
SÁP NHẬP TỈNH CÓ PHẢI LÀM LẠI CÁC GIẤY TỜ NHƯ: SỔ ĐỎ, SĂN CƯỚC CÔNG DÂN, KHAI SINH, GIẤY PHÉP KINH DOANH,…
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Khi một số tỉnh được hợp nhất, đổi tên hoặc sáp nhập địa giới hành chính, người dân và doanh nghiệp thường băn khoăn về hiệu lực pháp lý của các loại giấy tờ cũ như sổ đỏ, căn cước công dân, giấy khai sinh, giấy phép kinh doanh,… Bài viết này sẽ phân tích cụ thể các quy định pháp luật hiện hành để giải đáp câu hỏi: Liệu khi sáp nhập tỉnh có phải làm lại các loại giấy tờ đó không? Nếu không làm lại thì sử dụng ra sao? Nếu làm lại thì trong trường hợp nào?
1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Theo điểm d khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai 2024, quy định: “Thay đổi ranh giới, mốc giới, kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu và địa chỉ của thửa đất” là một trong những trường hợp phải thực hiện đăng ký biến động đất đai.
Theo đó, việc đăng ký biến động đất đai trong trường hợp này được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu.
Như vậy, khi thay đổi tên địa danh hành chính thì người sử dụng đất không bắt buộc phải đăng ký biến động hay cấp đổi lại Giấy chứng nhận, trừ khi họ chủ động có nhu cầu cập nhật thông tin.
Ngoài ra, để minh bạch thông tin thông tin đất đai, khoản 21 Điều 13 Thông tư số 10/2024/TT-BTNMT cũng quy định rõ:
“Điều 13. Thông tin về biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất
…
21. Trường hợp thay đổi tên đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thể hiện: “Đổi tên … (ghi tên đơn vị hành chính trước thay đổi) thành … (ghi tên mới của đơn vị hành chính)”.
Ví dụ: Trường hợp thay đổi tên đơn vị hành chính huyện Từ Liêm thành quận Bắc Từ Liêm thì ghi: “Tên huyện thay đổi từ huyện Từ Liêm thành quận Bắc Từ Liêm”.
…”
Mặc khác, căn cứ theo Điều 14 Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025 quy định:
“Điều 14. Chuyển đổi giấy tờ, con dấu cho cá nhân, tổ chức
1. Việc chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức được thực hiện theo quy định tại Điều 10 của Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
2. Việc cấp, sử dụng con dấu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Chính phủ.”
Theo đó, Điều 10 của Nghị quyết số 190/2025/QH15 của Quốc hội quy định như sau:
“Điều 10. Văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp
1. Văn bản, giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền ban hành, cấp trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà chưa hết hiệu lực hoặc chưa hết thời hạn sử dụng thì tiếp tục được áp dụng, sử dụng theo quy định của pháp luật cho đến khi hết thời hạn hoặc được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ, thu hồi bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc cơ quan, người có thẩm quyền.
2. Không được yêu cầu tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp đổi giấy tờ đã được cơ quan, chức danh có thẩm quyền cấp trước khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước khi các giấy tờ này chưa hết thời hạn sử dụng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
…..”
Việc sáp nhập tỉnh hoặc thay đổi tên đơn vị hành chính không làm mất hiệu lực pháp lý của sổ đỏ đã được cấp trước đó. Người dân không bắt buộc phải làm lại sổ đỏ, trừ trường hợp họ có nhu cầu cập nhật địa danh mới hoặc thực hiện giao dịch đòi hỏi thông tin trùng khớp.
2. Căn cước công dân
Khoản 1 Điều 24 Luật Căn Cước 2023 quy định các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước như sau:
“Điều 24. Các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước
1. Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm:
a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;
b) Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;
c) Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;
d) Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;
đ) Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;
e) Xác lập lại số định danh cá nhân;
g) Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.”
Như vậy, người dân không bắt buộc phải đổi, cấp lại thẻ Căn cước khi sáp nhập tỉnh. Việc đổi thẻ Căn cước mới do sáp nhập tỉnh được thực hiện theo nhu cầu, người dân hoàn toàn có thể chủ động đi đổi thẻ nếu thấy cần thiết.
3. Giấy khai sinh
Theo quy định hiện hành, việc thay đổi địa danh hành chính không làm phát sinh nghĩa vụ phải làm lại giấy khai sinh. Cụ thể, căn cứ quy định tại khoản 1 điều 26 Luật Hộ tịch 2014, phạm vi thay đổi hộ tịch được quy định như sau:
“Điều 26. Phạm vi thay đổi hộ tịch
1. Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.
2.Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi.”
Như vậy, pháp luật chỉ quy định thay đổi hộ tịch trong trường hợp có căn cứ cụ thể liên quan đến nhân thân cá nhân như: thay đổi họ tên, cha mẹ, không bao gồm việc thay đổi địa giới hành chính, tên tỉnh, huyện, xã nơi đăng ký khai sinh. Do đó, nếu địa danh ghi trong giấy khai sinh không còn phù hợp do địa phương sáp nhập hoặc đổi tên, thì giấy khai sinh vẫn còn nguyên hiệu lực và không bắt buộc phải cải chính.
Thêm vào đó, theo Điều 14 Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15 và Điều 10 Nghị quyết 190/2025/QH15 của Quốc hội, các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trước thời điểm sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, nếu còn thời hạn sử dụng hoặc chưa bị thay thế, thì tiếp tục được áp dụng và sử dụng hợp pháp. Đồng thời, các cơ quan hành chính không được yêu cầu người dân phải làm lại giấy tờ chỉ vì lý do thay đổi địa danh hành chính.
4. Giấy phép kinh doanh
Theo Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2020, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp là một trong những thông tin thể hiện Giấy chứng nhân đăng ký doanh nghiệp. Trong đó, khoản 1 Điều 20 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định:
“Doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh khi thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quy định tại Điều 28 của Luật này”
Như vậy, về nguyên tắc, nếu địa chỉ trụ sở chính có sự thay đổi thực tế chẳng hạn như thay đổi địa điểm, phường, xã, quận, tỉnh thì doanh nghiệp phải đăng ký cập nhật với cơ quan đăng ký kinh doanh. Thủ tục này được thực hiện theo quy định tại Điều 63 Nghị định 01/2021/NĐ-CP,
Tương tự như Doanh nghiệp, Hộ kinh doanh cũng phải có trách nhiệm cập nhật lại giấy phép kinh doanh khi thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh trên giấy phép, cụ thể: Theo khoản 1 Điều 90 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: “Chủ hộ kinh doanh có trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.”
Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 14 Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15 và Điều 10 Nghị quyết 190/2025/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, theo hướng dẫn tại Công văn số 4370/BTC-DNTN ngày 5/4/2025 của Bộ Tài chính doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác không bắt buộc phải thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ vì địa giới hành chính thay đổi.
Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu tổ chức, cá nhân thay đổi thông tin về địa chỉ trụ sở chỉ do việc thay đổi địa giới hành chính.
Nếu doanh nghiệp, hộ kinh doanh có nhu cầu, hoặc khi thực hiện các thủ tục thay đổi khác (ví dụ: thay đổi người đại diện theo pháp luật, thay đổi ngành nghề kinh doanh, thay đổi vốn điều lệ…), thì có thể kết hợp việc cập nhật địa chỉ trong cùng một hồ sơ đăng ký.
5. Giấy phép lái xe
Theo khoản 2, Điều 62 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, các trường hợp người có giấy phép lái xe được đổi, cấp lại bao gồm:
a) Giấy phép lái xe bị mất;
b) Giấy phép lái xe bị hỏng không còn sử dụng được;
c) Trước thời hạn ghi trên giấy phép lái xe;
d) Thay đổi thông tin ghi trên giấy phép lái xe;
đ) Giấy phép lái xe nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng;
e) Giấy phép lái xe do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cấp khi có yêu cầu hoặc người được cấp không còn làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
…”
Ngoài ra, tại điểm d điều 21 Thông tư 12/2025/TT-BCA quy định về sát hạch, cấp giấy phép lái xe quy định về đổi giấy phép lái xe:
“Trường hợp ngày, tháng, năm sinh, họ, tên, tên đệm, quốc tịch, nơi sinh, nơi cư trú ghi trên giấy phép lái xe có sai lệch với căn cước công dân hoặc căn cước thì cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục đổi giấy phép lái xe mới phù hợp với thông tin ghi trong căn cước công dân hoặc căn cước”.
Như vậy, pháp luật không quy định bắt buộc phải đổi giấy phép lái xe do địa giới hành chính bị thay đổi sau khi tỉnh, huyện được sáp nhập. Trường hợp địa danh nơi cư trú được ghi trên giấy phép lái xe không còn trùng với tên hành chính hiện tại không làm mất hiệu lực của giấy phép lái xe, nếu các thông tin cá nhân khác như họ tên, ngày sinh, số giấy phép lái xe vẫn còn chính xác và có thể đối chiếu được với cơ sở dữ liệu dân cư.
Tuy nhiên, nếu địa chỉ cư trú ghi trên giấy phép lái xe không còn phù hợp với thông tin mới trên thẻ Căn cước công dân hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dẫn đến sự sai lệch trong giao dịch hành chính hoặc xác minh nhân thân, thì người dân có thể chủ động thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe để đảm bảo tính thống nhất. Việc này là hoàn toàn khuyến khích nhưng không bắt buộc.
6. Kết luận
Việc sáp nhập tỉnh, điều chỉnh địa giới hành chính không làm mất hiệu lực pháp lý của các loại giấy tờ đã được cấp như sổ đỏ, căn cước công dân, giấy khai sinh, giấy phép kinh doanh, giấy phép lái xe… Các giấy tờ này vẫn được tiếp tục sử dụng hợp pháp cho đến khi hết thời hạn hoặc có nhu cầu điều chỉnh từ phía người dân, doanh nghiệp.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …