
NHỮNG ĐỐI TƯỢNG PHẢI THAM GIA BHXH BẮT BUỘC TỪ NGÀY 01/07/2025
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, mang tính bắt buộc hoặc tự nguyện, nhằm bảo vệ người lao động và gia đình họ trước các rủi ro làm giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc tử vong. Với Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, việc xác định rõ các đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là cơ sở pháp lý quan trọng để thực thi đầy đủ nghĩa vụ và đảm bảo quyền lợi về lâu dài cho người lao động và người sử dụng lao động.
1. Khái quát các hình thức bảo hiểm xã hội
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người tham gia bảo hiểm xã hội khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, khi nghỉ hưu hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội hoặc do ngân sách nhà nước bảo đảm. [1]
Theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, hệ thống bảo hiểm xã hội bao gồm ba hình thức chính:
(i) Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tham gia.[2]
(ii) Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà công dân Việt Nam tự nguyện tham gia và được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.[3]
(iii) Bảo hiểm hưu trí bổ sung là loại hình bảo hiểm mang tính chất tự nguyện theo nguyên tắc thị trường nhằm bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ đóng góp của người sử dụng lao động hoặc của người sử dụng lao động và người lao động.[4]
2. Các nhóm đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 01/7/2025
Từ ngày 01/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 chính thức có hiệu lực, thay thế toàn diện Luật BHXH năm 2014. Một trong những nội dung trọng tâm của luật mới là việc mở rộng diện bao phủ đối tượng bắt buộc tham gia BHXH nhằm hiện thực hóa mục tiêu an sinh xã hội toàn dân.
Điều 2 Luật BHXH 2024 quy định 04 nhóm đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc cụ thể như sau:
Nhóm 1: Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
Theo khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2024, người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động
Bao gồm làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
b) Cán bộ, công chức, viên chức
c) Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu
d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân
đ) Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí
e) Dân quân thường trực
g) Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác;
h) Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí;
i) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương;
k) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;
l) Người làm việc không trọn thời gian
Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên nhưng làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất;
m) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ;
n) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Lưu ý:
Căn cứ theo khoản 5 Điều 2 Luật BHXH 2024: Người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khác nhau nêu trên thì việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định như sau:
a) Đối tượng quy định tại điểm a và điểm l nêu trên mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo hợp đồng lao động giao kết đầu tiên.
Trường hợp hợp đồng lao động đang sử dụng làm căn cứ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng mà hai bên không có thỏa thuận về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian tạm hoãn thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo thứ tự về thời gian có hiệu lực của hợp đồng được ký kết;
b) Đối tượng quy định tại điểm b và điểm i nêu trên đồng thời cũng thuộc đối tượng quy định tại điểm a hoặc điểm l khoản 1 Điều này thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đối tượng tương ứng quy định tại điểm b hoặc điểm i khoản 1 Điều này;
c) Đối tượng quy định tại điểm i và điểm n nêu trên làm việc tại nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã đầu tiên tham gia quản lý, điều hành;
d) Đối tượng quy định tại điểm g và điểm k nêu trên đồng thời thuộc đối tượng quy định tại một trong các điểm a, i và l nêu trên thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đối tượng tương ứng quy định tại điểm a, i hoặc l nêu trên theo thứ tự đến trước;
đ) Đối tượng quy định tại điểm k nêu trên đồng thời thuộc đối tượng quy định tại điểm m hoặc điểm n khoản 1 Điều này thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đối tượng quy định tại điểm k nêu trên;
e) Đối tượng quy định tại điểm m và điểm n khoản 1 Điều này đồng thời thuộc nhiều đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này thì việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ;
g) Đối tượng quy định tại điểm e nêu trên đồng thời thuộc đối tượng quy định tại điểm k hoặc điểm m nêu trên thì tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đối tượng quy định tại điểm e nêu trên.
Nhóm 2: Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam
Theo khoản 2 Điều 2 Luật BHXH 2024, Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây:
a) Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, cụ thể:
– Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
– Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
c) Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Nhóm 3: Người sử dụng lao động
Người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
– Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;
– Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và tổ chức cơ yếu;
– Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác;
– Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;
– Doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, hộ kinh doanh, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Nhóm 4: Các đối tượng khác
Căn cứ theo khoản 6 Điều 2 Luật BHXH 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng khác ngoài đối tượng nêu trên mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ.
3. Trường hợp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Căn cứ theo khoản 7 Điều 2 Luật BHXH 2024, trường hợp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
a) Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng.
Chính phủ quy định đối tượng hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
b) Lao động là người giúp việc gia đình;
c) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;
d) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;
Lưu ý: Đối với trường hợp c, d nêu trên: Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tuất hằng tháng thì người lao động hoặc thân nhân của người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động trước khi người lao động nghỉ việc hoặc chết vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng tiếp không được tính là thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành hoặc thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Trường hợp người lao động chấm dứt đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì có quyền đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Cơ sở pháp lý:
[1] Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
[2] Khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
[3] Khoản 4 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
[4] Khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2024;
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …