
LY HÔN XONG MỚI YÊU CẦU CẤP DƯỠNG, CHIA TÀI SẢN: CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
Trong thực tiễn xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình, không ít trường hợp các bên chỉ yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn, nhưng sau khi bản án ly hôn có hiệu lực, một hoặc cả hai bên mới phát sinh yêu cầu chia tài sản chung, yêu cầu cấp dưỡng cho con, hoặc tranh chấp quyền nuôi con. Điều này đặt ra một câu hỏi pháp lý quan trọng: Liệu pháp luật Việt Nam có cho phép giải quyết ly hôn trước, sau đó mới khởi kiện yêu cầu giải quyết việc nuôi con, cấp dưỡng, hoặc chia tài sản hay không? Bài viết này sẽ làm rõ quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng xoay quanh vấn đề này, giúp cá nhân có sự chuẩn bị đúng đắn trong từng giai đoạn xử lý vụ việc hôn nhân.
1. Khởi kiện ly hôn không bắt buộc phải yêu cầu giải quyết luôn việc chia tài sản hoặc cấp dưỡng nuôi con
Căn cứ Điều 28, Điều 29 và Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp và yêu cầu phát sinh trong quan hệ hôn nhân và gia đình, bao gồm: ly hôn, tranh chấp quyền nuôi con, yêu cầu cấp dưỡng và chia tài sản chung của vợ chồng.
Tuy nhiên, các yêu cầu này được pháp luật quy định liệt kê là các loại tranh chấp hoặc vụ việc độc lập, như vậy có thể được khởi kiện và giải quyết riêng biệt tùy theo ý chí của các đương sự.
Ngòai ra, hiện nay, không có quy định pháp luật nào bắt buộc các bên phải đưa ra đầy đủ tất cả yêu cầu liên quan đến tài sản, con chung, cấp dưỡng trong cùng một vụ án ly hôn.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.”
Như vậy, khi một bên vợ hoặc chồng nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn, họ hoàn toàn có quyền chỉ yêu cầu chấm dứt quan hệ hôn nhân, mà không bắt buộc phải đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung, quyền nuôi con hoặc cấp dưỡng nuôi con nếu chưa có nhu cầu hoặc các bên có thể tự thỏa thuận. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ chỉ giải quyết nội dung ly hôn theo đúng phạm vi yêu cầu được thể hiện trong đơn khởi kiện, và ghi nhận việc các vấn đề khác không được yêu cầu hoặc đã thỏa thuận.
2. Về quyền yêu cầu cấp dưỡng sau khi ly hôn
Căn cứ Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:
“Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”
Căn cứ Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Tại Điều 7 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng pháp luật giải quyết vụ việc HNGĐ quy định:
“Điều 7. Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Hôn nhân và gia đình
1. Trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng thì Tòa án giải thích cho họ việc yêu cầu cấp dưỡng cho con là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy người trực tiếp nuôi con có khả năng, điều kiện nuôi dưỡng và việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện thì Tòa án không buộc bên kia phải cấp dưỡng cho con.
….
4. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình phát sinh kể từ thời điểm cha, mẹ không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con là nghĩa vụ độc lập, phát sinh theo quy định của pháp luật, không phụ thuộc vào việc có yêu cầu tại thời điểm ly hôn hay không. Trong trường hợp chưa yêu cầu tại thời điểm giải quyết ly hôn, bên có quyền yêu cầu sau bằng một vụ kiện dân sự khác, và Tòa án có trách nhiệm thụ lý, giải quyết theo đúng quy định.
3. Về yêu cầu chia tài sản chung sau khi ly hôn
Theo khoản 1 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Trong trường hợp vợ chồng thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản thì Tòa án công nhận sự thỏa thuận đó; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Ngoài ra, khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn:
“Vợ chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có cả việc phân chia tài sản. Trường hợp không thỏa thuận được mà có yêu cầu thì Tòa án phải xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận hay theo luật định.”
Như vậy, việc chia tài sản chung vợ chồng có thể được giải quyết theo thỏa thuận của vợ, chồng hoặc do Tòa án quyết định. Hai vợ, chồng có thể yêu cầu phân chia tài sản ngay trong đơn ly hôn. Ngược lại, nếu trong đơn không đề cập đến vấn đề này thì tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung vợ chồng và sẽ được Tòa án giải quyết nếu có yêu cầu của một bên về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
4. Kết luận
Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam cho phép các bên đương sự linh hoạt trong việc đưa ra yêu cầu khi ly hôn, bao gồm cả quyền tách riêng các yêu cầu về nuôi con, cấp dưỡng hoặc chia tài sản để giải quyết sau. Việc không yêu cầu đồng thời tại thời điểm ly hôn không làm mất đi quyền khởi kiện sau này. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro tiềm ẩn như tẩu tán tài sản, tranh chấp kéo dài, hay khó khăn trong chứng minh, các bên nên cân nhắc giải quyết đồng thời các vấn đề về tài sản và con cái trong cùng một vụ án ly hôn nếu có thể. Việc này không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn giúp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp một cách toàn diện ngay từ đầu.
KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:
[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng – Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.
[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.
[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com
[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:
Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …