn thuế GTGT 500 triệu đồng vào ngày 01/04/2024. Đến ngày 20/07/2024, cơ quan thuế xác định công ty chỉ được hoàn 400 triệu đồng và yêu cầu thu hồi 100 triệu đồng. Nếu công ty Z không hoàn trả đúng hạn, tiền chậm nộp sẽ tính từ ngày 02/04/2024.
d) Trường hợp được nộp dần tiền thuế nợ quy định tại khoản 5 Điều 124 của Luật này;
Ví dụ: Công ty A có khoản nợ thuế 1 tỷ đồng và được cơ quan thuế chấp thuận cho nộp dần trong 12 tháng. Nếu Công ty A chậm thanh toán một kỳ bất kỳ, tiền chậm nộp sẽ tính từ ngày quá hạn của kỳ đó.
đ) Trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế do hết thời hiệu xử phạt nhưng bị truy thu số tiền thuế thiếu quy định tại khoản 3 Điều 137 của Luật Quản lý thuế 2019.
Ví dụ: Công ty B kê khai thiếu thuế thu nhập cá nhân năm 2019, cơ quan thuế phát hiện vào năm 2024 nhưng đã hết thời hiệu xử phạt. Tuy nhiên, công ty vẫn bị truy thu số thuế thiếu và tính tiền chậm nộp từ ngày đến hạn nộp thuế của năm 2019.
e) Trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế đối với hành vi quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 142 của Luật Quản lý thuế 2019, cụ thể:
– Người nộp thuế khai sai dẫn đến làm thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn nếu đã khai bổ sung hồ sơ khai thuế và tự giác khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước thời điểm cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước thời điểm cơ quan thuế phát hiện không qua thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế hoặc trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện thì không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.
– Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, người nộp thuế không bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế nhưng vẫn phải nộp số tiền thuế còn thiếu và tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong các trường hợp sau đây:
+ Người nộp thuế đã khai bổ sung trước thời điểm cơ quan hải quan thông báo việc kiểm tra trực tiếp hồ sơ hải quan đối với hàng hóa đang làm thủ tục hải quan;
+ Người nộp thuế khai bổ sung trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông quan và trước thời điểm cơ quan hải quan quyết định kiểm tra sau thông quan, thanh tra đối với hàng hóa đã được thông quan.
Ví dụ: Công ty M kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2023 và nộp tờ khai vào ngày 31/03/2024. Đến ngày 15/06/2024, công ty phát hiện đã kê khai sai, dẫn đến số thuế phải nộp bị thiếu 300 triệu đồng. Trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra tại trụ sở hoặc phát hiện sai sót, Công ty M đã chủ động nộp tờ khai bổ sung và nộp đủ 300 triệu đồng vào ngày 16/06/2024. Trong trường hợp này, công ty không bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn phải nộp tiền chậm nộp tính từ ngày 01/04/2024 (hạn nộp thuế) đến ngày 15/06/2024.
g) Cơ quan, tổ chức được cơ quan quản lý thuế ủy nhiệm thu thuế chậm chuyển tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế vào ngân sách nhà nước thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chậm chuyển theo quy định.
Ví dụ: Ngân hàng D được cơ quan thuế ủy nhiệm thu thuế từ các hộ kinh doanh nhưng chậm chuyển khoản vào ngân sách nhà nước 5 ngày. Trong trường hợp này, ngân hàng D phải nộp tiền chậm nộp tương ứng với số tiền chậm chuyển.
3. Các trường hợp không tính tiền chậm nộp
Cũng theo khoản 5 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019, người nộp thuế sẽ không bị tính tiền chậm nộp tiền thuế trong các trường hợp sau đây:
a) Người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bao gồm cả nhà thầu phụ được quy định trong hợp đồng ký với chủ đầu tư và được chủ đầu tư trực tiếp thanh toán nhưng chưa được thanh toán thì không phải nộp tiền chậm nộp.
Số tiền nợ thuế không tính chậm nộp là tổng số tiền thuế còn nợ ngân sách nhà nước của người nộp thuế nhưng không vượt quá số tiền ngân sách nhà nước chưa thanh toán;
b) Các trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 55 của Luật quản lý thuế, cụ thể: Nộp thuế đối với hàng hóa phải phân tích, giám định để xác định chính xác số tiền thuế phải nộp; hàng hóa chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan; hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính thì không tính tiền chậm nộp trong thời gian chờ kết quả phân tích, giám định; trong thời gian chưa có giá chính thức; trong thời gian chưa xác định được khoản thực thanh toán, các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan.
Ngoài ra, người nộp thuế còn có thể được miễn tiền chậm nộp tiền thuế đối với các trường hợp bất khả kháng theo quy định tại khoản 27 Điều 3 của Luật Quản lý thuế 2019, bao gồm:
a) Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ;
b) Các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …