01

Th10

CÁC TRƯỜNG HỢP MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Miễn trách nhiệm hình sự thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với hành vi do người phạm tội thực hiện. Đồng thời qua đó nhằm động viên, khuyến khích người phạm tội lập công chuộc tội, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng và giúp họ trở thành người có ích cho xã hội. Vậy, khi nào được miễn trách nhiệm hình sự? Người được miễn trách nhiệm hình sự có được xem là không có tội không? Cùng tham khảo vấn đề này qua bài viết sau của luật 3S nhé!

 

I. ĐỊNH NGHĨA

Miễn trách nhiệm hình sự được hiểu là trường hợp một người đã thực hiện tội phạm nhưng do đáp ứng các điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật mà không phải chịu hậu quả của việc thực hiện tội phạm đó.

Xét về bản chất pháp lý của miễn trách nhiệm hình sự. Đây là chế định nhân đạo được áp dụng đối với người mà hành vi của người đó đã thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể trong Bộ luật hình sự nhưng do người này có các điều kiện nhất định để được miễn trách nhiệm hình sự.

Việc miễn trách nhiệm hình sự có thể do cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án áp dụng (tùy theo từng giai đoạn của vụ án). Theo đó, nếu trong quá trình điều tra, truy tố hoặc xét xử, xét thấy hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và không cần buộc họ phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng, chống tội phạm.

Việc miễn trách nhiệm hình sự được thể hiện qua các văn bản tố tụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành như:

– Quyết định đình chỉ điều tra vụ án;

– Quyết định đình chỉ vụ án;

– Bản án của Tòa án trong đó có ghi nhận nội dung miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

(Điều 16, Điều 29, khoản 2 Điều 91, khoản 4 Điều 110 BLHS 2015)

 

II. CÁC TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Điều 29 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự như sau:

Thứ nhất, Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

Đây là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự có tính chất bắt buộc được áp dụng cho tất cả các loại tội phạm được quy định tại Điều 9 Bộ luật hình sự khi có đủ căn cứ pháp lý. Căn cứ để xác định do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là những quy định của Nhà nước bằng văn bản có liên quan đến hành vi phạm tội, các quy định này phải có tính pháp quy.

b) Khi có quyết định đại xá.

Theo quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam thì chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền quyết định đại xá (khoản 11 Điều 70 Hiến pháp năm 2013). Cơ sở để Quốc hội ban hành quyết định đại xá nhân dịp có những sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội. Văn bản đại xá do Quốc hội ban hành có hiệu lực đối với tất cả những hành vi phạm tội đã xảy ra trước khi ban hành văn bản đại xá thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu đã khởi tố, truy tố hoặc xét xử thì phải đình chỉ; nếu đã chấp hành xong hình phạt thì được coi là không có tiền án.

Thứ hai, Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;

Trường hợp này có thể hiểu là khi phạm tội họ là người nguy hiểm cho xã hội nhưng sau đó họ trở thành người tốt, có ích cho xã hội thì được coi là do có sự chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa để miễn trách nhiệm hình sự cho họ. Hoặc cũng có thể hiểu, chuyển biến tình hình này không xuất phát từ bản thân người phạm tội mà do tình hình xã hội thay đổi nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, nguyên nhân họ không còn nguy hiểm cho xã hội chính là do tình hình xã hội thay đổi chứ không phải do nỗ lực của bản thân họ.

b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;

Đây là điểm mới thể hiện tính nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam. Người mắc bệnh hiểm nghèo là người mắc các bệnh dễ dẫn đến tử vong, bệnh hiểm nghèo phải nằm trong danh mục do Bộ Y tế quy định và do Hội đồng giám định y khoa xác định. Nếu người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn còn nguy hiểm cho xã hội thì không được miễn trách nhiệm hình sự. Việc đánh giá một người không còn nguy hiểm cho xã hội nữa phải căn cứ vào nhiều yếu tố, phải khách quan toàn diện và hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng.

c) Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Thứ ba, Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Trường hợp này người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau: Thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tù đến 03 năm hoặc tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội  lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt đến 07 năm tù, do lỗi vô ý; gây ra hậu quả làm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác; tự nguyện hòa giải và người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.

Thứ tư, miễn trách nhiệm hình sự đối với người dưới 18 tuổi

Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo khoản 2, khoản 4 Điều 91 BLHS 2015 quy định người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này, thì có thể được miễn và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 Chương này:

a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ tội phạm quy định tại các điều 134, 141, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật này, trừ tội phạm quy định tại các điều 123, 134, 141, 142, 144, 150, 151, 168, 171, 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật này;

c) Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án.

Theo đó, các biện pháp được quy định tại mục 2 chương XII áp dụng đối với người phạm tội dưới 18 tuổi bao gồm: Khiển trách (Điều 93); Hòa giải tại cộng đồng (Diều 94); Giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 95);

 

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

1. Miễn trách nhiệm hình sự có phải là không phạm tội?

Thực tế, việc xác định một người được miễn trách nhiệm hình sự có được coi là không có tội hay không đến nay vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều.

Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì: Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”

Như vậy, nếu căn cứ quy định này thì, ngay cả trong trường hợp người tiến hành tố tụng đã chứng minh và làm sáng tỏ căn cứ về hành vi phạm tội của người bị buộc tội, nhưng do có các điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự và người này được miễn trách nhiệm hình sự thì đương nhiên nếu diễn ra ở giai đoạn điều tra, truy tố, vụ án sẽ được đình chỉ. Khi đó, người bị buộc tội sẽ không bị kết tội bởi bản án. Hoặc tại giai đoạn xét xử thì bản án của Tòa án cũng sẽ ghi nhận về việc miễn trách nhiệm hình sự. Thì có thể kết luận người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự là người không có tội, do không bị kết, tội bởi bản án hoặc có bản án nhưng không kết tội mà chỉ ghi nhận miễn trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, cần lưu ý một điều rằng, cơ sở của việc miễn TNHS cũng xuất phát từ cơ sở của TNHS, tức là hành vi phạm tội của người phạm tội thuộc những điều kiện mà luật quy định có thể được miễn TNHS nên người phạm tội trong trường hợp đó được miễn. Như vậy việc miễn TNHS chỉ có thẻ áp dụng đối với người có hành vi phạm tội và không thể miễn đối với người không phạm tội hoặc không đủ căn cứ để xác định được hành vi của người đó là hành vi phạm tội.

Như vậy, người được miễn TNHS là người có hành vi phạm tội nhưng được miễn truy cứu TNHS trong những trường hợp nhất định chứ không phải người không phạm tội. Việc miễn này có thể do cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án áp dụng (tùy theo từng giai đoạn của vụ án).

Ngoài ra, dựa vào các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự tại Điều 29 BLHS cũng có thể thấy, người phạm tội thuộc các căn cứ này đều đã thực hiện hành vi phạm tội, gây nguy hiểm cho xã hội và bị pháp luật truy cứu nhưng chưa đến mức phải kết tội mà được chính sách khoan hồng theo quy các căn cứ luật định do hậu quả không còn đáng kể nữa.

2. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự do người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Đây là điểm mới thể hiện tính nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam. Người mắc bệnh hiểm nghèo là người mắc các bệnh dễ dẫn đến tử vong, bệnh hiểm nghèo phải nằm trong danh mục do Bộ Y tế quy định và do Hội đồng giám định y khoa xác định. Nếu người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn còn nguy hiểm cho xã hội thì không được miễn trách nhiệm hình sự. Việc đánh giá một người không còn nguy hiểm cho xã hội nữa phải căn cứ vào nhiều yếu tố, phải khách quan toàn diện và hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Đây là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự có tính chất tùy nghi, vì vậy có những quan điểm khác nhau khi áp dụng.

3. Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự vì trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Trong trường hợp này, việc lập công như thế nào được xác định là lập công lớn. Cống hiến như thế nào là cống hiến đặc biệt. Những nội dung này chưa có văn bản nào hướng dẫn. Được xã hội thừa nhận là một việc rất khó khăn, nhưng chưa có cơ sở chứng mình và ai chưng minh cho việc được dược xã hội chấp nhận ai cũng là điều chưa rõ ràng. Có thể thấy, đây là trường hợp miễn trách nhiệm hình sự không có tính bắt buộc, chỉ mang tính tùy nghi, vì vậy có những hướng dẫn cụ thể để khi áp dụng được thống nhất tranh sự tùy nghi trong việc áp dụng pháp luật về tố tụng hình sự hiện nay.

 

Tham khảo

– Hiến pháp 2013;

– Bộ luật hình sự 2015;

– Bộ luật tố tụng hình sự 2015;

– lsvn.vn;

– Tạp chí Tòa án.

 

KHUYẾN NGHỊ CỦA LUẬT 3S:

[1] Đây là Bài viết khái quát chung về vấn đề pháp lý mà quý Khách hàng, độc giả của Luật 3S đang quan tâm, không phải ý kiến pháp lý nhằm giải quyết trực tiếp các vấn đề pháp lý của từng Khách hàng. Do đó, bài viết này không xác lập quan hệ Khách hàng –  Luật sư, và không hình thành các nghĩa vụ pháp lý của chúng tôi với quý Khách hàng.

[2] Nội dung bài viết được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý là các quy định pháp luật có hiệu lực ngay tại thời điểm công bố thông tin, đồng thời bài viết có thể sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy (nếu có). Tuy nhiên, lưu ý về hiệu lực văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã thay đổi hoặc hết hiệu lực tại thời điểm hiện tại mà mọi người đọc được bài viết này. Do đó, cần kiểm tra tính hiệu lực của văn bản pháp luật trước khi áp dụng để giải quyết các vấn đề pháp lý của mình hoặc liên hệ Luật 3S để được tư vấn giải đáp.

[3] Để được Luật sư, chuyên gia tại Luật 3S hỗ trợ tư vấn chi tiết, chuyên sâu, giải quyết cho từng trường hợp vướng mắc pháp lý cụ thể, quý Khách hàng vui lòng liên hệ Luật 3S theo thông tin sau: Hotline: 0363.38.34.38 (Zalo/Viber/Call/SMS) hoặc Email: info.luat3s@gmail.com

[4] Dịch vụ pháp lý tại Luật 3S:

Tư vấn Luật | Dịch vụ pháp lý | Luật sư Riêng | Luật sư Gia đình | Luật sư Doanh nghiệp | Tranh tụng | Thành lập Công ty | Giấy phép kinh doanh | Kế toán Thuế – Kiểm toán | Bảo hiểm | Hợp đồng | Phòng pháp chế, nhân sự thuê ngoài | Đầu tư | Tài chính | Dịch vụ pháp lý khác …

Tin tức liên quan