09

Th9

Ngày 04/09/2021 vừa qua, Bộ y tế đã ban hành Văn bản số 7330/BYT-KCB gửi Sở y tế các tỉnh thành, trong đó có đề cập đến việc sẽ tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với trường hợp người hành nghề tự ý bỏ việc hoặc vi phạm đạo đức hành nghề y trong bối cảnh dịch bệnh covid 19 diễn biến phức tạp. Văn bản này đã gây xôn xao trong dư luận, làm cho các y bác sỹ đang tham gia trong công tác tuyến đầu chống dịch trở nên hoang mang, lo lắng, thậm chí thất vọng vì chỉ đạo này của Bộ y tế.

 

Vậy theo quy định hiện hành, Bộ y tế có được quyền “thu hồi chứng chỉ hành nghề” trong các trường hợp như Bộ y tế đã nêu trong Văn bản 7330 vừa rồi hay không ?

Theo Khoản 1 Điều 29 Luật Khám chữa bệnh 2009, thì Bộ trưởng Bộ y tế hoặc Bộ trưởng Bộ quốc phòng, hoặc Giám đốc Sở y tế ra quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề trong 7 trường hợp sau đây:

– Chứng chỉ hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền;
– Chứng chỉ hành nghề có nội dung trái pháp luật;
– Người hành nghề không hành nghề trong thời hạn 02 năm liên tục;
– Người hành nghề được xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh;
– Người hành nghề không cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong thời gian 02 năm liên tiếp;
– Người hành nghề không đủ sức khỏe để hành nghề;
– Người hành nghề thuộc một trong các đối tượng: Đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo bản án, quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành bản án hình sự, quyết định hình sự của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên có liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, chỉ khi nào người hành nghề vi phạm những trường hợp nêu tại Khoản 1 Điều 29 Luật khám chữa bệnh thì mới có khả năng bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Chứng chỉ hành nghề. Người hành nghề tự ý bỏ việc tại nơi mà người hành nghề đang làm việc/ công tác hoặc có vi phạm đạo đức hành nghề (nhưng không thuộc các trường hợp trên) thì theo Luật sẽ không bị thu hồi chứng chỉ hành nghề.

** Về việc người hành nghề tự ý bỏ việc:
Người hành nghề dù là Người lao động đang làm việc cho các cơ sở tư nhân, hay cán bộ/công chức/viên chức đang công tác tại các cơ sở y tế công lập thì đều có quyền nghỉ việc/ thôi việc theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu người hành nghề đáp ứng đủ điều kiện để nghỉ việc/ thôi việc, thì được thực hiện quyền này theo quy định pháp luật, không ai có quyền cản trở hoặc ngăn cấm. Kể cả trong trường hợp người hành nghề vi phạm quy định về việc nghỉ việc không đúng quy định, thì người đó cũng không thuộc trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, mà chỉ phải chịu trách nhiệm theo các quy định pháp luật khác liên quan việc nghỉ việc không đúng quy định.

** Về việc người hành nghề vi phạm Đạo đức hành nghề Y và Dược:
Tương tự như phân tích ở trường hợp người hành nghề tự ý bỏ việc, trường hợp người hành nghề vi phạm đạo đức hành nghề nhưng không thuộc một trong các trường hợp theo khoản 1 Điều 29 Luật khám chữa bệnh, thì cũng không có căn cứ để cơ quan có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ của hành nghề khi xảy ra vi phạm này.

Từ những cơ sở nêu trên, nhận thấy rằng: Bộ y tế ban hành văn bản 7330 đề cập đến việc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề (tức thu hồi chứng chỉ hành nghề) khi người hành nghề tự ý bỏ việc hoặc vi phạm đạo đức hành nghề – có thể nói đây là nội dung trái luật. Nếu người hành nghề bị Bộ y tế hoặc cơ quan có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề nhưng không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật khám chữa bệnh, thì người hành nghề có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề của cơ quan đã ban hành quyết định đó theo quy định pháp luật.

LUẬT 3S | Ngày 09.09.2021
#Luatkhamchuabenh – #thuhoichungchihanhnghe – #luatyte #phapluatyduoc

Tin tức liên quan